2022-04-07 18:11:48

Sáu mục tiêu của Putin ở Ukraine

Nga đã thua trong trận chiến giành Kyev, nhưng cuộc chiến xâm lược của Nga ở Ukraine vẫn chưa kết thúc. Cuộc chiến có thể tiếp diễn như thế nào và Vladimir Putin đang tự đặt ra những mục tiêu chiến lược nào?

Đầu tiên, trước khi bàn về vấn đề nêu trên, tôi muốn lưu ý mọi người rằng những thông tin giúp tôi đánh giá dưới đây không phải do tổng thống Putin thì thầm vào tai tôi hay do chúng xuất hiện trong giấc mơ của tôi. Tôi cũng không tin tưởng một cách mù quáng vào các nguồn thường được trích dẫn trên các phương tiện truyền thông phương Tây. Các báo cáo tình báo, báo cáo từ các nhà báo tại chỗ, báo cáo từ binh lính Ukraine và dân thường Ukraine hay các báo cáo được cho là từ các tù nhân chiến tranh Nga. Tất cả những báo cáo này đều có những hạn chế của chúng. Nhiều báo cáo liên quan đến những lợi ích riêng: phủ nhận những hành động tàn bạo của Nga hoặc nhấn mạnh chúng càng nhiều càng tốt. Như người ta thường nói: trong một cuộc chiến - bất kỳ cuộc chiến nào, không có ngoại lệ - sự thật luôn là nạn nhân đầu tiên.

Do đó, không chỉ dựa trên nhiều tuyên bố của Putin, mà còn dựa trên lịch sử của nước Nga mà tôi đã nghiên cứu (trong đó có cuốn sách "Tôi, Stalin"), tôi cho rằng Putin và các cố vấn của ông ta có sáu mục tiêu trong cuộc chiến với Ukraine. Tôi liệt kê chúng ở đây theo thứ tự từ mục tiêu có khả năng thực hiện cao nhất đến mục tiêu ít có khả năng nhất.

-       Mục tiêu số một là chiếm Donbas của Ukraine và toàn quyền kiểm soát nó.  

Như bản thân Lenin đã lưu ý trong những năm cuối đời, Donbass có tiềm năng công nghiệp to lớn do trữ lượng than và quặng sắt khổng lồ: Chỉ cần tổ chức có hiệu quả để khai thác những mỏ này - ý ông muốn nói là cách tổ chức của Bolshevik. Dưới thời Stalin - từ kế hoạch 5 năm đầu tiên vào năm 1928 - các bánh xe đã bắt đầu chuyển động. Và không tính đến thời Chiến tranh thế giới thứ hai, khi quân Đức chiếm đóng khu vực này và phá hủy nó gần như đến viên đá cuối cùng, bánh xe quay ở đó liên tục cho đến khi bùng nổ cuộc xung đột hiện nay. Trong tất cả các mục tiêu chiến tranh của Putin, đây là mục tiêu có nhiều khả năng thành hiện thực nhất.

-       Mục tiêu số hai là cung cấp một kết nối trên bộ giữa Nga và Biển Đen hay là kết nối đất liền với Crimea

Ngay cả Frederick Đại đế cũng từng nói rằng một tỉnh có thể đến được bằng đường bộ có giá trị gấp mười lần so với một tỉnh không có kết nối đất liền. Lịch sử đấu tranh của người Nga để có được một cảng quanh năm không bị đóng băng vào mùa đông là ví dụ điển hình nhất cho điều này (các cảng khác của Nga đều nằm trong các vùng có băng giá – ND).

Việc chiếm được hành lang giữa Mariupol và Crimea sẽ góp phần đáng kể vào việc giải quyết vấn đề này. Một hành lang như vậy cũng sẽ làm phức tạp đáng kể bất kỳ nỗ lực nào trong tương lai của Ukraine nhằm giành lại Crimea, vốn đã bị Nga sáp nhập vào năm 2014. Mục tiêu này cũng chắc chắn nằm trong tầm tay của Putin.

-       Kiểm soát chính trị

Mục tiêu số ba là nhằm đảm bảo rằng bất kỳ chính phủ Ukraine nào trong tương lai sẽ phải phục vụ lợi ích của Nga. Điều này có nghĩa là chính phủ ở Kiev sẽ cộng tác đắc lực với Nga và các căn cứ quân sự của Nga sẽ được thiết lập ở nước này nếu cần thiết. Điều này sẽ giống như hoạt động của hệ thống mà Liên Xô đã tạo ra ở Đông Âu trong những năm 1945-1989. Trong tình hình hiện tại, mục tiêu này gần như chắc chắn sẽ không thể đạt được.

-       Mục tiêu thứ tư: Khu vực an ninh của đế chế

Chúng ta không bao giờ được quên rằng Nga là một quốc gia không có Ukraine, nhưng Nga với Ukraine là một đế chế. Mục tiêu của Putin, như chính ông thường nói, là đảo ngược "thảm họa" 1989-1991, khi Liên Xô mất vùng an ninh này vào tay phương Tây.

Trong Chiến tranh Lạnh, biên giới giữa Đông-Tây và Matxcova là khoảng 2.000 km. Tuy nhiên, sau khi miền đông nước Đức, các nước Baltic, Ba Lan, Slovakia, Hungary, Romania và Moldova tuột khỏi tầm kiểm soát của Moscow, khoảng cách đã giảm đi một nửa. Hiện nay, nếu Ukraine gia nhập NATO, nó sẽ là khoảng 850 km.

Đối với hầu hết những người không phải là người Nga, vùng an toàn 850 km có vẻ lớn - với tôi cũng vậy, vì tôi là một người Israel lớn lên ở một đất nước mà vùng an toàn lúc nào cũng không quá 16 km. Nhưng bạn có thể hiểu rằng người Nga, những người đã trải qua hai cuộc xâm lược trong thế kỷ 20, giết chết hàng triệu người, lại nhìn nhận điều đó theo cách khác. Ít nhất, không chỉ Putin nghĩ như vậy. Tuy nhiên, với thực tế hiện nay, Putin gần như chắc chắn sẽ không đạt được mục tiêu thứ tư này của mình.

-       Mục tiêu thứ năm: Công nhận một nước Nga hùng mạnh và văn minh

Đó là sự công nhận về quy mô, sức mạnh, sự phát triển và văn hóa, mà Nga tin rằng họ xứng đáng có được. Theo lịch sử, Nga thường xuyên bị phương Tây đánh giá thấp và coi thường. Phương Tây luôn coi Nga là một quốc gia lạc hậu, thiếu cả một chính phủ xứng đáng và nhiều tiện nghi cho một cuộc sống văn minh. Trong khoảng 300 năm, giới trí thức Nga - tức là thành phần được giáo dục trong xã hội đã nhận thức được điều này và có ác cảm với phương Tây. Theo tôi, Mục tiêu này chắc chắn sẽ không đạt được.

Mục tiêu thứ sáu: Xác định vị trí của Putin trong lịch sử

Mục tiêu này liên quan trực tiếp đến những mục tiêu nói trên. Putin muốn một vị trí trong lịch sử mà ông tin rằng ông là người thừa kế của Alexandr Nevsky, Ivan III Vasilyevich, Peter Đại đế, Catherine Đại đế và Stalin.

Nevsky đã đẩy lùi những người Estonia, Thụy Điển, Đan Mạch và các Hiệp sĩ thập tự. Ivan đã đánh bại những người vùng Bantic và quân Tatar và là người thành lập nhà nước Nga với trung tâm ở Moscow, "Rome thứ ba". Peter đã đẩy người Thụy Điển và người Ba Tư ra xa và đã có những nỗ lực to lớn để hiện đại hóa nước Nga. Catherine đã có công sáp nhập Ukraine (dưới sự cai trị của bà ấy, chính quyền Nga trở nên hùng mạnh trên Biển Đen) và một phần của Ba Lan. Stalin đã đưa Liên Xô lên đến đỉnh cao, và phần còn lại của thế giới run sợ trước ông. Mục tiêu này của Putin chắc chắn cũng sẽ không thể đạt được.

Nhận xét cuối cùng: theo quan điểm của phương Tây, tất cả những người cầm quyền ở Nga đều là những kẻ chuyên quyền thuộc loại tồi tệ nhất, họ cai trị bằng các hình phạt, trại lao động và giá treo cổ. Nhưng Putin lại nhìn nhận điều đó theo cách khác. Theo ông, Nga không cần chủ nghĩa tự do hay dân chủ, bởi vì ông tin rằng người Nga, không giống như người dân phương Tây, tin tưởng các nhà lãnh đạo của họ.

Tác giả: Martin van Creveld – nhà lý luận và lịch sử quân sự người Israel 

Người dịch: Xuân Nguyên

(Nguồn: https://www.onet.pl/informacje/onetwiadomosci/wojna-rosja-ukraina-szesc-celow-putina-w-ukrainie-dwa-wydaja-sie-realne/5tllcdc,79cfc278)

Sửa lần cuối 2022-04-08 06:57:09

Bình luận

Bình luận qua Facebook