2024-03-10 09:02:35

Nông dân Ba Lan đang gặp những khó khăn gì?

Trong những tuần vừa qua, nông dân Ba Lan liên tục biểu tình. Nhiều người thắc mắc và đặt ra những câu hỏi đại loại như: Nông dân đang gặp những vấn đề gì mà không thể giải quyết? Có phải nông dân Ba Lan nghèo đói nên phải đấu tranh? Và liệu mối đe dọa đối với họ có thực sự đến từ Kiev và Brussels không?

Thực ra, nông dân Ba Lan không phải là một nhóm xã hội nghèo. Nông thôn Ba Lan hiện nay đã thay đổi rất nhiều sau khi nước này gia nhập Liên minh Châu Âu. Có người nói rằng sau khi đi xa trở về đã không thể nhận ra làng mình. Điều này có nghĩa là sự hỗ trợ tài chính từ ngân sách EU, bao gồm các khoản thanh toán trực tiếp và quỹ đã góp phần hiện đại hóa các trang trại và khu vực nông thôn.

Số liệu của Cục Thống kê Trung ương Ba Lan cho thấy vào năm 2022, thu nhập thực (tức là thu nhập sau khi trừ thuế và bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế) của mỗi thành viên trong hộ gia đình của nông dân trung bình là 2.328 PLN. Con số này nhiều hơn mức trung bình của một viên chức (hay người làm thuê - 2.251 PLN). Các hộ nông dân không chỉ có thu nhập cao hơn mà còn chi phí hàng tháng ít hơn do chi phí sinh hoạt ở nông thôn thường thấp hơn. Doanh nhân có thu nhập cao hơn nông dân nhưng họ lại phải chịu chi phí cao hơn nhiều. Thí dụ: Những khoản đóng góp mà nông dân phải trả cho Quỹ Bảo hiểm Xã hội Nông nghiệp (tương đương với ZUS) thấp hơn rất nhiều so với những khoản đóng góp của các doanh nhân. Những người dân thành phố, đôi khi nhìn vào những chiếc máy kéo (của nông dân) trị giá hàng trăm nghìn zloty còn tin rằng nhiều vùng nông thôn Ba Lan ngày nay đã là ốc đảo giàu có.

Mức sống ở nông thôn cao hơn ở thành phố về nhiều mặt. Ví dụ, nông dân không bị ảnh hưởng bởi vấn đề liên quan đến chỗ ở. Diện tích trung bình của một căn hộ hoặc nhà ở của các gia đình nông dân là hơn 140 m2, để so sánh, đối với những người là viên chức hoặc làm thuê, diện tích trung bình là 87 m2, và đối với những người tự kinh doanh - 106 m2. Thống kê cho thấy có đến 94% nông dân có nhà riêng, chỉ có 2% sống trong các khu chung cư. Điều này là do nông dân thường được thừa kế các trang trại cũng như những nhà ở của ông bà, bố mẹ.

Vậy tại sao nông dân lại bất bình và đặt ra những yêu cầu với chính phủ?

Vấn đề thứ nhất: Nông dân Ba Lan phản đối và muốn ngăn chặn các sản phẩm nông sản thực phẩm từ Ukraine tràn vào.

Sau khi Nga tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược và bị phong tỏa các cảng trên Biển Đen, Ukraine bắt đầu tìm kiếm những phương thức vận chuyển hàng hóa mới. Ba Lan đã trở thành một trong những hành lang quá cảnh. Tuy nhiên, những sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt là ngũ cốc được cho là sẽ quá cảnh vẫn đọng lại một phần lớn trong Ba Lan. Vào cuối tháng 6, dự trữ (cũng có nghĩa là dư thừa) ngũ cốc ở châu Âu sẽ lên tới khoảng 28 triệu tấn, trong số đó có chín triệu tấn ở Ba Lan, chiếm khoảng 25% tổng sản lượng nông nghiệp. Hiện tại, EU vẫn chưa có các quy định cụ thể nhằm giải tỏa số lương thực dư thừa nói trên. Ngoài ra là tâm lí lo hàng nông sản giá rẻ (do được giảm hoặc miễn trừ thuế) từ nước láng giềng phía đông vẫn tiếp tục tràn vào không được kiểm soát luôn là nỗi ám ảnh lớn.

Vấn đề thứ hai là Chiến lược Xanh của châu Âu

Thỏa thuận xanh (Zielony Ład - Green Deal) của châu Âu là chương trình về chuyển đổi sinh thái dài hạn của Liên minh châu Âu nhằm ứng phó với các vấn đề khẩn cấp về khí hậu đến năm 2050. Gói này bao gồm các chương trình ​​trong lĩnh vực khí hậu, môi trường, năng lượng, giao thông, công nghiệp, tài chính bền vững và áp đặt nhiều nghĩa vụ đối với nông dân. Thỏa thuận Xanh đưa ra vấn đề giảm lượng khí thải carbon dioxide từ các hoạt động nông nghiệp. Ngoài ra, cũng bao gồm: giảm 30% lượng thuốc trừ sâu sử dụng (đến năm 2030), giảm 20% việc sử dụng phân bón cũng như thuốc kháng sinh, giao thêm đất cho mục đích phi nông nghiệp và tăng diện tích đất sử dụng cho sản xuất tạo ra các sản phẩm sinh thái. Những quy định nói trên buộc nông dân phải tăng thêm chi phí đầu tư cho sản xuất và chuyển giao công nghệ.

Tuy nhiên, Thỏa thuận Xanh và thương mại với Ukraine không phải là nguyên nhân duy nhất gây ra các vấn đề của nông dân. Tình hình khó khăn trong nông nghiệp còn liên quan đến sự sụt giảm lợi nhuận trong sản xuất nông nghiệp. Theo các chuyên gia, do xảy ra chiến tranh ở Ukraine, giá cả đầu vào trong nông nghiệp đã tăng vọt trong những năm qua và đến nay vẫn chưa quay trở lại mức trước chiến tranh. Chi phí cho lao động sản xuất, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cao khiến nông dân thu được lợi nhuận rất thấp hoặc không có lợi nhuận. Ước tính, thu nhập của nông dân đã giảm hơn 40% trong một năm và chi phí thì vẫn ở mức tương tự. Các chuyên gia kinh tế cho rằng đã đến lúc phải thay đổi căn bản chính sách nông nghiệp chung của Liên minh và chính sách nông nghiệp của Ba Lan. Có người chỉ trích rằng, trong những năm qua, ngành nông nghiệp ở Liên minh Châu Âu do các luật sư phụ trách, còn nông nghiệp ở Ba Lan do các bộ trưởng không có trình độ học vấn và không được đào tạo về nông nghiệp phụ trách, các thứ trưởng thì đều là những người chưa từng làm nông nghiệp. Ông Jerzy Plewa, người phụ trách vấn đề nông nghiệp trong chính phủ Ba Lan và Ủy ban Châu Âu nói rằng việc mở cửa thị trường Ukraina ở Ba Lan đã được chuẩn bị sơ sài và mắc nhiều sai sót. Trong khi đó, người Rumania đã giải quyết các vấn đề này cùng với Ukraine và EU tốt hơn nhiều.

Trong thời gian qua, chính phủ của ông Donald Tusk đã có những cuộc gặp gỡ với các tổ chức đại diện của nông dân Ba Lan và các nhà lãnh đạo EU nhằm giải quyết những vấn đề nói trên. Cuộc họp gần nhất với thủ lĩnh các nhóm biểu tình trong khuôn khổ “Hội nghị thượng đỉnh nông nghiệp” được tổ chức vào ngày 9/03/2024, với sự có mặt của Thủ tướng Donald Tusk, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Czesław Siekierski và Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Michał Kołodziejczak.

Phía chính phủ hứa rằng vào ngày 15 tháng 3 có thể cho biết những thay đổi nào sẽ được thực hiện đối với Thỏa thuận Xanh. Cho đến nay, chính phủ Ba Lan khảng định đã lên tiếng mạnh mẽ nhất về những thay đổi này so với các nước khác trong Liên minh châu Âu. Tuy nhiên, việc rút khỏi các quy định của Thỏa thuận Xanh hiện nay là không đơn giản, không tùy thuộc vào một quốc gia hay một Thủ tướng. Thủ tướng nói rằng ông sẽ cố gắng thuyết phục Ủy ban châu Âu về những thay đổi nhưng sẽ không đóng cửa biên giới với Ukraine. Thay vào đó, sẽ giải quyết sự tồn đọng ít nhất 4-5 triệu tấn ngũ cốc. Và nguồn tài chính để giải quyết việc này sẽ lấy từ ngân sách nhà nước. Ông cũng lưu ý rằng cuộc họp này không có ý nghĩa đàm phán với nông dân mà là thông báo cho họ về các hành động đã và sẽ thực hiện để đi đến sự thỏa hiệp của cả hai bên.

Trong tháng này, các cuộc biểu tình của nông dân châu Âu cũng lan rộng khắp nơi. Hàng nghìn nông dân đã biểu tình ở trung tâm Madrid, yêu cầu chính phủ và Liên minh châu Âu hỗ trợ cho ngành nông nghiệp Tây Ban Nha. Biểu tình của nông dân cũng đã diễn ra ở Brussels. Họ nói Liên minh Châu Âu đã không lắng nghe yêu cầu của họ. Trước đó, nông dân đã biểu tình ở Đức, Pháp, Romania, Ý và Ireland. Tình hình chung là “sản xuất nông nghiệp không đủ sống”, bởi vì giá hàng hóa thấp hơn chi phí sản xuất.

Xuân Nguyên (Tổng hợp từ các báo Ba Lan)

Sửa lần cuối 2024-03-10 08:02:35

Bình luận

Bình luận qua Facebook