Lời xưng hô giữa vợ và chồng trong một gia đình thể hiện nếp văn hoá, tình cảm, sự hòa hợp trong đời sống hôn nhân gia đình. Qua cách xưng hô ta có thể thấy rõ sắc thái tình cảm giữa vợ và chồng: yêu thương, giận dỗi, xung đột, bất hòa… Trong bài viết này chúng tôi xin trình bày lời xưng hô giữa vợ và chồng ở cung bậc tình cảm mặn nồng, gắn bó, thân mật.
Cặp xưng hô phổ biến nhất giữa vợ và chồng là : Anh – Em.
- Anh ơi, chiều nay nhớ đón con hộ em nhé!
- Em ơi, ủi cái áo này giùm anh.
Hạnh phúc
Người vợ xưng em, gọi chồng là anh và ngược lại. Cách xưng hô này được dựa trên nguyên tắc về tôn ti trong gia đình người Việt, người chồng luôn đứng ở vai cao hơn (dù có nhỏ tuổi hơn vợ) người chồng luôn xưng anh. Cặp đại từ nhân xưng Anh – Em được dùng trong nhiều hoàn cảnh giao tiếp, trong nhiều cung bậc tình cảm khác nhau nên chúng ta có cảm giác nó đã trở thành “trung tính”, không diễn tả được hết cung bậc tình cảm mặn nồng của quan hệ vợ chồng. Vì thế, để thể hiện sắc thái tình cảm sâu sắc, tha thiết hơn các cặp vợ chồng đã lựa chọn cho mình cách xưng gọI riêng qua các cặp xưng hô như
Anh – Mình (chồng xưng và gọi vợ)
- Mình ơi, anh đã về rồi đây!
Em - Mình (vợ xưng và gọi chồng)
- Em mua cho mình cái áo mới này, mình mặc thử xem.
Người ta – mình
- Mình vắng nhà khiến người ta thấy cô đơn lắm đấy.
Các cặp xưng gọi thân mật trên thường được các cặp vợ chồng trẻ sử dụng.
Khi đã có tuổi, tình cảm đã trải qua một thời gian dài, thì vợ và chồng cũng có sự thay đổi trong cách xưng hô:
Xưng bằng các đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất (tôi, ta, em) và gọi người kia bằng thiên chức hay tên vai trong quan hệ gia đình như (Bố - ba / Mẹ - má) + định ngữ xác định thêm cho vai đó.
- Má thằng Hùng vào xem tivi với tôi này.
- Ba con Dung rửa tay đi ăn cơm cho nóng
Trong kiểu xưng hô này thì thiên chức hay vai trong gia đình thường cộng thêm với tên con lớn hay con út.
Một kiểu xưng hô thân mật khác: thiên chức/ tên vai + tên riêng của người đó
- Mẹ Thủy ơi, chiều nay tôi đi làm về trễ, cả nhà cứ ăn cơm trước nhé (tên vợ là Thủy)
- Bố Hùng đã về đấy hả? (Chồng tên Hùng)
Cặp xưng hô: thiên chức/ tên vai + mày/nó cũng thể hiện tình cảm thân mật nhưng hết sức giản dị, dân dã, thường xảy ra trong giao tiếp giữa các cặp vợ chồng ở nông thôn.
- Hôm nay mẹ nó đi chợ nhớ mua cá về nấu cho tôi chén canh chua nhá.
- Bố nó có chuyện gì mà hút thuốc nhiều thế?
Về nhà
Cũng có những cặp xưng hô tương tự như các kiểu trên nhưng được biến tấu, giản lược hơn: xưng gọi bằng thiên chức/ tên vai theo cả hai chiều.
- Mẹ lấy cho bố cái kéo trên bàn (người chồng nói với vợ mình)
- Bố xách cho mẹ hai thùng nước với (vợ nói với chồng)
Có khi người chồng hoặc vợ xưng tôi và gọi người kia bằng thiên chức/ tên vai (bố hoặc mẹ)
- Bố đã uống thuốc tôi sắc chưa?
- Mẹ đã mua trà cho tôi đấy à?
Kiểu xưng hô giản lược này chủ yếu ở các cặp vợ chồng trên độ tuổi trung niên và phải đặt trong tình huống giao tiếp cụ thể nếu không người khác khó có thể xác định mối quan hệ giữa hai người giao tiếp là vợ với chồng hay cha mẹ với con cái.
Trong xưng hô giữa vợ - chồng còn có cặp xưng gọi: xưng gọi trống ngôi thứ nhất hoặc xưng gọi trống ngôi thứ hai.
- Mẹ nó rót cho ly nước nào.
- Cho bố Đông quả cam này.
Đặc biệt, trong cặp xưng hô trống ngôi thứ hai, người vợ không xưng tôi mà luôn xưng em
- Trông con hộ em một lúc với.
- Với hộ em con dao thái thịt
Cuối cùng có hai kiểu xưng gọi khác khá giản dị và không tuân theo nguyên tắc nào cả. Cặp xưng hô trong đó có một người xưng tôi hoặc em, gọi người kia bằng Nhà, kiểu xưng hô này được coi là đã lỗi thời.
-Nhà vào nghỉ đi, để tôi làm tiếp cho.
Hạnh phúc
Và kiểu xưng hô: một người xưng tôi và gọi người kia bằng bà hay ông. Kiểu xưng hô này thường gặp ở các cặp vợ chồng già.
- Ông thấy khoẻ chưa? Tôi lấy thuốc cho ông uống này.
Chỉ một cung bậc tình cảm yêu thương, gắn bó, hòa thuận giữa vợ và chồng đã có rất nhiều cặp xưng hô khác nhau. Lời xưng hô ấy phản ánh nhiều mặt đời sống giao tiếp trong gia đình: độ tuổi, tính cách, tính chất địa phương, khu biệt vùng… đối tượng sống tại khu vực nông thôn sẽ có cách xưng gọi khác với người sống ở thành thị, người trẻ có cách xưng hô khác người già. Tất cả làm nên bức tranh ngôn ngữ xưng hô sinh động, uyển chuyển, phong phú… đặc trưng cho các gia đình người Việt.
Việt Khuê (Theo thuvien-ebook)
Bình luận