(Bài giới thiệu của tác giả nhân ngày gặp mặt lần thứ IV Hội Đồng Hương Hưng Yên tại Ba Lan)
Hưng Yên ngày nay gồm thị xã Hưng Yên và 9 huyện: Ân Thi, Khoái Châu, Kim Động, Mỹ Hào, Phù Cừ, Tiên Lữ, Văn Giang, Văn Lâm, Yên Mỹ, phía bắc giáp với Hà Nội và Bắc Ninh, đông giáp với Hải Dương, tây giáp Hà Tây, nam giáp với Nam Hà và Thái Bình.

Bản đồ Hành chính tỉnh Hưng Yên
Tên Hưng Yên mới có từ ngày thành lập tỉnh, vào thời Nguyễn, dưới triều vua Minh Mạng thứ XII, tức năm 1831. Nhưng tên các huyện cũng như một số địa danh nổi tiếng của tỉnh nhà đã xuất hiện rất sớm.
Địa danh cổ nhất, và cũng nổi tiếng bậc nhất không chỉ của tỉnh, chắc là đầm Dạ Trạch. Đầm còn có tên là Nhất Dạ, nghĩa là Một Đêm, vì gắn liền với truyền thuyết tuyệt hay về Chử Đồng Tử và công chúa Tiên Dung, con vua Hùng. Tương truyền đây là chỗ Chử Đồng Tử và công chúa cắm gậy thần xuống đất, đội nón thần lên. Sau một đêm bão táp, hai người hóa, còn đất lún xuống sinh ra đầm. Nhưng đấy là theo tâm linh. Dạ Trạch cũng có thể giải thích theo duy vật. Ngày xưa đê điều chưa có, khi đã có rồi thì đắp cũng chẳng ra sao. Lúc sinh thời, ông bà tôi kể lại, thời ông bà còn trẻ, quê hương có những đợt vỡ đường liên tục 18 năm trời, nước từ thượng nguồn chẩy về như thác lũ. Vậy có những chỗ nước đọng thành đầm cũng không có gì là lạ. Sử chép lại, đầm xưa bùn nước vô biên, lau sậy mọc tốt như rừng, ở giữa có một bãi cát có thể xây nhà được. Tuy không có núi nhưng địa thế rất hiểm trở. Thế kỷ thứ VI, Triệu Quang Phục đánh nhau với quân nhà Lương cũng rút về Dạ Trạch cố thủ. Tương truyền, ngài được Chử Đồng Tử hiển thánh giúp, đánh thắng giặc, lấy lại được thành Long Biên, lên ngôi và xưng làm Triệu Việt Vương. Lại đến thế kỷ thứ XIX, khi quân Pháp xâm lược nước ta, Nguyễn Thiện Thuật khởi nghĩa (1885) cũng lấy Dạ Trạch làm căn cứ, vì vậy gọi là cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy. Ngày nay ở huyện Khoái Châu vẫn còn có xã Dạ Trạch. Đây có đền thờ Chử Đồng Tử, nhưng đầm không còn nữa, đường xá, nhà cửa xây dựng san sát, dân cư rất là đông đúc.
Khoái Châu cũng là địa danh rất cũ, có từ thời Lý. Nhưng bấy giờ gọi là Khoái lộ, bao gồm nhiều huyện, chứ không phải là một huyện khoái Châu như ngày nay. Khoái lộ là nòng cốt của tỉnh Hưng Yên sau này. Thời Trần, Khoái Châu trực thuộc phủ lộ Thiên Trường, quê hương các vua Trần (gần thị xã Nam Định). Thời nhà Minh đô hộ nước ta, Khoái Lộ bị gạt về phủ Kiến Xương (thuộc Thái Bình ngày nay). Đến đời vua Lê Thái Tổ, Khoái Châu lại là Khoái lộ như xưa. Đời vua Lê Thánh Tông, năm Quang Thuận thứ X, tức năm 1459, nước nhà lần đầu tiên vẽ bản đồ. Bấy giờ thấy chép phủ Khoái Châu gồm năm huyện: Đông Yên (hay Đông An), Kim Động, Tiên Lữ, Phù Dung, Thiên Thi. Hai huyện khác của Hưng Yên ngày nay là Văn Giang và Đường Hào (sau đổi thành Mỹ Hào) cũng đã có trên bản đồ. Nhưng Văn Giang thuộc phủ Thuận An, còn Đường Hào thuộc phủ Thượng Hồng. Đến thời nhà Mạc, năm 1527, Mạc Đăng Dung gạt Khoái phủ về Kinh Dương (tức Hải Dương ngày nay). Đến thời Lê trung hưng, đời vua Lê Thế Tông lại tách Khoái Châu khỏi Kinh Dương như cũ.
Trong số những địa danh nổi tiếng của Khoái Châu, chúng tôi muốn nhắc đến hai địa danh oanh liệt trong cuộc chiến tranh chống quân Nguyên, đó là Hàm Tử và Tây Kết. Năm 1285, danh tướng nhà Nguyên là Toa Đô đi đường thủy từ Chiêm Thành đánh ra. Trận Hàm Tử quan thua Trần Nhật Duật; trận Tây Kết bị Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn chém chết. Ngày nay chỉ còn xã Hàm Tử, Tây Kết rất tiếc là không còn nữa, nhưng còn xã Đông Kết. Trần Trọng Kim trong sách „Việt Nam sử lược” nhận xét: có thể Tây Kết ở bờ tây sông Hồng, đối diện với Đông Kết, bị nước cuốn đi do sông đổi dòng.
Tỉnh Hưng Yên được lập vào thời Nguyễn, đời vua Minh Mạng thứ XII, tức năm 1831. Tỉnh gồm phủ Khoái với năm huyện kể trên và phủ Tiên Hưng ở phía nam với ba huyện là: Hưng Nhân, Thần Khuê, Duyên Hà (ba huyện này đến cuối thế kỷ XIX cắt về tỉnh Thái Bình). Lấy đất Xích Đằng thuộc thị xã Hưng Yên ngày nay làm tỉnh lỵ.
Ngày nhỏ, nhìn bản đồ tỉnh Hưng Yên tôi tự hỏi: không hiểu ai lại nghĩ ra việc đặt thị xã ở tận cực nam của tỉnh? Có phải vì đây có phố Hiến chăng? „Thứ nhất kinh kỳ, thứ nhì phố Hiến” – người Việt không mấy người lại không thuộc. Nhưng câu ấy chỉ đúng vào những thế kỷ XVI-XVII, khi phố Hiến còn là thương cảng sầm uất, trên bến dưới thuyền. Tầu bè của Đàng Trong và ngoại quốc trước khi lên Thăng Long đều phải nghỉ ở đây chờ cấp giấy phép. Nhưng đầu thế kỷ XIX, khi thành lập tỉnh Hưng Yên, thời hoàng kim của phố Hiến đã qua rồi. Sông Hồng đổi dòng, phố Hiến cách sông hàng cây số, không thể là thương cảng được nữa. Vai trò hải quan cũng được truyển về cửa Ninh Hải (tức Hải Phòng ngày nay). Nhưng dù sao phố Hiến vẫn là nơi dân cư đông đúc. Trải qua mấy trăm năm binh lửa thời Trịnh Nguyễn phân tranh, nước nhà đất rộng người thưa. Chỗ nào chỉ cần có vài ba nóc nhà cũng được vua cho phép lập làng. Ví thử như làng tôi do tiền nhân tôi khai thiên lập địa. Đến cụ nội tôi là đời thứ 11 (đầu thế kỷ XX) mà làng chỉ có 17 xuất đinh (số hộ tính theo đầu đàn ông). Không thể lấy những chỗ vắng người như vậy làm tỉnh lị được. Lý do nữa khiến phố Hiến được lập thành tỉnh lỵ là ý nghĩa quân sự. Một thành phố bên bờ sông Hồng có thể xây dựng thành tiền đồn án ngữ đường thủy, che trở cho Thăng Long (bấy giờ đã đổi làm Bắc Thành). Và cuối cùng, tuy nằm ở biên giới tỉnh, nhưng khi 3 huyện Hưng Nhân, Thần Khuê, Duyên Hà chưa bị cắp về tỉnh Thái Bình thì đất Xích Đằng và phố Hiến vẫn ở vào vị trí tương đối trung tâm.
Năm 1891 cắt huyện Thần Khuê về Thái Bình, nhập thêm 3 huyện Văn Lâm, Yên Mỹ, Mỹ Hào ở phía bắc (nguyên trước đó thuộc đạo Bãi Sậy) vào Hưng Yên. Đến năm 1894, sau khi cắt hai huyện Hưng Nhân và Duyên Hà về Thái Bình thì thị xã Hưng Yên trở nên nằm ở cực nam của tỉnh. Trong số 5 huyện của Khoái phủ cũ, Đông Yên sau đổi thành Khoái Châu, Phù Dung đổi thành Phù Cừ, Thiên Thi đổi thành Ân Thi. Đến năm 1947, Văn Giang là huyện cuối cùng được nhập vào Hưng Yên. Từ đó tỉnh gồm thị xã và đầy đủ 9 huyện như ngày nay.
Năm 1968 chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa sát nhập hai tỉnh Hưng Yên và Hải Dương làm một, đặt là tỉnh Hải Hưng. Năm 1996 chính phủ Cộng Hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam lại tách ra. Từ đó đến nay, lãnh thổ, hành chính của tỉnh nhà không có gì thay đổi.
Đến nay Hưng Yên là một tỉnh tương đối đông đúc, dân số lến đến hơn một triệu người, toàn là người hiền cả. Thỉnh thoảng hàng xóm láng giềng có đánh chửi nhau, nhưng việc đó cũng không có gì là quan trọng. Cuộc sống của nhân dân so với thời chiến tranh đã khá hơn nhiều, nhưng nói chung vẫn còn rất vất vả, còn rất nhiều việc phải làm.
Vacsava tháng 05 năm 2011
Trương Đình Toe (queviet.pl)
Bình luận