2017-05-08 16:18:09

Làm gì để không phải trả phí roaming khi dùng điện thoại ở nước ngoài?

Sắp đến mùa đi nghỉ hè, bạn sẽ có nhiều dịp phải dùng điện thoại ở nước ngoài. Để tránh phải trả  nhiều tiền điện thoại, bạn cần chú ý những gì?

Về phí roaming (truyền dữ liệu)

Thuật ngữ  “data roaming” liên quan đến việc bạn dùng điện thoại di động của mình khi nhập mạng điện thoại lúc ở nước ngoài. Từ 15-06-2017 tới, cước phí roaming sẽ được bỏ trong toàn Liên minh Châu Âu. Tuy vậy, nếu bay đường Nga, đi Trung Quốc, Việt Nam hay đi các nước khác… bạn vẫn nên lưu ý là việc tính phí “data roaming” sẽ tự động thực hiện khi điện thoại của bạn được một mạng điện thoại phát hiện mà bạn không hề biết. Lý do là khi đang ở nơi mình thường sống, để thận tiện,  bạn thường để mọi thứ ở chế độ tự động, kể cả việc chọn mạng điện thoại lẫn tự động bật “data roaming” (dữ liệu di động). Hơn thế, khi đi nước ngoài, ngay cả khi bạn nghe một cuộc gọi tới, hay đọc một tin nhắn, ta cũng vẫn phải trả tiền.

Tắt việc truyền dữ liệu di động

Bạn cần nắm rõ hướng dẫn sử dụng điện thoại của mình. Ví dụ với các máy dùng hệ điều hành iOS (các máy iPhone), bạn có thể tắt truyền dữ liệu di động (roaming) như sau (nếu điện thoại dùng tiếng Anh, các tiếng khác áp dụng tương tự):

1. Nhấn vào “Settings” (cài đặt)

2. Chọn “Mobile Networks” (mạng di động)

4. Chuyển con chạy “Data Roaming” (truyền dữ liệu) về vị trí “Off”(tắt)

Nếu điện thoại dùng hệ điều hành Android (như máy Samsung…):

1. Nhấn “Settings”.

2. Vào “Wireless & Networks”, nhấn “More”.

3. Chọn “Mobile Networks”. Ở một số điện thoại dùng Android, có khi bạn phải vào “Battery & Data Manager” và chọn “Data Delivery”.

4. Bỏ đánh dấu ở “Data Roaming”.

Các điện thoại dùng hệ điều hành khác như WindowsPhone hay hệ Nokia… cũng có thể làm tương tự, nên theo hướng dẫn sử dụng để làm. Bằng cách như vậy chỉ mất có một phút, bạn đỡ phải lo về phí roaming khi ở nước ngoài. 

Nếu bạn không rõ thì có một cách đơn giản nữa là để luôn máy ở “Chế độ máy bay” cả sau khi xuống sân bay.

Tận dụng dùng các mạng Wi-Fi miễn phí

Bước tiếp theo là ta nên cố gắng tận dụng các chỗ cấp Wi-Fi của sân bay, khách sạn, một số cửa hàng, tiệm cà-phê như Starbucks, McDonalds …và dùng một số ứng dụng miễn phí (như Viber, iMessage, WeChat, Facebook Messenger …) để liên hệ với bạn bè, người thân. Cần lưu ý là đôi  khi họ chỉ cho miễn phí trong một khoảng thời gian nhất định, sau đó sẽ tính phí hay ở nhiều nơi, phạm vi có song mạng WiFi chỉ ở gần chỗ quầy bar, phòng chờ…

Lưu ý là nếu bạn không tắt dữ liệu di động như ở mục trước, khi bạn rời chỗ đó, máy vẫn có thể tự động nối với mạng điện thoại địa phương mà bạn không hề biết.

Tránh dùng các ứng dụng “nặng” về truyền dữ liệụ

Các chương trình sau “ngốn” dữ liệu rất nhiều: định vị, bản đồ, Facebook…Nếu không thật cần, nên tránh dùng. Nếu bắt buộc phải dùng, chẳng hạn như khi ta đến một địa phương mới, ta nên tải bản đồ trước lúc còn ở nhà hay ở nơi có mạng Wi-Fi, sau đó dùng khi không nối truyền dữ liệu (off-line). Chẳng hạn có thể kéo chương trình Google Maps, Maps.me hay một số chương trình khác… để dùng offline. Chương trình Here Maps của Microsoft cũng cho phép kéo bản đồ trước nếu ta có tài khoản trên Microsoft.

Mua một SIM địa phương nơi mình đến

Nếu phải dùng dữ liệu di động thì mua một thẻ SIM địa phương nơi mình đến cũng là một giải pháp tốt, tất nhiên là bạn phải có điện thoại không bị khóa.

Nếu bạn làm kinh doanh và rất cần giữ số đang dùng để liên hệ thì có thể chọn mua một máy hai SIM, như một số máy rẻ tiền của hãng Oppo hay Huawei do Trung Quốc sản xuất. Khi đó ta có thể đặt chế độ dùng dữ liệu di động bằng SIM địa phương, còn dùng SIM chính của mình để nghe điện thoại và tin nhắn để giảm chi phí. Khi đó bạn cũng đỡ lo khi để quên, mất cắp hay hư hỏng máy “xịn”của mình. Lưu ý thêm là nên đặt mật khẩu, dùng SIM lock để tránh máy bị dùng khi lọt vào tay người khác.

Dùng điện thoại di động ở các vùng biên giới của nhiều nước

Khi đi qua các vùng biên giới: lưu ý các điện thoại có thể bắt các sóng của các nhà cung cấp khác nhau của các nước. Không nên đặt chế độ chọn mạng tự động mà ta phải chọn nhà cung cấp cụ thể. Ví du: ở một số đảo của Hy Lạp do khoảng cách gần, nên máy có thể bắt được sóng của nhà cung cấp của các nước như An-ba-ni, Thổ Nhĩ Kỳ…là các nước không trong Liên minh Châu Âu, giá truyền dữ liệu rất cao. Cũng vậy, nếu bạn đi tầu thủy trên Địa Trung Hải, máy có thể tự động đăng nhập các mạng của các nước châu Phi.

Một số lưu ý khác

Trước khi đi bạn có thể cần là mình được báo các tin quan trọng. Ta có thể ghi âm tin nhắn vào máy để báo cho mọi người là mình đi nước ngoài, nhắn họ có thể gửi e-mail nếu muốn liên hệ với mình, hay có thể chuyển cuộc gọi đó vào các số máy nhờ trước để họ có thể liên hệ khi thật cần.

Khi đang ở nước ngoài, nếu thấy số máy gọi lạ ta không nên nghe. Rất nhiều người hay quên là phí roaming ta phải trả không chỉ lúc gọi đi mà cả lúc nghe điện thoại gọi đến.

Không gọi vào các số dịch vụ (premium) hay các số không thuộc vào một nước cụ thể (tiếng Anh là non-geographic numbers). Mỗi nước có các số đăng ký khác nhau, ví dụ ở Việt Nam là các số bắt đầu bằng 1900, Ba Lan: bắt đầu là 700, ở Anh bắt đầu bằng số 09 (đi tiếp là 8 số khác) có thể có giá 6 bảng Anh cho một lần gọi hay đến 3,6 bảng cho một phút….

NHV tổng hợp


Sửa lần cuối 2017-05-08 14:27:39

Bình luận

Bình luận qua Facebook