2011-04-14 19:52:00

Kỷ niệm nhỏ về bài thơ hay của Nguyễn Bính

Vào giữa thập niên 70, Łódź được coi là một trong những thành phố có đông sinh viên Việt Nam học tập. Nhưng có cảnh đông vui nhộn nhịp đó chủ yếu nhờ mấy chục sinh viên hàng năm sang học dự bị tại Studium Języka Polskiego dla Cudzoziemców (Trung tâm Tiếng Ba Lan dành cho Người nước ngoài) trực thuộc Đại học Tổng hợp, chứ số người mình theo học ở cả Tổng hợp lẫn Bách khoa đều đã giảm đi nhiều. Bên Tổng hợp chúng tôi chỉ còn ba người học văn, hai người học vật lý, một học hóa và hai anh, một chị nghiên cứu sinh. Mỗi lần tổ chức thi đấu bóng đá hay bóng chuyền với bên Studium, chúng tôi đều thua „tóe khói”.

 

Trong số mấy người lèo tèo học tập và nghiên cứu ở Đại học Tổng hợp,  anh Hoàng Đình Hồi để lại trong tôi ấn tượng mạnh nhất. Mặc dù là „dân kỹ thuật”, anh thuộc rất nhiều thơ, đặc biệt thơ Nguyễn Bính. Anh Hồi sau khi bảo vệ phó tiến sĩ, về nước công tác ở Viện Vệ sinh dịch tễ, nghe nói  làm đến chức Viện trưởng. Anh đã mất cách đây ít năm, nhưng tình yêu thơ Nguyễn Bính anh gieo vào đầu tôi từ ngày đó và kỷ niệm về một bài thơ rất hay của ông thì tôi nhớ mãi.

 

Lúc đó, ở tuổi ngoài hai mươi, đang khao khát yêu đương và tràn ngập những suy nghĩ vô tư, được nghe đọc và phân tích bài thơ, tôi chỉ còn biết khâm phục tác giả và diễn giả. Anh Hồi đọc đoạn đầu (theo trí nhớ của tôi) thế này:

 

Cái ngày em chưa lấy chồng

Đường gần anh cứ đi vòng cho xa

Đường làng lắm bưởi nhiều hoa

Đi vòng để được qua nhà đó thôi.

 

Sao tác giả nói đúng tâm lý anh chàng đang yêu đến thế! Chuyện „mua đường” như vậy chỉ có trong tình yêu, chỉ có thể là việc làm của anh chàng đang yêu, chứ bình thường người ta phải chọn con đường ngắn nhất mà đi (ngôn ngữ hiện đại gọi là „đi tắt đón đầu”).

Nhưng đoạn thơ sau còn tài tình hơn vì nó diễn tả tâm trạng hoàn toàn ngược lại của chàng trai sau khi cô gái đã đi lấy chồng. Mọi chuyện với anh trở thành vô nghĩa. Vẫn là đoạn do anh Hồi đọc và tôi ghi lại theo trí nhớ:

 

Từ ngày em đi lấy chồng

Gớm sao có một quãng đồng mà xa

Đường làng cây bưởi không hoa

Qua bên nhà thấy bên nhà vắng teo

Lợn không nuôi ngập ao bèo

Trầu không dây chẳng thèm leo vào giàn

Giếng khơi mưa ngập nước tràn

Ba gian nhà cả ba gian nắng chiều.

 

Anh Hồi bảo cái tài của Nguyễn Bính là tài thể hiện hai tâm trạng khác nhau, mà tâm trạng nào cũng rất phù hợp với tâm lý con người. Chàng trai yêu đơn phương cô gái nên tìm mọi cách để có thể quan sát cô ở cự ly gần nhất. Đi đâu chàng cũng chọn con đường đi qua nhà cô gái. Nhưng khi mọi chuuyện đổi khác thì “gớm sao có một quãng đồng mà xa”.  Nguyễn Bính là nhà thơ hầu như chỉ viết về tình yêu, nhưng thơ ông mang sắc thái quê mùa, dân dã riêng biệt. Không phải ngẫu nhiên mà cùng với Xuân Diệu, ông được mệnh danh là "vua thơ tình".

 


Gần đây, khi nuôi ý định viết bài này, tôi chợt nẩy ra ý định tìm hiểu kỹ xem bài thơ anh Hồi trích dẫn và phân tích dạo ấy chính xác mang tựa đề gì và bản gốc của nó ra sao. Thì ra đó là bài Qua nhà và toàn văn như thế này:

 

Qua nhà

Cái ngày cô chưa có chồng
Ðường gần tôi cứ đi vòng cho xa
Lối này lắm bưởi nhiều hoa...
(Ði vòng để được qua nhà đấy thôi)
Một hôm thấy cô cười cười
Tôi yêu yêu quá nhưng hơi mếch lòng
Biết đâu rồi chả nói chòng:
"Làng mình khối đứa phải lòng mình đây!"

Một năm đến lắm là ngày
Mùa thu mùa cốm vào ngay mùa hồng.
Từ ngày cô đi lấy chồng
Gớm sao có một quãng đồng mà xa
Bờ rào cây bưởi không hoa
Qua bên nhà thấy bên nhà vắng teo
Lợn không nuôi, đặc ao bèo
Giầu không dây chẳng buồn leo vào giàn

Giếng thơi mưa ngập nước tràn
Ba gian đầy cả ba gian nắng chiều.

 

Trong cuộc đời Nguyễn Bính có một chi tiết thú vị: Nguyễn Văn Thịnh (Thủ tướng chính phủ "Nam Kỳ tự trị") có treo giải: Ai đưa được nhà thơ Nguyễn Bính "dinh tê" (vào thành) theo chính phủ ("Nam Kỳ tự trị") sẽ được thưởng 1000 đồng Đông Dương! Nếu nhà thơ tự vào thành cũng sẽ được hưởng như thế (1000 đồng Đông Dương hồi đó là cả một cơ nghiệp). Mấy thi sĩ bạn Nguyễn Bính đã viết thư "thuyết khách", khuyên ông vào. Cần nói thêm là hồi đó Nguyễn Bính đang lang thang ở Rạch Giá, ngày ăn nhờ ở đậu một người bạn, đêm ra đình ngủ, chỉ có cái bao cói để chui vào tránh muỗi. Nhiều người tưởng ông vào thành với Chính phủ Cộng hòa Nam Kỳ. Nhưng trong một bài thơ của mình, ông đã viết:

 

... Mình không bỏ Sở sang Tề
         Mình không là kẻ lỗi thề thì thôi.

 

Không ít người ở Nam Bộ hồi đó biết chuyện đã gọi Nguyễn Bính là người có chí khí của một sĩ phu yêu nước.

 

http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/Library/Images/60/2008/11/thieunu-duongsen-newvietarrt-comok.jpgNguyễn Bính là người có tính cách đặc biệt. Nếu với thơ, ông kỹ lưỡng đắn đo suy nghĩ có khi đến quên ăn quên ngủ vì một từ, viết nháp nhiều lần, sửa chữa kỹ lưỡng từng câu từng chữ, trước khi đưa in viết sạch sẽ, rõ ràng, nắn nót bao nhiêu, thì trong cuộc sống ông bạt mạng buông, thả bấy nhiêu. Tính ông thích khôi hài, giàu óc tưởng tượng, thông minh nhanh nhẹn, ứng phó mau lẹ, hay châm chọc bạn bè. Cái mà Bính thù ghét nhất là những bài thơ dở, cũng như những người làm thơ không hay. Nhưng đặc biệt lạ lùng là sau một cuộc đấu khẩu nảy lửa gay gắt tưởng sẽ từ mặt nhau, chỉ một thời gian sau gặp lại, Nguyễn Bính vui vẻ, niềm nở như không hề có chuyện gì xảy ra. Riêng về thơ, Nguyễn Bính tự cao tự đại đến mức quá quắt, chê thơ người này non, người kia dở, kể cả những thi sĩ nổi tiếng hơn mình. Người mà Nguyễn Bính phục tài và "nguyện suốt đời làm học trò nhỏ" là thi hào Nguyễn Du. Bằng chứng là Nguyễn Bính thuộc làu Truyện Kiều và luôn lấy nó làm sách gối đầu giường.

 

Tôi mới đọc được một chi tiết về cái gọi là „điềm gở” liên quan đến nhà thơ Nguyễn Bính. Chả là cuối năm 1965, nhằm chuẩn bị cho kỷ niệm 200 năm ngày sinh Nguyễn Du - người mà Nguyễn Bính vốn coi như “tổ sư” của mình trong lĩnh vực làm thơ, báo Xuân năm Bính Ngọ (1966) ra số đặc biệt với nhiều bài vở về Nguyễn Du. Hôm duyệt bài báo Tết, Nguyễn Bính cười thật tươi, tay cầm một xấp giấy mỏng, khoe: “Chỉ trong một đêm, tôi đã viết được một bài tập Kiều, vịnh cụ Tiên Điền”. Nguyễn Bính không cho ai xem mà chờ cho đến lúc đông đủ anh em mới trịnh trọng giở những trang giấy được viết thật công phu, chữ đẹp như xếp, rồi hắng giọng ngân nga:

 

„Kính tặng cụ Nguyễn Du và Truyện Kiều":
Cảo thơm lần giở trước đèn
Là nhiều vàng đá, phải tìm trăng hoa
Trăm năm trong cõi người ta
Một thiên tuyệt bút gọi là để sau
Khen tài nhả ngọc phun châu
Mười lăm năm ấy biết bao nhiêu tình
Mấy lời ký chú đinh ninh
Rằng tài nên trọng, mà tình nên thương
Khen rằng giá đáng Thịnh Đường
Thì treo giải nhất, chi nhường cho ai
Gẫm âu người ấy, báu này
Nghe ra ngậm đắng nuốt cay thế nào
Nặng vì chút nghĩa xưa sau
Mà cho thiên hạ trông vào cũng hay
Thương vui bởi tại lòng này
Tan sương đầu ngõ, vén mây cuối trời
Lòng thơ lai láng bồi hồi
Tưởng người nên lại thấy người về đây...

 

Cả hội đồng duyệt bài số báo Tết hôm ấy, cùng lặng đi. Một bài tập Kiều thật hay. Nhưng nghe ra... đây tuy đề là tặng cụ Tiên Điền mà sao cứ như tâm sự của Nguyễn Bính, tổng kết cái cuộc đời thơ tài hoa long đong lận đận... của mình.  Những câu sau cùng, sao mà ... gở thế. Nói như Nguyễn Du: Một lời là một vận vào khó nghe. Nguyễn Bính cười trừ: "Các ông mê tín! Cứ hay là được rồi. Tôi xin nộp bài này. Một câu một chữ không sửa!"...

... Mùng sáu tháng giêng ta, Hội Nhà văn thông báo về việc Nguyễn Bính mất. Mọi người tròn xoe mắt kinh ngạc. Năm mới tháng giêng mồng một Tết, ông ra đi, để lại cho những người ruột thịt, bạn bè đồng nghiệp trọn vẹn cả mùa xuân.

... Giờ đây chín vạn bông hoa nở

Riêng có tình ta khép lại thôi".

...

Rót nghiêng năm tháng vào ly

Mắt nheo bóng xế tay che nỗi buồn

Rót đầy băng giá cô đơn

Rót thao thức nhớ rót hờn giận quên...

 

Poznan, tháng 4.2011

Nguyễn Chí Thuật (queviet.pl)
Sửa lần cuối 2012-12-21 07:23:50
  • Yêu QV Yêu QV Tuyệt vời! Tôi rất thích đọc những bài viết thấm đẫm tính nhân văn và nghệ thuật như bài của tác giả nói riêng này và những tác giả nói chung khác trên QV. Chúc tác giả khỏe viết nhiều bài cuốn hút hơn nữa! 0000-00-00 00:00:00

Bình luận

Bình luận qua Facebook