2022-12-09 05:03:28

Bữa ăn có thịt của nông dân Ba Lan 150 năm trước như thế nào?

Cũng giống như ở Việt Nam, vào thời gian 150 năm trước đây, món ăn có thịt rất hiếm trên bàn ăn của người nông dân Ba Lan. Theo Stanisław Szczepanowski viết trong cuốn sách “Nghèo đói ở Galicia” thì thực đơn của nông dân vào cuối thế kỷ 19 rất đơn giản. Khoai tây là là nguồn thực phẩm chính được dùng khoảng 310 kg/ người mỗi năm. Vị trí thứ hai là các sản phẩm ngũ cốc với 114 kg mỗi năm. Ngoài ra, thức ăn chủ yếu là các loại đậu và bắp cải. Nếu nuôi được bò, mỗi người cũng được uống khoảng 120 lít sữa/năm. Còn thịt thì thực sự là của hiếm. Ngay cả những người nông dân giàu có, cũng chỉ ăn một vài lần trong năm.

(Một ngôi làng nghèo ở Galicia vào đầu thế kỷ 20)

Giáo sư Cybulski thuộc Đại học Jagiellonski trong cuốn sách nhan đề “Nghiên cứu về dinh dưỡng của nông dân ở Galicia” đã nói về sự xa xỉ của món thịt như sau:

-       150 năm trước, nông dân Galicia gần như chỉ có trong đầu một quy tắc, rằng thịt chỉ được ăn 6 lần một năm: Vào lễ trước Mùa ăn chay, lễ Phục sinh, Lễ Xanh vào mùa thu, trong lễ Giáng sinh và đôi khi trong các hội chợ, được gọi là prażniki ở Ruthenia (liên hệ với ở Việt Nam trước đây, nhiều người Việt chỉ đươc ăn thịt vào dịp tết Nguyên đán).

Với những người nông dân giàu có hơn thì khi tổ chức đám cưới, lễ rửa tội hoặc đám tang, người ta có thể đặt thêm món thịt. Còn những người giàu nhất vùng thì món thịt có thể được bày trên bàn ăn vào Chủ nhật. Trong khi đó, những người nghèo nhất chỉ được ăn thịt vào dịp lễ Giáng sinh và lễ Phục sinh.

Theo số liệu thống kê do Cybulski thu thập, nông dân giàu có tiêu thụ trung bình 14,5 kg thịt mỗi năm, người giàu trung bình là 7,4 kg và người nghèo nhất chỉ 2,6 kg (biết rằng số người nghèo chiếm một nửa đân số).

Để so sánh, vào thời điểm đó, mỗi năm ở Hungary người ta ăn trung bình 24 kg thịt, ở Đức 33 kg và ở Nước Anh 50 kg. Trong vùng cai trị của Áo, mức tiêu thụ trung bình là 10 kg ( theo số liệu của Stanisław Szczepanowski).

(Nông dân Galicia và vùng lân cận Szczawnica)

Những người nông dân giàu có thường giết lợn vào dịp Giáng sinh. Phần mỡ được lưu trữ và ăn dần cho đến mùa hè, thịt thường được sử dụng hết trong mùa đông, và chỉ một phần thịt xông khói và xúc xích được lưu trữ cho đến lễ Phục sinh. Ở các vùng núi, người ta còn nuôi thỏ, cừu và dê để lấy thịt ăn. Vào mùa hè, người ta cũng ăn thịt bò.

(Một ngôi làng ở Galicia trong một bản vẽ từ cuối thế kỷ 19)

Điều đặc biệt là nông dân vùng Galicia không ăn thịt gia cầm. Theo Cybulski, người dân ở đây hoàn toàn không ăn thịt gia cầm, mặc dù họ nuôi khá nhiều nhưng nó chỉ để bán hoặc lấy trứng (để so sánh, nông dân Việt Nam trước đây cũng không mấy khi được ăn thịt gà vì nếu đem bán đi thì sẽ mua được nhiều thứ khác quan trọng cho cuộc sống hơn). Những người nông dân giàu có đôi khi cũng thịt gà làm cỗ trong các ngày lễ và lễ kỷ niệm của gia đình, tuy nhiên, điều này rất hiếm khi xảy ra nên thường không được tính đến.

Người Ba Lan trước đây còn coi món “rosół” (gà ninh trong nước để lấy nước dùng, sau đó thêm một vài loại rau và mì sợi) là thuốc chữa cho những người bị bệnh nặng. Họ còn tin rằng nếu đã dùng “rosół” mà không đỡ thì người bệnh chắc chắn sẽ chết. Người nông dân cũng được ăn thịt gà khi một con gà bị ốm hoặc chết (giống như nông dân Việt Nam ăn gà rù). Điều đáng nói nữa là một khi ăn thịt gà người ta chỉ biết làm món “rosół”. Hầu như họ không có món gà quay hoặc gà rán.

 (“rosół” gà chỉ để cho những người bị bệnh nặng ăn. Người ta tin rằng nếu nó không giúp ích gì thì người ốm sẽ chết).

Hiện tại, mức tiêu thụ thịt trung bình hàng năm ở Ba Lan là hơn 73 kg/người. Nước này được xếp vào một trong những nước tiêu thụ nhiều thịt nhất ở châu Âu. Để so sánh, mức tiêu thụ thịt heo ở Việt Nam vào năm 2022 là 23,5 kg/ người, thịt gia cầm là 20 kg/người, chưa có thống kê về thịt bò và các loại thịt khác.

Xuân Nguyên

(Nguồn: https://wielkahistoria.pl/150-lat-temu-polscy-chlopi-jedli-ten-produkt-tylko-szesc-razy-w-roku-byl-dla-nich-prawdziwym-luksusem/)

Sửa lần cuối 2022-12-09 04:03:28

Bình luận

Bình luận qua Facebook