Hôm nay 26-6, chúng tôi cùng nhiều đại biểu khác sẽ lên tàu hải quân ra khơi, thăm lại những người anh em lính biển nhân kỷ niệm 20 năm DK1. Hơn 250 hải lý là hải trình chúng tôi sẽ vượt qua để đến nhà giàn gần nhất.
Vào những ngày biển động, canô tiếp tế hàng không thể cặp vào nhà giàn. Thế là những sợi dây được quăng ra, cột vào những gói hàng bao kín nilông và các chiến sĩ nhà giàn vất vả kéo vào - Ảnh tư liệu DK1 |
Luôn sẵn sàng ra đi
Trong chuyến đi trước vào tháng 5-2009, có một hình ảnh thật khó quên khi con tàu HQ 957 đành tạm biệt nhà giàn ở Phúc Tần vì không thể nào đưa người lên được: tất cả anh em nhà giàn khi ấy đã trèo lên nóc, vừa nhảy vừa hô vang gì đó, vừa phất cờ đỏ sao vàng vẫy chào mọi người trên tàu. Chúng tôi lặng người đi: Bao nhiêu lâu rồi những con tàu chưa ghé? Bao nhiêu lâu rồi họ chưa về đất liền? Bao nhiêu lâu rồi họ chưa gặp lại người thân?... Con tàu dần xa để lại những nhà giàn cô đơn giữa biển.
20 năm qua, vì nhiều lý do hoạt động của DK1 và những người lính “đầu đội trời, chân không đạp đất” này hầu như không được công khai. Họ hi sinh cũng trong thầm lặng. Ngay như Tuổi Trẻ cũng không có được dòng tin nào về cái ngày 13-12-1998 tang tóc khi nhà giàn 2A sập đổ: 3 người hi sinh, 6 người trôi giạt 14 giờ liền trong bão biển. Còn giờ đây, mọi người có thể biết được nhiều chuyện về 15 nhà giàn với hàng trăm anh em bám trụ trên vùng biển rộng ở phía đông, cách TP.HCM khoảng 600km.
Đây là vị trí khu vực nhà giàn DK1, nơi có những cột mốc chủ quyền đặc biệt trên biển, dù nằm ngoài khu vực quần đảo Trường Sa nhưng cũng rất xa đất liền. Nhà giàn gần nhất cách Vũng Tàu 500km, xa nhất 700km - Đồ họa: NHƯ KHANH |
“Nhưng có chuyện cười ra nước mắt là ngay cả cán bộ rất nhiều nơi lại cứ tưởng DK1 là dầu khí, anh em chiến sĩ DK1 ăn lương dầu khí. Đâu phải, hai bên đâu có liên quan gì nhau. Bên dầu khí làm mỗi tháng 15 ngày ở giàn khoan, 15 ngày kia vào nghỉ trong bờ, thu nhập cũng khá. Còn anh em DK1 ăn lương lính, chế độ lính và đi biền biệt, có khi bố mẹ chết cũng không cách nào về được, rồi gia đình vợ con...” - đại tá lữ đoàn trưởng 171 Lê Việt Hùng trầm giọng nói vậy. “Cuộc sống thiếu thốn, gian khổ đấy, nhìn thấy đồng đội hi sinh đấy - đại tá Hùng nói tiếp - nhưng không cán bộ chiến sĩ DK1 nào tỏ ra dao động, nao núng tinh thần. Họ luôn sẵn sàng ra đi, và đến giờ chưa ai từ chối nhận nhiệm vụ ở DK1”.
Vị đại tá này không nói ngoa. Nằm nghỉ trong doanh trại lữ đoàn 171 một trưa tháng 5, chúng tôi cứ xao động với những câu chuyện nghe được về những chiến sĩ DK1. Như Bùi Xuân Bổng tưởng đã chết khi sập nhà giàn, thế mà vài tháng sau lại lên tàu nhận nhiệm vụ ở một nhà giàn khác. “Sợ gì, đi tiếp!”, Hồ Thế Công - người đồng đội cùng thoát chết với Bổng - cũng đã nói vậy, rồi lên đường. Như Nguyễn Hữu Tôn, vị thiếu tá hiền như cục đất Bắc Ninh, tưởng cũng đã vĩnh biệt vợ con năm 1998, thế mà ít lâu sau lại thấy quay ra biển cùng anh em. Anh đã chia 20 năm trai trẻ của mình cho 10 nhà giàn DK1...
Có một điều chắc chắn rằng: thiếu tá Bổng, thiếu tá Tôn và những sĩ quan hải quân 171 chúng tôi gặp đều ghi trong lòng lời tuyên thệ mà đại tướng Lê Đức Anh đọc vang trên biển Đông ngày 7-5-1988: “Chúng ta xin thề trước hương hồn của tổ tiên ta, trước hương hồn của các cán bộ chiến sĩ đã hi sinh vì Tổ quốc, xin hứa trước đồng bào cả nước, xin nhắn nhủ với các thế hệ mai sau: quyết tâm bảo vệ cho được Tổ quốc thân yêu của chúng ta...”. Là người lính, họ phụng sự đất nước. Và lời thề trên biển Đông kia cũng là điều thiêng liêng nhất mà họ khắc ghi để kiên cường đối diện kẻ thù, để chống chọi với bão tố và vượt qua bao gian khổ giữa trùng khơi.
So với mười mấy năm trước, cuộc sống của những người lính DK1 bây giờ đã đỡ hơn rất nhiều. Những nhà giàn giờ vững chắc hơn, an toàn hơn. Chuyện ăn uống cũng được cải thiện đáng kể. “Nhưng, bạn có biết không - một sĩ quan DK1 nói - cho đến nay nhiều nhà giàn vẫn không đủ nước ngọt và nước sạch vào mùa khô. Tất cả phải trông cậy vào trời và nước mưa được trữ trong những bồn chứa lâu ngày gỉ sét. Rau xanh đương nhiên thiếu dù anh em đã tận dụng trồng mọi nơi, mọi lúc có thể. Sóng điện thoại không có nên không thể liên lạc với gia đình, người thân như các đảo ở Trường Sa. Còn điện do chạy máy phát nên chỉ đủ đáp ứng cho nhu cầu thông tin liên lạc và thắp sáng tối thiểu...”.
|
Đúng 20 năm trước, những người lính DK1 đã dựng cột cờ Tổ quốc trên nhà giàn Ba Kè A - một trong những nhà giàn đầu tiên ở thềm lục địa phía Nam - Ảnh tư liệu lữ đoàn 171 |
DK1 rực sáng biển đêm, tại sao không?
Một câu hỏi không thể thiếu trong cuộc trò chuyện với lữ đoàn trưởng 171 Lê Việt Hùng: “Anh em ở nhà giàn cần gì nhất?”. Vị đại tá trả lời rất nhanh: “Một: điện, hai: nước sạch, ba: chảo parabol...”. Rồi ông nói rõ thêm: “Anh em nhà giàn rất cần hệ thống lọc nước sạch để ăn uống hằng ngày, nhất là vào mùa khô. Chảo parabol để xem, nghe đài, các nhà giàn đều có nhưng đã quá cũ và dễ hỏng. Nhưng nhu cầu bức thiết nhất là điện, điện mặt trời, cả 15 nhà giàn đều đang rất cần”.
Tại “đại bản doanh DK1”, trung tá tiểu đoàn trưởng cũng xác nhận điều đó: “Cái khó nhất của anh em chúng tôi là nguồn điện sinh hoạt. Hiện nay ở các nhà giàn đều có máy nổ phát điện, nhưng nguồn điện đó ưu tiên phục vụ công tác sẵn sàng chiến đấu, thông tin liên lạc, còn việc sử dụng cho sinh hoạt như thắp sáng, xem tivi... thì rất hạn chế. Mà máy nổ thì đều cũ, lại ít đổi nên dễ trục trặc”.
Vậy ở nhà giàn ban đêm thắp sáng được bao lâu? “Chỉ khoảng ba tiếng - chính trị viên tiểu đoàn DK1 Nguyễn Thế Dĩnh cho biết - Nếu có giàn điện mặt trời có thể thắp sáng suốt đêm và bảo đảm cho nhu cầu sinh hoạt, giải trí của anh em. Năm 2006, đoàn công tác của TP.HCM đã tặng bộ pin mặt trời cho ba nhà giàn, nghe nói khoảng 80 triệu đồng một bộ, đến nay chúng tôi thấy kết quả rất tốt, không chỉ cho sinh hoạt đâu anh... Ngoài ra, việc nhà giàn được thắp sáng suốt đêm sẽ giúp anh em bảo vệ an toàn cho nhà giàn vào ban đêm và giúp tàu bè qua lại thuận tiện trong vùng biển này. Nếu tất cả nhà giàn ở thềm lục địa này đều rực sáng trong biển đêm thì thật thiết thực và đầy ý nghĩa”.
Nhớ rồi, “Rực sáng Trường Sa” - đó là tít lớn trên Tuổi Trẻ cách nay không lâu. Và đêm ở đảo Trường Sa Lớn chúng tôi cũng đã đi dưới ánh sáng đó - ánh sáng tích từ những bộ pin năng lượng mặt trời do nhiều cơ quan đơn vị trong cả nước đóng góp hỗ trợ. Nhờ vậy, nhiều đảo ở Trường Sa của chúng ta bây giờ không còn chìm trong bóng tối biển đêm. Vậy tại sao chúng ta không thể cùng góp tay để làm cho những nhà giàn DK1 - những cột mốc chủ quyền đặc biệt trên thềm lục địa phía Nam - rực sáng về đêm? Tại sao không?
Chúng tôi lại chợt nhớ cách nay gần hai tháng, từ đài chỉ huy tàu HQ 957, Bí thư Trung ương Đoàn Phan Văn Mãi đã nói qua sóng bộ đàm với anh em nhà giàn DK1 Phúc Tần thế này: “Chúng tôi xin hứa rằng: tuổi trẻ đất liền luôn hướng về các anh và sẽ luôn bên cạnh các anh!”. Một lời động viên tinh thần qua làn sóng điện như thế cũng đủ làm xúc động những người lính trẻ xa nhà. Nhưng vẫn chưa đủ. Có nhiều điều chúng ta có thể làm, có thể góp tay cùng nhau để khẳng định rằng không ai bị lãng quên, không ai cô đơn khi nơi đầu sóng ngọn gió họ hiến trọn tuổi thanh xuân của mình cho đất nước.
BÙI THANH - LÊ ĐỨC DỤC (Tuổi trẻ)
Bình luận