2022-10-22 13:20:36

Liên minh châu Âu muốn có chính sách chung đối với Trung Quốc

Sau khi Vương quốc Anh rút khỏi Liên minh châu Âu, Cộng hòa Liên ban Đức được coi là đầu tầu của khối liên minh này. Chính vì vậy, các chính sách đối nội và đối ngoại của Đức đều có ảnh hưởng lớn đến các lĩnh vực kinh tế và chính trị của EU. Vụ việc xây dựng các đường ống dẫn khí Nord Stream 1 và Nord Stream 2 nối Nga với Đức đã và đang là tâm điểm tranh cãi vì đưa Liên minh phụ thuộc vào nguồn cung cấp khí đốt của Nga, đặc biệt là từ khi chiến tranh Nga-Ukraina nổ ra.

Bây giờ lại đến lúc các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu bày tỏ lo ngại về sự phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc, khi có thông tin rằng Thủ tướng Đức sẽ đến Trung Quốc vào đầu tháng 11 trong chuyến thăm chính thức cùng với các lãnh đạo doanh nghiệp, ngay sau khi Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc bế mạc.

Đức không thể đi riêng với Trung Quốc. Nhiều nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu đã nhấn mạnh sự cần thiết về một lập trường thống nhất và cứng rắn hơn đối với Trung Quốc. Các quan chức phụ trách chính sách đối ngoại của EU đã tuyên bố trong một tài liệu chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh Brussels rằng Bắc Kinh nên được coi là một đối thủ cạnh tranh thúc đẩy "cách nhìn mới về trật tự thế giới trong tương lai". Họ đã đặt nhiều câu hỏi với Thủ tướng Đức Olaf Scholz về chuyến đi sắp tới của ông tới Bắc Kinh. Các áp lực đặt ra với thủ tướng Đức nhằm thông qua một mặt trận chung chống lại những ảnh hưởng của Trung Quốc, khi đảng liên minh cầm quyền của Đức đang xem xét cho phép tập đoàn vận tải Cosco của nhà nước Trung Quốc mua cổ phần tại cảng Hamburg.

Hôm thứ Sáu (21/10/2022), ông Scholz nhấn mạnh rằng vụ mua bán tiềm năng chỉ liên quan đến một phần cổ phần trong khu cảng chứ không phải phần lớn cổ phần trong toàn bộ cảng. Ông cũng cho biết ông chia sẻ lập trường của EU với Trung Quốc.

(Olaf Scholz tại Hội nghị thượng đỉnh Brussels)

Liên minh châu Âu cũng bày tỏ lo ngại về lập trường của Bắc Kinh trong cuộc chiến ở Ukraine, liên quan đến bài phát biểu gần đây của Chủ tịch Tập Cận Bình, khi ông ta vạch ra một con đường độc đoán hơn cho Bắc Kinh. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết các nhà lãnh đạo EU đã rút ra bài học từ sự phụ thuộc vào Nga và phải luôn cảnh giác với Trung Quốc. Trong trường hợp của Trung Quốc, đây là nguy cơ phụ thuộc vào công nghệ và nguyên liệu. Bà lưu ý rằng Trung Quốc đang đặt mục tiêu "xây dựng sự thống trị của mình ở Đông Á và mở rộng ảnh hưởng toàn cầu", điều này "sẽ có tác động mạnh đến quan hệ EU-Trung Quốc.

Thủ tướng Phần Lan Sanna Marin thì cho rằng Liên minh châu Âu phải tránh việc tạo ra phụ thuộc trong tương lai vào các công nghệ mới và thay vào đó thúc đẩy hợp tác mạnh mẽ hơn giữa các quốc gia dân chủ. Lập trường của Trung Quốc đối với cuộc chiến ở Ukraine cũng đáng lo ngại. Thủ tướng Latvia Krisjanis Karins nói rằng điều cần thiết là Liên minh châu Âu phải đàm phán với Trung Quốc để đảm bảo Bắc Kinh "đứng về phía tôn trọng lịch sử" trước những hành động gây hấn của Nga.

Xuân Nguyên

(Nguồn: https://tvn24.pl/swiat/kraje-unii-europejskiej-chca-wspolnej-polityki-wobec-chin-wywieraja-presje-na-olafa-scholza-przed-jego-podroza-do-pekinu-6174861)

Sửa lần cuối 2022-10-22 11:20:36

Bình luận

Bình luận qua Facebook