2023-03-19 04:26:04

Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) có thể xét xử Tổng thống Nga Vladimir Putin?

Vào hôm thứ Sáu (17/3/2023), Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) đã ban hành lệnh bắt giữ Tổng thống Nga Vladimir Putin. Cơ sở của phán quyết này là Putin phải chịu trách nhiệm về các tội ác chiến tranh liên quan đến việc đưa trẻ em bất hợp pháp từ những vùng Ukraine bị chiếm đóng sang Nga. Đồng thời, ICC cũng đã ban hành lệnh bắt giữ thanh tra viên Nga về quyền trẻ em, Maria Lvova-Belova, với cáo buộc cùng tội danh với Putin.

Giáo sư Norman Davies, một nhà sử học và chuyên gia về lịch sử Trung và Đông Âu khi được hỏi liệu Tòa án hình sự ICC có thể xét xử tổng thống Nga Putin đã nói rằng, trong nhiều năm Tòa án Hình sự Quốc tế đã không có khả năng trừng phạt những tội phạm là những  người đứng đầu các quốc gia khác nhau.

Trong trường hợp này chỉ có thể nếu người Nga có thể tự giao nộp Putin giống như người Serbia đã giao nộp tội phạm người Serbia Slobodan Milosevic cho Tòa án Hague. Tuy nhiên, khó có khả năng người Nga cũng sẽ làm như vậy đối với tổng thống của họ bởi vì quyền lực của Putin vẫn rất lớn.

Slobodan Milošević bị phương Tây coi là thủ phạm chính của các cuộc chiến ở Balkan trong những năm 1990, ông ta bị bắt ở Serbia năm 2001. Sau đó, ông bị giao cho Tòa án Hague. Milošević đã bị xét xử ở đó trong một phiên tòa xét xử tội diệt chủng và tội ác chống lại loài người và đã chết trong khi bị giam giữ ở The Hague vào năm 2006 trước khi bản án được tuyên bố.

Theo BBC online, Tổng thống Putin có thể bị bắt giữ nếu rời khỏi đất nước. Tuy nhiên, với thực tế là quyền tự do đi lại của ông đã bị hạn chế nghiêm ngặt bởi các biện pháp trừng phạt quốc tế, Putin khó có thể xuất hiện ở một quốc gia muốn đưa ông ta ra xét xử. Ngoài ra, có ít nhất hai trở ngại lớn cho điều này. Thứ nhất: Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) được thành lập vào năm 2002 theo một hiệp ước được gọi là Quy chế Rome. Tổng cộng, có 123 quốc gia đã đồng ý tuân thủ hiệp ước này, nhưng Nga không công nhận thẩm quyền của ICC. Vì vậy, có thể thấy rằng vị thế pháp lý không vững chắc. Và thứ hai, ICC không tiến hành xét xử vắng mặt, vì vậy việc xét xử cũng không có khả thi.

Giáo sư Davies cho rằng, có một điều rất quan trọng xảy ra lúc này là nhận thức về Nga đã thay đổi nhờ lệnh bắt giữ Putin. Cả thế giới nhìn Nga khác đi. Đây là lần đầu tiên trong đời Putin không có người xin lỗi ở phương Tây, (...) mọi chuyện chìm trong im lặng. Không ai đứng về phía Putin, cả Trung Quốc cũng có thể là mối đe dọa đối với Nga trong tương lai.

Giáo sư cũng nói rằng Ba Lan có thể là một ví dụ lịch sử mang lại hy vọng cho Ukraine. Trong lịch sử, Ba Lan đã sống sót sau các cuộc xâm lược liên tiếp của Nga. Hiện nay, quy mô viện trợ cho Ukraine lớn hơn rất nhiều so với viện trợ để Ba Lan tự vệ vào năm 1939 trước cuộc tấn công của Đức Quốc xã. Bây giờ NATO mạnh hơn Nga rất nhiều. Do vậy, người Ukraine thấy rằng đất nước của họ đang đứng vững và không cô đơn, họ có niềm tin chiến thắng.

Xuân Nguyên (Theo các báo Ba Lan)

 

Sửa lần cuối 2023-03-19 03:26:04

Bình luận

Bình luận qua Facebook