Từ tháng 10 năm ngoái Bộ trưởng Nội vụ Đức Nancy Faeser (SPD) đã đưa ra cảnh báo về việc gia tăng số lượng những người vượt biên trái phép vào Đức, yêu cầu chính quyền liên bang và địa phương phải hợp tác với nhau để tăng cường kiểm soát biên giới.
Theo thống kê của Bộ Nội vụ, hơn 7.200 người đã bị bắt khi nhập cảnh trái phép vào đất nước này chỉ trong tháng 6/2023. Con số này nhiều hơn 600 so với cùng tháng này năm ngoái. Số lượng người nhập cảnh bất hợp pháp tăng mạnh, đặc biệt là ở biên giới đất liền với Ba Lan, Thụy Sĩ và Cộng hòa Séc. Vào tháng 6 năm 2022, gần 1.000 người đã nhập cảnh trái phép vào Đức từ Ba Lan, nhưng vào tháng 6 năm nay. nó đã lên tới gần 3000.
Tại biên giới giữa Đức và Thụy Sĩ, số lượng người nhập cảnh trái phép cũng đã tăng gấp đôi so với năm trước, lên gần 700. Tại biên giới với Cộng hòa Séc, con số này cao hơn 50%, nâng số người nhập cư trái phép lên gần 1600. Trong khi đó, số lượng vượt biên trái phép được phát hiện tại biên giới với Áo giảm nhẹ. Số lượng người vươt biên bất hợp pháp được phát hiện từ Đan Mạch và Pháp cũng đã giảm.
Chính trị gia của đảng CDU, Alexander Throm nói rằng, “Hơn bao giờ hết, Đức cần bảo vệ biên giới của mình với Ba Lan, Cộng hòa Séc và Thụy Sĩ,”. Theo ông, có nhiều người di cư đến EU qua đường Nga và Belarus đến Ba Lan. Do đó, Đức không thể đợi "cho đến khi EU đồng ý mới tìm khả năng bảo vệ biên giới của mình."
Trên thực tế, Bộ Nội vụ Đức gần đây đã tăng cường hoạt động, đặc biệt là liên quan đến Cộng hòa Séc và Ba Lan. Berlin cũng kêu gọi Áo và Cộng hòa Séc tăng cường kiểm soát biên giới với Slovakia. Tuy nhiên, điều này dường như không dẫn đến việc giảm số lượng người vượt biên bất hợp pháp.
Các trạm kiểm soát biên giới cố định đã được thực hiện tại biên giới với Áo trong nhiều năm nay, sau cuộc khủng hoảng di cư năm 2015 và đã được gia hạn nhiều lần kể từ đó. Các khách du lịch được kiểm tra trực tiếp khi qua biên giới, ít nhất là trên các tuyến đường đông đúc. Bộ trưởng nội vụ của các bang Sachsen và Brandenburg cũng đã yêu cầu việc lập các trạm kiểm tra cố định tại biên giới của họ. Tuy nhiên, bộ trưởng Faeser cho đến nay vẫn từ chối những yêu cầu như vậy. Theo bộ trưởng, việc đưa trở lại các hàng rào biên giới một lần nữa "sẽ khiến chúng ta lùi lại hàng thập kỷ".
Nhiều chuyên gia đặt câu hỏi về hiệu quả của việc kiểm tra cố định. Các chuyên gia di cư không đưa ra những nghiên cứu nào cho thấy việc kiểm tra này có hiệu quả trong việc ngăn chặn các nỗ lực nhập cảnh trái phép. Một số giả định còn cho rằng nếu những kẻ buôn lậu biết họ có thể bị kiểm tra tại các chốt, họ có thể tránh các tuyến đường như vậy.
Heiko Teggatz, phó chủ tịch Liên minh Cảnh sát Đức cho biết: “Nhờ có các trạm kiểm soát cố định ở biên giới, chúng tôi có thể đưa những người nhập cảnh bất hợp pháp tại biên giới trở lại một quốc gia láng giềng. Điều này cũng áp dụng, ví dụ, đối với những người bị cấm tái nhập cảnh hoặc những người xin tị nạn đã đăng ký ở một quốc gia EU khác.
Năm ngoái Cảnh sát Đức gửi trả gần 15.000 người nhập cư trái phép về Áo. Ở biên giới với Ba Lan và Cộng hòa Séc, cảnh sát đã không có khả năng như vậy. Những người nhập cảnh bất hợp pháp vào Đức thường được chuyển đến một trung tâm tị nạn của tiểu bang. Ông Teggatz tuyên bố: “Các trạm kiểm soát cố định ở biên giới với Ba Lan và Cộng hòa Séc sẽ giúp giảm bớt gánh nặng cho các bang của Đức.
Tuy nhiên, việc kiểm soát biên giới luôn gây bất tiện, chẳng hạn như đối với những người đi làm hoặc thương nhân có thể bị kẹt xe. Khi cảnh sát liên bang kiểm tra nhiều cửa khẩu biên giới trong đại dịch vi-rút covid-19, đã xảy ra tình trạng này và các cuộc biểu tình phản đối đã nổ ra.
Xuân Nguyên
(Nguồn: https://www.onet.pl/informacje/onetwiadomosci/niemieccy-policjanci-chca-przywrocenia-kontroli-na-granicy-z-polska/syhybkq,79cfc278)
Bình luận