(BNS) Đầu thế kỷ 20, trong những người đi khai hoang ở vùng Đông Nam bộ xuất hiện võ sư Trần Văn Đầy, một trong số ít danh sư Bình Định - An Thái tha phương vào Nam phát triển dòng võ nhà Tây Sơn tại Hóc Môn - Bà Điểm. Không chỉ chữa bệnh, bốc thuốc, võ sư Đầy còn tinh thông thập bát binh khí, Nho giáo Đông phương, quyền cước, khí công, nội công... Ông đã truyền bá tuyệt kỹ Hắc Hổ quyền cho người dân 18 thôn vườn trầu chống lại bọn cường hào ác bá trong thôn, đặc biệt là sau khi phong trào Nam kỳ khởi nghĩa nổ ra ngày 23-11-1940.

Chưởng môn Hắc Hổ - Thiết Quyền đạo, võ sư Trần Hữu Hoàn
NGŨ HỔ MƯỜI TÁM THÔN VƯỜN TRẦU
Võ sư Đầy là một cao thủ chân truyền dòng võ Bình Định - An Thái. Người Bình Định có câu “Roi Thuận Truyền, quyền An Thái”. Quyền pháp An Thái nổi tiếng uy vũ lại đẹp mắt, dù hoa mỹ nhưng thực dụng, đặt nặng tính hiệu quả: chiêu thức hiểm hóc, thiện chiến áp sát, công hãm quyết liệt, đặc biệt miếng “hốt ngựa” của võ sĩ An Thái luôn làm đối phương phải ôm hận.
Nghe danh Hắc Hổ quyền, ông Thuận Tường, người Minh Hương (Trung Quốc), lưu lạc sang Việt Nam sống ẩn dật ở vùng Thất Sơn (Châu Đốc - An Giang), một bậc cao thủ Bắc Phái - Sơn Đông, sở trường tuyệt chiêu Thiết Sa công, lặn lội tìm đến 18 thôn vườn trầu xin so tài với võ sư Đầy. Trận thư hùng “long tranh hổ đấu” giữa hai bậc kỳ tài chốn võ lâm xứng danh kỳ phùng địch thủ. Liên tiếp trong ba ngày, mỗi ngày ba hiệp đấu bất phân thắng bại, “anh hùng trọng anh hùng” từ đó đã nảy nở một tình bạn. Họ cắt máu kết nghĩa đệ huynh, đồng sinh đồng tử tạo nên danh tiếng “Nhị hổ tướng” lừng lẫy từ Sài Gòn - Gia Định đến khắp Nam kỳ lục tỉnh.
Cuối thập niên 1950, ông thầy võ Sơn Đông không màng danh lợi, vợ con, sang Việt Nam ở chung nhà với người bạn già nhằm có thêm thời gian luận bàn võ thuật. Nói đến Thiếu Lâm quyền, ta vẫn nghe “Nam quyền, Bắc cước”. Bắc Thiếu Lâm sở trường đòn dài, cước pháp dũng mãnh làm chủ công. Sau nhiều năm ròng rã nghiên cứu, đến những năm cuối đời mình (1960 - 1965) võ sư Thuận Tường đã kết hợp thủ pháp Hắc Hổ với cước pháp Thiết Sa công lập ra võ phái Hắc Hổ - Thiết Quyền đạo kết tinh quyền An Thái - Bình Định với cước Sơn Đông - Thiếu Lâm tự, chiêu thức, đòn thế diệu ảo khôn lường: phòng thủ uyển chuyển linh động như hổ rình mồi trong đêm, tấn công uy lực dũng mãnh tựa rồng đạp mây quẫy đuôi trên biển...
Võ sư Trần Văn Chánh - con trai thầy Đầy, từ nhỏ đã thụ đắc công phu Hắc Hổ - Thiết Quyền đạo và chân truyền các tuyệt kỹ võ lâm đó cho năm người con trai. Trưởng nam Trần Hữu Hoàng mới 15 tuổi đã là phụ tá đắc lực của cha trong việc dạy võ. Càng lớn chàng trai này càng chứng tỏ là niềm hy vọng của ông. Tuy nhỏ con nhưng lì đòn, kỹ thuật điêu luyện, chiêu thức tung ra dũng mãnh, dứt điểm chớp nhoáng, Trần Hữu Hoàng luôn hạ gục đối phương trong các cuộc so tài. Năm 1960, được thân sinh ủy thác, Trần Hữu Hoàng lên chấp chưởng môn phái Hắc Hổ - Thiết Quyền đạo khi vừa tròn 20 tuổi. Mười năm sau, ông được Tổng cuộc Quyền thuật Việt Nam và Tổng hội Võ học Việt Nam cấp bằng võ sư. Từ đó, ông đã đưa võ đường Hắc Hổ trở thành một trong những trung tâm đào tạo võ sĩ đánh đài chuyên nghiệp, thu hút hàng ngàn thanh thiếu niên đến võ đường ở Gò Vấp xin thọ giáo. Cả 4 em trai ông: Trần Văn Xuân, Trần Văn Hiệp, Trần Thuận Hòa, Trần Thanh Quang đều là võ sư. Trước năm 1975, nói đến võ Hắc Hổ ai cũng nghe danh “Ngũ hổ tướng” của 18 thôn vườn trầu.
Võ sư Hoàng chụp ảnh lưu niệm cùng các học trò người Pháp và Việt tại TP. Bordeaux năm 2000
HẮC HỔ TUYÊN CHIẾN MÃNH HỔ
Năm 1971, nổi hứng, Hoàng “Hắc Hổ” xách máy ảnh đi... làm ký giả với bút danh Nhật Thế Phong - Phó chủ nhiệm nhật báo Dân lập, một trong những tờ báo đối lập với chính quyền Sài Gòn, bảo vệ người dân thấp cổ bé miệng. Ngoài viết báo, ông còn là ủy viên giám sát Nghiệp đoàn Ký giả Việt Nam, Đông y sĩ và châm cứu sư thuộc Tổng hội Đông y học Việt Nam. Cũng năm đó, nhân sự kiện binh lính sư đoàn Mãnh Hổ của quân đội viễn chinh Đại Hàn (đóng căn cứ dọc từ Phú Yên đến Bình Định) cưỡng hiếp phụ nữ, dùng vũ lực đánh dân, đụng xe bỏ chạy, xả súng giết người hàng loạt..., với tư cách Phó chủ nhiệm báo Dân lập và chưởng môn phái Hắc Hổ - Thiết Quyền đạo, võ sư Trần Hữu Hoàng đã quyết liệt buộc bộ chỉ huy quân đội Đại Hàn phải xin lỗi nhân dân Việt Nam, ông tuyên bố: “Môn sinh Hắc Hổ sẵn sàng thách đấu với bất cứ võ sĩ nào thuộc quân đội Đại Hàn đang tham chiến tại Việt Nam”. Về sự kiện này, báo Điện tín số ra thứ ba 14-9-1971 đưa tin “Tập thể sinh viên tiếp tục đẩy mạnh cuộc chống đối huấn luyện quân sự”, phía dưới hàng tít lớn ấy là dòng tít phụ: “Trên 3.000 võ sinh Việt Nam sẽ có thái độ mạnh với số lính Đại Hàn “ba gai”. Đồng loạt trên một số tờ báo khác như Thời đại mới, Trắng đen, Công luận, Độc lập, Đồng Nai, Hòa bình, Dân ta... đều đăng tải quan điểm của ký giả Nhật Thế Phong và lời thách thức của võ đường Hắc Hổ với nhiều tựa khác nhau. Theo đó: “Văn phòng võ đường Hắc Hổ ngày qua đã phổ biến một văn thư nhờ báo chí lên tiếng về sự thao túng, bạo ngược quá đáng của đồng minh Đại Hàn tại Việt Nam, gây ra bởi những hành động khiếm nhã như bắt dân trái phép, đụng xe bỏ chạy, nham nhở với đàn bà con gái Việt Nam đã liên tiếp xảy ra ở nhiều nơi trên lãnh thổ VNCH. Giám đốc chưởng môn võ đường Hắc Hổ cùng với trên 3.000 môn sinh thuộc hệ thống võ đường toàn quốc cực lực phản đối hành vi thiếu tinh thần thượng võ của những đồng minh Đại Hàn gây ra...”, nhóm võ sinh Hắc Hổ nhấn mạnh, vì một nguyên nhân nào đó, người Đại Hàn còn tiếp tục ngoan cố có những hành vi vũ phu, lực lượng võ sinh Việt Nam sẵn sàng trừng trị. Hưởng ứng “tối hậu thư” của võ đường Hắc Hổ, sinh viên Đại học Vạn Hạnh phối hợp với võ đường Hắc Hổ bao vây Bộ tư lệnh Đại Hàn (đường Trần Hưng Đạo, gần nhà hàng Soái Kình Lâm, Q5), tấn công binh sĩ và đốt xe quân đội Đại Hàn, dấy lên làn sóng chống “lính củ sâm” trong tầng lớp sinh viên, học sinh Sài Gòn. Trên tờ Tiếng vang ra ngày 24-9-1971, tác giả Phạm Nguyễn đưa tin “Cuối cùng, đại diện quân đội Đại Hàn đã gặp đại diện sinh viên Đại học Vạn Hạnh và chưởng môn võ đường Hắc Hổ nhận trách nhiệm và yêu cầu ngừng tấn công binh lính của họ. Đổi lại, họ đồng ý dán dấu hiệu phản chiến của sinh viên trên xe các đơn vị thuộc quân đội Đại Hàn đang tham chiến tại Việt Nam”.
Tuy nhỏ con nhưng thân, thủ, bộ pháp cực kỳ nhanh lẹ, giọng nói dõng dạc, rổn rảng, đặc biệt là ánh mắt sắc lẹm như rọi thấu tâm can người đối diện cho nên khó ai ngờ giờ đây lão võ sư Trần Hữu Hoàng đã vào tuổi “thất thập cổ lai hy”. Đề cập đến võ thuật, ông luận bàn thao thao bất tuyệt, vị chưởng môn 70 tuổi này luôn hừng hực bầu nhiệt huyết, niềm say mê quyền cước đến khôn cùng. Với ông “võ là đạo sống, là con đường tôi đi mãi suốt cuộc đời, dù không mang lại tiền tài, danh vọng...”. Ông tâm niệm: “Học võ là cứu người nhưng học võ cũng là giết người. Nếu không lấy chữ tâm, chữ đức làm gốc thì người có võ dễ nhúng tay vào tội ác. Học trò đi tìm thầy dạy võ thì dễ, chứ võ sư muốn tìm học trò để truyền cho hết nghề thật chẳng dễ chút nào. Võ thuật chỉ là một phương tiện, một bàn đạp và là công cụ để đưa võ sinh đến cứu cánh cuối cùng là VÕ ĐẠO”. Chính tư tưởng đó cộng thêm quan niệm “Văn không võ văn thành nhu nhược. Võ không văn võ hóa bạo tàn”, võ sư Trần Hữu Hoàng theo học ngành Đông y để khám chữa bệnh, phát thuốc miễn phí cho người nghèo, ông khẳng định: “Trong võ học có võ đạo, trong y học có y đức - hai phạm trù này luôn có mối tương quan mật thiết với nhau”.
XÉ BẰNG, ĐUỔI HỌC TRÒ
Ngoài dạy võ, viết báo và khám chữa bệnh, truyền nhân đời thứ ba môn phái Hắc Hổ - Thiết Quyền đạo còn tham gia đóng phim, huấn luyện viên trưởng kiêm Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và ứng dụng võ thuật thuộc M.C Corporation, giảng viên Trường Cao đẳng Điện ảnh - Sân khấu TP, Chủ nhiệm CLB cascadeur 2, chỉ đạo võ thuật cho các diễn viên Lê Tuấn Anh, Diễm Hương, Ngọc Hiệp qua các bộ phim Vết thù năm tháng, Tây Sơn hiệp khách, Ngọc Trản thần công, Hẹn gặp ở Sài Gòn...
Năm 2000, trong một lần sang Paris với tư cách chưởng môn phái Hắc Hổ - Thiết Quyền đạo, cấp chứng chỉ tốt nghiệp cho một số môn đồ, theo nghi thức môn phái, võ sinh phải quỳ gối hai tay đưa lên nhận tấm bằng từ thầy. Có hai môn sinh người Pháp không chịu quỳ, bị võ sư Trần Hữu Hoàng lập tức xé bằng, đuổi khỏi võ đường và tuyên bố khai trừ cả hai đệ tử trên ra khỏi môn phái. Thái độ của võ sư Trần Hữu Hoàng nêu cao phẩm chất đáng quý của người Việt: tôn sư trọng đạo.
Tròn nửa thế kỷ ra đời, đến nay Hắc Hổ - Thiết Quyền đạo đã đào tạo 15 võ sư, 120 huấn luyện viên và hơn 5.000 võ sinh. Nổi bật trong số này có Nguyễn Thanh Long (quán quân năm 1965 hạng 60kg), Lê Hải Bắc (quán quân năm 1966 hạng 97kg) và nhiều võ sư tên tuổi như Lê Ngọc Ẩn, Trần Văn Hiệp, Trần Thanh Quang, Liêng Hồng Sơn, Nguyễn Quang Thuận, Vũ Hồng Thanh, Trương Văn Tư, Đỗ Đặng Phong, Nhà giáo ưu tú Thu Vân, diễn viên điện ảnh Quốc Cường, Sa Bảo, võ sư Nguyễn Xuân Đường (tại Nga), võ sư Jean Louis D’ Aviau de Piolant và Ludovic huấn luyện trên 2.000 môn sinh tại Paris, Bordeaux (Pháp), võ sư Ngô Quang Thành (Lào), võ sư John Phan (Mỹ), Trần Ngọc Vinh (CAQ2), Nguyễn Việt Hoàng (CA tỉnh Bình Dương), Nguyễn Quốc Hưng (Bộ CA), Hoàng Sâm, Hoàng Vinh, Nguyễn Văn Hóa, đặc biệt võ sư Thiều Thị Tân (cựu tù chính trị nhà tù Côn Đảo)... Hiện nay tại TPHCM có bốn điểm dạy Hắc Hổ - Thiết Quyền đạo: chùa Triêm Phước, một điểm tại P16Q.Gò Vấp, Nhà văn hóa Liên đoàn Lao động, P.Tân Thới Hiệp Q12.
NGỌC THIỆN (CATP)
Bình luận