2010-03-18 17:07:26

Bút ký người điều tra: Vụ thảm sát tại nhà “quận chúa” Mộng Hoa

Năm 1978, vụ án Thanh Nga làm chấn động dư luận cả nước. Giữa lúc cơ quan điều tra CATPHCM dốc toàn lực vào vụ án này thì cũng mùa thu năm ấy lại xảy ra một vụ giết người ngay tại nhà ở đường Nguyễn Văn Trỗi, phường 12, quận Tân Bình, nay là đường Lê Văn Sỹ, phường 1, quận Tân Bình. Nạn nhân là một phụ nữ trẻ có biệt danh “quận chúa” Mộng Hoa cùng hai cô gái tuổi trăng tròn. Sau chín ngày điều tra truy xét, hung thủ đã bị bắt.

Bọn tội phạm giết “quận chúa” Mộng Hoa vì mục đích gì? Vì sao chúng hạ sát một lúc 3 mạng người? Đây là câu hỏi mà dư luận lúc bấy giờ rất quan tâm. Tuy nhiên trong 32 năm qua, những trang hồ sơ vụ án đã ố vàng nhưng nhiều tình tiết của vụ án chưa từng được công bố...



Căn nhà của Mộng Hoa ngày xưa

 

Chiều 25-8-1978, tại căn nhà mặt tiền đường Nguyễn Văn Trỗi, P12 quận Tân Bình, nay là đường Lê Văn Sỹ, P1, quận Tân Bình đã xảy ra một vụ thảm sát kinh hoàng, nạn nhân là ba cô gái từ 16 đến 26 tuổi, trong đó có “quận chúa” Mộng Hoa và người em con bạn dì là Đào Thị Ngọc Hoa 16 tuổi, người thứ ba bị trọng thương là Trần Thị Bích Ngọc. Bọn sát thủ ra tay vì mục đích gì?

AI PHONG DANH HIỆU “QUẬN CHÚA” CHO MỘNG HOA?


Từ Mộng Hoa (SN 1952, quê Gia Lâm, Hà Nội) theo gia đình di cư vào Nam khi còn tuổi ấu thơ. Mẹ của Mộng Hoa là bà Đặng Thị Loan, dì ruột là Đặng Thị Liên (ngụ tại đường Cống Quỳnh, P13Q1). Do hiếm muộn đường con cái nên bà Liên đưa Mộng Hoa về làm con nuôi lấy hên. Gần ba năm sau, bà Liên sinh được cô con gái khá xinh đẹp là Đào Thị Thu Châm, rồi người em kế tiếp là Đào Thị Ngọc Hoa ra đời. Càng lớn Thu Châm, Ngọc Hoa cũng dịu dàng xinh đẹp như Mộng Hoa. Gia đình bà Liên quá đỗi vui mừng khi sinh được hai cô con gái xinh đẹp nên họ càng yêu thương Mộng Hoa vì cho rằng cô đã đem đến cho họ niềm hạnh phúc ấy.

Thời gian thấm thoát trôi đi, Mộng Hoa càng lớn càng xinh đẹp, ngoan hiền và học rất giỏi, cô đã tốt nghiệp Cao học Luật. Mộng Hoa còn là người mẫu áo dài cho một cửa hàng áo dài tại khu thương xá Tax trên đường Nguyễn Huệ, Q1.

Sài Gòn trước năm 1975. Con đường Nguyễn Huệ - khu thương xá Tax, Q1 là nơi sầm uất rộn rịp hàng quán kinh doanh. Cửa hàng kinh doanh áo dài có cô người mẫu trẻ đẹp Mộng Hoa được nhiều người quan tâm tìm đến. Khách hàng đến đây không chỉ để mua những chiếc áo dài hợp thời trang mà còn chiêm ngưỡng sắc đẹp lộng lẫy của cô người mẫu trẻ trung xinh đẹp. Nét đẹp kiêu sa kiều diễm của Mộng Hoa không chỉ làm cánh đàn ông ngây ngất mà ngay cả phụ nữ cũng ngưỡng mộ. Đẹp người đẹp nết, thùy mỵ dịu dàng, Mộng Hoa được nhiều người thân quen, khách hàng tặng cho tên gọi nàng “quận chúa”.

Sắc đẹp của “quận chúa” Mộng Hoa đã khiến bao chàng trai say đắm. Và rồi trái tim người đẹp cũng thuộc về một ai đó. Người được diễm phúc ấy là một đại úy bác sĩ (chế độ Sài Gòn) khá điển trai Lương Tấn Lộc, SN 1942 (nhà ở đường Nguyễn Văn Trỗi, phường 12, quận Tân Bình). Họ nên duyên chồng vợ trước khi Sài Gòn giải phóng. Người dân Sài Gòn ca tụng họ là đôi trai tài gái sắc vẹn toàn.

Mẹ chồng là bà Tân Lập (quê Quảng Nam) thuộc giới giàu có vào thời điểm này. Cưới được con dâu đẹp người đẹp nết, bà hãnh diện vô cùng. Bà cấp ngay cho đôi vợ chồng trẻ căn nhà ba tầng mặt tiền ở đường Nguyễn Văn Trỗi, phường 12, quận Tân Bình, cách nhà bà không xa. Hạnh phúc được nhân đôi khi họ sinh được cô con gái xinh đẹp. Sau ngày giải phóng, cũng như bao gia đình khác, gia đình Mộng Hoa sống hòa đồng vui vẻ trong niềm vui đất nước vừa độc lập thống nhất. Nhưng rồi giông tố nổi lên khi năm 1976, chồng Mộng Hoa bị lôi kéo tham gia tổ chức phản động nên phải đi học tập cải tạo. Từ ngày chồng đi cải tạo, Mộng Hoa sống cùng con gái, tảo tần buôn bán, dành dụm tiền bạc đi thăm nuôi chồng, mong ngày đoàn tụ.

Mùa thu năm 1978, vụ án Thanh Nga làm rúng động thành phố. Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP. Hồ Chí Minh tập trung toàn lực vào vụ án này. Giữa lúc cuộc điều tra vụ án Thanh Nga đang hồi gay cấn thì một vụ trọng án khác xảy ra cũng thu hút sự quan tâm đặc biệt của người dân bởi vụ án này hung thủ đã giết chết hai người, trong đó có “quận chúa” Mộng Hoa và người bạn của em gái Mộng Hoa bị trọng thương.


Trung tá Võ Ngọc Khánh, nguyên là CSKV khi vụ án xảy ra

 

NGÀY 25 ĐEN TỐI


Sáng 26-8-1978, bà Viễn ở Q5 đến nhà thăm Mộng Hoa nhưng bấm chuông hồi lâu mà không ai mở cổng, bà nhờ người láng giềng gọi giúp cũng không được. Bà Viễn đành phải tới nhà mẹ chồng Mộng Hoa hỏi thăm. Thấy chuyện bất thường, bà Tân Lập liền sang. Bấm chuông liên tục nhưng trong nhà Mộng Hoa vẫn vắng lặng, bà Tân Lập dùng chìa khóa riêng mở cổng. Tầng dưới lặng như tờ nên bà lên tầng trên tìm. Vừa đến tầng hai, bà hốt hoảng khi thấy cảnh một người con gái đang nằm sóng soài dưới đất bên vũng máu. Bà đi như chạy khỏi nhà và đến CAP12 trình báo. Phải mất một hồi lâu bà Tân Lập mới trấn tĩnh và thuật lại cơn ác mộng giữa ban ngày của mình với các anh công an phường.

Trung sĩ Võ Ngọc Khánh - cảnh sát khu vực cùng chuẩn úy Nguyễn Thê - Phó Công an phường - lập tức đến hiện trường.
Căn nhà ba tầng của Mộng Hoa thuộc diện kín cổng cao tường, có hàng rào thép gai cao trên ba mét bao bọc, cổng chính có hai cánh cổng sắt, một cửa phụ thường đi. Trước nhà là khoảng sân xi măng rộng. Bên trái có cầu thang lên các tầng trên.

Trung sĩ Khánh và chuẩn úy Nguyễn Thê đi vội lên lầu thì gặp một cô gái đang nằm bất động gần chân cầu thang. Thấy cô còn sống, cả hai liền gọi người đưa đi cấp cứu. Đó là cô Trần Thị Bích Ngọc, bị hung thủ cắt cổ, cắt gân tay. Đi tiếp vào phòng trong, các anh thấy một cô gái đã chết trên giường là Đào Thị Ngọc Hoa (16 tuổi) - em bạn dì của Mộng Hoa. Vào phòng bếp thì một cô gái nữa nằm chết bên vũng máu, đó là Mộng Hoa.

Từ tin báo của công an phường, Ban chỉ huy Công an quận Tân Bình phân công trung úy Đỗ Phú Dậu - Đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự - cùng trinh sát Đỗ Tấn Cảnh đến hiện trường xem xét. “Quá tàn ác” - Đội trưởng Dậu thốt lên. Anh cùng trinh sát Cảnh ghi chép tỉ mỉ hiện trường rồi về báo cáo cho Ban chỉ huy công an quận. Vụ giết người được cấp báo về Ban giám đốc Công an thành phố và Ban chuyên án vụ án Thanh Nga. Ban chuyên án vụ án Thanh Nga lập tức chỉ đạo lực lượng Cảnh sát hình sự thành phố và Phòng Kỹ thuật hình sự tiến hành khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi và tổ chức điều tra vụ án.

Đại tá Cáp Xuân Diệm - Phó giám đốc Công an thành phố, trung tá Trịnh Thanh Thiệp - Trưởng phòng Cảnh sát hình sự, đại úy Hai Thành (Võ Tấn Thành - Đội trưởng Đội Trọng án) cùng các trinh sát đến hiện trường lúc 9 giờ sáng. Khám nghiệm hiện trường và tử thi cho thấy, Mộng Hoa và Ngọc Hoa đều bị đập đầu bằng vật tày, cắt cổ, cắt gân tay. Dấu vết lục tung các vật dụng, đập phá tủ cho thấy hung thủ giết người vì mục đích cướp tài sản. Dấu vết trên người các tử thi cho thấy bọn sát nhân ra tay rất dã man.

Thiếu úy Mai Tấn (trinh sát Đội Trọng án, Phòng Cảnh sát hình sự, hiện nay ông là đại tá, Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội) cùng trinh sát Công an quận Tân Bình đến Bệnh viện Chợ Rẫy lấy lời khai cô Trần Thị Bích Ngọc (SN 1955, quê Bình Định, là sinh viên năm thứ 3 Trường Đại học Tổng hợp, ngụ P15Q11) đang được cấp cứu tại đây. Chỉ một mình Bích Ngọc còn sống sót nên ngoài hai trinh sát túc trực bên Bích Ngọc, lãnh đạo chỉ huy cuộc điều tra đã huy động nhiều lực lượng bảo vệ vòng trong và vòng ngoài Bệnh viện Chợ Rẫy một cách nghiêm ngặt bởi nhận định bọn sát thủ có thể sẽ đến giết Bích Ngọc để bịt đầu mối.


Tác giả làm việc với đại úy Hai Thành

 

LỜI KHAI HÃI HÙNG


Thật may mắn là sau hai ngày được các y bác sĩ tận tình cứu chữa, Bích Ngọc đã nói được. Bích Ngọc khai: khoảng 3 giờ chiều 25-8, Ngọc từ nhà ở quận 1 đi xe buýt đến nhà Mộng Hoa. Tới nơi, Ngọc bấm chuông nhưng không có ai ra mở cửa. Một lát sau, thấy hai thanh niên mặc áo màu xám cùng một cô gái (Đào Thị Ngọc Hoa, em con bạn dì của Mộng Hoa) ra mở cửa. Bích Ngọc hỏi: “Có chị Lan (Từ Ái Lan - em ruột của Mộng Hoa) ở nhà không em?” thì Ngọc Hoa trả lời “không có, chỉ có chị Mộng Hoa ở trên lầu, chị lên chơi”. Sau đó Bích Ngọc lên lầu cùng Ngọc Hoa và hai thanh niên. Ngọc vừa đi lên hết cầu thang thì bị hai thanh niên đánh túi bụi và siết cổ, sau đó Ngọc không biết gì nữa. Ngọc nhớ đặc điểm nhân dạng của hung thủ là hai thanh niên này tuổi khoảng trên dưới 20 tuổi, một tên không cao lắm, khuôn mặt chữ điền, da trắng, một tên có râu mép. Lúc bị đánh, Ngọc còn thấy bọn chúng đánh cô gái (Ngọc Hoa) vừa đi cùng chúng ra mở cửa cho Ngọc.


Điều tra xung quanh khu vực hiện trường, trinh sát được em Hoàng Thị Nhật Mỹ (16 tuổi) ở gần nhà Mộng Hoa, là học sinh Trường Sư phạm thực hành cho biết: khoảng 9 giờ sáng 25-8, có một người đàn ông khoảng 30 tuổi, mặc áo trắng sọc nâu đến bấm chuông nhà Mộng Hoa nhưng không thấy ai mở cửa, ông ta bỏ đi rồi quay lại lúc 11 giờ 30 và tiếp tục bấm chuông. Khoảng 14 giờ 15, Mỹ đi học về thấy bốn thanh niên đến, trong đó có một người mặc áo trắng, da trắng, khuôn mặt chữ điền nói chuyện với một cô trước nhà. Còn bà Lê Thị Nhuận Kim ở gần đó cũng cho biết: sáng 26-8, có một phụ nữ mập, trắng đến nhà Mộng Hoa bấm chuông nhưng không ai mở. Bà ta nhờ kêu hộ thì bà Kim chỉ qua nhà bà Tân Lập (mẹ chồng của Mộng Hoa) ở gần đó hỏi. Bà Tân Lập sang thì phát hiện cảnh tượng kinh hoàng.

Đại úy Hai Thành làm việc với bà Tân Lập ngay buổi sáng 26-8. Theo lời bà Tân Lập thì Mộng Hoa là người vợ rất thủy chung, thương chồng và chịu khó, không có mối quan hệ phức tạp nào. Những ngày trước đó, Hoa có nói chuyện về một ông đại úy ngụy ở đường Trần Phú, Q5 đi học tập cải tạo cùng chỗ với con trai bà vừa về. Ông cho vợ đến gặp Hoa bởi theo giao ước của ông và chồng Mộng Hoa trên trại cải tạo thì ai về trước phải có trách nhiệm đến thông báo tình hình cho gia đình người còn ở lại. Hôm ấy, bà này được con trai chở đến. Trong khi tiếp chuyện, Hoa có nhã ý tìm hiểu xem vì sao chồng bà được về sớm, còn chồng mình thì chưa được về. Không biết bà ta có hứa hẹn gì không mà khi nói chuyện, Mộng Hoa có bảo: “Chị cố gắng giúp chồng em sớm được về, tốn bao nhiêu em cũng lo được”. Sau đó thỉnh thoảng Mộng Hoa có đến nhà ông này để nhờ giúp đỡ.

Nhân chứng H.V.P bán nước mía ở gần nhà Mộng Hoa cho trinh sát biết: khoảng gần 4 giờ chiều 25-8, một thanh niên khoảng trên 26-27 tuổi, mập, mặc đồ bốn túi màu xám tro đi xe Suzuki đến nói chuyện với một phụ nữ trước lan can lầu một. Khoảng hơn 10 phút sau, ông P. nhìn lên thì thấy cửa đóng, không còn ai nữa.

Một lúc mất hai người con, bà Đặng Thị Liên (mẹ nuôi của Mộng Hoa và mẹ ruột của Đào Thị Ngọc Hoa) đau đớn tột cùng. Gần như bà không còn nước mắt để khóc. Bà ngậm ngùi kể với đại úy Hai Thành: Những ngày gần đây, Mộng Hoa về có nói sắp đi thăm chồng mà không có tiền, muốn bán máy thâu băng casette đề lấy tiền đi, bà đồng ý. Tối 24-8, Mộng Hoa chở con gái 2 tuổi về chơi. 12 giờ trưa 25-8, Mộng Hoa gởi con cho bà để chuẩn bị đi thăm chồng. Trưa hôm đó, Mộng Hoa cùng Ngọc Hoa đi xích lô về nhà Mộng Hoa. Bà Liên còn cho biết, sáng 25-8, một người quen tên Hải có đến nhà bà chơi. Hải người cao, da không trắng lắm, nói giọng miền Nam, đi xe máy màu đen, không biết nhà anh ta ở đâu, chỉ biết các con gọi anh ta là Hải. Còn cô Đào Thị Thu Châm thì cho biết, Hải quen gia đình cách đây khoảng 3 tháng. Sáng hôm đó, Hải ngồi nói chuyện cũng bình thường, không có biểu hiện gì bất thường.

Tuy nhiên lúc này, các lãnh đạo chỉ huy cuộc điều tra vẫn yêu cầu các trinh sát tập trung làm rõ về người thanh niên tên Hải, bởi nhiều nguồn tin khác cho thấy Hải là một mối nghi ngờ. Sau ba ngày truy tìm, trinh sát cũng đã tìm được người thanh niên tên Hải, đó là Vũ Mạnh Hải, 28 tuổi. Hải khai có gặp Mộng Hoa ba lần, lần cuối cùng vào sáng 25-8 tại nhà bà Liên. Sáng 26-8, Hải đi Củ Chi về thì hay tin Mộng Hoa bị sát hại. Những lời khai của Hải đã được các trinh sát xác minh, kiểm chứng và cho thấy anh ta ngoại phạm.


Tại trại giam, sau khi được cán bộ trại báo có người ở thành phố gặp, ông Lương Tấn Lộc vui mừng tưởng Mộng Hoa lên thăm. Nhưng khi người ngồi đối diện là trinh sát công an thì ông Lộc bồn chồn lo lắng. Anh trinh sát thật khó mở lời lúc này. Để phá tan bầu không khí căng thẳng, anh trinh sát hỏi thăm sức khỏe và việc học tập cải tạo của ông Lộc. Ông Lộc cảm ơn và hồi hộp chờ đợi những câu hỏi tiếp theo. Với giọng trầm buồn, anh trinh sát nói về cái chết đau lòng của vợ và em vợ ông. Ông Lộc ôm đầu đau đớn. Anh trinh sát động viên: “Tôi và anh em làm nhiệm vụ xin chia buồn cùng ông. Nhiệm vụ của chúng tôi lúc này là khẩn trương truy bắt bọn sát nhân đã gây ra cái chết thảm thương này. Ông có thể cho biết những mối nghi ngờ nào không”. “Tôi làm sao có thể nghi ngờ ai được. Chỉ duy nhất một điều là khi ông Viễn cải tạo ở đây cùng tôi có giao kèo với nhau là ai về trước thì có trách nhiệm đến thông báo tình hình cho gia đình người còn ở lại biết và bảo đừng lo lắng gì, trong thời gian tới cũng sẽ được về thôi. Không biết ông Viển có thực hiện lời giao kèo đó không. Không biết vợ tôi ở nhà có làm gì phật lòng ai và họ trả thù không. Ngoài ra tôi không thể suy đoán một mối nghi ngờ nào”.

- Ông Viễn đã thực hiện lời giao kèo đó. Anh trinh sát nói với ông Lộc: Mộng Hoa sống không phật lòng ai, cái chết của cô ấy khiến người dân và cả anh em chúng tôi rất đau xót.

- Vậy các ông có tìm ra được nghi vấn về hung thủ chưa? - ông Lộc hỏi.

- Chúng tôi đang truy tìm. Vì ông là chồng cô Mộng Hoa nên chúng tôi cũng không ngại nói cho ông biết là chúng tôi đang tập trung vào việc vợ ông Viển là người đến nhà cô Mộng Hoa thực hiện việc giao kèo của ông và ông Viễn. Biết đâu từ đây chúng tôi có thể tìm ra được bọn sát thủ quá tàn ác này.

- Mong các ông cố gắng. Dẫu vợ tôi đã chết nhưng việc tìm ra bọn sát nhân cũng an ủi phần nào linh hồn của vợ và em tôi.

- Ông yên tâm, tôi biết phận sự của chúng tôi mà. Tôi sẽ đề nghị lãnh đạo trại quan tâm đến sức khỏe cũng như việc học tập của ông hơn, giúp ông vượt qua nỗi đau xót quá lớn này. Ông cố gắng giữ gìn sức khỏe. Tạm biệt ông.

- Xin cảm ơn ông - ông Lộc ngậm ngùi.

Rời trại cải tạo, anh trinh sát trở về thành phố bởi ông Lộc không cung cấp được tin tức gì liên quan. Nghĩa là cuộc điều tra vẫn dậm chân ở những nghi vấn.

Ngày thứ sáu của cuộc điều tra trôi qua. Vụ án vẫn chưa có tiến triển gì sáng sủa. Liệu vụ thảm sát này có liên quan đến vụ án Thanh Nga hay không? Các vị chỉ huy hai cuộc điều tra đặc biệt nghiêm trọng này phải đau đầu suy nghĩ. Đại tá Cáp Xuân Diệm cùng Trưởng phòng cảnh sát hình sự Trịnh Thanh Thiệp và người cộng sự luôn là mũi nhọn phá án Hai Thành trở lại hiện trường xem xét một lần nữa và họp án ngay tại đây. Phải tập trung từ lời khai của bà Tân Lập, đại tá Cáp Xuân Diệm chỉ đạo chú ý người con trai ông đại úy ngụy vừa đi cải tạo về; mặt khác tập trung làm rõ những nghi vấn khác xung quanh khu vực hiện trường vào thời điểm trước, trong và sau khi xảy ra vụ án.

Đại úy Hai Thành gặp lại ông H.V.P bán nước mía đối diện nhà của Mộng Hoa một lần nữa, ông P. cho biết thêm: Trước đó, cứ vài ba hôm, có ba bốn thanh niên khoảng 20 - 22 tuổi đến uống nước mía và hỏi thăm nhà Mộng Hoa với thái độ rất quan tâm. Sau khi ghi chép kỹ đặc điểm nhân dạng về những thanh niên mà ông H.V.P cung cấp, Hai Thành cảm ơn ông rồi cùng các trinh sát tiếp tục cuộc truy tìm dấu vết.

(Còn tiếp)

 

Thanh Nghị (CATP)

Sửa lần cuối 2012-12-20 01:38:00

Bình luận

Bình luận qua Facebook