2016-08-25 09:16:20

Trung tâm thương mại Ptak, ngoại ô thành phố Łódź

„Ptak Fashion City” nằm gần Łódź là trung tâm buôn bán quần áo lớn thứ hai ở Ba Lan, sau Wółka Kosowska. Có thể bạn không biết là nó cung cấp quần áo cho một nửa nước Ba Lan. Trên diện tích 20 hecta có các gian hàng với diện tích 120 nghìn mét vuông, có thể nói đây là một thành phố nhỏ với 2500 người bán hàng. Nếu tính cả số người cung cấp vật liệu, các nhân viên, phục vụ thì có thể nói có đến 80 nghìn người sống nhờ Ptak, không kể những người mua hàng với con số lên đến sáu triệu một năm. Các hàng hóa mua từ đây được mang bán từ vùng núi Tatra đến các vùng biển Ba Lan. Giá thuê mỗi mét vuông gian hàng lên đến hàng  nghìn zł mỗi tháng, nhưng những người bán hàng vẫn còn có thu nhập cao vì hàng ngày từ đây có hàng nghìn ô tô xếp hàng đến tận nóc chạy đi, các nhà sản xuất học hỏi ăn trộm các mẫu hàng đang bán chạy, còn các nhân viên làm đến 16 tiếng mỗi ngày.

Từ Łódź đi xe đến Ptak mất chừng mười phút, dễ dàng nhận ra nó trên tuyến đường Katowice. Phải may mắn lăm mới có thể tìm được chỗ đỗ xe sau hai mươi phút đi tìm vào lúc 7h sáng chủ nhật như thế này. Biển số xe từ khắp các vùng của Ba Lan, rồi từ Ucrain, Czech, Bạch Nga, Rumani, Ý, rồi cả xe bus từ Nga. Đủ các loại sắc dân với các bịch hàng ngồn ngộn, xe xếp tận nóc.

Hala G là chỗ bán tốt nhất, tiền thuê cũng cao hơn nhưng lượng khách rất lớn (ngoài ra còn có 6 gian bán hàng khác). Sau vài phút ở trong đó bạn có thể thấy chóng mặt vì hàng và người. Đầy các biển quảng cáo của nhóm Enej sẽ biểu diễn ở đây hôm 3/9 nhân việc mở thêm 30 quầy hàng mới.

Trước đây Trung tâm mở cửa lúc 5h sáng, nay đổi thành 7h. Trước cửa hala G, khách mua đã đợi và ngủ trong xe trước giờ mở cửa. Bên cạnh hala G là hala Trung Quốc (chińska). Hàng hóa rẻ hơn một chút và cũng đông khách. Trái với tên gọi, người bán hàng ở gian này chủ yếu là người Việt Nam và một số người Thổ.

Hàng chủ yếu là bán buôn, phần lớn các quầy có biển „Tylko hurt”. Đây cũng là cách để chống phòng thuế, vì nếu muốn bán lẻ quầy phải có kasa bán hàng, vậy nếu có bán thì chỉ có bán chui. Theo tín hiệu của người bảo vệ khi có phòng thuế đi kiểm tra, thì tất cả các chủ hàng khi khách hỏi mua lẻ đều lắc đầu. Nếu bạn muốn mua hàng có mác của các hãng nổi tiếng thì phải sang Ptak Outlet, xây ở phía bên kia đường quốc lộ số 1. Ông chủ của Trung tâm đã bỏ 10 triệu zł để xây đường ngầm nối hai trung tâm, nhưng vào buổi sáng chủ nhật thì phía bên ấy hầu như không có khách. Còn trung tâm ở phía bên này dành cho thường dân vẫn đông nghịt người.

Ở đây ta có thể biết hàng gì mốt trong mùa này. Hàng bán giá phụ thuộc vào số lượng mua. Năm chiếc thì chưa phải giá bán buôn vì giá bán buôn thực sự phải từ 50 chiếc. Khách cũng phải đi lùng mới kiếm được giá rẻ. Thỉnh thoảng nghe thấy các cuộc nói chuyện bằng tiếng Nga. Các khách hàng đến từ Bạch Nga, Ucrain và Nga trả giá tốt, mua nhiều và không bao giờ lấy hóa đơn. Mà mọi quầy đều biết bán chui được bao nhiêu thì tốt chừng ấy, còn chẳng ai biết được các bạn đến từ phía Đông này bằng cách nào nhồi nhét được số hàng ấy lên xe.

Ông Antoni Ptak, người dựng ra trung tâm chắc kiếm bội. Tờ báo „Wprost” xếp ông vào hàng thứ 6 trong số 100 người Ba Lan giầu nhất, với tài sản cỡ 3 tỷ zł. Nguồn thu từ số người bán hàng thuê quầy. Khủng hoảng kinh tế không ảnh hưởng gì đến ông, còn vấn đề bóc lột thì là hiển nhiên.

Cô Anita bỏ việc ở Ptak và bảo với ông chủ là hết chịu được cảnh bị bóc lột. Lương thì không tồi, khoảng 1600 đến hơn 2000zł một tý nhưng công việc ngập đầu, thỉnh thoảng bà chủ còn bắt gọt hoa quả đãi khách. Quầy hàng trăm nghìn hàng, hai tuần một lần lại nhận, treo, xếp kho, chào mời khách hàng với nụ cười trên môi nữa, và lại từ 5h sáng, có hôm phải đến lúc 3h. Hôm nào kiểm kho thì phải làm đến 16h, khi đó phần thưởng là xuất ăn mua từ McDonalds gần đó và 100zł cuối tháng, cũng có khi không. Không được nói chuyện trao đổi với bạn cùng làm, camera theo dõi cả ở chỗ thay đồ. Cô Anita không may vì có lễ cưới đúng vào ngày phải đi làm. Cô xin về sớm vào lúc 15h, nhưng bà chủ giữ đến tận 17h, không kịp đi làm đầu và trang điểm nữa. Về đến nhà là chỉ còn ngủ vì hết sức, không có ngày nghỉ cuối tuần. Cô bỏ việc sau nửa năm. Còn cô Grażyna cũng bỏ nốt, vì lương 2 nghìn złoty dù là lương tốt, nhưng không còn biết ngày tháng nữa, chỉ nhớ ngày nào nhận hàng là phải chuyển cả xe ô tô tải và ngày khổ nhất trong tuần là ngày chủ nhật mà thôi.

Tại sao lại như vậy, anh Michał giải thích. Kinh doanh thì phải có lãi, phải hạ giá thành chứ. Tất nhiên là phải thuê lao động rẻ rồi. Anh Michał tìm thuê thợ may từ mấy tháng nay, và cả thợ cắt nữa. Łodz đang thiếu thợ. Khi khối xã hội chủ nghĩa sụp đổ thì hàng nghìn thợ may ở các xí nghiệp nhà nước thất nghiệp. Một phần số này tìm được công việc ở các xưởng nhỏ hiện đang mọc lên nhanh ở vùng này. Anh Michał cũng đang thuê hơn 20 thợ may và còn đặt ba xưởng khác làm hàng nữa. Ngày càng có nhiều thợ từ Ucrain đến, họ sẵn sàng làm việc hơn người Ba Lan với số lương bằng một nửa. Bây giờ anh muốn xây dựng thương hiệu, tăng chất lượng để bán hàng đi Tây Âu chứ không phải cho khách phía Đông nữa. Đây mới là tương lai của Ptak. Phải chấm dứt hàng rẻ tiền!

Hai chục năm trước ở vùng Rzgow này toàn các quầy sắt, giờ thì các hala, outlet và trung tâm có cái tên tự hào là „Ptak Fashion City” với các biển quảng cáo ghi là „thành phố hàng mốt duy nhất châu Âu”. Chắc ở Mediolan người ta nhếch mép cười thầm. Không chắc họ có lý đâu. Chính năm ngoái Paris Hilton đã đến dự hội chợ quốc tế ở đây mà!

Thế nhưng bây giờ thì phần lớn đang buôn hàng Tầu may ở Ý, mang mác các hãng xịn. Theo anh Michał thì tốt nhất không nên nói chuyện về chất lượng của chúng, vì toàn hàng may bằng máy vắt sổ. Nếu áo phông nữ có thể mua buôn với giá 10, 20 zł thì còn gì để mà bàn? Các áo phông nữ của anh có giá 100 zł. Tự thiết kế và may bằng vải Ba Lan. Chúng tôi có khách từ Đức và Hà Lan. Giờ thì còn ít, nhưng các hàng của Ba Lan làm đang mốt vì đồ Ba Lan là đồ tốt. Nhưng số người như anh ở Ptak mỗi ngày một ít dần.

Sau đấy hai tháng thì mẫu áo len đỏ chạy do Michał tự thiết kế và làm ra này họ chở cả ô tô làm từ Ý đến đây bán. Vì ở đây mọi người bên ngoài đều vui vẻ với nhau, nhưng ngay sau đó họ ăn cắp mẫu của mình và làm hàng giả giống hàng mình. Việc ăn trộm mẫu là bình thường ở đây. Không có sự cộng tác gì giữa các người bán hàng cả. Mà mày cứ hỏi ai là tình hình bán hàng ra sao thì họ đều nói chợ như b… ấy. Nhưng sau thì mày sẽ nhìn thấy nó đi xe ô tô gì ...

Để có tiền thì phải đau đầu (stres). Mày làm ra một mặt hàng không bán chạy thì mày lỗ. Chi phí cao vì thợ làm 12 tiếng một ngày, tuần 6 ngày. Bây giờ bắt đầu vào vụ và nhà máy làm hết công suất. Và cũng là lúc lo nhất. Sau đấy thì chỉ có may thêm bổ sung thôi. Đông khách nhất là vào dịp Lễ người đã khuất (1/11). Ai cũng thích mặc đẹp lúc đi tảo mộ. Sau đó là vào tháng 12. Mùa đông thì kém, mùa hè cũng buồn. Nếu gặp tháng tốt thì kiếm được vài chục nghìn zloty, còn vào tháng kém thì mày bù lỗ, anh Michał kết luận.

Vào lúc 15h chợ Ptak tan. Các người bán hàng đứng hút thuốc và bàn tán về các tin đồn. Chủ sẽ làm gì nhỉ? Tăng giá thuê? Hạ giá? Xây gian mới? Phá gian này? Ông ta đuổi quầy này và di chuyển quầy kia? Mỗi người bàn một ý và ý nào cũng đúng như nhau. Còn bây giờ thì những người mua buôn đang nhét nốt các bịch áo len vào xe ô tô con đã chật ních hàng. Tạm biệt và hẹn tuần tới sẽ gặp lại!

NHV lược dịch từ „gazeta.pl”

Sửa lần cuối 2016-08-25 07:34:31

Bình luận

Bình luận qua Facebook