2015-12-12 01:01:14

Ở ẩn

Trương Đình Toe             

Xưa nay nói đến ở ẩn, người đời thường nhắc đến Bá Di, Thúc Tề thời thượng cổ đại bên Tầu. Hai vị nguyên là con vua nước Cô Trúc, chư hầu của thiên tử nhà Thương. Bá Di là anh, Thúc Tề là em. Vua nước Cô Trúc chết, để lại chiếu mệnh truyền ngôi cho Thúc Tề. Nhưng Thúc Tề không chịu, muốn trả lại ngôi cho anh. Bá Di nói không muốn trái mệnh cha, cũng không nhận. Rồi cả hai đều bỏ trốn khỏi nước. Người trong nước phải lập người em của hai vị là Á Bằng làm vua. Bấy giờ thiên tử nhà Thương là vua Trụ tàn bạo. Thiên hạ đại loạn. Hai ông nghe tin Tây bá là Cơ Xương - cũng là chư hầu của nhà Thương – trọng người hiền, liền tìm đến. Đến nơi thì Cơ Xương đã chết, con là Cơ Phát nối ngôi. Cơ Phát khởi binh đi đánh thiên tử nhà Thương. Hai người nắm cương  ngựa của Cơ Phát can rằng: „Cha chết không chôn lại gây việc can qua tất không gọi là hiểu, làm tôi mà đánh lại thiên tử thì không phải là trung”. Thủ hạ của Cơ Phát định giết, nhưng Khương Tử Nha (tức ông Lã Vọng) ngăn lại, để cho hai người đi. Cơ Phát đánh bại nhà thương, lên ngôi thiên tử, tức là Chu Vũ Vương. Cơ nghiệp 800 nhà Chu lập lên từ đó. Bá Di, Thúc Tề trung với nhà Thương,  không muốn ăn thóc nhà Chu, bỏ lên núi Thú Dương, hái rau vi ăn qua ngày. Nhưng rau vi không nuôi sống được người, hai ông chết đói ở đó. Việc ấy xảy ra vào thế kỷ XI hoặc XII TCN. Sau này Khổng Tử lấy Bá Di, Thúc Tề làm gương dạy các nhà nho: „Thiên hạ có đạo thì ra làm quan, thiên hạ vô đạo thì đi ở ẩn”. Tương truyền Bá Di, Thúc Tề chết biến thành loài chim gia gia, tiếng kêu ai oán. Bà huyện Thanh Quan trong bài thơ „Qua đèo Ngang tức cảnh” có hai câu: „Nhớ nước đau lòng con quốc quốc/ Thương nhà mỏi miệng cái gia gia”.  Lại có một bài thơ khen Bá Di, Thúc Tề, có người cho rằng của tiên sinh Nguyễn Công Trứ một thời ẩn sĩ, trong đó có hai câu: „Cô Trúc hồn về sương man mác/ Thú Dương danh tạc đá tri tri”. 

                                                 Ảnh 1: Nguyễn Trãi 

Lịch sử An Nam ta cũng có nhiều nho sĩ từ quan đi ở ẩn. Nổi tiếng nhất trong số đó có lẽ là Nguyễn Trãi. Sử ta đều chép, trước khi xảy ra thảm họa vụ án Lệ Chi viên, Nguyễn Trãi về ở ẩn tại chùa Côn Sơn ở Chí Linh, Hải Dương. Tôi thời học sinh trọ học gần đấy, cũng đã từng đến chùa vãng cảnh. Ngày ấy đây vẫn là nơi hẻo lánh, tĩnh mịch, không có dân cư, chứ chưa ồn ào, náo nhiệt như bây giờ. Mái chùa thấp thoáng bóng cây dưới chân núi. Bốn bề rừng thông bạt ngàn, gió thổi vi vu. Khe núi có dòng suối nước trong vắt, đi mãi chẳng đến nguồn. Lưng chừng núi, phía sau chùa có ngọn tháp đá cũ kỹ, trên nóc cỏ mọc đầy, đã sắp đến ngày đổ. Đỉnh núi có một phiến đá lớn phẳng phiu, gọi là bàn thạch. Nghe nói đây là chỗ Nguyễn Trãi hay đánh cờ. Tiếng là ngài ở ẩn, nhưng muốn ăn gạo ngon, có người cày ruộng cấy lúa; muốn ăn cá tươi, có kẻ đào ao thả cá; muốn nghe hát có các ả đào; muốn đánh cờ có bạn cờ; muốn bình thơ có thiếp yêu Nguyễn Thị Lộ... Ở ẩn thế há chẳng vinh hạnh lắm ru. Nhân đây lại nói về Nguyễn Thị Lộ. Khi xưa Nguyễn Trãi ở kinh kỳ, một hôm  ra chợ Tây Hồ, thấy một người con gái trẻ, đẹp tuyệt vời, bán chiếu, liền vịnh mấy câu thơ, ghẹo: „Em ở nơi nào bán chiếu gon/ Hỏi em chiếu bán hết hay còn/  Xuân xanh chừng độ bao nhiêu tuổi/ Đã có chồng chưa, độ mấy con”. Chẳng ngờ người con gái vịnh lại: „Thiếp ở Tây Hồ bán chiếu gon/ Hỏi chi chiếu bán hết hay còn/ Xuân xanh chừng độ trăng tròn lẻ/ Chồng còn chưa có có chi con”.  Người con gái ấy chính là Nguyễn Thị Lộ. „Trăng tròn” vào mười năm, „lẻ” nữa tức mười sáu- Nếu chuyện này có thật thì Thị Lộ bấy giờ mười sáu tuổi. Nguyễn Trãi gặp người con gái trẻ đẹp, tài hoa thì tìm cách cưới làm thiếp. Còn một truyền thuyết dân gian nữa nói rằng Thị Lộ là hồn con rắn thành tinh, gây lên vụ án giết vua Lệ Chi Viên để trả thù việc người nhà Nguyễn Trãi vô ý phá vỡ tổ rắn lúc dọn vườn. Nhưng người viết cho đấy là chuyện dị đoan, nên không kể ở đây. 

Ở ẩn không phải là đặc thù các xã hội phương Đông xưa. Người phương Tây cũng có tục ấy. Nhưng tục ở ẩn châu Âu liên quan mật thiết đến Thiên Chúa giáo. Những người ở ẩn vốn là những tu sĩ. Có người tìm nơi hẻo lánh, hoặc dựng một cái am, hoặc vào trong hang đá, một mình tụng kinh cầu Chúa, sống nhờ bố thí đến hết đời. Tiếng Ba Lan gọi là „pustelnik”, có thể hiểu là „người sống ở chốn hoang vu”. Cũng có khi các tu sĩ tụ tập nhau lại, đến những vùng rừng xanh núi đỏ, xây dựng tu viện, rồi ở đó và chẳng liên hệ với thế giới bên ngoài. Tôi đã đến một thắng cảnh nổi tiếng bậc nhất về di tích các tu viện kiểu ấy ở Hy Lạp, gọi là Meteoryt, tiếng địa phưng có nghĩa là „Lơ lửng trong mây”.

 Ảnh 2:  Meteoryt, Hy Lạp  – thắng cảnh nổi tiếng bậc nhất châu Âu về những tu viện cổ

Phong cảnh nơi đây đẹp lạ thường. Giữa rừng cây rườm rà, xanh ngắt nhấp nhô những ngọn núi đá, chênh vênh. Ngày có sương mù, trông chẳng khác gì những thiên thạch ẩn hiện trên không trung, vì thế mới có tên là Meteoryt. Vách đá dựng đứng. Cảm giác đấy chỉ là nơi dành cho chim đại bàng làm tổ, chứ người không thể lên được. Nhưng suốt thời trung cổ, các tu sĩ theo Thiên Chúa đã chế ra thang dây, đưa nguyên vật liệu lên, xây nên tu viện. Công việc nhọc nhằn, cần mẫm chẳng khác gì kiến tha đất xây tổ vậy. Rồi các vị ở đó, mang  cả gia súc lên nuôi, nhưng phải toàn là con đực. Những tu viện bị thời gian hủy hoại, tuy vậy số còn lại vẫn nhiều, rất đẹp và nay được tu sửa. Một số có làm lối lên, có bực thang cho du khách viếng thăm. Ngày nay phương Tây cũng không còn tục ở ẩn nữa. Nhưng thỉnh thoảng vẫn còn những người rất kỳ lạ. Họ từ bỏ chốn thành thị văn minh, tráng lệ, về nơi thôn dã, vùng rừng núi, chăn nuôi, cày cuốc nuôi thân và coi đó là hạnh phúc.    

          Ảnh 3: Những người vướng nhiều bụi hồng trần không nên đi ở ẩn

Tôi thỉnh thỏang cũng bàn về chuyện ở ẩn. Một lần cùng phu nhân du ngoạn ở xứ Chùa Tháp. Trên đường đến sông Tonle Sap mà người Việt ta quen gọi là Biển Hồ, thấy đồng không mông quạnh, đất đai cằn cỗi, những chú bò gầy cặm cụi gặm từng ngọn cỏ khô. Làng quê ở đây vẫn chưa có điện.  Nhưng nghe kể Campuchia đất rộng, người thưa, mỗi năm chỉ cấy một vụ cũng thừa ăn. Bây giờ đương là mùa khô. Mùa mưa đến, nước mênh mông như bể. Muốn ăn cá chỉ cần đào cái ao. Khi nước rút, cá các loại dồn xuống. Rồi thích lúc nào, làm cái cần câu hay cái lưới mà bắt. Phu nhân tôi thấy hay, bảo rằng: „Sau này nếu thiếp tôi có chết trước thì chàng về đây hay về quê Việt Nam mà ở ẩn”. Tôi trả lời: „Không được. Đã đi ở ẩn, phải ở nơi  mà nếu mình chẳng làm hại đến ai thì cũng chẳng có ai làm gì mình. Còn những xứ sở mình chẳng làm gì ai, nhưng trí lực không còn, cứ có những kẻ đến gây sự thì ở ẩn sao được. Vả lại những người sinh nhầm thế kỷ, vướng nhiều bụi hồng trần cũng không nên đi ở ẩn”. 

TĐT

Sửa lần cuối 2015-12-12 00:11:45
  • Le Minh Nguyen Le Minh Nguyen Chào Em Trúòng Đình Toe, anh Minh cùng trúòng AGH đây. HAY QUÁ, VIÊT HAY QUÁ. anh xin thúc lòng phuc tài vêt bài này đâý . Đúng là : Nhó núóc, thúóng nhà con quôć quôć. ....Muôń không đúóc, không muôń cuñg không đúóc. Khôn hay, muôn sú tąi Tròi, chó đùng trách lâñ tròi gân hay xa. Xin PHÁ GIÓI, KHÔNG Ó ÂN kiêů NGUYÊÑ TRÃI núã. 2015-12-12 22:31:30

Bình luận

Bình luận qua Facebook