2014-01-04 09:37:56

Một việc làm tình nghĩa


Ông Lê Thiết Hùng và ông Nguyễn Xuân Nhung đã chứng kiến việc trao hài cốt cho gia đình  anh Chu Văn Thích.   



Việt Nam đầu những năm 70 của thế kỷ trước, cả dân tộc trong khí thế quyết chiến, quyết  thắng vì độc lập dân tộc và thống nhất tổ quốc. Tuổi thanh niên thực sự hãnh diện, tự hào là vào thời khắc lịch sử ấy nhiều người con ưu tú của dân tộc đã không sợ hy sinh, gian khổ tự mình viết quyết tâm thư bằng máu xin lên đường đi chiến đấu. Cũng chính trong ngày tháng ác liệt cuả cuộc chiến tranh, hàng ngàn thanh niên vẫn được nhà nước tuyển chọn sang các nước bạn học tập nghiên cứu để chuẩn bị cho xây dựng đất nước sau hoà bình. Trong số những người con ưu tú ấy, anh Chu Văn Thích một thầy giáo cấp II ở vùng quê nghèo được cử sang Ba Lan học đại học. Anh đã có nhiều năm làm giảng dạy và quản lý giáo dục. Niềm vui thật lớn, tương lai mới cho một giáo viên chưa hề biết đến thủ đô Hà Nội trước khi ra nước ngoài. Thực sự lúc đó là niềm tự hào, là vinh dự lớn lao cho gia đình, dòng họ và quê hương. Sang Ba Lan anh Thích được phân học ngành hoá Đại học Tổng hợp Wroclaw. Mọi việc tưởng sẽ theo những gì được sắp xếp trước. Không ngờ đâu điều xấu nhất lại đến với anh bất chợt. Căn bệnh hiểm nghèo đã cướp đi cuộc sống tốt đẹp của anh và là sự mất mát lớn nhất của cả gia đình anh.  Mỗi người có một số phận, ai biết được tương lai sẽ dẫn mình tới đâu? Anh Thích đã ra đi và nằm lại nơi đất khách quê người, thời gian đến hôm nay là tròn 37 năm. Một điều nghe có vẻ phi lý, nhưng đó lại là sự thật. Anh Thích an nghỉ ở Ba Lan mà gia đình không có tin tức gì cụ thể. Cũng không ai từ phía gia đình hỏi thăm, liên hệ được. Ngay cả bạn bè cùng học với anh một thời cũng không có cách gì để biết được gốc tích quê anh ở đâu? Những năm kháng chiến người Việt là lưu học sinh, cán bộ sang Ba Lan công tác không may bị chết, đều an nghỉ lại nơi đây. Việc chăm sóc mộ táng do khả năng và cách tổ chức của người Việt, rất ít gia đình từ Việt Nam biết về người thân của mình hiện nay ra sao? Một trong những lý do có thể là thiếu thông tin, hoàn cảnh kinh tế khó khăn, đường xa cách trở, đi lại phức tạp? Gia đình anh Thích là một ví dụ. Anh Thích đi học đã có vợ và 2 con nhỏ. Sau cái chết của anh gia đình rơi vào hoàn cảnh rất khó khăn. Chị Nhu –vợ anh Thích kể: Ở vùng quê thuần nông, mọi việc chỉ trông vào cây lúa, một người phụ nữ ốm yếu như chị phải rất vất vả mới nuôi nổi hai đứa con khôn lớn. Cũng vì thế mà con cái cũng không có điều kiện học hành như mong muốn của người cha: “con trai cho học toán, con gái học nghề”. Ngôi nhà bố mẹ cho anh chị ở cũng bị đòi lại là do gia đình chồng nghi chị Nhu sẽ đi thêm bước nữa. Cái chết của người chồng với bao kỳ vọng ở tận trời Âu đã làm cho chị khủng hoảng về tinh thần. Ngày đêm thương nhớ chồng khôn nguôi, cuộc sống hàng ngày “cơm không đủ ăn, áo không có mặc” một thời bao cấp (tất cả cho chiến trường) không miễn trừ một ai đã làm con người không còn tâm trí và sức lực nghĩ về những gì lớn lao hơn. Gia đình chấp nhận một thực tế: Anh Thích phải an nghỉ “cô đơn’’ mãi mãi nơi đất khách, ở quê một ngôi mộ giả “sọ dừa, xương dâu” được xây để làm nơi hương khói bớt đi sự thương nhớ đôi bên. Thời gian cứ trôi đi, người vợ già bệnh tật, ốm yếu ngày đêm vẫn mong được gặp chồng. Nay các con anh đều đã trưởng thành, đứa cháu nội của anh cũng vừa tốt nghiệp Đại học Hằng Hải mà sự việc vẫn trong im lặng. Ở gần nhà anh Thích có một LHS khoá học những năm 80 biết được việc này đã gợi ý mời chị Nhu sang Ba Lan thăm chồng, nhưng chị Nhu từ chối vì sức khoẻ, thân một mình sang tận trời Âu chị tự thấy mình không đủ sức cho một chuyến đi dài.

Tưởng sự việc như đã an bài. Bỗng một ngày anh Hùng (một cựu LHS Wroclaw) báo tin cho Hội Người Việt Nam Tại Ba Lan: Thời hạn thuê đất cho ngôi mộ anh Thích đã hết. Một giải pháp cần được đưa ra lúc này và mọi người đều thống nhất chọn phương án chuyển hài cốt anh Thích về Việt Nam cho gia đình. Được sự đồng ý và ủng hộ của gia đình anh Thích, Hội ĐH Thái Bình chủ trì việc làm thủ tục và chi phí cho việc chuyển hài cốt anh Thích về Việt Nam theo địa chỉ: Đông Hà, Đông Hưng, Thái Bình. Nhiều ngày giờ chờ đợi để được nhận hài cốt, gia đình và những người tham gia trực tiếp không khỏi hồi hộp, nóng ruột kèm theo lo lắng. Có thể nói không có ngày nào không có thông tin qua lại qua inernet hoặc điện thoại Ba Lan - Việt Nam.

Ngày 23.12.2013 hài cốt anh Chu Văn Thích đã về đến Nội Bài. Di ảnh và băng hình ghi lại quá trình khai quật hài cốt anh Thích (anh Tô, anh Hinh Hội ĐH Thái Bình chứng kiến) được anh Thanh (Tham tán Thương Vụ VN tại Ba Lan) chuyển cho gia đình trước đó 5 hôm. Gia đình anh vô cùng xúc động khi nhận được hài cốt người thân được bao gói chu đáo và chuyển cho gia đình một cách trân trọng qua Hãng Qatar Airways tới Cảng Hàng không VN airline Nội Bài với sự chứng kiến của đại diện Hội NVN tại Ba Lan, ông Lê Thiết Hùng, đại diện Hội ĐH Thái Bình, ông Nguyễn Xuân Nhung. Thật không nói hết được niềm vui và sự xúc động của gia đình và mọi người có mặt trong buổi tiếp nhận hài cốt anh Thích sau những ngày tháng mong chờ.

Qua chúng tôi gia đình muốn gửi lời cảm tạ sâu sắc đến bà con Việt nam tại Ba Lan, nhất là những người đã ủng hộ về tinh thần và vật chất, tâm huyết và công sức cho một việc làm đầy nhân ái và tình người này.

Có thể nói đây là lần đầu tiên một người Viêt Nam đã yên nghỉ ở Ba Lan lâu năm, nay hài cốt được chuyển về Việt Nam thuận lợi. Chắc rằng sẽ còn có những trường hợp khác sẽ được tiến hành trong tương lai khi các thủ tục từ nhiều bên được thoả thuận thống nhất.

Anh Chu Văn Thích từng là một cán bộ nhà nước được cử đi học  ở nước ngoài – có khác gì đi công tác, bị chết trong khi đang thực thi công việc được trao (học tập). Với những năm chiến tranh nhiều khó khăn và không đủ điều kiện để làm công việc chuyển hài cốt người đồng hương – người con Việt được cử đi học tập, công tác từ nước ngoài về Việt Nam. Gia đình anh Thích chưa được hưởng bất kỳ sự trợ cấp xã hội nào, đặc biệt vợ anh tuổi già, ốm yếu đến bảo hiểm y tế cũng không có? Chúng tôi muốn tìm câu trả lời cho trường hợp này và những trường hợp tương tự. 

 

            Bài và ảnh: Nguyễn Xuân Nhung

Sửa lần cuối 2014-01-04 08:42:37
  • Hồ Chí Hưng Hồ Chí Hưng Đây là một việc làm đầy tình người của Hội đồng hương Thái Bình và Hội Người Việt Nam tại Ba Lan. Các anh, chị dã vượt qua moi khó khăn về thủ tục, kinh phí, khoảng cách địa lý để đưa được hài cốt của người thân về với gia đình sau bao nhiêu năm ở đất khách quê người. Chung tôi vô cùng cảm kích trước việc làm đầy tình nghĩa đó của cộng đồng người Việt taij Ba Lan. Xin nói thêm là cách đây mấy năm Ban liên lạc LHS khóa 1967 mà đại diện là các anh Dương Quốc Thắng, Nguyễn Thành Tô cũng đã làm được một việc như vậy. Các anh đã đưa hài cốt của anh Nguyễn Văn Cường nguyên sinh viên Học viện AGH Krakow đưa về cho gia đình ở Việt Nam sau 30 năm yên nghỉ tại nghĩa trang TP. Krakow. Cầu mong cac anh yên nghỉ bình yên trong đất Mẹ quê hương Việt Nam. 2014-01-08 03:14:14

Bình luận

Bình luận qua Facebook