2022-01-05 07:46:06

Cúm Tây Ban Nha - đại dịch lớn nhất của thế kỷ 20

Đại dịch cúm Tây Ban Nha đã cướp đi sinh mạng của nhiều người hơn cả Thế chiến thứ nhất. Bệnh bắt nguồn từ đâu, đã được điều trị như thế nào và hậu quả của nó ra sao?. Trong khi chúng ta vẫn chưa vượt qua đại dịch COVID-19, thiết nghĩ cũng nên tìm hiểu những gì virus đã gây ra cho thế giới trong quá khứ.

Lúc đầu, dịch cúm Tây Ban Nha xuất hiện trong các doanh trại quân đội. Tuy nhiên, virus này nhanh chóng lây lan ra bên ngoài các cơ sở quân sự, gây bệnh hàng loạt cho dân thường. Nó đã tấn công thành bốn đợt. Đợt đầu tiên xảy ra vào mùa xuân năm 1918, tương đối nhẹ và có tỷ lệ tử vong thấp. Tuy nhiên, virus đã đột biến vào mùa hè và đợt thứ hai của nó đã cướp đi sinh mạng của hàng triệu người. Đợt thứ ba, nhẹ hơn, xuất hiện vào đầu năm 1919, và một năm sau đó, đợt đại dịch cuối cùng đã xảy ra.

Vào ngày 4 tháng 3 năm 1918, một trong những người đầu tiên trên thế giới mắc bệnh cúm Tây Ban Nha là người đầu bếp (tên là Albert Gitchel), ở Trại Funston, ở Fort Riley với triệu chứng ho, sốt và đau đầu. Cấp trên bỏ qua các triệu chứng của căn bệnh và ra lệnh cho anh ta trở lại làm việc. Virus lây lan nhanh chóng khắp căn cứ quân sự: hơn 1.000 binh sĩ phải nhập viện, vài nghìn người bị ốm và từ vài đến vài chục người (tùy theo nguồn) tử vong.

Chiến tranh đã tạo điều kiện cho sự lây lan của đại dịch nhanh chóng khắp châu Âu. Bệnh dịch tấn công Pháp, Anh và Ý, làm suy yếu sức mạnh chiến đấu của các đơn vị. Căn bệnh này cũng xuất hiện ở Tây Ban Nha, quốc gia vẫn giữ vị trí trung lập trong Thế chiến thứ nhất và đã không chịu kiểm duyệt thông tin về căn bệnh mới. Kết quả là, sự khởi đầu của bệnh cúm Tây Ban Nha được cho là ở bán đảo Iberia. Điều thú vị là ở Tây Ban Nha, căn bệnh này được gọi là "cúm Pháp" vì chính quyền địa phương tin rằng những người lao động thời vụ đến từ Pháp là nguyên nhân truyền vi rút. Tuy nhiên, có nhiều dấu hiệu cho thấy đại dịch bắt đầu ở Trung Quốc, Pháp hoặc Hoa Kỳ.

Bất kể nơi bùng phát dịch cúm Tây Ban Nha đầu tiên nằm ở đâu, căn bệnh này đã lây lan nhanh chóng trên khắp thế giới. Ngày nay chúng ta  gọi là "bệnh cúm Tây Ban Nha", nhưng lúc ấy, ở Brazil, nó được gọi là "bệnh cúm Đức", ở Senegal là "bệnh cúm Brazil", và ở Ba Lan là "Wołynka", "Ukraina" hoặc nói theo kiểu chế giễu "bệnh Bolshevik".

Cúm Tây Ban Nha: Các triệu chứng và cách điều trị

Từ mùa thu năm 1918, cúm Tây Ban Nha đã xuất hiện ở khắp các châu lục, ngày càng có nhiều triệu chứng và biến chứng nghiêm trọng. Những triệu chứng đặc trưng là chảy máu cam, ho, ớn lạnh, buồn nôn, sốt cao, và hậu quả là dẫn đến viêm não, viêm phổi và hôn mê. Bệnh dịch đã tấn công binh lính trên nhiều mặt trận khác nhau. Kể từ đợt thứ hai, dân thường cũng bị thiệt hại hàng loạt - theo ước tính của các nhà nghiên cứu, số người bị nhiễm lên đến 500 triệu người. Các phương thức điều trị lúc đó còn hạn chế và vi rút có khả năng gây bệnh cao. Hầu hết các trường hợp tử vong xảy ra do nhiễm trùng phổi và vi khuẩn thứ phát gây ra. Penicillin có thể hữu ích trong việc điều trị, nhưng nó không được tìm thấy ở các hiệu thuốc vào thời điểm đó (Penicillin được phát hiện vào năm 1928).

Năm 1918, aspirin được công nhận là loại thuốc chống cúm tốt nhất. Nhiều phương pháp "truyền thống" cũng đã được thử nghiệm. Không chỉ những thày lang, mà ngay cả các bác sĩ cũng đưa ra các liệu pháp có hại, như là hút máu, tiêm thủy ngân, cho thông hoặc hít khí độc. Hầu hết các phương pháp đều thất bại, và hiện nay người ta tin rằng tỷ lệ tử vong có thể đã thấp hơn nếu các liệu pháp điều trị hiện tại được thực hiện.

Hậu quả của đại dịch cúm Tây Ban Nha là 50 đến 100 triệu người chết. Jeremy Brown đã chỉ ra 4 giả thuyết khiến cho tỷ lệ tử vong cao như vậy: Sự phong tỏa interferon tức là "tín hiệu gây nhiễu cho cơ thể tự vệ", viêm phổi do vi khuẩn thứ phát, phản ứng quá mức của hệ thống miễn dịch, điều kiện sống (được hiểu là sự đông đúc của người ở nơi lưu trú). Phần lớn là những người trẻ và khỏe mạnh đã chết vì bệnh cúm Tây Ban Nha. Hầu hết trong số họ từ 15 đến 44 tuổi, mặc dù tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh và người già rất cao. Nhìn chung, tỷ lệ tử vong là trên 1% trong số ca nhiễm trùng.

Virus này đã lây lan khắp thế giới, mặc dù một số khu vực của Châu Phi, Châu Á và Nam Mỹ được cho là vẫn không bị nhiễm virus này. Tuy nhiên, Ba Lan giống như phần còn lại của châu Âu, cũng bị ảnh hưởng. Quy mô và diễn biến của đợt đại dịch ở Ba Lan phần lớn vẫn là một bí ẩn. Không có số liệu thống kê chính thức. Để bảo vệ chống lại bệnh cúm, binh lính Ba Lan đã được tiêm vắc xin với một chế phẩm do Viện Dịch tễ Trung ương sản xuất. Vào thời điểm đó, tác dụng của vắc-xin đã được đánh giá tích cực, mặc dù ngày nay chúng ta biết rằng hiệu quả của nó không đủ và tỷ lệ mắc bệnh trong quân đội cao. Dữ liệu còn lại về tỷ lệ tử vong do cúm Tây Ban Nha ở Ba Lan được thu thập và ước tính bởi Łukasz Mieszkowski, cho thấy "trên lãnh thổ của Cộng hòa Ba Lan, từ 3,4 triệu đến 6,6 triệu người bị hàng năm, trong đó từ 68 nghìn đến 130 nghìn chết".

Đây không phải là lần đầu tiên diễn biến kịch tính của bệnh dịch khiến người ta đặt câu hỏi.Trong số những nghi vấn, phổ biến nói rằng dịch cúm Tây Ban Nha ở Mỹ là do "kẻ thù" hoặc do tàu ngầm Đức gây ra. Theo những tin đồn được nghe vào thời điểm đó, cảm cúm bị cho là do việc phát tán virus. Đó là lí do để đưa ra một nghi vấn về nguồn gốc của virus và gợi ý rằng nó đã được người Đức sử dụng như một loại vũ khí sinh học.

Trong cuộc chiến chống lại ảnh hưởng của đại dịch, các khuyến cáo về việc che miệng và mũi là rất phổ biến. Tuy nhiên, cũng có một bộ phận xã hội miễn cưỡng thực hiện và nhiều người phản đối việc đeo khẩu trang gọi chúng là "rọ mõm", họ khoét lỗ trên đó để hút thuốc lá, những người khác gắn khẩu trang cho chó của họ để chế diễu. Hầu hết các phàn nàn là khẩu trang không thoải mái và hạn chế quyền tự do. Tại San Francisco, nơi bắt buộc đeo khẩu trang, nếu không tuân thủ sẽ bị phạt từ 5 đến 10 $. hoặc phạt giam 10 ngày. Đã có báo cáo về việc kích động nổi dậy và không đeo khẩu trang, và thậm chí tấn công các thanh tra vệ sinh, những người cố gắng thực thi lệnh cấm. Một tổ chức chống đeo khẩu trang thậm chí đã thành lập ở San Francisco và yêu cầu thị trưởng từ chức. Các thành viên của nó đã cố gắng chứng minh, các mệnh lệnh này là vi hiến và hiệu quả của khẩu trang chưa được chứng minh một cách khoa học.

Nghiên cứu về đại dịch được thực hiện cho đến ngày nay, và điều này không chỉ áp dụng cho khoa học lịch sử và xã hội, mà còn cho khoa học y tế. Virus cúm năm 1918 được Viện Y tế Quốc gia ở Maryland (Mỹ) cất giữ trong tủ đông đặc biệt. Một nhóm các nhà khoa học đã hồi sinh virus và quá trình này đã được thảo luận chi tiết trong một bài báo khoa học (được đăng trên tạp chí uy tín "Science"), điều này đã làm dấy lên mối lo ngại của một số giới trước khi những "hướng dẫn" như vậy được sử dụng, chẳng hạn như những kẻ khủng bố hoặc các nước thù địch lợi dụng để gây ra một đại dịch khác. Tuy nhiên, cần nhớ rằng đây không phải là lần đầu tiên cho thấy việc tạo ra hoặc tái tạo các loại virus nguy hiểm dễ dàng như thế nào. Cho đến nay, chưa có ai sử dụng kiến ​​thức của các nhà khoa học để tạo ra vũ khí sinh học, và nhờ nghiên cứu được đề cập ở trên, giờ đây chúng ta đã biết được trình tự mã di truyền của nó. Phân tích khả năng gây bệnh đã giúp chúng ta có thể hiểu được nhiều khía cạnh của bệnh dịch bệnh, nhưng đây không phải là phần cuối của công việc. Các phân tích về bộ gen của vi rút cúm Tây Ban Nha vẫn đang được tiến hành, thậm chí người ta vẫn chưa biết tại sao vi rút này lại nguy hiểm nhất ở nhóm người trẻ tuổi. Các nhà nghiên cứu tiếp tục đặt ra những câu hỏi mới. Các kết quả của họ có thể được coi là cơ hội để ngăn chặn các đại dịch cúm tiếp theo và giảm thiểu tác động của bệnh cúm theo mùa.

Xuân Nguyên

(Nguồn: https://www.onet.pl/informacje/histmag/grypa-hiszpanka-choroba-ktora-zebrala-smiertelne-zniwo/g73b181,30bc1058)

 

Sửa lần cuối 2022-01-05 06:46:06

Bình luận

Bình luận qua Facebook