2009-04-27 20:13:55

Cảnh sát trưởng gốc Việt ở TP Marseille: Nỗi kinh hoàng của tội phạm

Bộ trưởng Nội vụ Pháp, bà Michelle Aliot Marie coi ông là "biểu tượng của lực lượng cảnh sát". Còn ông Jean Claude Gaudin - Thị trưởng thành phố Marseille, nơi gắn liền với sự nghiệp và tên tuổi của Georges Nguyễn Văn Lộc thì gọi ông là "viên cảnh sát vĩ đại".

Georges Nguyễn Văn Lộc.

 

Có những người sẽ chấp nhận số phận để hưởng một cuộc sống bình an. Có những người sẽ tìm cách đảo ngược số phận để viết lại cuộc đời trong một trang sách hào hùng hơn. Julius Ceasar khi đi qua một ngôi làng nhỏ gần chân núi Alpes đã nói rằng: "Thà ta làm người đứng đầu ở nơi hẻo lánh này, còn hơn làm nhân vật số hai ở Roma". Cái khát vọng mãnh liệt này đã biến một cậu bé gốc Việt ở thành phố Marseille đô hội, trở thành một cảnh sát trưởng lừng lẫy.

Gần mực mà không đen

Cũng là lẽ dễ hiểu nếu Nguyễn Văn Lộc không phải là một cảnh sát tên tuổi mà trở thành một "tướng cướp" hay một trùm mafia nổi tiếng bởi xuất thân của ông hoàn toàn hội đủ những điều kiện cho hướng đi nghịch chiều này.

"Bố tôi quê ở Nam Định, mẹ tôi quê Hà Nội. Bố mẹ tôi sang Pháp từ năm 1914. Tôi sinh ngày 2/4/1933 trong khu phố nghèo ở thành phố cảng Marseille, miền Nam nước Pháp", ông nói. Nơi đó, những người sống xung quanh ông là những tay mafia khét tiếng nhất của Marseille như Bố già Gaetan Zampa, Lucien với biệt danh Đôi mắt đẹp, tên cẳng gà Paolini hay tú ông Muzzioti…

Ngay cả những người quen biết của ông rồi cũng trở thành những kẻ tội phạm luôn nằm trong tầm ngắm của cảnh sát. Kẻ chủ mưu ám sát quan tòa Michel khi ông này điều tra đường dây buôn lậu ma túy là Francois Girad, kẻ nhặt bóng trong đội bóng chuyền bãi biển mà ông Lộc từng là thủ quân.

Bố ông, một thủy thủ, thường xuyên lênh đênh trên những chuyến xa khơi và cũng mất sớm, còn mẹ ông, một người mộ đạo, hầu như chỉ lo việc bếp núc gia đình. Họ không để lại được cho ông một nền tảng tri thức để ông có thể dễ dàng tiến thân trên con đường sự nghiệp. Họ chỉ có thể để lại cho ông cái màu da mà ở xứ da trắng đó người ta gọi chung một cách miệt thị là "Ba Tàu".

Song, thay vì đầu hàng số phận, Nguyễn Văn Lộc lại biến những trở ngại này thành một lợi thế cho công việc luôn phải đối mặt với các loại tội phạm mà ông đã không mấy xa lạ từ thời thơ ấu. Tốt nghiệp trung học, Nguyễn Văn Lộc quyết định đến với nghề cảnh sát. Ông trở thành một nhân viên cảnh sát ở Marseille mà không hề nghĩ rằng đến một lúc nào đó mình sẽ trở thành "một cảnh sát vĩ đại". Sau ba năm thử thách trong chiến đấu, Nguyễn Văn Lộc theo khóa học nghiệp vụ ở Trường An ninh Xanh Xuy Mông Đo ở Lyon, và rồi lại trở về làm trong ngành cảnh sát ở Marseille.

Nhà thương lượng tài tình

Tuy nhiên, cái khát vọng vươn lên "số một" dường như đã ngấm trong máu của ông, luôn luôn hun đúc con người ông, giúp ông vượt qua mọi rào cản để đạt được mục tiêu của mình.

Câu chuyện nổi tiếng nhất về tính cách của ông còn được lưu truyền trong các đồng nghiệp như thế này. Một hôm Bộ trưởng Nội vụ Pháp Christian Bonnet, đến thăm Sở Cảnh sát Marseille. Tất cả mọi người, từ giám đốc sở đến cảnh sát quèn đều có mặt. Khi Bộ trưởng đi ngang qua, Văn Lộc bước tới hỏi: "Thưa ngài Bộ trưởng, hẳn ngài chưa quên tôi? Ngài từng hứa sẽ gắn lon sư đoàn cho tôi…". Chẳng biết có nhớ hay không nhưng ngài Bộ trưởng gật gù đồng ý.

Và thế là vào năm 1972, Georges Nguyễn Văn Lộc trở thành Cảnh sát trưởng quận 7, thành phố Marseille, một thành phố đông đúc, sầm uất nhưng an ninh thì tồi tệ.

Chỉ sau một thời gian đảm nhiệm cương vị này, Cò Lộc đã chứng minh rằng ông được thăng chức không phải là nhờ một lời hứa được chăng hay chớ của Bộ trưởng mà bằng chính tài năng và tâm huyết của mình. Quận 7 thành phố Marseille đã mang một diện mạo mới khi một loạt các ông trùm băng đảng xã hội đen chuyên trấn lột, trộm cướp, mua bán ma túy phải vào nhà đá.

Khi nạn bắt cóc tại đây nổi lên, ông đã cùng đồng nghiệp xây dựng nên Lực lượng can thiệp đặc biệt của cảnh sát quốc gia (GIPN) gồm 15 cảnh sát có tố chất mạnh khỏe thông minh, sẵn sàng chấp nhận hiểm nguy. 15 năm điều hành GIPN với số lượng nhân viên từ 15 tăng lên hơn 170, người đội trưởng can đảm Nguyễn Văn Lộc đã lập nên nhiều chiến công hiển hách, trở thành khắc tinh của bọn tội phạm, khủng bố.

Có thể nói rằng, ở đâu có bắt cóc, khủng bố, ở đó có Nguyễn Văn Lộc. Hôm nay ông có mặt ở Ni-xơ, Va-lăng-xơ, mai lại ở A-vi-nhông, Ca-en xuýt Me, ông đến bất cứ nơi nào là điểm nóng nhất để giải cứu con tin. Ông đã giải quyết thành công vụ bắt cóc ở sân bay Marignane vào cuối thập niên 1970, hay vụ ở Cagnes-sur-Mer, khi kẻ bắt cóc bắt giữ hai người thân trong gia đình và làm nhiều nhân viên cảnh sát bị thương. Trong vụ một con nghiện bắt giữ chính mẹ mình làm con tin ở Marseille vào đầu thập niên 1980, Cò Lộc đã có sáng kiến giả trang thành y tá để xâm nhập và vô hiệu hóa tên tội phạm.

Thành công của ông chính là nhờ tài lãnh đạo của ông đã khiến các thành viên luôn gắn bó, trung thành và tuyệt đối tuân theo kỷ luật. Họ đơn giản gọi ông là Bố. Một lính cũ của ông Marc Labouz, nói: "Đó là sếp lớn của tụi tôi. Ông không ngại xung phong ra tuyến đầu và đối với chúng tôi, ông xử sự như một ông bố. Ông ấy bảo vệ chúng tôi trong mọi trường hợp". Họ trung thành với ông bởi họ biết ông luôn tôn trọng họ, không ngần ngại để họ có thể tự đưa ra quyết định trong những trường hợp cần thiết. Họ trân trọng ông còn bởi họ biết ông luôn làm mọi cách có thể để đảm bảo an toàn cho thuộc hạ của mình. Chính vì thế ông thường đối thoại hơn là dùng bạo lực với bọn bắt cóc và khủng bố.

Có những lần, chính ông đã thay thế các con tin vô tội để làm vật làm tin cho bọn tội phạm. Nhờ thế, trong suốt 16 năm ông chỉ huy họ, đã không có một người nào trong lực lượng phải tử nạn vì công tác. Với Cò Lộc, đó là phần thưởng lớn nhất, là huân chương cao quý nhất, lớn hơn mọi huân chương ông đã được Chính phủ Pháp trao tặng.

Quan niệm kính trọng đối thủ

Bí quyết làm nên "siêu cảnh sát" Nguyễn Văn Lộc còn ở một quan niệm rất nhân văn: luôn kính trọng đối thủ. Ông đã từng nói: "Tôi không bao giờ tự cho phép mình mỉm cười trước một người chết. Khi chúng tôi hạ sát một đối thủ, chúng tôi kính trọng đối thủ ấy". Với tội phạm cũng vậy. Chúng muốn đàm phán với ông bởi vì ông sòng phẳng với chúng. Ông buộc chúng phải có trách nhiệm với việc chúng gây ra: phải lựa chọn giữa đường sống, tức là bỏ vũ khí đầu hàng hoặc con đường chết, tức là đường kháng cự, nhất là sát hại con tin. Ông không lên án tử hình người tội phạm, nhưng để cho chính anh ta tự quyết định sự sống hay sự chết của anh ta.

Luật chơi được đặt ra, rõ rệt. Có một chút gì đó kiểu giang hồ trượng nghĩa trong ông đã giúp ông lấy được niềm tin và sự kính nể của dân xã hội đen. Khi tội phạm đã tin tưởng nơi ông, ông không bao giờ phụ bạc họ. Ông giúp họ được hưởng những thủ tục pháp lý nhẹ nhàng hơn, và dành cho họ một sự đối đãi trong tình người khi họ còn nằm trong quyền hạn của ông. Ông thường nói: "Đối với những tên vô lại, tôi luôn luôn chơi đúng luật. Lúc nào tôi cũng tạo ra một cơ hội cuối cùng cho chúng".

Nguyễn Văn Lộc là một trong số ít ỏi những cảnh sát hiểu được và thông cảm được với tội phạm. Ông biết đến tội phạm không phải qua giấy tờ, trường lớp mà từ chính kinh nghiệm sống cạnh những tay anh chị khét tiếng nhất ở khu phố nghèo tại Marseille. Đã từng chứng kiến họ từ những đứa trẻ ngây thơ, vì sự nghèo đói, vì lười biếng hay do bị dụ dỗ đã biến thành những tên trộm rồi nghiện ma túy và rồi giết người, ông hiểu rõ con đường trở thành tội phạm và tâm lý của những kẻ phạm tội nghiêm trọng.

Vì tự tin trong việc nắm bắt tâm lý tội phạm, ông đã từng tình nguyện lái xe chở một tội phạm tay cầm một quả lựu đạn đã mở chốt và thuyết phục được anh ta vứt quả lựu đạn ấy đi ở một nơi vắng người. Khi người này tìm cách bỏ trốn, ông không bắn mà chỉ đuổi theo để thuyết phục anh ta đừng kháng cự. Ông cũng gây dựng niềm tin với anh ta bằng cách không còng tay khi bắt giữ. Kết quả là người này đã khai hết với ông những vụ cướp có vũ trang của chúng dù trước đó anh ta chưa bao giờ chịu khai ra những điều này với bất cứ ai.

Vì những điều này, Georges Nguyễn Văn Lộc được Nhà nước Pháp tặng thưởng Huân chương Bắc đẩu bội tinh và Huân chương Công trạng. Nhưng ở đời, chữ Tài liền với chữ Tai một vần. Sự nghiệp của Nguyễn Văn Lộc đang ở giai đoạn lừng lẫy thì xảy ra một sự cố khiến ông phải về hưu non.

Tháng 2/1987, tại Ngân hàng tín dụng Marseille xảy ra vụ cướp và bắt cóc con tin. Sau nhiều lần thương lượng không thành, Cảnh sát Marseille buộc phải gọi điện cho Cảnh sát Paris đề nghị chi viện. Trong khi chỉ huy lực lượng chi viện là Robert Broussard đề nghị tiếp tục thương lượng với bọn cướp thì Nguyễn Văn Lộc cho rằng thời điểm tấn công đã đến. Nhận định của ông không được chấp thuận, Broussard hạ lệnh tiếp tục thương lượng và bọn cướp đã có thời gian đào hầm thông xuống hệ thống cống tẩu thoát cùng với số tiền lên tới 10 triệu franc! Cò Lộc nói thẳng với Broussard: "Mày là thằng hề ở Marseille. Mày cũng sẽ là thằng hề ở Paris". Ông Lộc buộc phải giã từ sự nghiệp.

Ước muốn được về Việt Nam

Điều này không phải dấu chấm hết cho sự nghiệp vinh quang của Nguyễn Văn Lộc. Ông tiếp tục thành công trên tư cách một nhà văn và một diễn viên điện ảnh. Cuốn tự truyện Le Chinois (Ba Tàu) gồm sáu tập của ông là một trong những cuốn sách bán chạy vào thời điểm đó.

Cuốn tự truyện Nguyễn Văn Lộc viết về sự nghiệp của ông

Bộ phim truyền hình nhiều tập nổi tiếng "Cảnh sát Văn Lộc" do hãng France Films Production sản xuất kể về những chiến công của ông và đồng đội do chính ông thủ vai chính đã từng gây nên cơn sốt đối với khán giả truyền hình Pháp.

Những năm cuối đời, ông có một mong muốn khác, đó là thăm lại nơi chôn rau cắt rốn của cha mẹ, quê hương của đấng sinh thành đã cho ông cuộc đời. Ông muốn thăm Việt Nam một lần. Nhưng ông chưa kịp làm điều này.

Ông chưa hề nghĩ đến cái chết ở tuổi thất thập bởi ông đã vào sinh ra tử, thường xuyên cận kề với cái chết nhưng tử thần chưa hề chạm được vào người ông. Đã từng có lần một kẻ tội phạm đã chĩa súng vào ngực Cò Lộc, và bóp cò. Nhưng, súng kẹt đạn...

Ông ước lượng đã rất gần với cái chết như vậy, khoảng bốn lần mỗi năm. Song căn bệnh tim đã buộc ông phải rời bỏ cuộc đời oanh liệt này vào một ngày cuối năm 2008. Vâng, ông còn nhiều việc để làm, nhưng việc lớn nhất đời mình, ông đã làm được. Biến cái tên đầy sự khinh rẻ "Ba Tàu" thành sự kính trọng của Chính phủ Pháp, sự yêu mến của người dân Pháp, sự nể phục của bọn xã hội đen và thành một huyền thoại của cảnh sát Pháp

Bắc Bình (tổng hợp) - Cảnh sát toàn cầu số 1

Sửa lần cuối 2012-12-19 10:25:32

Bình luận

Bình luận qua Facebook