2010-04-14 08:27:47

KATYN

Cả nước Ba Lan nghiêng mình, đau xót tưởng nhớ vợ chồng tổng thống Kaczynski và gần 100 người đồng hành, trong đó có những nhân vật quan trọng hàng đầu của đất nước, nhiều tướng lĩnh cao cấp nhất trong quân đội, bị tai nạn rớt máy bay tại thành phố Smolensk trên đất Nga. Ngày 10 tháng 04 năm 2010, đoàn đại biểu Ba Lan đứng đầu là tổng thống sang Katyn, một làng quê nhỏ bé cách thành phố Smolensk 18 km về phía tây, dự lễ kỷ niệm 70 năm vụ thảm sát hơn hai vạn sĩ quan và nhân viên nhà nước Ba Lan do bộ nội vụ của nước CHXHCN Xô Viết thực hiện. Việc tổng thống Ba Lan bị nạn, các phương tiện truyền thông đã đưa tin rất nhiều. Dưới đây chủ yếu đề cập đến vụ thảm sát ở Katyn 70 nămvề trước. Thiết tưởng khi các tài liệu mật lưu trữ đã được mở, chứng cớ cớ thể coi là đầy đủ, các bên liên quan, nhất là người Nga, đã thừa nhận thì người Việt Nam ta cũng nên biết đến.

Bản đồ phân chia nước Ba Lan giữa Liên Xô và phát xít Đức cuối tháng 09 năm 1939. Chữ ký trên là của Stalin, chữ ký dưới là của Ribbentrop – ngoại trưởng Đức.
Bản đồ phân chia nước Ba Lan giữa Liên Xô và phát xít Đức cuối tháng 09 năm 1939. Chữ ký trên là của Stalin, chữ ký dưới là của Ribbentrop – ngoại trưởng Đức.

Đầu tiên phải nói một điều mà nhiều người Việt sẽ ngạc nhiên, ấy là sự hợp tác giữa chính quyền Xô Viết và nhà nước phát xít của Hitler hồi thế chiến thứ 2. Ngày 23 tháng 08 năm 1939 Liên Xô và phát xít Đức đã ký hiệp ước hợp tác và không xâm lược lẫn nhau. Hiệp ước do hai ngoại trưởng Ribbentrop và Molotov ký, trong đó có một khoản tối mật chia đôi châu Âu, và thực ra đấy là nội dung chính của hiệp ước. Theo điều khoản mật đó, các nước có chủ quyền: Litva, Lotva, Estonia, Rumani, Phần Lan và một nửa nước Ba Lan sẽ thuộc về Liên Xô. Chính vì vậy khi chiến tranh bùng nổ, ngày 01 tháng 09 năm 1939 phát xít Đức tấn công Ba Lan ở phía tây thì ngày 17 tháng 09 Hồng quân Liên Xô đánh chiếm những vùng đất phía đông Ba Lan như đã thoả thuận với Đức, và nói thác rằng để giải phóng cho nhân dân Ba Lan, chặn bước tiến của phát xít, tăng cường an ninh cho Liên Xô... Các đơn vị Ba Lan ở phía đông hạ vũ khí, thực tế không chiến đấu chống trả Hồng Quân và bị đưa sang Liên Xô, giam vào những trại tập trung. Sau khi thanh lọc, phía Liên Xô trả phát xít Đức những sĩ tốt và sĩ quan cấp thấp cho đi làm khổ sai, chỉ giữ lại khoảng 15 nghìn sĩ quan cấp cao cộng với khoảng 7 nghìn dân sự là các viên chức nhà nước và tầng lớp trí thức bắt từ Ba Lan đưa sang.

Lễ ký hiệp ước hợp tác giữa Đức và Liên Xô tại điện Kreml ngày 23.08.1939. Người ngồi ký là Molotov ngoại - trưởng Liên Xô, người đứng sau đeo ca vát là Ribbentrop – ngoại trưởng của Hitler, người mặc quân phục mầu sáng là Stalin
Lễ ký hiệp ước hợp tác giữa Đức và Liên Xô tại điện Kreml ngày 23.08.1939. Người ngồi ký là Molotov ngoại - trưởng Liên Xô, người đứng sau đeo ca vát là Ribbentrop – ngoại trưởng của Hitler, người mặc quân phục mầu sáng là Stalin
Ngày 05 tháng 03 năm 1940, bộ trưởng bộ nội vụ của Liên Xô là Beria kiến nghị lên Bộ chính trị đảng Cộng sản Liên Xô, đòi thủ tiêu hơn hai vạn người Ba Lan kể trên, giải thích rằng họ thuộc tầng lớp tư sản, có tư tưởng ngoan cố chống lại nhà nước Xô Viết. Bản kiến nghị được Stalin và Bộ chính trị chấp thuận. Cuộc tàn sát dã man đã được bí mật thực hiện ở Katyn và một số nơi khác trên lãnh thổ Liên Xô. Xác các nạn nhân đem quẳng xuống những hố đào sẵn trong rừng và dùng xe ủi đất lấp đi.
Trang 1 trong 4 trang bản kiến nghị thủ tiêu hơn hai vạn sĩ quan quân đội và viên chức nhà nước Ba Lan do bộ trưởng Bộ nội vụ Liên Xô Beria đề xuất lên Bộ chính trị. 4 chữ ký là của Stalin và các uỷ viên Bộ chính trị: Vorosylov, Molotov, Nikojan, ngoài ra còn ghi thêm hai uỷ viên nữa bên cạnh là:Kalinin-thuận, Kaganovik-thuận.
Trang 1 trong 4 trang bản kiến nghị thủ tiêu hơn hai vạn sĩ quan quân đội và viên chức nhà nước Ba Lan do bộ trưởng Bộ nội vụ Liên Xô Beria đề xuất lên Bộ chính trị. 4 chữ ký là của Stalin và các uỷ viên Bộ chính trị: Vorosylov, Molotov, Nikojan, ngoài ra còn ghi thêm hai uỷ viên nữa bên cạnh là:Kalinin-thuận, Kaganovik-thuận.
anh
Các sĩ quan XôViết và Phát xít gặp nhau tại trụ sở ủy ban thành phố Brzesc, trước chiến tranh thuộc Ba Lan, sau khi đã thôn tính xong nước này

Năm 1942 phát xít Đức tiến sang Liên Xô, phát hiện ở rừng Katyn những mộ tập thể chôn quân Ba Lan. Thực ra ở Katyn cũng chỉ có hơn 4 nghìn sĩ quan Ba Lan bị giết, nhưng vì vụ sự được phát hiện đầu tiên ở đây, nên Katyn được coi là biểu tượng của cuộc thảm sát. Người Đức liền lập tức công bố với thế giới, mời hội Chữ thập đỏ và đại biểu các nước đến đây quan sát. Bọn phát xít thực ra cũng chẳng thương gì người Ba lan, nhưng lợi dụng cơ hội để tuyên truyền, gây mâu thuẫn trong khối đồng minh chống phát xít, nhất là trong hàng ngũ của khối ở cả phương đông và phương tây có những sư đoàn người Ba lan chiến đấu. Chính phủ Liên Xô với những phương tiện truyền thông khổng lồ, lập tức chối bay chối biến, đổ luôn tội ấy cho phát xít. Vì Hồng quân là một trong những lực lượng nòng cốt chống phát xít, nên các nước phương Tây tuy biết cả, nhưng không muốn là to chuyện. Sau chiến tranh, "chính sử" của Liên Xô cứ dối trá như vậy (đổ tội cho Đức) suốt mấy chục năm trời. "Chính sử" của Ba Lan thì không hề đả động gì đến vấn đề. Mãi đến năm 1990, Gorbachev mới chính thức thừa nhận chính quyền Xô Viết là thủ phạm của cuộc thảm sát ấy. Năm 1993 tổng thống Nga Jensyn chính thức xin lỗi các gia đình các nạn nhân. Năm nay ngày 07 tháng 04 năm 2010, Putin người đứng đầu chính phủ Nga đầu tiên đã đến Katyn dự lễ kỷ niệm 70 năm cuộc thảm sát. Theo tường thuật của báo chí, Putin đặt vòng hoa, thắp nến rồi quỳ xuống trước bàn thờ ở nghĩa địa các sĩ quan Ba Lan. Sau dự lễ kỷ niệm cùng thủ tướng Ba Lan và đọc diễn văn.

Dưới đây là trích dịch một đoạn bà diễn văn của Putin, thủ tướng Nga đọc tại Katyn trong lễ dự kỷ niệm 70 năm vụ thảm sát:

"Dân tộc chúng tôi từng trải qua cơn ác mộng nội chiến, sự cưỡng bức tập thể hoá nông thôn, những vụ tàn sát hàng loạt vào những năm 30, hiểu rõ, có lẽ rõ hơn bất cứ một ai khác, Katyn, Miednoje, Piatichatki (những nơi các sĩ quan BL bị giết) là gì đối với những gia đình Ba Lan...

Mộ tập thể chôn các sĩ quan Ba Lan bị thảm sát ở Katyn, được phát xít Đức khai quật và công bố với thế giới năm 1943. Mộ tập thể chôn các sĩ quan Ba Lan bị thảm sát ở Katyn, được phát xít Đức khai quật và công bố với thế giới năm 1943. Các nạn nhân nói chung bị hành hình bằng cách trói tay quặt sau lưng, dây trói quàng qua cổ và bị bắn từ gáy xuyên thủng qua trán
Các nạn nhân nói chung bị hành hình bằng cách trói tay quặt sau lưng, dây trói quàng qua cổ và bị bắn từ gáy xuyên thủng qua trán

Những cuộc đàn áp (ở LX) đã huỷ hoại con người, không phân biệt dân tộc, quan điểm và tôn giáo của họ. Nạn nhân của những cuộc đàn áp ấy là cả những tầng lớp xã hội ở nước tôi: người Kozak, các linh mục, các giaó sư, những người nông dân bình thường, các sĩ quan - trong đó có các sĩ quan quân đội Nga Hoàng đã sang phục vụ Hồng Quân, họ cũng không được tha thứ - các thầy giáo, những công nhận. Chỉ có một thứ lô gich: gây khiếp sợ, đánh thức trong con người những bản năng thấp hèn nhất, đẩy người nọ chống lại người kia, đòi hỏi ở họ một sự phục tùng mù quáng...

(Theo nhiều tài liệu khác nhau thì có những số liệu khác nhau, Nhưng nói chung, trong những năm 30 của thế kỷ trước, con số công dân Liên Xô bị giết hại và bị đi đầy Siberi được đưa ra, lên đến hàng triệu.)

Mộ tập thể chôn các sĩ quan Ba Lan bị thảm sát ở Katyn, được phát xít Đức khai quật và công bố với thế giới năm 1943.
Mộ tập thể chôn các sĩ quan Ba Lan bị thảm sát ở Katyn, được phát xít Đức khai quật và công bố với thế giới năm 1943.

Nga Và Ba Lan khác với bất cứ một nước nào, người Nga và người Ba lan khác với bất cứ một dân tộc nào ở châu Âu, thực tế phải trải qua tất cả những thảm hoạ của thế kỷ XX, phải trả giá khổng lồ, quá cao cho hai cuộc chiến tranh thế giới, cho các cuộc xung đột vũ trang huynh đệ tương tàn, cho sự tàn ác và bất nhân của thể chế độc tài (totalitaryzm)".

Những tội ác ấy không thể thanh minh được bằng bất cứ cách nào..."

 Thủ tướng Ba Lan Tusk và thủ tướng Nga Putin cùng đặt hoa tưởng niệm những nạn nhân rớt máy Bay.
Thủ tướng Ba Lan Tusk và thủ tướng Nga Putin cùng đặt hoa tưởng niệm những nạn nhân rớt máy Bay.

Trong cuộc họp báo sau lễ kỷ niệm, Putin nói, không thể hiểu được cuộc thảm sát nhằm mục đích gì? Ông thành thật thừa nhận là nhiều điều trước đấy không biết, chẳng hạn như việc Stalin có tham ra cuộc chiến tranh với Ba Lan năm 1920, và đoán rằng cuộc thảm sát Katyn có thể là một sự trả thù của Stalin cho thất bại của cuộc chiến ấy. (Năm 1920 trong cuộc chiến tranh với Ba Lan, Hồng Quân chia làm hai cánh. Quân đoàn phía bắc do nguyên soái Tuhachevski chỉ huy, quân đoàn phía nam do Stalin làm chính uỷ. Khi tiến công Vacsava, không rõ lý do tại sao, cánh quân phía nam án binh bất động. Tuhachevski cho đấy là lỗi tại Stalin. Tuchachevski là một tướng lĩnh tài ba, từng được mạnh danh là Bonaparte (Napoleon) của Hồng Quân, gặp sự kháng cự mãnh liệt của Vacsava và đã bị đánh bại. Tương truyền bấy giờ ông có nói một câu: „Stalin phải mang ra toà ánh binh truy tố, đáng tội sử bắn”. Năm 1937, khi ấy Lenin đã chết và Stalin lên cầm quyền, nguyên soái Tuchachevski bị vu cáo làm gián điệp cho tư sản phương Tây, bị bắt giam, đã „nhận tội” và bị tử hình. Sự kiện ấy mở màn cho cuộc thanh trừng vĩ đại trong quân đội, khiến hàng nghìn sĩ quan các cấp, trong đó có 3 trong số 5 nguyên soái đầu tiên của Hồng Quân bị giết. Cũng lại đến tận thời Gorbachev, Tuchachevski mới được phục hồi danh dự.)

Một vấn đề rất đáng suy nghĩ là sự thay đổi tư tưởng của Putin. Ông nguyên xuất thân là một đại tá tình báo KGB của Xô Viết. Khi làm tổng thống có lần đã phát biểu: "Sự tan dã của Liên Xô là thảm hoạ lớn nhất của thế giới ở thế kỷ 20"! Vậy mà con người ấy trong vòng mấy ngày đã viếng thăm hai lần một địa phương mà nhà nước Xô Viết từng che đậy suốt mấy chục năm trời. Sau khi gặp mặt thủ tướng Ba Lan Tusk ngày 07 thánh 04 vừa rồi, trong lễ kỷ niệm 70 năm thảm vụ sát ở Katyn, thì 3 ngày sau hai ông lại gặp nhau một lần nữa ở Smolensk, nơi máy bay của tổng thống Ba Lan vừa rơi để cùng nhau tưởng niệm những nạn nhân mới.

Katyn lại một lần nữa cướp đi những người con ưu tú nhất của Ba Lan. Những người đã coi Ba Lan là tổ quốc thứ hai không thể không động lòng thương cảm được.

Trương Đình Toe

Sửa lần cuối 2012-12-20 02:58:55

Bình luận

Bình luận qua Facebook