2014-09-20 07:05:47

Diễn đàn các Chính sách Nhập cư

Trong 4 ngày 18-21.09.2014 Thủ đô Vác-sa-va là chủ nhà của Diễn đàn các Chính sách Nhập cư lần thứ 3. 

Diễn đàn đầu tiên được tổ chức tại Kraków (10.2013), lần thứ hai ở Lublin (03.2014). Đây là những dịp để cho người dân nhập cư ở Ba Lan có điều kiện làm quen, bàn bạc và thảo luận cùng người dân Ba Lan (đại diện chính quyền và các tổ chức phi chính phủ), để tìm ra những vấn đề và những giải pháp tốt nhất cho người nước ngoài muốn coi Ba Lan là Tổ quốc thứ hai của mình, tức là không chỉ sinh sống ở Ba Lan, mà còn phải hòa nhập tốt và cùng chung sức xây dựng một xã hội dân chủ và đa văn hóa ở Ba Lan.

Diễn đàn được tổ chức tại Trung tâm Văn hóa quận Bemowo, trong chương trình Các Chính sách Nhập cư của Thành phố, cùng với sự góp sức của Quỹ „Inna Przestrzeń” và nhiều tổ chức phi chính phủ của Ba Lan cũng như của cộng đồng dân nhập cư ở Ba Lan.

Cũng như các Diễn đàn trước, Vác-sa-va cũng quy tụ được khá nhiều người tham gia, người Ba Lan cũng như người dân nhập cư, đủ sắc tộc, từ mọi miền thế giới, mà hiện nay đang sinh sống ở Ba Lan. Có ba người Việt tham gia Diễn đàn này là ông Lã Đức Trung, đại diện cho Hội Văn hóa- Xã hội người Việt ở Ba Lan (hội Việt kiều), ông Ngô Văn Tưởng, đại diện cho một quỹ về văn hóa và tác giả bài báo này, đại diện cho hội Việt kiều và Hội người Việt ở Ba Lan.

Một nhóm thảo luận trong Diễn đàn 

Trong ngày đầu tiên, những người tham gia được giới thiệu tóm tắt về mục đích của Diễn đàn và các thành tích đạt được trong các Diên đàn trước, nhiều cá nhân và các đơn vị tích cực đã được trao tặng kỷ niệm chương „Thành phố Mở” (bằng khen) của các nhà tổ chức. Sau phần này là cuộc thảo luận sôi nổi của những người tham gia về chủ đề các chính sách nhập cư của các Thành phố, tức là vấn đề của từng địa phương.

Nhờ có buổi thảo luận (nhiều khi khá gay gắt), đại diện của TP Vác-sa-va và các tổ chức phi chính phủ đã được biết là cộng đồng người Việt ở Ba Lan không hề là một nhóm dân nhập cư đang sống theo kiểu khép kín, như người ta thường nghĩ, mà hiện nay sẵn sàng tham gia mọi hoạt động xã hội, cũng như đã được hòa nhập khá tốt với cộng đồng người dân bản xứ, tức là người Ba Lan. Tuy nhiên, người ta khuyến khích người Việt cũng nên chủ động tích cực tham gia mọi hoạt động văn hóa ở Ba Lan nói chung và ở TP Vác-sa-va nói riêng, vì biết là người Việt đang có rất nhiều tổ chức khác nhau ở Ba Lan. Hòa nhập được mọi cộng đồng với nhau là mục đích chính của Ba Lan. Sắp tới Thủ đô sẽ có một Trung tâm Đa Văn hóa và một đài phát thanh riêng. Hy vọng là người Việt sẽ có điều kiện tham gia và do đó sẽ có dịp nhấn mạnh sự phong phú của văn hóa Việt.

Tiếp theo, những người tham gia được đại diện của Kanton (bang) Neuchatel giới thiệu về cách làm của Thụy Sĩ đối với người dân nhập cư. Đây là một quốc gia dân chủ có rất nhiều kinh nghiệm quý báu về vấn đề di dân, đã xây dựng được một cộng đồng đa sắc tộc, mà không hề có một sự phân biệt. Nhiều chính sách được người dân, cụ thể là cả người dân nhập cư, có điều kiện cùng soạn thảo, đưa ra ý kiến và có thể đề nghị chính quyền từng katon và cả liên bang chấp thuận.

Sau những phần chính, những người tham gia được xem hai gian phòng triển lãm của các tổ chức phi chính phủ với tựa đề „Chúng tôi, người Vác-sa-va” của Quỹ „Afryka Inaczej” và „Chúng tôi muốn sống ở Ba Lan” của Hội „Vì trái đất”.

Trong ngày thứ hai, những người tham gia được chia thành 8 nhóm thảo luận, mỗi nhóm có một, hai chục người tham gia, với các chủ đề như sau:

- Trẻ em dân nhập cư trong hệ thống giáo dục Ba Lan

- Dân nhập cư trong thị trường lao động Ba Lan

- Người nước ngoài trong các trường đại học

- Hoạt động thông tin dành cho cộng đồng bản xứ (cộng đồng đón nhận dân nhập cư)

- Khơi động sự tích cực hoạt động trong các cộng đồng người dân nhập cư (có thể cung cấp kinh phí cho các hoạt động cộng đồng)

- Quá trình tiến triển của các chính sách nhập cư của thành phố

- Luật pháp và sự di dân (các nguyên tắc hiện hành của pháp luật Ba Lan và nhu cầu cần có chính sách nhập cư hiện đại)

- Hội nhập qua văn hóa (tình hình của người dân nhập cư là nghệ sỹ, những nhà quảng bá văn hóa, các dự án đa văn hóa).

Sau các hoạt động thảo luận sôi nổi, những người tham gia được tham dự buổi thực tập làm đồ thủ công và buổi học khiêu vũ tango.

Quê Việt sẽ cập nhật đưa thêm các thông tin về những hoạt động phong phú và rất bổ ích này cho cộng đồng người Việt được biết, để ai cũng có thể chủ động tham gia vào những dịp tới, mà sẽ ngày càng diễn ra nhiều ở Ba Lan, một quốc gia đang tập sự đón nhận dân nhập cư.


Ngô Hoàng Minh.

Sửa lần cuối 2014-09-20 05:02:13

Bình luận

Bình luận qua Facebook