2014-10-23 20:13:29

Hội nghị „Quyền cử tri cho người nước ngoài” ở Ba Lan

Ngày 21.10.2014 Viện Xã hội học của trường ĐHTH Vác-sa-va đã kết hợp cùng IOM (Tổ chức Di dân Quốc tế) và Bội nội vụ Ba Lan mời một số cơ quan, các đoàn thể và cá nhân (trong đó có sinh viên) đến dự buổi thảo luận khá quan trọng liên quan đến người nước ngoài ở Ba Lan.

Hội nghị bàn về vấn đề: người nước ngoài có thẻ định cư ở Ba Lan có được tham gia bầu cử (và ứng cử) trong các cuộc bầu cử chính quyền tự quản (tức là ở mức địa phương, nơi người nước ngoài cư trú) như một số quốc gia EU đã làm, hay không?

Theo Điều 62 khoản 2 Hiến pháp CH Ba Lan ghi rõ công dân Ba Lan đủ 18 tuổi có quyền tham gia bầu cử và ứng cử, do vậy Tòa án Hiến pháp cho rằng những điều công dân Ba Lan có quyền thì những người chưa phải công dân Ba Lan không nhất thiết không thể có quyền đó. Theo cách hiểu đại chúng thì bầu cử là quyền ưu tiên cho công dân mỗi quốc gia, tuy nhiên, mới đây Ba Lan đã đưa ra nghị quyết: nếu là công dân EU và có thẻ định cư ở Ba Lan, người đó có quyền bầu cử ở cấp chính quyền địa phương, tuy vậy, công dân của các nước thứ ba khác chưa có quyền này.

Do vậy, người nước ngoài muốn tích cực tham gia chính trị ở Ba Lan thì phải có quan hệ mật thiết với Ba Lan, thông hiểu lịch sử, phong tục, tập quán của người Ba Lan và đặc biệt phải biết tiếng Ba Lan. Như vậy là quyền bầu cử (ứng cử) liên quan đến vấn đề người nước ngoài cần ý thức rằng họ nên vinh dự nếu được cấp quốc tịch Ba Lan, vì như vậy họ sẽ được thêm một số quyền lợi cá nhân nhất định. Có ý kiến cho rằng, đó chỉ là những vấn đề liên quan đến (lợi ích) quốc gia, còn khi người nước ngoài đã sinh sống cố định ở một địa phương họ cũng phải có mọi quyền lợi (và trách nhiệm) đóng góp xây dựng cuộc sống (và chính quyền) ở nơi mình sinh sống.


Theo một số nghiên cứu, trong những cuộc bầu cử trước đây, cho dù công dân EU có thẻ định cư ở Ba Lan có quyền bầu cử và ứng cử, nhưng sự tham gia của họ về các hoạt động chính trị là còn quá khiêm tốn.

Sau khi thực hiện một số khảo sát thăm dò ý kiến, vấn đề quyền bầu cử cho người nước ngoài ở Ba Lan mới đang ở giai đoạn khởi đầu, hiện nay chưa có được tổng kết cụ thể. Rất nhiều ý kiến ủng hộ cho rằng người nước ngoài cũng phải có quyền bầu cử ở cấp địa phương, tuy vậy cũng có khá nhiều ý kiến phản đối, họ cho rằng tại sao phải lo nghĩ về quyền lợi của người nước ngoài quá nhiều như vậy?

Các cơ quan chức năng đã có làm cuộc thử nghiệm với xã Lezsznowola, nơi có nhiều người nước ngoài đang sinh sống, chủ yếu là người Trung Quốc và người Việt.

Lesznowola có 22 ngàn dân, số lượng người Trung Quốc sống ở đây là hơn 1100 người và người Việt là khoảng 800 người, tức là người Châu Á chiếm khoảng 10% số dân của xã.

Đối với người nước ngoài, người Ba Lan chủ yếu có thiện cảm với các công dân Tây Âu, như Mỹ, Italia v.v... Khi nói tới dân Châu Á là họ khi nghĩ tới người Trung Quốc, và người Ba Lan cũng không thiện cảm lắm. Về mức độ thiện cảm, người Việt được xếp hạng cùng những người da đen (dân gốc Châu Phi), còn người Ả rập bị có nhiều ác cảm nhất, có lẽ người Ba Lan cũng đã bắt đầu lo lắng nhiều về vấn để khủng bố. Nói chung người Ba Lan vẫn chưa quen với sự có mặt đông đảo của người nước ngoài. Khi bàn về vấn đề bầu cử, tức là nói đến chính quyền, cho dù không phản đối nhiều, người ta vẫn có một số lo ngại. Thí dụ: khi người Ba Lan không tích cực tham gia bầu cử, mà người Trung Quốc lại rất có kỷ luật, chấp hành chủ trương „cấp trên”, hàng trăm hay hàng ngàn người dân tộc này sẽ tích cực tham gia bầu cử, thì khả năng thắng cử của người đại diện của họ là rất lớn. Nhưng đây cũng chỉ là một giả thuyết. Về nguyên tắc, chính quyền tự quản của địa phương được bầu ra phải chăm lo cho lợi ích của người dân địa phương đó, tức là những người dân Ba Lan sinh sống ở đó, chứ không phải để phục vụ cho lợi ích của người nước ngoài.

Nói chung, trong tổng dân số Ba Lan, số lượng người dân nhập cư vẫn chưa nhiều, do vậy khuyến khích họ tích cực tham gia vào các công việc ở địa phương cũng vẫn là những chuyện trong tương lai.

Cũng chính vì thế muốn có thêm quyền lợi (quyền bầu cử và ứng cử), người nhập cư phải tìm hiểu lịch sử và văn hóa của người Ba Lan, để có được quốc tịch Ba Lan, lúc đó sự gắn bó với Tổ quốc thứ hai mới càng mật thiết. Điều này là có lợi cho cả người nhập cư và cho người Ba Lan nói chung.


Ngô Hoàng Minh

Sửa lần cuối 2014-10-23 18:09:46

Bình luận

Bình luận qua Facebook