2017-03-11 15:24:56

"Ba Lan đơn độc chống lại tất cả"

Donald Tusk

Tờ báo Đức "Sueddeutsche Zeitung" viết: Ba Lan đơn độc chống lại tất cả

Bình luận về việc Ba Lan chống ông Donald Tusk tái đắc cử, tờ nhật báo Đức "Sueddeutsche Zeitung" viết Liên minh Châu Âu không chấp nhận ý tưởng của ông Jarosław Kaczyński muốn hạn chế Cộng đồng Châu Âu chỉ còn là thị trường chung nội bộ để thành một Liên minh không can thiệp vào nội bộ của các nước thành viên.

"Ba Lan đang có thể là một mẫu mực cho sự thành công của Liên minh Châu Âu" - ông Stefan Ulrich viết trong bình luận về bài báo " Ba Lan đơn độc chống lại tất cả" đăng tối thứ năm 9/3/2017 trên trang mạng của tờ báo lớn của Đức.

"Nước Ba Lan mặc dù không nhận được một sự giúp đỡ lớn như trước kia Đông Đức được nhận từ Tây Đức nhưng đã phát triển tuyệt vời sau khi chế độ cộng sản sụp đổ. Người Ba Lan có thể tự hào về các thành công của mình. Các thành phố của họ, ví dụ như Vác-sa-va đã phát triển, nền kinh tế tăng trưởng và điều kiện sống của rất nhiều công dân đã tăng lên nhanh. Đồng thời người dân Ba Lan đã có sự bình an và an toàn khi ở trong Liên minh và khối NATO" – tác giả của bình luận viết.

"Và chính đất nước này hôm thứ năm đã lên tiếng ở cuộc họp thượng đỉnh của Liên minh trong vai một người đe dọa (straszak)" - ông Ulrich viết khi nói về Ba Lan dọa sẽ cắt đứt hay cản trở cuộc họp của các nhà lãnh đạo các nước và chính phủ các nước trong Liên minh.

"Khó mà hiểu được sự điên khùng này của Ba Lan, nhất là khi chính phủ nước này trước đây đã rơi vào sự cô lập trong Liên minh do chính sách của mình với các cơ quan tư pháp và truyền thông" – tác giả nhận xét.

Vậy tại sao chính phủ ở Vác-sa-va và „ông chủ tinh thần (spiritus rector)" Jarosław Kaczyński của chính phủ này làm như vậy? - ông Ulrich tự hỏi. Theo ông ta thì một trong các nguyên nhân là các "mâu thuẫn trước đây (dawne porachunki)" giữa các ông Kaczyński và Tusk. "Cả hai cùng tham gia Công đoàn Đoàn kết, tổ chức đã góp phần quyết định vào sự kiện bước ngoặt trong năm 1989" – bình luận viên viết. "Bây giờ mỗi ông thuộc về các đảng phái đang đua tranh với nhau. Thêm vào đó là ông Kaczyński đổ lỗi cho ông Tusk về cái chết của người anh em sinh đôi với mình là ông Lech, chết trong vụ tai nạn máy bay năm 2010 mà không đưa ra một chứng cớ nào" - ông Ulrich bổ sung.

Theo nhà bình luận thì trong cuộc tranh cãi này lý do còn ở  "một thứ lớn hơn nữa". "Kèm theo với sự hiềm khích cá nhân thì còn có ở đó một sự phân cách về lý tưởng đã có từ lâu trong quá khứ" - ông Ulrich khẳng định.

Phác họa cơ sở của việc chia rẽ, tác giả nhắc lại là vào lúc chuyển từ chế độ cộng sản sang nền dân chủ, ban lãnh đạo của Công đoàn Đoàn kết cùng với ông Lech Wałęsa và các trí thức ôn hòa đã ký một thỏa thuận với các nhà lãnh đạo cộng sản. Ông cũng bổ sung là việc chuyển đổi nền kinh tế và việc tư hữu hóa "cũng không thiếu những thời điểm khó khăn và gây thất vọng".

Hậu quả của các quá trình đó đã là việc chia Công đoàn Đoàn kết ra nhóm những người bảo thủ ôn hòa và những người bảo thủ quốc gia - ông Ulrich viết. Nhóm thứ nhất "có xu hướng tiến đến nền dân chủ tự do theo mẫu Tây Âu và gắn chặt với trung tâm của Liên minh"; ngược lại nhóm thứ hai trong đó có anh em ông Kaczyński, lại muốn có "một nước Ba Lan thuần nhất, có chủ quyền và giữ nguyên đặc tính Thiên chúa giáo và mô hình gia đình truyền thống", vứt bỏ chủ nghĩa hiện đại phi tôn giáo và hạn chế các ảnh hưởng của nước ngoài – ta đọc được trong "SZ".

"Cuộc chiến đấu vì độc lập (theo ý ông Kaczyński) vẫn phải tiếp tục, vì những người ôn hòa liên minh với bọn cộng sản đã lấy cắp thành quả của cuộc cách mạng và lại đưa Ba Lan vào tay các cường quốc nước ngoài, trong đó có Liên minh Châu Âu do Đức lãnh đạo" - ông Ulrich viết.

Nhà báo của "SZ" viết là nhóm chính trị của ông Kaczyński không có ý định ra khỏi Liên minh Châu Âu. Ngược lại, "họ đánh giá cao các lợi ích, chủ yếu trong thương mại và giúp đỡ tài chính", nhưng họ chỉ muốn "hạn chế Liên minh như một thị trường chung, đến một Liên minh không can thiệp vào công việc nội bộ của các thành viên và không ra các quy tắc liên quan đến việc tôn trọng việc tuân thủ luật pháp và dân chủ".

"Liên minh Châu Âu không thể nào chấp nhận điều này. Một kiểu dân chủ thoải mái theo kiểu của ông Kaczyński, trong đó đa số có quyền đủ thứ, còn thiểu số không có quyền gì, ở đó tòa án không độc lập và nhà cầm quyền sẽ quyết định ai là người Ba Lan chân chính, còn ai là kẻ phản bội nhân dân, cái đó không thể nào thích hợp với các giá trị của Châu Âu. Vì thế khó mà đạt được sự hiểu biết lẫn nhau đối với Vác-sa-va" - ông Ulrich viết.

Nhà bình luận vẫn cảnh báo là châu Âu vẫn phải cần Ba Lan, vì có trách nhiệm với "hàng triệu công dân nhất là số trẻ của nước này đang muốn có một nước Ba Lan ôn hòa nằm trong một châu Âu thống nhất".

NHV (theo Onet.pl)

Sửa lần cuối 2017-03-11 14:24:56

Bình luận

Bình luận qua Facebook