2010-04-26 19:10:06

Khi du học sinh Việt ở Australia xài hàng hiệu

Tiêu dùng hàng hiệu lâu nay vốn được xem là thói quen xa xỉ của những người giàu có nhằm thể hiện đẳng cấp. Tuy nhiên đối với nhiều sinh viên Việt Nam du học hiện nay không còn là vấn đề đẳng cấp mà đã trở thành sở thích và mục tiêu.
 

Những tín đồ hàng hiệu

Hàng hiệu ở nước ngoài có sự đa dạng về chủng loại, cấp độ và có giá bán phù hợp hơn với mức sống và thu nhập chung của xã hội. Thời trang hàng hiệu được chia ra thành nhiều ‘đẳng cấp’: thông thường thì ‘đẳng cấp cao’ được xem là đi kèm với các nhãn hiệu như Gucci, Hugo Boss, Versace, Louis Vuitton..., còn ‘đẳng cấp vừa’ gắn liền với các thương hiệu có giá ‘mềm’ hơn như Lacoste, Tommy Hilfiger, Levi’s hay Calvin Klein. Lấy ví dụ, nếu một chiếc áo phông hiệu Lacoste vào thời điểm khuyến mại cuối năm có mức giá 69 ADU, nó chỉ tương đương với số tiền bỏ ra cho một bữa ăn tối bên ngoài của hai người.

 

Chính vì thế, dạo quanh một vòng các ĐH ở Melbourne, nếu để ý, bạn có thể thấy sự xuất hiện tràn ngập các nhãn hiệu thời trang danh tiếng trên thế giới, đặc biệt là trong giới du học sinh châu Á. Không chỉ sinh viên quốc tế mà ngay cả sinh viên Việt Nam cũng đang dần quan tâm hơn đến hàng hiệu. Nhiều bạn sinh viên du học đã thủ sẵn cho mình ít nhất một hoặc một vài vật dụng cá nhân là hàng hiệu.

Sinh viên Việt Nam du học ở nước ngoài ngày càng quan tâm nhiều hơn đến hàng hiệu.

Nguyên, sinh viên đang theo học ngành Tài chính Ngân hàng tại ĐH Monash, là một ‘tín đồ’ của hàng hiệu. Anh chàng trang bị cho mình từ đầu đến chân với một loạt các nhãn hiệu cao cấp: áo thun Hugo Boss, dây nịt Dolce & Gabbana, quần jeans Guess, đồng hồ Emporio Armani. Khi nghe hỏi về đôi giày Gucci sành điệu đang mang, Nguyên cười và bảo: “Ôi, hàng vớ vẩn ấy mà!”. Nói thế nhưng sau đấy anh chàng lại tiết lộ đôi giày vừa mới sắm có giá hơn 600 AUD(!).

 

Thông qua một người bạn ở cùng nhà, tôi được biết thêm về một ‘tín đồ’ thời trang khác. Cô bạn tên Linh, hiện học tại ĐH RMIT Melbourne. Linh nổi tiếng trong đám bạn về sự sành điệu của mình khi có bộ sưu tập hơn mười chiếc túi xách đủ nhãn hiệu: Hermes, Gucci, Chanel... trị giá gần 30.000 AUD, một con số khiến ai cũng phải kinh ngạc. Cô nàng còn ‘đổ đống’ bộ sưu tập túi xách của mình bằng một loạt ảnh chụp trên Facebook, cứ như đang có một cuộc triển lãm với đủ kiểu dáng, kích cỡ, nhãn hiệu. Hàng loạt bình luận nhảy vào cũng chỉ để trầm trồ và xuýt xoa trước sự chịu chơi của chủ nhân bộ sưu tập.

 

Tuy nhiên, số lượng sinh viên sử dụng hàng hiệu thời trang ‘đẳng cấp cao’ như Nguyên và Linh không phải là phổ biến. Phần đông các bạn sinh viên thích hàng hiệu đều chỉ dừng lại ở các nhãn hiệu ‘đẳng cấp vừa’. Nhóm của Tuấn, sinh viên năm hai ĐH Monash, cho biết các bạn có khá nhiều áo phông của Calvin Klein hay giày Lacoste và thi thoảng mới sắm phụ kiện như ví da Louis Vuitton hay Burberry. Đam mê thể thao và thích chơi bóng đá, nhóm bạn này cũng mua một loạt quần áo thể thao của Adidas và Nike.

 

Tiền từ đâu?

 

Không phải ngẫu nhiên mà hàng hiệu lại trở nên phổ biến như vậy trong giới sinh viên đang học tập ở nước ngoài. Phần lớn các bạn sinh viên du học, ngoại trừ sinh viên đi học theo diện học bổng, đều xuất thân từ các gia đình có điều kiện kinh tế khá giả. Gia đình của Linh ở Việt Nam thuộc diện có thu nhập cao trong xã hội. Tiền bố mẹ chu cấp hàng tháng để học tập và sinh hoạt khá dư giả nên cô nàng thừa sức mua sắm. Do vậy, mua túi xách hàng hiệu với giá khoảng hơn 2.000 ADU không phải là việc nằm ngoài khả năng.

 

Khi được hỏi về nguồn tài chính để mua quần áo thời trang, nhóm của Tuấn cho biết các bạn chỉ tập trung vào nhóm hàng ‘đẳng cấp vừa’ nên việc chi tiêu mua sắm cũng không phải là quá nhiều. Hơn nữa, các nhãn hiệu như Lacoste, Levi’s hay Calvin Klein đôi khi có các chương trình khuyến mại nên các bạn thường tranh thủ mua sắm vào những ngày này. “Nhất là vào dịp giữa năm hoặc Noel, có những nhãn hiệu giảm giá từ 60-70% nên bọn em cũng tiết kiệm được một khoản tiền đáng kể”, Tuấn cho biết.

 

Riêng đối với Nguyên, cậu sinh viên này cho biết mình khá độc lập trong vấn đề tài chính khi không hoàn toàn phụ thuộc vào tiền của gia đình gửi sang từ Việt Nam. Cùng một lúc, Nguyên làm đến hai công việc bán thời gian: một ở tiệm sushi vào ba ngày trong tuần và một ở nông trại trồng dâu tại vùng Lilydale vào thứ Bảy và Chủ Nhật. Vào thời gian học bình thường trong học kỳ, Nguyên kiếm được hơn 1.500 ADU một tháng trong khi vào những tháng nghỉ hè, số tiền này có thể lên đến gần 4.000 ADU. Thường thì anh chàng dùng tiền của bố mẹ gửi sang để đóng học phí và trả tiền thuê nhà, còn thu nhập kiếm được từ làm thêm sẽ chi cho ăn uống, sách vở, đi lại và... mua hàng hiệu.

 

Vì sao xài hàng hiệu?

 

Chính vì phân khúc thị trường của một số nhãn hiệu thời trang nổi tiếng thế giới trở nên phù hợp hơn với mức sống chung của xã hội phương Tây nên hàng hiệu đối với nhiều sinh viên Việt Nam du học không còn là vấn đề đẳng cấp mà trở thành sở thích và thú vui. Hầu hết các bạn sinh viên đều cho rằng mang trên người hàng hiệu đem lại cho các bạn cảm giác thêm tự tin. Tuấn và nhóm bạn của mình cho biết các bạn thích hàng hiệu vì thiết kế đẹp, trẻ trung, màu sắc và chất liệu tạo nên cảm giác khá thoải mái. Các nhãn hiệu này còn thường tạo ra các xu hướng thời trang mới nhất. “Ít ra, trong tủ quần áo của mình cũng phải có một vài quần áo và phụ kiện có thương hiệu nổi tiếng, thế mới cảm thấy mình không bị tụt hậu”, nhóm bạn này nói.

 

Với Linh, mua sắm hàng loạt túi xách hàng hiệu cao cấp chỉ là một trong những sở thích, cũng giống như sưu tập đồ vật. Dễ dàng có được những thứ mình muốn nên cô bạn cũng không có nhiều cảm giác đặc biệt mỗi khi bổ sung thêm những chiếc túi xách mới vào bộ sưu tập của mình.

 

Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp khá đặc biệt khi các bạn xem hàng hiệu như là một mục tiêu phấn đấu. Nguyên tâm sự rằng mình mê hàng hiệu giống như mê một chất gây nghiện. Cứ mỗi khi dạo qua các cửa hàng thời trang tại phố Collins, Melbourne Central hay Chadstone, anh chàng lại đặt mục tiêu cho mình là phải có được những nhãn hàng xa xỉ và đắt giá nhất. Chính vì vậy, Nguyên đổ sức vào làm một lúc nhiều công việc bán thời gian khác nhau để có tiền thỏa ‘cơn khát’. Mỗi lần nhận được tiền làm thêm, Nguyên lại bay đến ngay các trung tâm mua sắm để ‘rinh’ về nhà ít nhất một món hàng. Nguyên chia sẻ: “Cứ mỗi lần mua được một thứ, em thấy sung sướng đến mức cả đêm không thể nào ngủ được, chỉ ngồi ngắm cho thỏa mà thôi.”

 

Mặc dù làm thêm nhiều như vậy nhưng điều đáng khâm phục là Nguyên vẫn có kết quả học tập rất tốt với các môn đều đạt điểm xuất sắc (high distinction) và giỏi (distinction). Dường như đối với Nguyên, mua sắm hàng hiệu không phải là tiêu xài xa xỉ mà là cách đặt mục tiêu phấn đấu để đạt được ước mơ của chính mình.

 

Vũ Uyên (Bayvut.com)
Sửa lần cuối 2012-12-20 03:35:41

Bình luận

Bình luận qua Facebook