2012-12-07 04:06:53

Cảm nhận khi đọc các tác phẩm được chuyển thể thành phim truyền hình „Hai phía chân trời” của Trần Hoài Văn

Mấy hôm nay, đêm nào tôi cũng thức để đọc các tác phẩm truyện của anh Trần Hoài Văn. Thật ra, tôi tìm đọc truyện của anh vì nhiều lý do. Một phần vì tôi muốn biết kết cục bộ phim "Hai phía chân trời" do anh viết kịch bản đang được phát sóng giờ vàng trên VTV1. Mặt khác vì tôi nghe được thông tin, hình tượng nhân vật trong phim ít nhiều đã bị "bóp méo", không còn được như kịch bản gốc do anh Văn viết. Bộ phim lấy bối cảnh, nhân vật và tình tiết trong các tác phẩm truyện "Hai phía chân trời", "Máu của tuyết", "Nơi ấy có một loài hoa"... và một số tác phẩm khác.


Có thể nói, Trần Hoài Văn là một trong những cây bút xuất sắc thuộc thế hệ "đàn anh" gạo cội của báo Quê Việt tại Ba Lan. Bên cạnh những tên tuổi như: Lâm Quang Mỹ, Nhị Hồng, Lâm Hải Phong, Lợi Hồng Diệp, Thanh Hiên, Thủy Tiên..., anh đã tạo được cho mình một văn phong riêng để lại dấu ấn ít nhiều trong lòng độc giả. Tôi sinh sau đẻ muộn, không có may mắn được làm cộng tác viên cho Quê Việt cùng thời với anh. Tác phẩm của anh, tôi cũng mới bắt đầu tìm hiểu kể từ khi các phương tiện thông tin truyền thông đăng tải dự án phim "Hai phía chân trời" được quay tại Châu Âu. Tuy nhiên, tên tuổi của anh thì tôi đã được nghe nhiều người ca ngợi.

 

Trần Hoài Văn trong cuộc gặp mặt với những người làm báo Quê Việt tại Ba Lan
 

Tôi đọc truyện của anh, không quá chậm rãi nhìn từng câu từng chữ, nhưng cũng không quá vội vàng đến nỗi bỏ sót chi tiết trong tác phẩm. Tôi đọc như một kẻ lãng du trong cõi văn chương rất đời và rất thực của Trần Hoài Văn, cốt để biết hồi kết tác phẩm, để đi tìm câu trả lời cho số phận kiếp người xa xứ có thật giữa đời thường mà anh Văn đã chắt lọc để xây dựng lên những hình tượng nhân vật như: chị Tình, anh Vinh, anh Lê, cháu Tuấn Tomek và cả số kiếp những con người đất bản địa đủ mọi thành phần như: Marta, Landaria, người đàn ông cụt chân Pawen và cô gái điếm không tên- "thôn nữ miền hạ lưu sông Đông"... bằng những trải nghiệm của chính mình sau bao năm bon chen, mưu sinh ở những miền đất đường xa tuyết trắng Châu Âu.

 

Tôi không dám bình luận về văn phong trong truyện của anh, bởi viết được như anh, không chỉ đòi hỏi phải có năng khiếu văn chương trời phú, vốn kiến thức được đào tạo bài bản, mà còn phải cộng với những trải nghiệm "trường  đời", những bài học xương máu đã đúc kết trong cõi "nhân gian" như chính anh tự bạch trên trang facebook cá nhân. Có như vậy, anh mới có thể đau trong cái đau của Vinh lúc khóc người bạn xấu số đã dùng mạng sống của mình khi hứng trọn cho Vinh nhát dao của tụi cướp trong một lần làm cửu vạn ôm hàng thuê. Độc giả  đau trong cái đau của người chết khi đọc "Máu của tuyết". Đoạn truyện kể nhân vật Vinh đến thăm mộ bạn ở nghĩa trang, Trần Hoài Văn viết:

 

"Đã hơn bốn năm nay, không một nén hương, một quả trứng. Mày nằm đây như một con ma lạ nghèo hèn, lạc lõng, tủi hổ bên những con ma bản xứ no đủ tình thương, dư thừa vật chất. Mày có bị chúng nó bắt nạt, hành hạ không? Chắc là không đâu...? Bởi những kẻ cùng đinh chẳng có gì để mất như lũ chúng ta lúc sống đã luôn ngẩng cao đầu, mặc mẹ cái túi rách kinh niên và cái dạ dày luôn réo gào vì đói, thì lúc xuống âm phủ, chắc mày vẫn sẽ là một con ma kiêu hùng luôn mỉm cười ngạo nghễ và sẵn sàng chấp nhận mọi cuộc chơi mạo hiểm với tư thế của một hiệp sĩ".

 

Từ nỗi đau của người chết, anh đưa độc giả trở về với nỗi đau của kiếp người sống bằng những lời tự sự của chính nhân vật Vinh:

 

"Còn tao, bốn năm khổ ải lê la qua hai trại tù để làm cuộc đời của ma sống mà chả mấy bữa được no. Mỗi lần chuyển trại là một lần lại phải gồng mình lên chiến đấu để tồn tại giữa cái đám giang hồ đâm thuê chém mướn bản địa; chiến đấu để giữ được tư thế của một con người trong đám nửa người nửa thú".

 

Trong ba truyện "Hai phía chân trời", "Máu của tuyết", "Nơi ấy có một loài hoa" của Trần Hoài Văn, cá nhân tôi đánh giá, tác giả đã rất thành công trong việc xây dựng hình tượng và diễn biến tâm lý của nhân vật Vinh. Xem phim truyền hình, khán giả dễ dàng nhận ra Trần Hoài Văn đã gửi gắm và thổi hồn mình vào nhân vật Vinh, một gã phu khuân vác có tài văn thơ, sống hiệp nghĩa, cao thượng... Nhân vật ấy ít nhiều mang bóng dáng, tâm sự của anh ngoài đời thực. Trong truyện, đoạn Vinh bị trục xuất về nước và đau đớn chia tay bé Tuấn Tomek ở sân bay Okiece, những tiếng gào thét của đứa trẻ:

 

- Tôi là người Việt Nam! Tôi muốn về nhà! Bố…Đừng bỏ con!

 

và cảnh tượng Vinh vật lộn, tru lên như một con vật bị chọc tiết:

 

- Con tôi! Trả con cho tôi! Con… đừng khóc! Bố... sẽ… quay… lại… tìm… con…!

 

gợi lên cho độc giả những tình cảm yêu thương cao đẹp giữa người với người trong kiếp sống tha hương. Ở đó, có sự day dứt lương tâm của người đàn ông hiệp nghĩa không nỡ lừa dối một đứa trẻ như Vinh; có sự hy sinh cao thượng, thương con và hiểu con sâu sắc như bà mẹ Vinh, để rồi bà kiên quyết dùng cuốn sổ đỏ chứng nhận quyền sử dụng mảnh đất của tổ tiên dòng họ Trần đưa cho con:

 

- Anh còn đợi gì nữa mà không đi đón thằng bé về đây? Tiền đây, anh cầm lấy!

 

Cảnh tượng trong hồi kết của truyện:

 

" Ba tháng sau… Vào một đêm mùa hạ mưa như thác đổ, có một toán người vượt biên giới từ Ukraina vào Ba Lan. Lẫn trong đám người đó – có hắn" gợi mở ra con đường dài gian nan trong số phận lưu lạc nơi đất khách quê người của nhân vật Vinh. Nhưng kết cục mở của câu chuyện cũng đồng thời gợi lên tính nhân văn cao cả. Độc giả hình dung ra được nụ cười của bé Tuấn Tomek đang ngày nhớ đêm mong gặp lại người bố thân yêu, người gieo niềm tin cuộc sống cho bé và sẽ đưa bé trở về quê hương một ngày không xa!

 

Truyện của Trần Hoài Văn không chỉ sẻ chia với độc giả những đắng cay, gai góc, cơ cực trong cuộc sống mưu sinh nơi xa xứ mà còn thẳng thắn sẻ chia quan điểm sống làm người của chính tác giả. Điều này thể hiện rất rõ ràng trong đoạn hội thoại giữa nhân vật Vinh và bé Tuấn Tomek:

 

" Con trai! Từ trước đến nay, bố mới chỉ nói với con về tình yêu và lòng nhân ái. Bố quên mất một điều mà lẽ ra phải dạy con từ những ngày đầu tiên khi bước chân vào đây: Con phải biết đương đầu để bảo vệ mình, phải biết chiến đấu với kẻ độc ác… Con hãy nhìn những vết sẹo trên người bố và nhớ rằng, bố còn sống được đến giờ phút này là bởi đã không chịu để kẻ khác khuất phục".


Cũng chính những lời dặn dò ấy đã làm nên sự mạnh mẽ trong tính cách của bé Tuấn Tomek sau này ở những cuộc đối đầu không khoan nhượng giữa bé và những đứa trẻ cùng trường hay "lấy thịt đè người".

 

Truyện "Hai phía chân trời" của Trần Hoài Văn là những dòng tự sự của nhân vật "hắn" trên chặng hành trình làm kẻ đi tìm người thân bất đắc dĩ giúp anh Mịch nhưng nội dung truyện lại xoay quanh số phận bi đát của chị Tình. Nỗi đau của chị từ khi vượt biên để mất đứa con gái là Tang, đến khi gặp được ân nhân cứu mạng là người đàn ông cụt chân Pawen rồi nên vợ nên chồng, cho tới lúc gặp nhân vật" hắn", biết tin bố con anh Mịch bao năm ròng vẫn mong đợi tin tức hai mẹ con là một cuộc đấu tranh và giằng xé nội tâm sâu sắc trong  tâm hồn chị Tình cũng như chính tác giả. Để sâu chuỗi được mạch văn trong cách truyền tải diễn biến tâm lý của nhân vật chính đến với độc giả, anh đã dùng những gì mình trải nghiệm, mắt thấy, tai nghe để lựa chọn cho nhân vật chính là chị Tình cái kết cục mà một số độc giả cho rằng không còn sự lựa chọn tốt hơn cho số phận chị Tình hay sao?

 

Đoạn hội thoại giữa chị Tình và nhân vật "hắn" là một điểm nhấn đắt giá  làm nên thành công trong quá trình xây dựng hình tượng nhân vật.

 

"Thôi thì chú cứ nói là chị và cháu Tang đã chết. Số tiền này mẹ con chị gom góp trước khi bỏ mạng nơi xứ người, may mà nhờ chú giữ hộ được…Nói sao đó tùy chú, miễn để anh ấy yên tâm mà sống tiếp…Khóc người chết có ai khóc được mãi đâu hả chú? Chị van chú, chị lạy chú…Chú không giúp chị thì chị chết cũng không nhắm mắt được. Số tiền này anh Mịch còn phải trả nợ mà khi hai mẹ con chị ra đi đã mắc vào".

 

Trong hoàn cảnh này, kết thúc câu chuyện, Trần Hoài Văn viết:

 

"Họ phải biết dù là tin tốt hay xấu. Chính sự vắng lặng hun hút như lỗ đen mới khiến họ ghê sợ. Nó còn kinh khủng hơn cả cái chết, sự bội bạc và xa cách" thì chính tác giả đã đau cả nỗi đau của người ra đi, tha hương không trở về như chị Tình, và đau cả nỗi đau của người ở lại, canh cánh trong lòng một nỗi lo lắng cho số phận người thân phiêu dạt nơi đất khách như anh Mịch!

 

Một trong những điểm góp phần làm nên dấu ấn văn phong của Trần Hoài Văn là anh có một bút pháp tả thực rất độc đáo, nhất là những đoạn tả cảnh. Trong truyện "Nơi ấy có một loài hoa", anh viết:

 

"Còi tàu hụ lên trầm buồn như luyến tiếc bến sông. Tiếng máy xình xịch nổ giòn giã, vòng quay chân vịt tăng dần, cuộn nước thành những đụn trắng xoá, sôi ùng ục. Con tàu rùng mình, bỏ lại sau lưng cái ga xép cũ kĩ đỏ quạch, mốc mêu rêu xanh cùng những hàng bạch dương thân mốc trắng, õng ẹo đung đưa những đám lá xanh rì trong ráng hoàng hôn màu mỡ gà, hối hả nhằm hướng hạ lưu sông Vônga xa ngút ngát".

 

Cũng với bút pháp tả thực, trong "Hai phía chân trời", anh mở đầu bằng đoạn tả cảnh sinh động mà thẫm đượm cái quạnh hiu, tĩnh mịch của phố núi- chiều cuối năm:

 

"Những hạt mưa li ti thoảng như hơi thở phà nhưng cũng đủ làm ướt áo kẻ bộ hành. Con phố nghèo với vài mươi nóc nhà gà gật hứng lây rây bụi nước trông ngơ ngẩn, thất thần như một kẻ nát rượu chưa tỉnh hẳn cơn say. Con đường được gọi là phố, thôi thì dù là phố huyện, mặc lòng hắn đã cố tránh nhưng cơn mưa dầm thấm lâu biến thành những vũng cháo quánh khiến hai ống quần hắn toe toét vết bùn bắn. Cuối con đường có một ngôi nhà xiêu xiêu, đứng hơi xa các ngôi nhà khác như gã say bần tiện đang độc ẩm bữa rượu cạn".

 

Trong những vấn đề nhạy cảm như ham muốn dục vọng của con người mà ít tác giả động chạm đến thì anh lại phơi bày bằng ngôn từ rất đời thực mà không hề né tránh. Đoạn viết về cô gái điếm "thôn nữ miền hạ lưu sông Đông" trong truyện "Máu của tuyết", anh viết:

 

"Nàng chân chất, giản dị, hay nói theo ngôn ngữ của đám quen xài “vợ một đêm” như bọn hắn, là “còn chưa biết vẽ mặt”. Nếu phần lớn các cô gái bán hoa đều luôn giữ gìn “ốc đảo” của mình thật nhẵn nhụi, bảnh bao để phòng tránh bệnh tật, thậm chí còn chăm chỉ hơn cả đám đàn ông hàng sáng đứng cạo râu trước gương, thì nàng giống như cánh rừng hoang vu với tất cả những dấu tích nguyên thủy mà thiên nhiên trù phú ban tặng. Đám cỏ miền thảo nguyên mềm mại sau cơn mưa lan tỏa từ miền đồng bằng, lên bình nguyên, xuống thung lũng như níu kéo, như chỉ dẫn cho con chiên tội nghiệp đường đến thiên đàng. Đối với những hiệp sĩ mệt mỏi lang thang, đơn thương độc mã một mình một ngựa suốt ngày phải đánh nhau với cối xay gió ở những vùng bình địa, thì cánh đồng lúa mì vàng rực ấy luôn là nỗi khát khao".

 

Tôi đã từng đọc tập tác phẩm truyện ngắn "Bóng đè" của nữ văn sĩ Đỗ Hoàng Diệu. Nhưng xét về sự trần trụi mà không thô tục trong diễn đạt, phái mạnh nói chung và Trần Hoài Văn nói riêng đã tạo cho mình thế mạnh hơn hẳn phái yếu chúng tôi vì đã dám nghĩ, dám viết và dám sống với cảm xúc thật của chính mình ở những vấn đề mang tính chất là góc khuất, là tế nhị, không nên phơi bày trong văn chương theo như suy nghĩ của một bộ phận độc giả.

 

Những ngày qua, dự án phim "Hai phía chân trời" được quảng bá và được công chiếu đã đưa tên tuổi Trần Hoài Văn - tác giả kịch bản của bộ phim đến gần hơn với công chúng. Đọc nguyên bản tác phẩm của anh, độc giả thấy được sự thành công trong nghệ thuật xây dựng nhân vật tiêu biểu mang tính nhân văn sâu sắc; ngôn từ dân dã dễ hiểu; bố cục, logic hành văn chặt chẽ, mạch lạc. Dù xét ở góc độ nào, khi chuyển thể thành phim truyền hình có thay đổi với nguyên bản tác phẩm truyện của Trần Hoài Văn hay không thì cảm nhận của tôi vẫn là tác giả đã thành công ở vai trò của người cầm bút khi viết bằng cái tâm của chính người trong cuộc bao năm phiêu bạt xa xứ, bằng nhiệt huyết của một cây bút có niềm đam mê với văn chương, thơ phú. Độc giả khâm phục anh; bạn bè đồng nghiệp cùng các cộng sự hiểu anh và mừng cho anh; khán giả truyền hình tối thứ Năm, thứ Sáu hằng tuần chờ đợi giờ vàng phim Việt để theo dõi diễn biến số phận các nhân vật của anh tái hiện lại những đắng cay, cơ cực trong công cuộc mưu sinh nơi đất khách quê người một cách chân thực, sống động trên màn ảnh nhỏ!

 

Một cảnh trong phim Hai phía chân trời
 

Trần Hoài Văn đã xa Ba Lan mấy năm nhưng hoài niệm về một thời buồn vui nơi miền đất sương trắng nắng tràn này có lẽ sẽ không bao giờ phai nhạt trong tiềm thức của anh. Điều đó đã ít nhiều tạo nguồn cảm hứng sáng tác cho anh để tri ân miền đất này, để cảm ơn đời đã cho anh những tháng ngày bôn ba miền tuyết lạnh. Nơi ấy có những người bạn đã sát cánh chia sẻ cùng anh những vất vả, nhọc nhằn trên thương trường; có những người bạn thơ, bạn văn đã cùng anh chia sẻ niềm vui với thú đọc thơ, bình văn, sáng tác... sau những toan tính, xô bồ của cuộc sống đời thường.


Xem phim "Hai phía chân trời", chúng ta thấy thấp thoáng đâu đó bóng dáng một Tổng biên tập Lê Xuân Lâm của báo "Trái tim Việt" với mái tóc bạc phơ và cặp kính cận, một anh Minh phiên dịch, một phu khuân vác như anh Vinh, một doanh nhân thành đạt như anh Lê... như từ trang viết của anh bước ra đời thực dẫu các tình tiết hư cấu đã không còn giữ được hết tính nhân văn cao cả trong sáng tác của Trần Hoài Văn. Những trang viết của anh như được hun đúc bằng máu và nước mắt của chính người trong cuộc, mang tính hiện thực sâu sắc làm nhiều người tan vỡ ảo tưởng khi đi tìm một miền đất hứa. Tác phẩm của anh đã nói hộ nỗi lòng và tâm sự của những người xa xứ.... Anh không còn ở Ba Lan nhưng tấm lòng anh dành cho báo Quê Việt vẫn rất nặng tình, nơi đó đã từng có những bạn đọc một thời hào hứng chờ đợi các sáng tác của anh. Anh vẫn mang trong lòng tâm sự và trăn trở về ước mong thế hệ "đàn em" kế cận anh sẽ tiếp bước, bớt chút thời gian, công sức để xây dựng tờ báo mà anh từng một thời gắn bó!


Tìm đọc các tác phẩm được chuyển thể thành phim truyền hình "Hai phía chân trời"của tác giả Trần Hoài Văn cũng là một cách tiếp cận số phận nhân vật ở góc độ nhân văn rất đáng phải suy ngẫm!

 

Dừng bút, tôi xin mạn phép mượn lời của bác Nguyễn Văn Thái để chúc Trần Hoài Văn: "Anh là niềm tự hào của cộng đồng người Việt tại Ba Lan", chúc anh sáng tác được nhiều tác phẩm hay, gặt hái được nhiều thành công khi truyền tải những thông điệp của cuộc sống đến gần với công chúng!

 

Warszawa, tháng 12/2012

 

Hoài Hương

queviet.pl

Sửa lần cuối 2012-12-25 04:00:02

Bình luận

Bình luận qua Facebook