Vào ngày 9/9/2023, Hội đồng hương Kinh Bắc tại Ba Lan sẽ tổ chức buổi gặp mặt, giao lưu nhằm gắn kết những người con xa xứ của quê hương mình và những người yêu mến quê hương Kinh Bắc.
Một số độc giả của báo Quê Việt quan tâm đến cuộc gặp mặt này đã yêu cầu quý báo giúp trả lời 2 câu hỏi:
1. Tại sao hội đồng hương này lại lấy tên là hội đồng hương Kinh Bắc mà không lấy tên là Bắc Bắc hay Hà Bắc...
2. Tại sao Đội văn nghệ của hội này lại lấy tên là Câu lạc bộ Quan họ Sông Cầu mà không lấy tên là Câu lạc bộ Quan họ Bắc Ninh.
Chúng tôi xin được trả lời ngắn gọn những câu hỏi này, dựa trên những dữ liệu có trong lịch sử và những văn bản chính thức được ban hành.
Hội đồng hương Kinh Bắc tại Ba Lan
Kinh Bắc là vùng quê nổi tiếng từ ngàn năm trước. Từ thời Hùng Vương, nơi này có Thánh Gióng đánh giặc Ân, thời An Dương Vương có thành Cổ Loa. Theo Dư địa chí của Nguyễn Trãi, tên Kinh Bắc có sớm nhất vào thời nhà Lê, năm 1435 nơi này có 4 phủ, 21 huyện, 1147 làng xã:
1. Phủ Từ Sơn có 6 huyện, 400 xã: Tiên Du, Đông Ngạn, Vũ Giàng, Quế Dương, Yên Phong, Thanh Thủy.
2. Phủ Thuận An có 5 huyện, 322 xã: Gia Lâm, Văn Giang, Siêu Loại, Gia Định và Lang Tài.
3. Phủ Bắc Hà có 4 huyện, 148 xã: Hiệp Hòa, Yên Việt, Kim Hoa và Tiên Phúc.
4. Phủ Lạng Giang có 6 huyện, 340 xã: Yên Dũng, Phượng Nhãn, Bảo Lộc, Yên Thế, Lục Ngạn, Cổ Lũng.
Kinh Bắc là một trong bốn Trấn quanh Thăng Long xưa bao gồm Xứ Đông, xứ Đoài, xứ Sơn Nam, xứ Kinh Bắc. Tới thời vua Gia Long nhà Nguyễn, Kinh Bắc vẫn được gọi là xứ (xứ Kinh Bắc) thuộc Bắc thành tổng trấn.
Tóm lại, Kinh Bắc là vùng đất bao gồm toàn bộ ranh giới 2 tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh và một phần ở các tỉnh thành lân cận là Hà Nội (toàn bộ khu vực phía bắc sông Hồng: Gia Lâm, Long Biên, Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn); Hưng Yên (Văn Giang, Văn Lâm) và Lạng Sơn (Hữu Lũng).
(Di tích thành Cổ Loa)
Sau 2 năm kể từ khi Hội đồng hương Bắc Giang tại Ba Lan được thành lập, nhiều bà con Bắc Ninh đề nghị thành lập hội đồng hương chung cho bà con 2 tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh. Từ đó Hội đồng hương Kinh Bắc tại Ba Lan ra đời, với sự đồng lòng, nhất trí của những người con thuộc vùng quê Kinh Bắc đang sinh sống và làm việc tại Cộng hòa Ba Lan. Tên gọi Kinh Bắc được Ban tổ chức khởi xướng và toàn thể bà con ủng hộ không chỉ muốn tôn vinh cái tên của một vùng địa linh, nhân kiệt đã tồn tại trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc Việt Nam mà còn là yếu tố gắn kết những người con Kinh Bắc. Lịch sử hai tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh cho thấy vùng đất này đã hợp lại, tách ra nhiều lần. Tỉnh Hà Bắc trong thời chiến tranh chống Mỹ đã từng là niềm tự hào, in trong tâm khảm của nhiều thế hệ. Nhưng Kinh Bắc vẫn có gì tự hào hơn, gắn kết hơn.
Câu lạc bộ Quan họ Sông Cầu
Trong kho tàng dân ca Việt Nam, Quan họ là một thể loại phong phú bậc nhất về mặt giai điệu. Quan họ được hình thành và phát triển ở vùng Kinh Bắc xưa, đặc biệt là khu vực ranh giới hai tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh ngày nay với dòng Sông Cầu chảy qua. Các làng Quan họ trước đây đều thờ Thánh Tam Giang – vị thánh gắn với dòng Sông Cầu. Dựa vào địa thế, người ta chia các làng Quan họ cổ thành Làng Quan họ bờ Bắc và Làng Quan họ bờ Nam. Các làng Quan họ bờ Bắc bao gồm các làng ở các huyện Việt Yên, Yên Dũng, Hiệp Hòa (tỉnh Bắc Giang). Các làng Quan họ bờ Nam bao gồm các làng thuộc các huyện Yên Phong, vùng Đáp Cầu, và một số làng thuộc thành phố Bắc Ninh (tỉnh Bắc Ninh). Cũng chính vì vậy mà Sông Cầu còn thường được gọi là “Dòng sông Quan họ”.
(Một làng Quan họ bờ Bắc Sông Cầu)
Theo dòng chảy của thời gian, từ những làng Quan họ nhỏ bé, Quan họ đã lan rộng và phát triển. Danh sách thống kê vào năm 2016 đã ghi nhận 49 làng Quan họ, trong đó tỉnh Bắc Giang có 5 làng và tỉnh Bắc Ninh có tới 44 làng tại các huyện Yên Phong, Từ Sơn, Tiên Du và thành phố Bắc Ninh.
(Liền anh, liền chị)
Kì họp lần thứ tư của Hội nghị liên chính phủ UNESCO, ngày 30/09/2009 đã nhất trí công nhận Dân ca Quan họ là Di sản Văn hóa phi Vật thể đại diện của nhân loại. Khi đệ trình văn bản lên UNESCO, UBND tỉnh Bắc Ninh soạn thảo đã không ghi Dân ca Quan họ nói chung mà lại ghi là Dân ca Quan họ Bắc Ninh. Do đó trong văn bản của UNESCO đã ghi rằng Quan họ Bắc Ninh được công nhận là Di sản Văn hóa phi Vật thể của nhân loại (Quan Họ Bắc Ninh folk songs on the Representative List of the Intangible Cultural Heritage of Humanity). Đã có nhiều tranh cãi xung quanh vấn đề này và cho tới nay vẫn chưa có tiếng nói thống nhất.
Các thành viên “Câu lạc bộ Quan họ Sông cầu” cho biết rằng, họ lấy tên này để vinh danh dòng sông Cầu – cái nôi của Quan họ. Và cũng để nói rằng, Quan họ không chỉ là niềm tự hào của Bắc Ninh mà là của cả Bắc Giang và vùng quê Kinh Bắc nói chung. Hiện nay, theo chúng tôi biết, có cả những người không sinh ra ở Kinh Bắc cũng tham gia Câu lạc bộ này. Các thành viên Câu lạc bộ Sông Cầu cũng rất mong được kết nạp thêm những thành viên mới để phục vụ Cộng đồng người Việt tại Ba Lan ngày càng tốt hơn.
Người ơi, đến hẹn lại lên. Câu ca Quan họ chỉ mới xướng lên đã làm rung động lòng người, lôi kéo những người con xa quê xích lại gần nhau. Người yêu Quan họ lúc nào cũng lịch lãm, mến khách. Nếu bạn có cùng tâm tư với người Kinh Bắc và yêu thích những lời ca Quan họ thì hãy đến vui chung cùng bà con đồng hương chúng tôi trong ngày gặp mặt thường niên này!.
Xuân Nguyên
Bình luận