2022-12-16 19:51:38

Phân tích: Pha lê, niềm tự hào ‘vang bóng một thời’ bị lãng quên của Ba Lan

[Câu chuyện kinh doanh] - Ít ai biết rằng ngoài Tiệp Khắc (nay là Séc), pha lê cũng từng là niềm tự hào rực rỡ của nền công nghiệp sản xuất Ba Lan. Ngày nay, vì sao không còn mấy ai nhắc đến hay mua sắm đồ pha lê nhiều như trước nữa? Bài viết sẽ giúp bạn hiểu thêm về pha lê Ba Lan, niềm tự hào ‘vang bóng một thời’ của đất nước này.

Ảnh: Internet.

Phần 1: Thời kỳ hoàng kim của pha lê Ba Lan 

Pha lê từng là mặt hàng phổ biến và ăn khách ở Ba Lan trong những năm 70 và 80. Ngày đó, sản xuất pha lê được thực hiện trên quy mô lớn và chủ yếu để xuất khẩu, nhiều nhất là sang Mỹ. Mỗi nhà xưởng có thể có tới tận 1.000 công nhân. Chi phí sản xuất pha lê hồi ấy rất thấp. Nhờ lợi thế tỉ giá hối đoái đồng đô la, xuất khẩu sang Mỹ lại càng có lời.

Đây là một món hàng giao dịch rất có giá và uy tín, là biểu tượng của sự sang trọng và đẳng cấp. Khi người Ba Lan ra nước ngoài làm ăn, họ thường mang theo các sản phẩm pha lê của quê nhà. 

Mặc dù được sản xuất chủ yếu để xuất khẩu, các loại loại bình, ly, bát đựng trái cây pha lê đã có mặt ở hầu hết mọi gia đình Ba Lan. Vì được săn đón nhiều nhưng khó mua, người ta cẩn thận đặt các món đồ ấy trong tủ phòng khách, thỉnh thoảng lấy ra rửa bằng giấm pha nước để giữ độ sáng trong, rồi lại trang trọng để vào tủ bày ngắm chứ không dám dùng. 

Những món đồ pha lê cũ trong tủ phòng khách các gia đình Ba Lan. Ảnh: Internet.

Thời nay, nếu được bước chân vào nhà một người cao tuổi Ba Lan, bạn sẽ có cơ hội nhìn thấy những món đồ pha lê ấy, trông vẫn thật hoàn hảo, không hề sứt mẻ hay trầy xước!

Phần 2: Khi pha lê không còn ‘lấp lánh’

Từ những năm 1990, đồng đô la bắt đầu mất giá. Giá nhân công và nguyên vật liệu trong nước ngày một đắt. Pha lê mang lại ít lợi nhuận hơn nên các nhà sản xuất buộc phải tăng giá. Giá càng cao, pha lê Ba Lan càng kém cạnh tranh trên thị trường nước ngoài. Đây là sự khởi đầu của việc ngừng sản xuất trên quy mô lớn.

Sau năm 2000, một số xưởng chế tác pha lê vẫn tồn tại ở Ba Lan, ví dụ như xưởng Wioletta ở Stronie Śląskie, xưởng Sudety ở Szczytna, xưởng Irena ở Inowrocław hay xưởng Zawiercie ở Silesia. Trong những năm đầu của thế kỷ 21, các xưởng này làm ăn vẫn tốt nhưng quy mô sản xuất bắt đầu giảm dần. 

Xưởng Zawiercie ở Silesia năm 2015. Ảnh: Internet.

Đến khoảng năm 2005 trở đi, nhiều xưởng bắt đầu phá sản vì thời kỳ ‘hái ra tiền’ đã trôi qua. Quy trình sản xuất mang tính thủ công, chi phí nhân công tốn kém, doanh số không bù được số vốn bỏ ra trong khi khách hàng vốn đã quen với một mức giá thấp hơn. Bên cạnh đó, các trường dạy nghề thủy tinh, pha lê cũng không còn tồn tại. Điều này khiến cho pha lê ngày càng kém phổ biến ở Ba Lan. 

Phần 3: Câu chuyện xưởng pha lê Julia

Xưởng Julia ở Piechowice là một trong những xưởng sản xuất pha lê hiếm hoi còn tồn tại ở Ba Lan đến ngày nay. Quy mô xưởng không lớn, chỉ gồm vài trăm người. Năm 1990, xưởng xin được đầu tư từ một doanh nhân người Mỹ. Ông này tiếp tục đóng góp duy trì nhà máy tới năm 2005 thì ngừng vì thấy không có lãi. Xưởng Julia tuyên bố phá sản và được một người chủ khác mua lại. Tuy nhiên, vì thiếu kiến thức kỹ thuật nên người chủ mới không thể duy trì hoạt động sản xuất như trước đây. Phải mất thêm vài năm chật vật, xưởng mới dần phục hồi và bắt đầu huy động được vốn để mua các thiết bị mới.

Thợ pha lê trong xưởng Julia. Ảnh: Internet.

Bên cạnh sản xuất, xưởng Julia còn linh hoạt tạo thêm nguồn thu nhập từ du lịch và dạy nghề. Họ mở cửa cho khách tham quan vào xem quá trình sản xuất pha lê, giới thiệu về lịch sử và các câu chuyện trong nghề. Ngoài ra, xưởng còn hợp tác với đại sứ quán Ba Lan ở các nước để sản phẩm của họ được xuất hiện trong những dịp quan trọng. Đây đều là những bước đi rất khéo léo để xây dựng và quảng bá thương hiệu!

Pha lê bắt đầu được tạo ra vào những năm 1920 và có thành phần hoàn toàn khác so với ngày nay. Trong suốt hơn 100 năm qua, thành phần của pha lê đã được thay đổi, kéo theo sự thay đổi về định nghĩa và xếp hạng pha lê. Được biết, xưởng Julia vẫn sử dụng công thức sản xuất được coi là ‘truyền thống’ trong ngành ở Ba Lan. 

Một bộ sản phẩm của pha lê Julia. Ảnh: Internet.

Phần 4: Pha lê Ba Lan trong thời đại bây giờ

Ngày nay, ai mua pha lê?

Những người tiêu dùng thuộc nhóm tuổi 60 trở lên chỉ chiếm thiểu số. Họ tuy ưa thích pha lê nhưng đã có nhiều sản phẩm như thế ở nhà. Đồng thời họ cũng cho rằng đây là một thứ đã lỗi thời.

Mặt khác, những người trẻ hơn tầm 20, 30 hoặc 40 tuổi lại là nhóm khách hàng tiềm năng. Họ không có ấn tượng tiêu cực với hàng pha lê. Trong tâm trí của họ, pha lê hiện lên như một món đồ long lanh, tuyệt đẹp trong đêm Giáng sinh ở nhà ông bà. Họ ngắm nhìn món đồ pha lê qua tấm cửa kính tủ và không thể chạm vào nó. Ngày nay, họ đánh giá cao pha lê với tư cách là một sản phẩm mang yếu tố truyền thống, lịch sử mà cũng rất độc đáo, hiếm có trên thị trường. Khách hàng mua pha lê là những người tìm kiếm giá trị. Bởi pha lê là biểu tượng của chất lượng, độ bền, sự khéo léo, luôn phù hợp với nội thất và gợi nhớ kỷ niệm. Pha lê vẫn tiếp tục là lựa chọn ưa thích để làm quà tặng cho những dịp trang trọng.

Món đồ trang trí pha lê là kỷ niệm trong tâm trí nhiều người Ba Lan. Ảnh: rodzinniedookolaswiata.pl.

Đồ pha lê Ba Lan cũng đang thay đổi để bắt kịp với cuộc sống hiện đại. Ví dụ như kiểu dáng của chiếc ly phải tiện dụng và phù hợp với các loại rượu phổ biến hiện nay.

Lại phải đối mặt khủng hoảng

Trong bối cảnh lạm phát năm 2022, các loại chi phí đều tăng khiến việc sản xuất tiếp tục gặp nhiều khó khăn, nhất là khi hàng pha lê không phải sản phẩm thiết yếu và luôn phải xếp sau các nhu cầu cơ bản khác trong mỗi gia đình. Xưởng Julia cho biết, mức tăng giá trên thị trường vì thế không thể vượt quá 10% nếu không muốn rơi vào cảnh tồn hàng.

Chi phí năng lượng là yếu tố các nhà xưởng có thể kiểm soát bằng các cách như ký hợp đồng cố định giá năng lượng, đầu tư vào điện mặt trời hay cắt giảm sử dụng. Tuy nhiên các yếu tố khác như chi phí nguyên vật liệu, lao động và dịch vụ thì lại không thể đoán trước được. Khủng hoảng lan rộng, ảnh hưởng tới chuỗi cung ứng ở khắp mọi nơi, khiến việc sản xuất của các nhà xưởng đứng trước nhiều bất ổn.

Một cửa hàng pha lê ở Ba Lan. Ảnh: rodzinniedookolaswiata.pl. 

Lời kết 

Hiện tại, Mỹ vẫn là thị trường nước ngoài chính và ổn định của pha lê Ba Lan. Đúng là ngày nay, pha lê Ba Lan đang dần bị thế hệ hiện tại lãng quên, nhưng những người tâm huyết trong nghề chưa bao giờ ngưng ước muốn duy trì và khôi phục nó. Trong Giáng sinh này, khi quây quần với gia đình bên bàn ăn ấm cúng, chắc hẳn nhiều người Ba Lan vẫn sẽ chợt nhớ về hình ảnh một bộ đồ pha lê lấp lánh sau tấm cửa tủ kính ở nhà ông bà những ngày xưa ấy.

An Vu

Tham khảo từ: Wyborcza 

Sửa lần cuối 2022-12-16 18:52:08

Bình luận

Bình luận qua Facebook