2015-03-01 22:55:31

Mendelejev chỉ có một


 

     

     Đã 150 năm trôi qua kể từ khi nhà hóa học Nga nổi tiếng Dymitr Mendelejev quan tâm một cách khoa học tới việc kết hợp cồn với nước. Định nghĩa vodka còn tồn tại mãi tới ngày nay và do Mendelejev công bố hai mươi năm sau đó.

     Nhiều nguồn tin đưa ngày tháng khác nhau, nhưng đó là ngày 31 tháng 1 hoặc ngày đầu tháng 2 năm 1865. Đó là ngày mà Dymitr Mendelejev, nhà hóa học Nga vĩ đại, người khám phá ra qui luật tuần hoàn của các nguyên tố hóa học, đã bảo vệ bản luận án “về sự kết hợp cồn và nước”.
     Trái với dư luận chung, trong luận án này, ông không đề xuất qui trình chế tạo “nước lửa” tức là vodka nhưng là công trình nghiên cứu về phản ứng của thể tích. Mendelejev đã chứng minh là trong một số chất lỏng và hợp chất của chúng xảy ra hiện tượng giảm thể tích, tức là các hợp chất này rốt cuộc có số phân tử ít hơn tất cả các chất tạo thành chúng. Điều đó xảy ra nhờ các liên kết nguyên tử. Đó là trường hợp kết nối etanol với nước.
     Mendelejev là một người bất thường – nóng nảy, bộc trực, nhạy cảm và khoáng đãng. Ông không quan tâm đến vỏ bọc, ông nói điều ông suy nghĩ, thậm chí đến mức thô thiển. Gần sáng ông mới đi ngủ và dậy rất muộn, hút thuốc như ống khói và chửi thề như thợ may. Ông không quan tâm đến ăn mặc. Ông là người suy nghĩ tự do, điều đó đôi khi gây trắc trở trên bước đường công danh sự nghiệp ở các trường đại học.
Lúc 42 tuổi ông đã nổi tiếng và yêu mê mệt cô gái 17 tuổi, Anna Popova, một thiếu nữ quí tộc. Nhưng bố mẹ Anna muốn cắt đứt quan hệ này và gửi cô sang Ý. Mendelejev không mảy may do dự đã theo cô và đạt được ước nguyện – ông đã chinh phục trái tim của Anna. Tuy nhiên trước đó ông phải li dị với vợ củ Luật lệ Nga thời bấy giờ bắt buộc người li dị sau 7 năm mới được cưới lại. Mặc dầu vậy, Mendelejev đã mua chuộc một vị quan chức và cưới Anna. Như vậy về thực chất trong khoảng thời gian đó Mendelejev ở trong trạng thái lưỡng thê. Nhưng chính quyền đã làm ngơ. Một thời gian sau, khi một nhà quí tộc đệ đơn lên Nga Hoàng xin cưới vợ sớm và trong đơn có viện đến trường hợp Mendelejev. Nga Hoàng đã từ chối và trả lời: “Đúng là Mendelejev có hai vợ, nhưng trẫm chỉ có một Mendelejev”.
     Sự cương quyết của nhà hóa học thiên tài đã được đền bù hậu hỷ - ông đã sống với Anna rất lâu và rất hạnh phúc. Năm 1893 do bất bình trong quan hệ với chính quyền Đại học tổng hợp Peterburg, ông được bổ nhiệm làm giám đốc Trung tâm quốc gia về đo lường. Ở đó ông đã quan tâm đến vấn đề liên quan tới việc sản xuất cồn. Mendelejev đề xuất định nghĩa rượu vodka với giả thiết thể tích etanol trong đó phải chiếm 40 phần trăm. Sau đó ít laau chinhs quyền nga hoàng đã công nhận định nghĩa này là chính thức. Vì thế chúng ta còn phải biết ơn Mendelejev về định nghĩa hiện hành của vodka (hai phần cồn, ba phần nước), mặc dù trước đó rất lâu loài người đã nấu và uống rượu.
     Nhân dịp này, trở lại với câu hỏi muôn thuở, xưa như trái đất, đó là: ai là người đầu tiên đưa ra dùng rộng rãi thứ “nước lửa” mà ngày nay chúng ta vẫn thường gọi là “vodka”? – Người Nga hay người Ba Lan? Không thể nào định được câu trả lời nhất quán. Tuy nhiên có thể cho rằng, vodka ban đầu được chế từ lúa mạch đã được biết ở châu Âu từ thời trung cổ như là một vị thuốc, nhưng “nước lửa” được dùng rộng rãi vào thế kỷ XV hoặc ở Ba Lan, hoặc ở Nga, nhưng chắc chắn ở vùng giáp ranh giữa hai nước mà chưa được xác định rõ ràng. Đúng ra nhiều nguồn ghi chép cho rằng ở Nga người ta uống vodka sớm hơn ở Ba Lan, mặt khác cần biết rằng trên bình diện công nghiệp, nhà máy rượu đầu tiên do một gia đình người Ba Lan đưa vào sản xuất vào năm 1782 tại Lwow, lúc đó còn là thành phố của Ba Lan.
     Dẫu sao đi nữa thì nhà hóa học người Nga vĩ đại nhất và chắc chắn là một trong những nhà hóa học vĩ đại nhất của thế giới đã góp công lao to lớn trong việc định nghĩa khái niệm vodka và xác định chính xác thành phần của vodka.
     Gần như do sự ngẫu nhiên và một phần do sự tắc trách của các nhà hóa học Thụy Điển mà phát minh của Mendelejev về sự tuần hoàn của các nguyên tố - không nhận được giải thưởng Nobel vào năm 1906, mặc dù ông quá xứng đáng với giải thưởng này. Năm sau – 1907- giải thưởng cũng không được trao cho ông và cùng năm đó ông qua đời. Ông đã sống rất lâu và rất hạnh phúc. Tên ông hiện được đặt cho một vùng trên mặt trăng, một thiên thạch và một nguyên tố phóng xạ nhân tạo có số nguyên tử 101.

Nhị Hồng dịch từ Tuần san “Polityka” 


 

Sửa lần cuối 2015-03-01 21:55:31

Bình luận

Bình luận qua Facebook