2015-10-07 12:45:23

Phóng viên Rafal Tomanski phỏng vấn ông Vũ Trọng Kim.

Ông Vũ Trọng Kim.

Mới đây đoàn đại biểu UBTWMTTQVN đã ghé thăm Cộng đồng Việt Nam tại Ba Lan. Nhân dịp này phóng viên Rafal Tomanski, báo Rzeczpospolita CH Ba Lan đã có cuộc phỏng vẫn ông Vũ Trọng Kim, Ủy viên BCHTƯ- ĐCSVN, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký UBTW MTTQ , trưởng đoàn.

Phóng viên Rafal Tomanski (PV) Với tư cách là Tổng thư ký UBTWMTTQ Việt Nam, xin ông cho biết chính sách của Nhà nước Việt Nam đối với người Việt Nam ở nước ngoài?

Ông Vũ Trọng Kim ( VTK): Cùng với tiến trình hội nhập quốc tế sâu rộng của Việt Nam, giao lưu nhân dân ngày càng phát triển. Hiện nay có khoảng 4,5 triệu người Việt Nam đang sinh sống, làm việc, học tập, lao động tại nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ; có địa vị pháp lý, ổn định cuộc sống, chủ động hội nhập vào xã hội sở tạiViệt Nam xác định nhất quán và khẳng định cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không tách rời của cộng đồng các dân tộc Việt Nam (trong đó có cộng đồng người Việt tại Ba Lan). Điều này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng vì đã tạo cho kiều bào một niềm tin, một điểm tựa gắn bó vững chắc đó là quê hương; đồng thời khẳng định được vai trò, vị trí của kiều bào trong việc hoạch định chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Từ Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị đã được thể chế hóa thành các quy định cụ thể của pháp luật, chính sách đối với người Việt Nam ở nước ngoài như chính sách đầu tư, mua nhà ở, miễn thị thực.....

PV : Cộng đồng người Việt đã hòa nhập nhanh và đóng góp tích cực đối với sự phát triển của kinh tế - xã hội Ba Lan. Xin ông cho biết Nhà nước Việt Nam đã hỗ trợ như thế nào đối với sự phát triển của cộng đồng người Việt tại Ba Lan? Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng nhập cư tại châu Âu, Việt Nam nhận định như thế nào về vấn đề này và có hỗ trợ gì để giúp châu Âu giải quyết vấn đề nhập cư?

VTK: Thông qua Đại sứ quán Việt Nam tại Ba Lan, chúng tôi luôn giành sự quan tâm, có nhiều biện pháp tích cực hỗ trợ cộng đồng người Việt để ổn định cuộc sống tại Ba Lan, chủ động hội nhập vào xã hội sở tại, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, chấp hành tốt luật pháp Việt Nam, Ba Lan, đóng góp tích cực vào xã hội Ba Lan và xây dựng mối quan hệ hữu nghị truyền thống phát triển lên một tầm cao mới. Việt Nam đã có những chính sách cụ thể trước mắt và lâu dài đối với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài nói chung, cộng đồng người Việt ở Ba Lan nói riêng cũng được thụ hưởng những chính sách đó.

Về phía Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, chúng tôi nhận thức rõ trách nhiệm của mình là luôn tạo mọi điều kiện, hỗ trợ các tổ chức hội đoàn của người Việt tại Ba Lan nói riêng và các nước khác nói chung luôn có nhiều các hình thức hoạt động phong phú cả về nội dung và hình thức, lấy hoạt động văn hóa là trọng tâm nhằm giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, hội nhập văn hóa sở tại ngày càng sâu rộng.

Về cuộc khủng hoảng nhập cư tại châu Âu, cũng như cộng đồng quốc tế, chúng tôi quan tâm đến những diễn biến gần đây và cho rằng các quốc gia liên quan cần có những biện pháp khẩn cấp cũng như những giải pháp lâu dài, giải quyết hiệu quả vấn đề người di cư trên tinh thần nhân đạo.

PV. Từ ngày 15 – 18/9, Tổng Bí thư ĐCS VN Nguyễn Phú Trọng sẽ đi thăm Nhật Bản. Đây là một trong ba chuyến đi quan trọng nhất của các nhà lãnh đạo Việt Nam trong năm 2015, sau các chuyến thăm Trung Quốc (tháng 4) và Mỹ (tháng 7). Xin ông cho biết một số thông tin về chuyến đi này và lợi ích của Việt Nam trong việc thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược với Nhật Bản?

VTK:Nhìn rộng ra hơn ngoài khuôn khổ song phương, chuyến thăm chính thức Nhật Bản lần này của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, cùng với các chuyến thăm thành công tới Trung Quốc (tháng 4/2015) và Hoa Kỳ (tháng 7/2015) là những hoạt động đối ngoại quan trọng hàng đầu của Đảng và Nhà nước Việt Nam trong năm 2015. Các chuyến thăm đó nằm trong kế hoạch tổng thể nhằm triển khai đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, thúc đẩy quan hệ với các nước bạn bè truyền thống và các đối tác quan trọng của Việt Nam ngày càng đi vào chiều sâu và ổn định hơn.

Chuyến thăm Nhật Bản của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng diễn ra trong bối cảnh quan hệ hai nước được đánh giá ở trong giai đoạn tốt đẹp nhất từ trước tới nay. Việt Nam và Nhật Bản vốn có quan hệ gắn bó từ lâu đời; nhân dân hai nước chia sẻ nhiều giá trị văn hóa tương đồng, có tình cảm hữu nghị chân thành với nhau, hai nước có nhiều lợi ích chung trước mắt và lâu dài. Trong đó, sự tin cậy chính trị giữa hai nước là một điểm sáng nổi bật. Cho dù có những khác biệt về chế độ chính trị và mô hình kinh tế nhưng hai nước luôn có sự tin cậy, tôn trọng lẫn nhau. Việt Nam và Nhật Bản không chỉ đơn thuần là các đối tác quan trọng mà còn là những người bạn, chia sẻ ngọt bùi. Với việc thiết lập quan hệ "Đối tác chiến lược vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á" năm 2009 và nâng cấp thành quan hệ "Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á" năm 2014, quan hệ hai nước đã phát triển nhanh chóng, hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực.

Nhật Bản là quốc gia có vai trò và vị thế quan trọng trong khu vực, Việt Nam hy vọng Nhật Bản tiếp tục tích cực tham gia các cơ chế do ASEAN khởi xướng như ARF, EAS, ADMM+; tăng cường phối hợp đối phó với các thách thức khu vực và toàn cầu. Việt Nam cũng đánh giá cao sự hợp tác giữa Nhật Bản với các nước Tiểu vùng sông Mê Công và mong Nhật Bản tiếp tục tích cực hỗ trợ phát triển hành lang kinh tế Đông – Tây, quản lý và sử dụng bền vững nguồn nước sông Mê Công.

Với ba điểm nhấn là thúc đẩy kết nối hai nền kinh tế, tăng cường tin cậy chính trị và đẩy mạnh hợp tác trong các vấn đề khu vực và quốc tế, tôi hy vọng rằng kết quả chuyến thăm Nhật Bản của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ tạo động lực mạnh mẽ, góp phần đưa quan hệ Việt Nam - Nhật Bản phát triển lên tầm cao mới.

PV Liên quan vấn đề Biển Đông, xin ông cho biết quan điểm của Việt Nam về việc Trung Quốc tiến hành bồi đắp, xây dựng công trình trên các đảo, đá thuộc quần đảo Trường Sa? Ông nhận định thế nào về việc Trung Quốc giải thích họ đã ngừng quá trình xây dựng trên Biển Đông kể từ tháng 8/2015?

VTK: Những hoạt động xây dựng, mở rộng đảo, đá quy mô lớn của Trung Quốc tại quần đảo Trường Sa là bất hợp pháp, vi phạm chủ quyền Việt Nam, vi phạm Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) đã ký năm 2002 giữa ASEAN và Trung Quốc; không thay đổi được thực tế là Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và chứng cứ lịch sử khẳng định chủ quyền của mình đối với quần đảo Trường Sa. 

Ngày 30/4/2015, Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên Hợp Quốc đã có công hàm gửi Phái đoàn thường trực tất cả các nước tại Liên Hợp Quốc bác bỏ việc Trung Quốc khẳng định “chủ quyền và các yêu sách liên quan” của ở Biển Đông và cho rằng các hoạt động xây dựng của Trung Quốc tại các đảo và bãi ở Biển Đông là “hợp pháp, chính đáng và đúng đắn”.

Về việc Trung Quốc tuyên bố đã ngừng quá trình xây dựng trên Biển Đông kể từ tháng 8/2015, trên cơ sở yêu cầu Trung Quốc chấm dứt các hoạt động này, Việt Nam sẽ tiếp tục đề nghị Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa; nghiêm túc tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 cũng như DOC, không có những hành động làm phức tạp tình hình, thay đổi nguyên trạng ở Biển Đông.

PV Xin ông cho biết những nhận định của mình về triển vọng giải quyết các tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông, liệu có thể thông qua biện pháp tòa án, quân sự, việc thiết lập quan hệ đồng minh với các nước lớn hay biện pháp nào khác? Điều gì có thể khiến Trung Quốc chấp nhận hợp tác với các bên liên quan để giải quyết vấn đề này?

VTKi: Trước những thách thức và nguy cơ bất ổn hiện nay về môi trường an ninh và phát triển ở khu vực, tôi cho rằng vấn đề then chốt là Việt Nam cần kiên định và nhất quán cùng các bên liên quan thúc đẩy đối thoại và thực hiện mọi nỗ lực, phù hợp với luật pháp quốc tế và quy tắc ứng xử khu vực nhằm duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không và cùng hợp tác phát triển ở Biển Đông. Vấn đề quan trọng là các bên phải kiềm chế, không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực, không để tái diễn các hành động gây căng thẳng. Là một dân tộc chịu nhiều đau thương mất mát từ các cuộc chiến tranh ngoại xâm, Việt Nam nhận thức đầy đủ trách nhiệm của mình và sẽ tiếp tục cùng cộng đồng quốc tế đóng góp tích cực và có trách nhiệm vào việc duy trì hòa bình, an ninh, ổn định ở Biển Đông. Bài học xương máu từ các cuộc chiến tranh thế giới thứ cho thấy vấn đề chiến tranh hay hòa bình, hoàn toàn tùy thuộc vào ý thức trách nhiệm và ý chí chính trị của các quốc gia.

Về tiến trình thông qua biện pháp pháp lý để giải quyết vấn đề Biển Đông, tôi được biết từ ngày 07/7/2015, tại Cung điện Hoà Bình, Trụ sở Tòa án Trọng tài thường trực ở La Hay, Hà Lan, đã diễn ra phiên tranh tụng đầu tiên về vấn đề thẩm quyền của Tòa Trọng tài theo Phụ lục VII của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (vụ kiện PCA số 2013-19). Là quốc gia trực tiếp liên quan đến tranh chấp ở Biển Đông, Việt Nam đã cử đoàn đến dự và theo dõi phiên tranh tụng về vấn đề thẩm quyền của Tòa Trọng tài vụ kiện này với tư cách quan sát viên.

PV Xin trân trọng cảm ơn./.

http://www4.rp.pl/W-sieci-opinii/151009904-Wietnam-patrzy-na-Polske.html# />/br

Bản dịch của Đại sứ quán Việt Nam tại Ba Lan.

Sửa lần cuối 2015-10-07 10:57:24

Bình luận

Bình luận qua Facebook