2021-11-30 02:16:42

Bắc Triều Tiên - Thiên đường cộng sản nhưng lại là địa ngục cho nhiều người (phần tiếp theo)

Bài của Paweł Czechowski, Nguồn: Portal historyczny Histmag.org

Thăng trầm

Một điều thú vị là, sau khi chiến tranh kết thúc, Bắc Triều Tiên đã phát triển tốt hơn miền Nam trong một thời gian dài. Syngman Rhee do ít hiểu biết về kinh tế, nên Nam Hàn rơi vào tình trạng trì trệ trong nhiều năm, và sau đó phải trả nợ cho các nước láng giềng trong một thời gian khá lâu.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế của miền Bắc tiếp tục tốt cho đến cuối những năm 1960, và đến thập kỷ tiếp theo mới bắt đầu chững lại do có vấn đề về khả năng tiếp cận các công nghệ hiện đại. Ngoài ra, vốn để phát triển sản xuất phải vay tín dụng từ Nhật Bản, do đó nước này đã mắc nợ trong nhiều năm và không thể vượt qua nhiều vấn đề kinh tế.

Cuộc đại suy thoái bắt đầu vào những năm 1990 do một số yếu tố. Phần ngân sách khổng lồ được phân bổ cho một đội quân hùng mạnh (mặc dù một quốc gia nhỏ như vậy). Nền kinh tế chỉ dựa vào tự cung tự cấp, không có hiệu quả, đặc biệt là trong nông nghiệp, một ngành quan trọng của nền kinh tế. Những vụ mất mùa do thời tiết đã dẫn đến nạn đói lớn.

Kim Yong, một người chạy trốn khỏi chế độ Triều Tiên cộng sản đã kể lại một giai thoại u ám vào đầu những năm 1990, tức là thời kỳ khủng hoảng kinh tế. Tại một địa phương ở Mangyeondae, một người bán thịt (cùng những người trong gia đình của anh ta) đã giết mười ba người và sau đó bán thịt người ở chợ. Vụ việc được phát hiện một cách tình cờ - một bác sĩ phẫu thuật đã mua một miếng thịt như vậy, ban đầu ông tin rằng đã mua thịt lợn. Tuy nhiên, ông đã nhanh chóng nhận ra rằng có điều gì đó không ổn.

(Kim Nhật Thành và con trai Kim Jong Il)

Trong những năm 1995-1999, theo nhiều ước tính khác nhau, đã có khoảng 800 nghìn đến ba triệu người Triều Tiên chết đói. Thảm họa không thể tưởng tượng được này không chỉ là do chỉ được phân chia khẩu phần thực phẩm ít ỏi, mà đôi khi còn có những chuyện không thể tưởng tượng được, thí dụ: mỗi người được phân 200 gam bột mì để duy trì cuộc sống mỗi ngày, nhưng có lúc họ nhận được khẩu phần đó với một lượng lớn „chất phụ gia” (thậm chí 60%) bao gồm vỏ và lá cây được xay nát trộn vào.

Cho đến đầu những năm 1960, quan hệ giữa hai miền Triều Tiên đã được đánh dấu bằng sự thù địch lớn. Hai miền không duy trì bất kỳ liên hệ thực sự nào, kể cả thông qua các kênh không chính thức. Cho đến Đại hội lần thứ 4 (năm 1961) của Đảng Lao động Triều Tiên, Kim Il-sung sau khi vật lộn với phe đối lập trong nội bộ, cuối cùng đã giành chiến thắng trong cuộc chơi quyền lực. Lúc này đang có sự chia rẽ trong phe cộng sản giữa Liên Xô và Trung Quốc, và sự thiếu hợp nhất giữa các cường quốc này là một điều xấu đối với Triều Tiên.

Những năm tiếp theo đã không có vấn đề gì làm trầm trọng thêm những xung đột trên bán đảo. Kim Il-sung đã quân sự hóa mạnh mẽ nhà nước và xã hội (huấn luyện quân sự bắt buộc), đồng thời cố gắng "truyền bá cách mạng" sang Hàn Quốc bằng cách tạo ra một mạng lưới các hãng thông tấn. Ông cũng ủng hộ các phong trào cách mạng (và khủng bố) trên thế giới, các hoạt động chống lại "chủ nghĩa đế quốc".

Tháng Giêng năm 1968, có hai sự cố nghiêm trọng, có vẻ đặc biệt thú vị. Đầu tiên, một nỗ lực được thực hiện nhằm ám sát Tổng thống của Hàn Quốc, lúc đó là Park Chung Hee (Pak Chung Hy). Một nhóm biệt kích đã vào dinh tổng thống trong quân phục của Hàn Quốc, nhưng chiến dịch đã thất bại - 27 biệt kích bị giết và ba người trốn thoát (một trong số họ bị bắt). Ngay sau đó, Triều Tiên đã trả thù bằng cách bắt giữ tàu USS Pueblo của Mỹ ở biển Nhật Bản, khiến một thủy thủ thiệt mạng và 82 người bị bắt làm tù binh. Tất nhiên, đây không phải là sự cố cuối cùng thuộc loại này trong lịch sử của một nước cộng sản nhỏ.

Vào đầu những năm 1970, đã có sự thay đổi trong quan hệ giữa hai miền Nam - Bắc. Có thể nói là một kiểu nới lỏng, dẫn đến những cuộc tiếp xúc cởi mở đầu tiên giữa hai bên. Ngày 20 tháng 8 năm 1971, phái đoàn của cả hai nước gặp nhau tại Panmunjom. Một năm sau - mặc dù không có những thành công ngoạn mục - vấn đề về các gia đình Triều Tiên ly tán sau khi chia cắt đất nước (liên quan đến khoảng 10 triệu người) đã được nêu ra. Đây cũng là vấn đề quan trọng và đồng thời cực kỳ tế nhị.

Đối thoại giữa hai miền Triều Tiên trong ba thập kỷ tiếp theo đã được tiến hành với các mức độ thành công khác nhau, bởi vì ngoài đặc thù của chế độ ở miền Bắc, miền Nam cũng đang phải trải qua nhiều biến động chính trị, kể cả những cuộc đàn áp chống lại phe đối lập.

Hai miền Triều Tiên đã có nhiều năm bất ổn chính trị và đe dọa vũ lực lẫn nhau trong suốt thời gian giữa thế kỷ 20 và 21. Vào đầu thế kỷ mới, Triều Tiên được coi là một quốc gia bị Mỹ kỳ thị. Sau đó, chính quyền Clinton đã có những thay đổi ở các nước phi dân chủ bằng cách từng bước cho phép phát triển quan hệ của họ với cộng đồng quốc tế. Vào thời Bush, Washington lại bắt đầu nêu tên những quốc gia nằm trong "trục ma quỷ toàn cầu". Tất nhiên, CHDCND Triều Tiên cũng nằm trong số đó.

Tình hình này không được cải thiện bởi chương trình hạt nhân vẫn đang được phát triển của Triều Tiên (có thể bắt nguồn từ những năm 1960, mặc dù CHDCND Triều Tiên chính thức tuyên bố sở hữu vũ khí như vậy chỉ vào năm 2005), hoặc do những yêu cầu hoàn toàn phi thực tế và thường xuyên của Triều Tiên đòi rút quân đội Mỹ khỏi bán đảo.

Trong nhiều năm chia cắt, một số khái niệm về sự thống nhất của hai quốc gia đã xuất hiện. CHDCND Triều Tiên đã nhiều lần đề xuất tiến hành hiệp thương và các đời tổng thống của Hàn Quốc ít nhiều có xu hướng thành lập một cộng đồng quốc gia. Theo những dự kiến, nó sẽ diễn ra theo từng giai đoạn, từ hợp tác cơ bản, từ bỏ sự thù địch lẫn nhau, thông qua việc từng bước thống nhất kinh tế xã hội giữa hai quốc gia, đến việc thành lập một nhà nước chung.

Nhiều tổ chức của Mỹ đã cho rằng, ngoài sự thống nhất hòa bình được nói như ở trên, còn có các kịch bản khác cho việc sáp nhập Triều Tiên. Một trong số đó giả định sự tan rã của CHDCND Triều Tiên do hậu quả của các cuộc khủng hoảng kinh tế và chính trị, thứ hai là thống nhất đất nước bằng can thiệp quân sự. Điều nào trong số này có thể trở thành sự thật - thật khó để nói.

Địa ngục

Cuối cùng, cần tập trung vào bản chất tội phạm của chế độ Bắc Triều Tiên. Thông thường, phương Tây biết được tội ác của CHDCND Triều Tiên qua lời kể của những người đã bỏ trốn (một cách thần kỳ) khỏi đất nước. Một trong số họ là Kim Yong đã nói ở trên.

Trong hồi ký của mình, ông nói rằng sự tôn thờ đối với Kim Il-sung đã được khắc sâu vào mỗi người dân trong nước ngay từ khi còn nhỏ. Ông kể lại một bài hát đã được học:

Bầu trời trong xanh, tôi cảm thấy hạnh phúc,

Và tôi chơi đàn accordion.

Tôi yêu tổ quốc tôi, nơi mọi người được sống hạnh phúc.

Cha của chúng tôi, Tổng tư lệnh Kim Nhật Thành.

Vòng tay của người ấm áp bên ta.

Kim Yong được nuôi dạy để trở thành một công dân gương mẫu. Anh trở thành một sĩ quan quân đội, làm việc trong lĩnh vực ngoại thương, kiếm tiền bằng ngoại tệ và có gia đình riêng. Một ngày nọ, anh ta bị buộc tội có "nguồn gốc xấu" và hoạt động gián điệp cho Hoa Kỳ. Ký ức của anh thật đáng sợ. Anh đã bị giam giữ 3,5 tháng và trong thời gian đó anh đã bị giảm cân, khoảng 14 kg. Anh cũng bị tra tấn thường xuyên: bị thiếu ngủ, bị treo cổ tay, buộc phải đứng ở một tư thế trong nhiều giờ, những mảnh tre bị đóng đinh dưới móng tay của anh.

Sau đó, anh được đưa đến các trại lao động, nơi được gọi là trại tập trung ở phương Tây. Lịch trình trong ngày của anh rất đơn giản: ngủ 4 tiếng, thức dậy lúc 5 giờ sáng, làm việc trong hầm mỏ mười mấy giờ. Vào cuối ngày, "sinh hoạt giáo dục" - tự phê bình và phê bình các tù nhân khác, kéo dài cho tới trước khi đi ngủ.

Ngoài ra, đói là một vấn đề lớn trong những trại như vậy. Kim Yong nhớ lại tình tiết bi thảm nhất liên quan đến đói: vào mùa thu, một trong những người bạn tù của anh ta, bị cơn đói thúc đẩy đã cúi xuống nhặt một hạt dẻ. Kết cục là anh ta bị bắn vào đầu và chết ngay tại chỗ.

Thiên đường đỏ cộng sản đúng là địa ngục của những cư dân của nó.

Cái gì tiếp theo?

Không thể nói liệu việc thống nhất Triều Tiên sẽ diễn ra khi nào và Kim Jong Un sẽ nắm quyền trong bao lâu. Phương Tây không thể tưởng tượng được bất kỳ kịch bản thống nhất nào khác ngoài sự sụp đổ của chế độ cộng sản và dân chủ hóa miền Bắc. Trong khi đó, Bình Nhưỡng tiếp tục đe dọa bằng nắm đấm của mình, và Bán đảo Triều Tiên là một trong những điểm nóng có khả năng xảy ra Thế chiến thứ III nhất.

(Kim Jong-un - lãnh tụ tối cao của Triều Tiên hiện nay)

Theo đó, những gì đang xảy ra ở phía bắc vĩ tuyến 38 nên được tiếp cận một cách thận trọng. Tất nhiên, tuyên truyền của CHDCND Triều Tiên là hoàn toàn khó tin, nhưng phương tiện truyền thông phương Tây đưa tin có thể không chính xác như vậy - hãy nhớ rằng chúng ta đang nói về một quốc gia bị cô lập nhất trên thế giới và nhiều điều vẫn còn trong vòng phỏng đoán.

Nó cũng không phải chỉ là những người dân đang chết ở đó hàng ngày dưới gót giầy của chế độ, như người ta thường tưởng tượng. Ngoài sự khủng khiếp của các trại tập trung cho những người "không biết tuân thủ pháp luật", một cuộc sống bình thường cũng không đơn giản, vì sự phân cấp trong xã hội là rất lớn. Triều Tiên giống như nhiều quốc gia cộng sản khác, là một quốc gia của những nghịch lý sâu sắc, trong đó, khủng bố và nghèo đói ngự trị, nhưng mặt khác, họ cố gắng hướng tới một cuộc sống giống như ở những nơi khác trên thế giới - chẳng hạn như ở một lễ hội bia ở thủ đô.

Triều Tiên đang mê hoặc. Đó là sự mê hoặc kéo dài, mặc dù thường có một cơn rùng mình chạy dọc sau lưng.

Chú ý: Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả, Quê Việt chỉ đăng lại theo bản dịch.

Người dịch: Xuân Nguyên

(Nguồn: https://www.onet.pl/informacje/histmag/korea-polnocna-komunistyczny-raj-ktory-dla-wielu-okazal-sie-pieklem/4xqn9l3,30bc1058)

 

Sửa lần cuối 2021-11-30 01:18:18

Bình luận

Bình luận qua Facebook