2015-05-20 01:43:32

Những thiết bị của tôi có đang gây rối cho bộ não?

Có – và bạn cũng có thể đang mắc phải hội chứng tin nhắn ma.

Markham Heid

 Diệu Mi dịch (nguồn:  time.com)

Đầu tiên là radio. Sau đó là ti-vi. Giờ đây những người nói gở đang đưa ra những dự đoán đáng sợ về hậu quả của điện thoại thông minh và tất cả những thiết bị kỹ thuật số khác đã phát triển gắn bó với chúng ta. Vậy tại sao bạn nên chú ý đến những cảnh báo đó vào thời gian này?

Bên cạnh tính di động, điểm khác biệt lớn giữa những thứ như ti-vi truyền thống và máy tính bảng của bạn là yếu tố xã hội, tiến sĩ David Strayer, giáo sư về nhận thức và khoa học thần kinh tại Đại học Utah cho biết. "Thông qua Twitter hoặc Facebook hay email, một người nào đó trong mạng xã hội của bạn liên hệ với bạn kiểu như toàn thời gian,"  Strayer nói.

 .

"Chúng ta vốn là những sinh vật xã hội", Tiến sĩ Paul Atchley, một nhà tâm lý học nhận thức tại Đại học Kansas cho biết thêm. “Gần như không có gì hấp dẫn hơn thông tin xã hội, thứ này kích hoạt một phần của hệ thống tự thưởng trong não bộ. Cái đầu của bạn cũng được cài đặt để ứng phó với những cảnh tượng hoặc những âm thanh mới lạ. (Theo như lịch sử của loài người, một tiếng động đột ngột có thể báo hiệu sự hiện diện của động vật ăn thịt). "Vì vậy, một thứ gì đó như tiếng điện thoại rung hoặc tiếng bíp hay là ánh sáng nhấp nháy được nhập vào hệ thống phát hiện mối đe dọa," ông giải thích.

Kết hợp tiếng bíp bất ngờ với lời hứa hẹn ngầm về thông tin xã hội mới, bạn có một kích thích gần như hoàn hảo, không thể làm ngơ, nó sẽ lôi kéo sự tập trung của bạn ra khỏi bất cứ việc gì mà bộ não của bạn đang xử lý. Và bạn có thể nghĩ rằng mình sẽ nhanh chóng kiểm tra tin nhắn hoặc email và gom nhặt lại việc đang dở dang, thì bạn thực sự không thể. 

"Mỗi khi bạn chuyển sự tập trung của mình từ cái này sang cái khác, có một thứ gọi là cái giá chuyển đổi", Tiến sĩ Earl Miller, một giáo sư về khoa học thần kinh tại Viện Công nghệ Massachusetts cho hay. "Bộ não của bạn thình lình chuyển đi một chút, và nó đòi hỏi thời gian để trở lại nơi trước khi nó bị xao lãng."

 “Điều này không có gì to tát, nếu bạn đang làm một việc gì đó đơn giản và thuộc nằm lòng rồi –làm món trứng chiên hay gấp quần áo chẳng hạn, nhưng sẽ có thể là một vấn đề rất lớn, nếu bộ não của bạn đang cố gắng để sắp xếp một vấn đề phức tạp,” Miller nói.

Một nghiên cứu gần đây phát hiện rằng bộ não của bạn có thể mất từ 15 đến 25 phút để trở lại ban đầu sau khi bạn dừng lại để kiểm tra email. Và nghiên cứu của Miller cho hay, bạn cũng không làm nhiều thứ một lúc kiểu này giỏi hơn qua luyện tập được. Trên thực tế, những người tự cho mình là chuyên gia kỹ thuật số đa nhiệm có xu hướng thực hiện khá tệ, ông nói.

"Bạn chẳng thể suy nghĩ sâu sắc về một cái gì đó khi bạn cứ bị phân tâm mỗi vài phút", Miller nói thêm. "Và suy nghĩ sâu sắc chính là nơi bắt nguồn cho sự thấu hiểu thực sự."

Có một giải pháp dễ dàng cho vấn đề này: Khi  bạn đang làm một công việc phức tạp, hãy tắt điện thoại hoặc email.

Cách đó có hiệu quả với một số người. Nhưng có bằng chứng là bộ não của bạn sẽ quen dần với việc kiểm tra thiết bị mỗi vài phút, nó sẽ gặp khó khăn khi tập trung vào việc ngay cả khi chẳng có cảnh báo kĩ thuật nào làm gián đoạn. Đây là “hội chứng tin nhắn ma” (rung ảo). Atchely cho biết. “Bạn nghĩ là mình nghe thấy tin nhắn hoặc thông báo, nhưng không có gì cả.”

Trong khi hội chứng tin nhắn ma có thể làm khổ người lớn, Atchley nói hiện tượng này khá phổ biến ở những người trong độ tuổi dưới 20 - nhiều người trong số này sẽ không hình dung ra một thế giới mà không có điện thoại thông minh. Thậm chí nếu bạn không nghe thấy những thông báo “ma”, bạn vẫn có thể thấy chính mình cứ theo phản xạ muốn kiểm tra thiết bị mỗi vài phút để cập nhật, điều này sẽ phá vỡ sự tập trung của bạn cho dù bạn bỏ qua tín hiệu đó.

Khả năng tập trung một bên của bạn, theo một nghiên cứu năm 2014 xuất hiện trên tạp chí PLoS ONE, những người dành nhiều thời gian "truyền thông đa nhiệm" – hay tung hứng giữa rất nhiều trang web, các ứng dụng, chương trình hoặc kích thích kỹ thuật số khác nhau - có xu hướng có ít chất xám hơn trong một phần của bộ não liên quan tới suy nghĩ và kiểm soát cảm xúc. Những thay đổi về cấu trúc tương tự có liên kết với rối loạn ám ảnh cưỡng chế, trầm cảm và rối loạn lo âu, theo lời tác giả đầu tiên của nghiên cứu, Kepkee Loh, người tiến hành nghiên cứu tại Đại học London.

Theo Chley, các nghiên cứu chỉ ra rằng sử dụng thiết bị nhiều sẽ oanh tạc phần vỏ não trước trán của não bộ, vốn đóng vai trò lớn trong ý chí và việc ra quyết định. "Phần vỏ não trước trán ngăn chúng ta làm những việc ngu ngốc, cho dù đó là ăn đồ ăn vặt dinh dưỡng thấp hay nhắn tin trong khi lái xe," ông giải thích.

Ông nói rằng phần này của bộ não con người chưa phải đã "kết nối hoàn chỉnh", phải đến những năm đầu của tuổi 20 - một vấn đề khác ông lo lắng là cách sử dụng thiết bị nhiều có thể ảnh hưởng đến trẻ em và thanh thiếu niên. 

Vậy, liều thuốc giải là gì? Dành nhiều thời gian trong thiên nhiên có thể chống lại hậu quả tiêu hao sự tập trung đến từ việc dành quá nhiều thời gian vào công nghệ cao, theo nghiên cứu của Atchley và Strayer xuất bản vào năm 2012. Thiền định có thể đem lại lợi ích tăng cường sự tập trung.

Strayer cho biết, đặt điện thoại của bạn ở chế độ im lặngcài đặt email của bạn chỉ giao tin nhắn mới mỗi 30 phút cũng là cách để sử dụng thiết bị của bạn một cách có chiến lược và “không phải là một nô lệ cho nó”.

Tất nhiên, có rất nhiều lợi ích gắn liền với các công nghệ mới nhất và tuyệt vời nhất. Sự dễ dàng và thuận tiện khi giữ liên lạc với bạn bè là một lợi ích lớn. Tuy nhiên, nhiều câu hỏi còn để ngỏ khi nói đến cái giá thực sự cho sự phân tâm xao lãng nhờ kỹ thuật số.

"Hãy tưởng tượng trong khi Einstein đang cố gắng suy nghĩ về toán học, một phần của bộ não của ông lại đang tự hỏi có gì đang diễn ra trên Twitter," Atchley nói. "Mọi người đạt được những bước đột phá đáng kinh ngạc khi họ tập trung rất mạnh vào một nhiệm vụ cụ thể, và tôi tự hỏi, liệu các thiết bị của chúng ta có lấy đi khả năng ta làm được điều đó." 
Sửa lần cuối 2015-05-19 23:53:11

Bình luận

Bình luận qua Facebook