2019-02-20 15:38:51

Câu chuyện tình khiến cả nước Ba Lan xúc động

Bartek và Ola

     Trên mạng xã hội Ba Lan xuất hiện trang cá nhân của người đàn ông 33 tuổi có tên là Bartek. Anh miêu tả mối quan hệ đặc biệt của mình với Ola, cô gái 22 tuổi, tình nguyện viên trong công việc trợ giúp những người tàn tật. Bartek bị mệnh co cứng cơ, căn bệnh đồng nghĩa với việc anh bị liệt toàn thân. Trên trang cá nhân của mình, anh viết về mối quan hệ lúc đầu thuần túy nghề nghiệp, sau dần trở thành tình cảm sâu đậm với người con gái trẻ đẹp có tấm lòng cao thượng hiếm gặp.

     Bartek kể: „Tôi là một người tàn tật nên cần sự chăm sóc thường xuyên. Tôi tham gia chương trình xã hội do thành phố tổ chức dưới hình thức chính quyền địa phương cử những tình nguyện viên thay phiên nhau đến chăm sóc tôi. Quan hệ giữa tôi với những tình nguyện viên ấy thuần túy mang tính nghề nghiệp, không mang dấu ấn quan hệ cá nhân. Chỉ đến khi Ola xuất hiện trước của phòng tôi, ngay lập tức tôi cảm thấy cô sẽ là người hoàn toàn khác chứ không chỉ là một tình nguyện viên bình thường”.

Sự khác người ở cô gái trẻ này, theo lời Bartek, được thể hiện ở hình thức bên ngoài, ở sự nhiệt tình dễ dàng nhận ra và ở cái nhìn đầu tiên cô dành cho chủ nhân chiếc xe lăn, chứ không phải chỉ để mắt đến cái xe lăn như tất cả những người trước đó. Nói cách khác, Ola nhìn thấy một anh đàn ông trong con người Bartek chứ không phải chỉ nhìn thấy người đàn ông đang ngồi trên chiếc xe lăn.

     Được hỏi về ấn tượng của mình trong cuộc gặp gỡ đầu tiên, Ola kể: „Lẽ ra đến chăm sóc Bartek hôm đó là một nữ tình nguyện viên khác, nhưng cô ấy bị ốm, tôi được cử đi thay. Tôi mới làm việc này nên Bartek là người khuyết tật đầu tiên tôi nhận chăm sóc. Trước đó tôi làm công việc chăm sóc trẻ em. Vì vậy tôi hoàn toàn không biết chuyện gì sẽ đến. Khi tôi nhìn thấy anh, tôi lập tức bị anh mê hoặc – anh vui tính, anh trả lời không hề giữ kẽ mọi câu hỏi của tôi, anh tỏ ra rất thoải mái trong khi chuyện trò. Khi tôi chuẩn bị ra về, anh mời tôi nán lại uống nước chè. Và tôi đã ở lại”.

     Bên chén nước chè, hai người chủ yếu nói những chuyện liên quan đến Ola. Cô đã kể cho anh nghe về chuyện cô muốn trở thành tình nguyện viên chăm sóc người khuyết tật vì mong muốn của cô là được làm công việc mình yêu thích. Cô cũng nói rằng mình chưa có định hướng gì cụ thể cho tương lai cuộc sống của mình. Hiện tại cô hướng dẫn các ông bố bà mẹ có con gặp vấn đề về phát triển và tham gia tập huấn các nhà vật lý trị liệu chuyên về chăm sóc trẻ em. Bartek đã ngay lập tức nghĩ đến Ola như một huấn luyện viên và đưa ra các câu hỏi với hy vọng cô có thể giúp anh thiết thực hơn một sự chăm sóc thuần túy.

     Ola nói thêm về cuộc gặp gỡ lần đầu này: „Đây là cuộc chuyện trò thật tuyệt. 20 phút sau khi rời khỏi nhà Bartek, tôi nhận được tin nhắn của anh. Anh nói rằng anh rất vui được làm quen với tôi. Sau đó tôi đến nhà anh hàng ngày, thậm chí cả trong trường hợp tôi không có tên trong lịch đến chăm anh.

Được hỏi về thời điểm hai người biết chắc chắn là họ không thể thiếu nhau, Bartek nói rằng trong lúc tiếp xúc, họ ít nói ra miệng chuyện tình cảm mà chủ yếu thể hiện qua hành động. Trang cá nhân ra đời không ngoài mục đích giúp họ miêu tả sự phát triển quan hệ tình cảm từng bước giữa hai người. Ngoài ra Bartek còn nghĩ rằng chỉ có viết về những trải nghiệm cá nhân anh mới có thể thay đổi được điều gì đó trong lòng những người Ba Lan. Anh muốn họ bắt đầu nghĩ về những người tàn tật với danh nghĩa những con người cũng xứng đáng được hưởng niềm vui, hạnh phúc cuộc đời như bao người bình thường khác.

     Khi chấp nhận „nâng cấp” mối quan hệ với Bartek lên mức cao hơn là quan hệ bệnh nhân – tình nguyện viên chăm sóc, Ola đối mặt với sự nguy cơ vi phạm quy định về tuyển dụng lao động. Nắm rõ điều này, lúc đầu Ola và Bartek không khỏi lo sợ. Nhưng vốn tính là những người đàng hoàng, cẩn thận, một tuần sau khi quen nhau, họ đã cùng đến gặp đại diện chính quyền địa phương để trình bày sự việc. Bartek hỏi thẳng người tiếp chuyện mình xem chính quyền địa phương có ý kiến gì không nếu quan hệ giữa hai người vượt qua mối quan hệ nghề nghiệp bình thường. Người phụ nữ tiếp đón họ nở nụ cười nhân hậu và nói rằng họ sẽ không gặp bất cứ cản trở nào. Sau nụ cười đó của người đại diện chính quyền Bartek cảm thấy mình được cởi bỏ mọi sự ràng buộc và anh biết chắc từ nay anh có thể yêu thương người con gái mình yêu với tư cách con người bình thường chứ không phải một người tàn tật. Sau khi ra khỏi cơ quan hành chính địa phương, hai người chờ xe buýt về nhà. Trong lúc chờ đợi, Bartek mạnh dạn ôm lấy người yêu, bởi anh biết từ giây phút này, anh hoàn toàn có quyền làm như vậy.

     Nhớ lại phản ứng của những người xung quanh trước cử chỉ lần đầu công khai âu yếm người yêu, Bartek kể: „Ai cũng phải ngoái nhìn. Nhất là hôm chúng tôi ngồi ở quán cà phê nói chuyện và thỉnh thoảng dành cho nhau những nụ hôn. Tất cả mọi người đều quay nhìn và tò mò muốn biết xem cái đôi nam nữ nhìn bề ngoài khá „khập khiễng” kia là như thế nào. Tôi không quan tâm việc họ nghĩ gì. Nhưng có một lần tôi thật sự cảm thấy nhói đau trong tim. Đó là lần chúng tôi đi trên hè phố vắng người. Ngược chiều với chúng tôi là hai ông bà già. Cả hai cùng ném về phía chúng tôi cái nhìn đầy vẻ thương hại. Ola khi đó đẩy xe nên tôi không nhìn thấy phản ứng trên nét mặt cô. Riêng tôi, tôi phải chịu đựng cái nhìn ác ý của đôi vợ chồng già. Rõ ràng cái nhìn của họ có ý nói: „Nhìn kìa, cô gái thế kia và đi chơi với một anh chàng tàn tật!”. Cứ như Ola đi dạo chơi với một đứa trẻ chứ không phải với người đàn ông mình yêu”.

Khác với Bartek, Ola nói chung không để ý xem thiên hạ nói gì, nghĩ gì. Cho đến khi Bartek nói với cô: „Em xem kìa, mọi người nhìn ghê quá!”. Cô muốn nói với anh: „Thiên hạ muốn nhìn là chuyện của họ. Cứ cho họ nhìn thoải mái! Sẽ đến lúc họ phải chứ!”

     Nhưng vấn đề cuối cùng là Bartek và Ola phải ra mắt bố mẹ đôi bên. Đối với bố mẹ Bartek, sự xuất hiện của Ola là niềm hạnh phúc lớn lao, cho họ và cho con trai họ. Hai ông bà đón nhận Ola với niềm vui lớn và lập tức coi cô như con đẻ. Nhất là trước đó Bartek đã trải qua một mối tình sóng gió. Hai ông bà càng vui hơn khi sau bất hạnh đó con trai mình vẫn có thể cởi mở với người đến sau. Nhưng với mẹ Ola, mọi chuyện không dễ dàng chấp nhận. Bà là hộ lý nên theo thói quen nghề nghiệp, có vẻ như bà ngay lập tức nhìn Bartek qua lăng kính cái xe lăn. Với bà, Bartek là bệnh nhân chứ không thể là bạn đời của con gái bà.

     Ola cho rằng thái độ của bố mẹ cô là hoàn toàn có thể hiểu được, không nên trách móc các cụ. Cô có niềm vui lớn là nhiều bạn bè cô đã gửi tin nhắn chúc mừng. Họ thật sự chia sẻ hạnh phúc của cô. Bartek nói rằng họ chúc mừng hạnh phúc của cô một phần thôi, còn chủ yếu chúc mừng sự dũng cảm của cô, vì anh là người tàn tật, gắn bó với anh là chấp nhận cái khổ trọn đời.

Nhưng Ola nghĩ khác. Chăm sóc Bartek chỉ là chuyện nhỏ, không có gì phải nói. Cái khó nhất là chia sẻ với anh những cơn đau. Cơn đau thể xác thường xuyên xuất hiện, nhưng khi đó cô không biết mình phải làm gì. Cô nhìn anh đau đớn mà hoàn toàn bất lực. Bartek không muốn nói về những cơn đau thể xác vì nhắc đến chúng, anh sẽ không cầm được nước mắt khi chúng gắn liền với công lao và tình cảm của Ola.

     Bartek đã quyết định tách Ola khỏi vai trò tình nguyện viên chăm sóc người bệnh. Anh đã đề nghị cô chấp nhận trở thành bạn đời của mình. Mâu thuẫn họ cần giải quyết hiện nay là Bartek không muốn Ola đóng hai vai, vì Ola – tình nguyện viên sẽ lấy đi của anh sự say đắm của một bạn đời. Còn Ola, với bản tính của một phụ nữ bình thường, cô không muốn chứng kiến cảnh Bartek có một nữ tình nguyện viên đến chăm sóc. Cho đến nay Bartek vẫn kiên trì nguyên tắc không chấp nhận tình nguyện viên nam. Nhưng anh hứa sẽ xem xét lại và thay đổi nguyên tắc cứng nhắc của mình.

     Được hỏi về kế hoạch của hai người trong tương lai, Bartek trả lời bình thản: „Những người bị bệnh như tôi, không ai đi lập kế hoạch dài hơi. Dự định được coi là xa nhất của tôi là ngày Valentin tới đây. Chúng tôi sẽ biến nó thành một ngày tuyệt vời với nhiều sự bất ngờ. Còn nói chung chúng tôi sống bằng hiện tại. Tôi không thể nào hứa với Ola là vào năm 2025 chúng tôi sẽ có chuyến đi nghỉ nước ngoài, bởi khi đó chắc gì tôi còn tồn tại trên đời”.

     Ola cũng phụ họa với anh: „Hiện tại chúng tôi vui mỗi bữa chúng tôi ăn cùng nhau, vui mỗi cuộc dạo chơi chúng tôi đi bên nhau và vui mỗi giây phút chúng tôi có nhau. Chúng tôi sống ở đây và sống bây giờ. Quan niệm như thế, chúng tôi thấy cuộc sống nhẹ nhàng hơn”.


NGUYỄN CHÍ THUẬT

(Theo bài đăng trên Gazeta Wyborcza)

Sửa lần cuối 2019-02-20 14:37:54

Bình luận

Bình luận qua Facebook