2014-03-31 06:22:43

Xã hội dân chủ và chuyện (tham gia) hội đoàn

Cho đến thời điểm hiện nay, cộng đồng người Việt ở Ba Lan vẫn được coi là một xã hội nhỏ khá đoàn kết. Cũng vì một lý do đơn giản là những người Việt ở đây chủ yếu làm ăn kinh doanh trong 2 mảng chính là thương mại và ẩm thực. Mà để tồn tại tốt trong hai ngành này đều cần phải có những mối quan hệ và sự quen biết. Do vậy người Việt ở Ba Lan thường quen biết nhau, hay gặp gỡ nhau, để cùng làm ăn, chứ không nhất thiết chỉ để uống bia hay hỏi han nhau vài chuyện (thí dụ thế). Cũng có thể là người Việt Nam ở một số các quốc gia khác đã hội nhập hoàn toàn được vào xã hội của nước sở tại, đã có những công việc (ngành nghề) giống như người dân bản xứ, do vậy những sự „tụ tập” riêng của người Việt với nhau ít cần thiết hơn chăng?

Như chúng ta đã biết, ở Ba Lan có khá nhiều hội đoàn và các câu lạc bộ được thành lập. Sống trong một xã hội dân chủ, chuyện tham gia hay không tham gia trong một hội đoàn đều là quyền tự chọn của mỗi người. Có một điều rất dễ nhìn nhận ra là cái gì được thành lập ra cho một thời gian, rồi có tồn tại được lâu dài hay không, cũng còn tùy thuộc vào nhu cầu cuộc sống của mỗi người.

BCH Hội NVNTBL khóa 5.

Theo Wikipedia tiếng Ba Lan, trong phần viết về „Các hội đoàn người Việt ở Ba Lan”, người ta có nói đến 3 tổ chức. Tổ chức được thành lập đầu tiên là „Hội Văn hóa-Xã hội người Việt Nam tại Ba Lan”, được thành lập từ năm 1986. Tổ chức này bao gồm chủ yếu các cựu sinh viên và nghiên cứu sinh Việt Nam (nhiều người có gia đình với công dân Ba Lan), có danh sách khoảng 200-300 người. Thời đó, để làm ăn kinh tế, cần có một tổ chức được đăng ký theo luật pháp ở Ba Lan, do vậy người Việt đã có nhu cầu cần đoàn tụ, để giúp đỡ nhau ở nhiều vấn đề trong cuộc sống. Sau đó, có lẽ do nguyên nhân là nhiều người đã có thẻ định cư hoặc là có quốc tịch Ba Lan, nhu cầu cần phải nhờ đến Hội cũng ngày càng ít hơn, do vậy hiện nay Hội này chỉ thỉnh thoảng còn tổ chức những buổi gặp mặt nhân dịp Tết Nguyên đán hay là khi cần tổ chức một sự kiện văn hóa nào đó.

Hội người Việt Nam tại Ba Lan ra đời từ năm 1999 (trước đây có 1 tên gọi dài hơn). Theo Wikipwedia thì Hội này tụ tập được khỏang 800 gia đình.

Wikipedia còn nhắc tới một hội thứ ba khác là Hội hoạt động vì nền Dân chủ và Đa nguyên ở Việt Nam. Tên gọi thì dài, nhưng có lẽ Hội này cũng chỉ bao gồm một số người đủ để đăng ký ở tòa án Ba Lan (theo nguyên tắc thì chỉ cần 15 người). Những người Việt ở Ba Lan ít biết đến tổ chức này, người viết bài báo này tuy tham dự nhiều công tác công đồng, nhưng cũng không biết gì mấy về thành tựu của hội này. Do vậy có lẽ nó tồn tại cũng chỉ trên lý thuyết, hoàn toàn không còn trong thực tế. Hoặc là tổ chức này đã được chuyển đổi thành một hội của... người Ba Lan?

Vậy điều mà chúng ta cần và nên quan tâm là Hội người Việt Nam tại Ba Lan. Có thể đây là một hội đoàn đại diện cho đa số người Việt ở Ba Lan.

Con số 800 gia đình (thành viên) kia có đưa ra được một sự chính xác tương đối nào đó hay không? Không ai biết rõ! Đó cũng chính là vấn đề mà Hội này cũng đang muốn tự tìm hiểu, khi đang muốn cụ thể hóa các công việc hoạt động cũng như cơ cấu tổ chức của mình.

Điều quan trọng là Hội người Việt Nam tại Ba Lan đã trở thành một tổ chức hoạt động không chỉ có tính chất pháp lý (đăng ký tại tòa án), mà còn có tính lâu dài (15 năm, đang hoạt động khá mạnh mẽ và cụ thể) cùng với các tiêu chí là hoạt động vì công đồng, chứ không phải vì lợi ích của một vài cá nhân nào đó. Đây là một tổ chức phi chính phủ, một tổ chức với các hoạt động mang tính chất xã hội, vì được thành lập hoàn toàn do sự tự nguyện, không bị ai khác chi phối, có một cơ cấu rõ ràng (có điều lệ, các ban ngành, có cơ cấu tài chính riêng v.v...). Ngoài ra còn có tiếng nói của mình (tờ báo Quê Việt), điều này rất quan trọng, vì có tiếng vang, dễ nhìn thấy, mang tính chất đại chúng. Ngoài ra có thể nói là Hội cũng đã có 1 phần tài sản nào đó (cùng xây dựng và sẽ góp phần quản lý chùa Nhân Hòa). Hội có một tài sản khá quan trọng phi vật chất, đó chính là việc Hội đang có một đội ngũ thành viên khá tích cực. Được chính quyền và các tổ chức khác ở Ba Lan và Việt Nam công nhận, có chi nhánh ở Việt Nam, Kraków, Wrocław, Łódź và Raszyn. Có thể nói Hội đã trở thành một món ăn tinh thần và một tổ chức không thể thiếu của rất nhiều người Việt Nam ở Ba Lan (và không chỉ ở Ba Lan?). Có nhiều thành viên tham gia chính thức hay không, điều đó lại còn phụ thuộc vào sự nhìn nhận (và sự đăng ký rõ ràng) của cộng đồng người Việt ở Ba Lan.

Tất nhiên là trong cộng đồng người Việt ở Ba Lan cũng đang tồn tại rất nhiều các tổ chức khác, như các Hội đồng hương, các Hội khác với nhiều tên gọi khác nhau, các Câu lạc bộ v.v..., nhưng không mấy tổ chức nào có được một quy mô và tính chất hoạt động như Hội người Việt Nam tại Ba Lan. Bởi vì là các hội được thành lập ra là hoàn toàn có tính chất tự phát, tùy theo nhu cầu. Nhiều hội hay Câu lạc bộ có thể sẽ tồn tại khá lâu dài, nhưng khi không còn nhiều sự cần thiết của nhiều thành viên ở đó thì sẽ không còn nhu cầu hoạt động tiếp nữa. Một thí dụ cụ thể và rất rõ ràng là vào năm 2000 có một hội đồng hương của hai tỉnh miền Trung Việt Nam được thành lập ra khá hòanh tráng, nhiều người có năng lực đã đứng ra tổ chức và hoạt động, với chỉ tiêu là 3 năm tổ chức đại hội một lần, nhưng hội này cũng chỉ làm được điều đó vào năm 2003. Cho đến nay hơn chục năm không hoạt động, vậy coi như đã tự giải tán, vì không có nhu cầu, hay cũng là vì đã có tồn tại nhiều nguyên nhân khác.

Chúng ta không thể đánh giá người Việt là ai cũng chỉ có tính chất thực dụng, khi nào cần đến sự giúp đỡ của hội đoàn thì mới nghĩ đến họ, còn khi cảm thấy chưa cần thì coi như là mình chả liên quan gì. Thường là khi sinh sống ở đâu cũng cần phải hòa nhập với xã hội ở đó, nhưng dù sao mình cũng thuộc một nhóm người dân tộc thiểu số, vậy nhu cầu cần (thuộc vào) hội đoàn (nào đó) là một điều tất yếu. Tất nhiên, ai cũng có quyền lựa chọn cho mình một cuộc sống hoàn toàn khác, không hề có nhu cầu hội hè gì. Nhưng kinh nghiệm cho thấy là Hội người Việt Nam tại Ba Lan trong thời gian vừa qua đã giải quyết được rất nhiều công việc rất thiết thực cho người Việt Nam tại Ba Lan. Không chỉ trong những chuyện thường xảy ra như là chuyện giúp đỡ bà con khi khó khăn, khi gia đình nào có mất mát, cần có hội đoàn đại diện mua vòng hoa thăm viếng hay gửi lời chia buồn ở Việt Nam hay ở ngay Ba Lan mà còn làm được rất nhiều chuyện có ích cho nhiều người Việt Nam ở Ba Lan, không chỉ về tinh thần, còn về cả vật chất, mà tưởng như rất khó nhìn nhận thấy một cách cụ thể. Nhất là trong những chuyện liên quan đến an ninh, những vấn đề liên quan tới pháp luật, những quan hệ với chính quyền Ba Lan. Bởi vì khi có một tổ chức chính thức đứng ra đại diện, rất nhiều công việc sẽ được giải quyết dễ dàng hơn, cho từng người dân Việt Nam ở Ba Lan. Hội cũng đã có những mối quan hệ ngoại giao và những hoạt động với chính quyền Ba Lan và các tổ chức khác ở Ba Lan rất cụ thể. Sắp tới, những thành viên của Hội người Việt Nam tại Ba Lan sẽ tự nhìn nhận ra được là khi tham gia, mình sẽ có được những quyền lợi gì và đồng thời cũng sẽ phải có những trách nhiệm gì cụ thể hơn. Tất nhiên, khi đang là một tổ chức hoạt động xã hội, ai cũng sẽ được đón nhận mọi sự giúp đỡ từ tổ chức này, không chỉ các thành viên chính thức, nhưng các các thành viên bao giờ cũng có những sự ưu tiên hơn, cũng như trong một quốc gia, công dân của quốc gia đó luôn được chính quyền của mình có trách nhiệm đứng ra giúp đỡ đầu tiên, sau đó công dân các nước khác mới có thể được đón nhận. Điều này có lẽ ai cũng hiểu được một cách dễ dàng.

Có thời đã có một vài ý kiến mang tính chất chia rẽ, tuyên truyền Hội người Việt Nam tại Ba Lan là hội của ông này hay người nọ. Hay là luôn bị ai đó hay một cơ quan hoặc tổ chức nào đó hoàn toàn chi phối, nhưng tất cả những điều đó là không đúng thực tế. Bởi vì  trong một hội đoàn đông người, bao giờ cũng có nhiều ý kiến khác nhau, mọi người ở đó đều có thể có những quan điểm hoàn toàn khác nhau, hay là những mối quan hệ khác nhau (đối với các cơ quan của Việt Nam). Được hoạt động ở Ba Lan, trong một quốc gia dân chủ, riêng việc đó đã là có tính chất rất quan trọng rồi, bởi vì là sự tham gia hoạt động hoàn toàn không có tính chất ép buộc hay miễn cưỡng, vì một điều đơn giản là đây là một tổ chức phi chính phủ, hoạt động với tính chất xã hội, phi lợi nhuận. Ai cũng có thể tham gia hoặc cũng có quyền không ủng hộ vào mọi thời điểm.

Do vậy, để tham gia hoạt động cộng đồng, chúng ta cũng cần tích cực hơn nữa, không nên chỉ tự tư duy phân tích những quyền lợi và trách nhiệm khi tham gia theo một cách quá nhiều, không cần thiết, mà cũng nên coi tất cả những sự tham gia, những hoạt động trong một tổ chức nào đó là chính là những nơi để cho chúng ta có điều kiện đóng góp cho xã hội nhiều hơn, để tự tay mình xây dựng một cuộc sống xung quanh chúng ta lành mạnh hơn, để có được một tương lai tốt đẹp hơn.

Tiếng nói của mỗi cá nhân trong chúng ta đều rất quan trọng, khi cùng sống trong một xã hội, được cho là rất nhỏ bé hay là cũng khá to lớn (với khoảng 30 ngàn người). Xin mời các bạn cùng tham gia (và đưa ra ý kiến bàn luận tiếp).

03-2014

Ngô Hoàng Minh

Sửa lần cuối 2014-03-31 04:54:40

Bình luận

Bình luận qua Facebook