2015-08-13 08:59:14

Người Yên Thành và phong trào "đi Tây"

Ảnh: Gặp mặt các đồng hương xã Khánh Thành tại Wroclaw, Ba Lan

Nếu Nghệ An là tỉnh có số lượng người đi lao động xuất khẩu đứng đầu trong cả nước những năm gần đây, chiếm khoảng 1/8 trên tổng số người Việt Nam đi lao động nước ngoài hàng năm, thì huyện Yên Thành chính là  địa phương nổi bật nhất trong tỉnh. Những người “đi lao động” đã góp phần mạnh mẽ, giúp thay đổi diện mạo tại nhiều làng quê thuần nông vùng chiêm trũng này.

Truyền thống bất đắc dĩ

Sinh ra và lớn lên tại Yên Thành, chứng kiến sự xoay xở gian nan của các gia đình nông thôn trong cuộc mưu sinh bằng vài sào ruộng manh mún, lại luôn phải vật lộn với thiên nhiên khắc nghiệt, nên tôi thấm thía nỗi cơ cực và hầu như bí bách của vùng quê lúa đất chật người đông này. Hồi đó, “ngày ba tháng tám”, khoai sắn Tân Kỳ là nguồn cứu đói theo nghĩa đen chân thật nhất. Tại một số làng quê, ngoài cá đồng, thịt chuột được bổ sung vào nguồn cung cấp protein trong thực đơn hàng ngày, thậm chí được gọi là “thịt gà đồng”, và có nơi còn xem như đặc sản trong các cỗ bàn giỗ chạp, lễ lạt. Cũng vì vậy, một cách tự nhiên pha chút mỉa mai, người Yên Thành chúng tôi bị “định danh” chung là “Dân thịt chuột”. Gia đình có 4 người con, hai đứa trước được 12 thước ruộng/khẩu, còn hai đứa sau khi sinh ra đã không còn ruộng để chia. Khổ thế! Tiếng là nông dân, nhưng chẳng ai sống được bằng mấy thước ruộng khoán đó cả nên đành phải bảo nhau bươn ba. Và, cũng như những thế hệ được sinh ra ở các làng quê nghèo đất chật người đông khác, chúng tôi lớn lên đã quen với những lời răn đe kiểu như “Phải học tập để thoát ly cho đỡ khổ con ạ! ”, “Phải cố gắng để thoát ra khỏi lũy tre làng cháu ạ! ” hay “Mày mà không cố gắng thì sẽ lại ở nhà, cắm mặt vào mấy thước ruộng, đói khổ suốt đời thôi con ạ!”,… Bởi vậy, “ý thức” cố gắng để có thể đi ra cho đỡ khổ, thoát nghèo cũng dần dà bám sâu trong tiềm thức, thôi thúc mạnh mẽ. Di cư, vô hình chung, trở thành một nét truyền thống bất đắc dĩ của người Yên Thành. Và làn sóng “đi Tây” cũng từ tự phát mà nở rộ, lan rộng ra nhiều nơi.

Ảnh: Hội đồng hương xã Công Thành tại Luân Đôn họp mặt tất niên 2014

Phong trào “đi Tây”

Theo ông Phạm Xuân Tuyết, Trưởng phòng LĐ TBXH Yên Thành, từ năm 2012, toàn huyện đã có khoảng trên 7000 người đi làm ăn ở nước ngoài. Hiện nay, thị trường “đi lao động” của người Yên Thành không chỉ khoanh vùng ở các nước Châu Âu nữa mà mở rộng sang nhiều nước Châu Á, Châu Phi như: Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan, Ả Rập, Ăng-gô-la, Băng-la-đét,… Có người chỉ đi lao động mấy năm, hết hạn rồi về quê hương lập nghiệp, nhưng cũng rất nhiều người cố gắng bám lại, tìm cách hợp lý hóa để cư trú lâu dài. Nhất là những người vượt biên vào các nước EU.  Ban đầu, từ một số người có điều kiện đi lao động xuất khẩu, hết hạn họ tìm cách ở lại, rồi kết nối, hỗ trợ nhau, thậm chí thiết lập các đường dây để đưa người sang bằng đủ mọi cách, nhất là theo “đường tiểu ngạch”.

Đi trên những chuyến xe buýt, tàu điện ở Berlin đến chợ Đồng Xuân (Đức), hay rảo bước ở Vác-Sa-Va (Ba Lan), đến Praha (CH.Séc),…, những âm thanh trọ trẹ quen thuộc, đặc sệt của vùng quê lúa chất phác và những ánh mắt nhìn nhau như đã sẵn thân quen cũng trở nên không lạ đối với tôi nữa. Dường như chỉ cần hỏi xem đồng hương ở xã nào, sang lâu chưa là đủ. Người xã Bảo Thành làm ăn nhiều ở Nga. Người Công Thành chủ yếu sang Anh, hợp lý hóa dưới danh “tỵ nạn”. Tại Đức, Hà Lan, Ba Lan, Séc,… người của các xã Đô Thành, Mã Thành, Khánh Thành, Sơn Thành,… sinh sống và làm ăn rất nhiều. Anh Tùng, quê ở Sơn Thành, làm việc tại Vác-Sa-Va cho biết “Bọn mình ở đây giờ chỉ họp đồng hương theo xóm thôi chứ xã thì không họp nổi. Tết vừa rồi họp mặt anh em trong xóm đã có gần 50 người ở Vác-Sa-Va rồi nạ”.

Làn sóng đi Tây của người Yên Thành khá muộn, hầu hết mới mươi năm trở lại. Ngoài một số ít người đi từ trước, giỏi giang, qua thời “Gió bạc, Mưa vàng” đã đạt được những thành công nhất định.  Còn lại nhìn chung vẫn đang trên đà ổn định cả về đời sống lẫn công việc. Anh Hà, quê ở Viên Thành, sống tại Berlin tâm sự hóm hỉnh: “Bọn em sang đây đã gần chục năm, hai đứa gặp nhau, có với nhau 4 mặt con nhưng giấy tờ chưa ổn nên vẫn chưa thể về thăm nhà, cưới xin được, thành ra vẫn chỉ là mô hình sống thử thôi anh nà!”. Chuyện những người đi Tây hàng chục năm vẫn không thể về thăm quê do cư trú bất hợp pháp, hoặc tỵ nạn,… thì không hề xa lạ tại EU. Vì nếu họ ra xin hồi hương là phải về hẳn luôn, mà điều này thì ít người muốn bởi khi đã “leo lên lưng cọp” rồi rất khó xuống, trừ khi bị bắt, bị trục xuất. Trường hợp như Hà là còn may mắn bởi dẫu sao đã có một gia đình hạnh phúc. Còn với nhiều người Việt ở Tây, hạnh phúc gia đình là điều khá “xa xỉ”.  Nhiều mô hình gia đình vá víu, chắp nối hay cố kết với nhau vì lợi ích được dựng lên, nhưng rồi hầu như cũng chẳng được bao lâu đã vội vỡ vụn. Không ít người từng có gia đình hạnh phúc từ trước lúc đi, sau thời gian dài không về cũng khiến hạnh phúc gia đình đổ vỡ hoặc rơi vào những hoàn cảnh trớ trêu, rắc rối khác.

Nguyễn Văn Minh, quê xã Khánh Thành, hiện có một công ty nhỏ, thuê nhà hàng kinh doanh tại Legnica (Ba Lan) cho biết “Người quê mình hiện vẫn tiếp tục sang, chủ yếu qua Nga rồi theo các đường dây vượt rừng vào EU. Mấy tuần trước, em gặp một số anh em từ các xã Liên, Công, Khánh, Sơn,... mới sang Berlin, vẫn chưa tìm được việc làm, nghĩ lại mà ớn anh ạ! Bọn em đã phải mất gần chục năm lăn lóc, vận dụng đủ kiểu, người may mắn nay mới tạm ổn. Vậy mà còn phải ”đổ mồ hôi, sôi nước mắt” cho cuộc sống bên này chứ có dễ đâu. Ở nhà nhiều người vẫn tưởng sang Tây sướng lắm!”.

Miền đất hứa của người đi Tây bất hợp pháp vào EU thường là nước Đức. Bởi đây là quốc gia có quy chế tỵ nạn, khá dễ dãi với các hành vi bất hợp pháp của người nước ngoài, lại có mức sống cao. Hơn nữa, cộng đồng tám mươi tư ngàn người Việt Nam hiện sinh sống và lao động tại Đức là một chỗ dựa lớn với những người mới đến. Tuy nhiên, theo luật pháp của Đức, áp dụng từ 2015, việc sử dụng người lao động bất hợp pháp có thể bị xử phạt lên tới năm trăm ngàn EUR, cho nên không nhiều người chủ muốn thuê mướn đối tượng lao động này, dù giá thuê khá rẻ mạt. Tại các nước khác như Ba Lan, Séc,…, việc truy lùng người nhập cư bất hợp pháp cũng đang bị siết chặt hơn, số người bị bắt giam, trục xuất về nước vì thế khá nhiều. Thậm chí, một số người nhập cư bất hợp pháp bị lâm vào hoàn cảnh quá khó khăn, đành phải làm những việc phạm pháp không mong muốn để tồn tại được trên miền đất lạ.


Ảnh: Một nhà hàng trong hệ thống nhà hàng "Hà Nội 1" tại Lubin (Ba Lan) của anh Nguyễn Văn Thu, quê ở Khánh Thành

Hướng “đi xuất khẩu” vẫn là phù hợp với một lực lượng lao động trong nước. Các khoản kiều hối đã góp phần thiết thực xóa đói giảm nghèo cho gia đình, hỗ trợ xây dựng quê hương,…, làm thay đổi diện mạo tại nhiều làng quê tại huyện Yên Thành. Một số người hồi hương, mang theo những kinh nghiệm và phong cách làm ăn từ nước ngoài về có thể phát huy hữu hiệu tại quê nhà. “Đi Tây”, vì thế, vẫn đang được khuyến khích, tạo điều kiện từ phía chính quyền sở tại và vẫn đang là “hướng đi” được ưu tiên, động viên từ ngay trong các gia đình, họ tộc tại huyện Yên Thành. Tuy vậy, hy vọng rằng những người sắp sửa có ý định “đi xuất khẩu” hãy tìm hiểu kỹ, tránh ảo tưởng về một miền đất hứa xa xôi để có những lựa chọn, tính toán về phương thức đi, nơi đến, công việc, gia đình,… một cách hợp lý. Tránh để bị lâm vào đường cùng, hết đường lui trên đất khách, hoặc phải đánh đổi hạnh phúc cuộc đời với những cái giá không hề rẻ vì đi Tây. 

Nguyễn Thức Tuấn (NCS tại Ba Lan)

Sửa lần cuối 2015-08-13 09:22:38

Bình luận

Bình luận qua Facebook