2016-12-31 18:30:00

Thành phố Vac-sa-va và chương trình "Cẩm nang công dân tích cực"


*

Ảnh: Quang cảnh một lớp tập huấn trong chương trình"Cẩm nang công dân tích cực"

Sinh sống ở Ba Lan đã vài chục năm hay là mới chỉ vài năm, ắt hẳn cộng đồng người Việt ở Vác-sa-va chưa nghe thấy hoặc chưa quan tâm đến những khái niệm „ngân sách công dân” (hay còn gọi là „ngân sách cùng chia sẻ”), „sáng kiến địa phương” và „mini grant - khoản tiền hỗ trợ nhỏ”. Quỹ Hỗ trợ người Việt tại Ba Lan xin trân trọng giới thiệu với các bạn một số thông tin (kiến thức) cơ bản về những khả năng mà người dân TP Vác-sa-va (trong đó có cộng đồng người Việt) có thể cùng tham gia đóng góp ý kiến (sáng kiến) để xây dựng TP và có thể cùng TP thi hành những gì mình quan tâm.

Phần I: NGÂN SÁCH CÙNG CHIA SẺ

NGÂN SÁCH CÙNG CHIA SẺ LÀ GÌ?

Ngân sách cùng chia sẻ là một quá trình, trong đó người dân có thể quyết định về việc sẽ giải ngân một phần ngân sách của các quận và của thành phố để dùng vào việc gì. Người dân cùng thảo luận bằng cách đề bạt các dự án, rồi cùng tranh luận, tự lựa chọn, biểu quyết và đưa ra quyết định cho những đề án mà thấy cần thiết nhất để TP thực hiện.

Ngân sách cùng chia sẻ được khởi đầu từ TP Porto Alegre, Brasil. Vào năm 1989, 49% dân số của Porto Alegre đã bắt đầu có hệ thống cấp nước, sau 12 năm áp dụng ngân sách cùng chia sẻ, với ý kiến của những người dân, vào năm 2001 thành phố Porto Algere đã có hơn 98% dân số có nước dùng từ hệ thống nước TP, số lượng trẻ sơ sinh tử vong và tỷ lệ người mù chữ là thấp nhất ở Brazil, số học sinh tiểu học và trường trung học đã tăng lên trong thời gian này là 240%, sự tiếp cận với điện và nước phổ biến hơn ở các thành phố khác. Ngoài ra, chiều cao, tuổi thọ trung bình vượt quá tiêu chuẩn quốc gia, tiền thu được vào ngân sách của các loại thuế địa phương đã tăng so với năm trước là 144%. Tức là khi người dân cùng tham gia đóng góp sáng kiến để cùng quyết định với TP về sự chi tiêu tiền công cộng, rất nhiều lĩnh vực trong cuộc sống của người dân đã được cải thiện rõ rệt.

Từ sự thành công của thành phố Porto Alegre, ngân sách cùng chia sẻ nhanh chóng được phổ biến rộng lớn trên thế giới từ châu Nam Mỹ, đến Canada, châu Phi, châu Âu (Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Italia, Anh...) và châu Á (Trung Quốc). Thống kê chưa thấy TP nào của Việt Nam đã áp dụng hình thức xây dựng cộng đồng chung này.

NGÂN SÁCH CÙNG CHIA SẺ TẠI BA LAN

Vào năm 2011, ngân sách cùng chia sẻ được bắt đầu áp dụng ở thành phố Sopot. Năm 2014 Thành phố Vác-sa-va cũng bắt đầu thực hiện ngân sách cùng chia sẻ và liên tục áp dụng. Ngoài ra, các TP khác như Bydgoszcz, Poznań, Łódź, Kraków, Wrocław, Gdańsk và một số nơi khác ở Ba Lan cũng có chương trình này.

NHỮNG AI CÓ QUYỀN THAM GIA?

Mỗi người dân của thành phố Vác-sa-va, mỗi người dân đang sinh sống tạm trú tại thủ đô Warszawa, người nước ngoài, thanh thiếu niên dưới 18 tuổi đều có quyền tham gia ngân sách chia sẻ. Cử tri không nhất thiết phải có đăng ký hộ khẩu tại Vác-sa-va, mà chỉ cần biết quan tâm đến TP này. Như vậy, cử tri không nhất thiết phải quan tâm góp ý kiến cho đúng quận của mình để trình dự án hay bỏ phiếu, mà có thể tham gia mọi công việc ở những quận khác.

MỤC ĐÍCH NGÂN SÁCH CÙNG CHIA SẺ

Để thúc đẩy người dân cùng đồng thuận quyết định, giúp người dân hội nhập với những ý tưởng chung quanh mình. Ngoài ra, để giáo dục người dân về ngân sách thành phố và chi tiêu công, phát triển nhận thức địa phương, trong đó phát triển ý thức trách nhiệm cho tương lai của cả cộng đồng địa phương.

NGÂN SÁCH CHIA SẺ TẠI VÁC-SA-VA

Ngân sách chia sẻ của năm 2016 tổng cộng có số tiền là 61.419.911 zł (1-2% ngân sách cụ thể của từng quận, Vác-sa-va có 18 quận). Các ý tưởng đã được chuẩn bị, được trình bày và được bầu chọn bởi chính người dân địa phương, hiện chính quyền thành phố chịu trách nhiệm với kết quả bầu cử dự án, sau đó TP đã và đang thi hành. Quá trình này có tính chất chu kỳ.

CÁC QUÁ TRÌNH CỦA NGÂN SÁCH CHIA SẺ

Trước ngày 30.06 (đã) chuyển dự thảo ngân sách cho hội đồng thành phố.

Trước ngày 31.07 (đã) chuyển giao dự thảo ngân sách cho văn phòng, đơn vị tổ chức, hội đồng quận dự thảo cho ngân sách chia sẻ.

Trước ngày 31.08 (đã) hoàn thành dự thảo sơ bộ về kế hoạch tài chính và các giấy tờ đi cùng cho ngân sách.

Trước ngày 30.09 chủ tịch thành phố (đã) xét duyệt kế hoạch sơ bộ và chuyển cho hội đồng quận.

Trước ngày 20.10 (đã) trình với chủ tịch quận xin ý kiến về dự án. Trình hội đồng thành phố văn bản dự án đã có sự đồng ý của hội đồng quận.

Trước ngày 15.11 (đã) chuyển hồ sơ dự án cho phòng kiểm toán xin ý kiến.

Trước ngày 30.11 Hội đồng thành phố (đã) cho ý kiến

Trước ngày 10.12 lấy ý kiến của hội đồng Ngân sách và tài chính. Chủ tịch thành phố (đã) phân tích thương lượng dự án.

Ngày 31.12. (đã) thông qua hội đồng ngân sách thành phố.

KẾ HOẠCH NGÂN SÁCH CHIA SẺ CHO NĂM 2018

Trước ngày 14.10 (đã) thành lập nhóm phụ trách Ngân sách cùng chia sẻ của từng quận.

Trước ngày 23.11 (đã) xác lập quy định nguyên tắc hoạt động nhóm và hướng dẫn thực hiện Ngân sách cùng chia sẻ tại các quận.

Trong những ngày 01.12.2016 đến 23.02.2017 sẽ công bố các dự án.

Trong những ngày 24.01. 2017 đến 08.05.2017 sẽ thẩm tra dự án và thảo luận với người dân.

Trong những ngày 11.03. 2017 đến 08.03.2017 sẽ gặp mặt thảo luận.

Trong những ngày 08.05. 2017 đến 26.05.2017 sẽ có thể kháng cáo và tái xác minh các dự án.

Trong những ngày 01.06. 2017 đến 30.06.2017 sẽ có thể ặp mặt quảng bá các dự án.

Trong những ngày 14.06. 2017 đến 30.06.2017 sẽ có thể bình chọn dự án.

Trước ngày 14.07.2017, TP sẽ công bố danh sách những dự án được chọn để thực hiện.

Trước ngày 11.12.2017, TP sẽ thẩm định dự án (từ khi bắt đầu).

CHÚNG TA CÓ THỂ ĐĂNG KÝ NGÂN SÁCH CHIA SẺ NHƯ THẾ NÀO?

Thời hạn là từ ngày 01/12/2016 đến ngày 23/1/2017, vậy là chúng ta chỉ còn gần 1 tháng để nộp hồ sơ. Rất nhiều dự án sẽ còn kịp nộp, nếu không kịp làm dự án cho năm 2018, các bạn có thể theo dõi, lấy kinh nghiệm để làm cho năm 2019 và những năm sau nữa, khi chúng ta quyết định sẽ sinh sống lâu dài ở TP rất thân thiện với người dân này. Mọi việc tưởng như khó, nhưng cũng rất đơn giản, vì những bạn đã tham gia khóa học với Quỹ Hỗ trợ người Việt tại Ba Lan đã nhanh chóng soạn thảo (thử) được rất nhiều dự án hữu ích. Các bước làm như sau:

  • Điền vào phiếu đăng ký hoặc đăng ký trực tuyến qua mạng (theo mẫu).

  • Xác lập chi phí của dự án.

  • Có ít nhất 30 chữ ký ủng hộ dự án.

  • Tất cả các dự án tham gia sẽ được đăng trên trang mạng www.twojbudzet.um.warszawa.pl

  • Tất cả mọi người dân thành phố đều được tham gia các dự án đó.

  • Một số quận sẽ yêu cầu trong dự án cần kèm theo sự đồng ý của chủ đất, nếu đất không thuộc thành phố.

  • Chi phí dự án phải nằm trong phạm vi mức tiền cho phép của quận khu vực thực hiện dự án (theo dõi trong mạng xem quận mình có bao nhiêu kinh phí).

HỖ TRỢ VIẾT DỰ ÁN

Nếu gặp khó khăn khi viết dự án, các bạn có thể nhờ TP hỗ trợ, thí dụ khi cần biết về các chi phí cho mỗi công việc trong dự án của mình – Giá “Thành phố phải chi giá bao nhiêu” có trong trang mạng www.twojbudzet.um.warszawa.pl.

Nếu cần biết về vị trí và chủ sở hữu đất thì cần tìm hiểu trong trang mạng www.mapy.um.warszawa.pl.

TP luôn có người trực và trợ giúp đỡ viết dự án. Vậy các bạn có thể liên hệ với người phụ trách Ngân sách cùng chia sẻ của từng quận.

Có điều cần lưu ý: Thời gian thẩm định dự án là 24/1 -8/5/2017. Vậy chúng ta nhớ nộp dự án đúng hạn, nộp đầy đủ giấy tờ như yêu cầu, điền đơn đúng như yêu cầu. Dự án phải dành cho tất cả các đối tượng của thành phố (tức là ai cũng có quyền tận dụng). Tất cả những dự án sẽ được thực hiện trong năm 2018 (năm 2017 có thể chuẩn bị giấy tờ, giấy xin phép, TP thi hành dự án). Chúng ta có thể cùng tham gia thảo luận cho các dự án từ 1/3 -18/3/2017. Cuộc gặp mặt này là cuộc gặp gỡ mở cho tất cả các cư dân, khi đó tác giả dự án bắt buộc có mặt, tác giả dự án trình bày và người dân cùng thảo luận. Nhân viên thành phố phải có mặt trong buổi gặp mặt đó. Chúng ta có thể quảng bá dự án của mình tại các sự kiện của quận.

BÌNH CHỌN 14/06-30/06/2017

Danh sách bình chọn sẽ được thông báo trước ngày 1/06/2017, theo thứ tự tự động do hệ thống ESOG của TP sắp xếp. Mỗi người dân chỉ được bầu 1 lần và tại 1 quận. Trên trang mạng www.twojbudzet.um.warszawa.pl luôn có mọi dự án, ngoài ra danh sách các dự án cũng được treo trên bảng thông tin của quận.

Kết quả những dự án được phê duyệt sẽ được thông báo vào ngày 14.07.2017.

Hy vọng là có nhiều dự án do người Việt soạn thảo sẽ được TP thông qua và sẽ thi hành. Vài năm sau, công đồng người Việt ở Vác-sa-va có thể tự hào khi đi qua hoặc nhìn thấy những công trình của TP do chính mình đóng góp sáng kiến.

CÁC THÍ DỤ DỰ ÁN

Tất cả những buổi sự kiện cùng tổ chức với TP (ngày lễ, Tết, gặp gỡ giao lưu hữu nghị). Những năm trước đây cũng đã có vài buổi lễ Tết cổ truyền Việt Nam được TP hỗ trợ tổ chức với một số người Việt, nhưng không có nhiều người Việt tham gia (một số thiếu nhi biểu diễn đóng kịch). Hy vọng là khi Quỹ Hỗ trợ người Việt tại Ba Lan đứng ra tổ chức sự kiện (Tết hoặc Trung thu), bà con trong cộng đồng sẽ cùng tham gia vui vẻ, cùng với đông đảo người dân Ba Lan ở Vác-sa-va, tăng cường sự hội nhập. Ngoài ra các dự án có thể là côngviệc xây dựng sân thể thao, sân bóng, xây dựng CBL văn hóa, CLB cho phụ lão, CLB thiếu nhi đa văn hóa, nhà dưỡng lão, khu parking cho xe ô tô. Có thể là việc tu bổ những đoạn đường cạnh khu nhà mình sinh sống, làm mới lại các vỉa hè, làm các đường dành riêng cho xe đạp, xây dựng các khu vui chơi, bãi cát cho các bé, xây vườn hoa, dựng lán tránh mưa làm các bến xe bus, hay thậm chí TP có thể đầu tư đặt vài chiếc ghế đá ở công viên, cho người đi dạo ngồi nghỉ chân, trồng thêm một số cây xanh (trong dó có những cây nguồn gốc Việt, tất nhiên cây nhiệt đới sẽ khó thích nghi với khí hậu Ba Lan). Thậm chí có thể nghĩ ra dự án xuất bản những cuốn sách song ngữ (tiếng Việt và tiếng Ba Lan) hay những tạp chí khác. Nói chung có rất nhiều chủ đề mà người Việt có thể đưa ra sáng kiến của mình.

Hy vọng cả cộng đồng sẽ cùng tham gia, đóng góp cho TP thân yêu của mình.

Ngô Hoàng Minh

Một số hình ảnh các lớp tập huấn trong chương trình  "Cẩm nang công dân tích cực"

*

*

*

*

*

*

Nguồn ảnh: LXL

Sửa lần cuối 2017-01-01 08:49:01

Bình luận

Bình luận qua Facebook