2018-11-12 10:09:41

Ngày Lễ Độc lập của Ba Lan và cộng đồng người Việt Nam tại Ba Lan.

Sau khi Ba Lan thay đổi thể chế từ gần 30 năm nay, hàng năm vào ngày 11.11 là cộng đồng người Việt ở quốc gia này lại có một ngày nghỉ cùng với người dân bản xứ. Cũng vào ngày này hàng năm, từ năm 2011, một tổ chức cánh hữu cực đoan ở Ba Lan - có tên gọi là „Hiệp hội Diễu hành Độc lập” - luôn tổ chức những cuộc tuần hành xuất phát từ trung tâm Thủ đô Vác-sa-va đến địa điểm tập kết là Sân vận động Quốc gia và kết thúc bằng một chương trình ca nhạc và bắn pháo hoa. Thành viên của tổ chức đó có tư tưởng dân tộc cực đoan, thậm chí theo chủ nghĩa phát xít mới, nhưng có điều rất lạ là khá đông người Ba Lan cùng tham gia với họ (người ta thường cho đó là những cổ động viên bóng đá, mà hay gây rối ở các sân vận động). Không chỉ hô hào những khẩu hiệu chống Liên minh Châu Âu, có tính chất dân tộc cực đoan, có tính chất bài ngoại, những người tham gia diễu hành thường đốt pháo và đốt khói, nhiều năm có xảy ra những cuộc ẩu đả với cảnh sát, nên ngày này thường tạo ra một số lo ngại đối với người dân thường, đặc biệt là người Việt và những người nước ngoài khác đang sinh sống ở Ba Lan.
Năm nay Ba Lan kỷ niệm đúng 100 năm ngày giành lại độc lập, nên chính quyền đã tổ chức những sự kiện rất long trọng, trong đó có kế hoạch là cùng người dân Vác-sa-va cầm cờ đi diễu hành.

Vài ngày trước đó, Thị trưởng Tp Vác-sa-va đã cho ra nghị quyết cấm Hiệp hội nói trên tổ chức buổi diễu hành, với lý do là những cuộc ẩu đả trong những buổi diễu hành trong các năm trước đã mang lại mối lo ngại (không yên bình) cho người dân Thủ đô. Hiệp hội nói trên đã kiện lên tòa và tòa án đã ủng hộ họ, vì Hiến pháp Cộng hòa Ba Lan cho phép người dân luôn có quyền tự do tụ tập để biểu lộ chính kiến của mình.
Do vậy, năm nay có thể do tình cờ hoặc cố ý, đoàn diễu hành do chính quyền Ba Lan tổ chức lại có tuyến đường tuần hành đúng như kế hoạch diễu hành của Hiệp hội nói trên và như vậy trước đây những người theo chủ nghĩa phát xít mới luôn bị lên án và không có tiếng nói gì trong chính trường Ba Lan, thì năm nay họ nghiễm nhiên được quyền đàm phán với chính quyền đương thời của Ba Lan, bàn về chương trình tổ chức chung. Chính quyền muốn người tuần hành chỉ cầm cờ Ba Lan, nhưng Hiệp hội nói trên đã có mời các tổ chức phát xít mới của các quốc gia khác, thí dụ như Forza Nuova của Italia với những lá cờ đầy sự khiêu khích. Chính quyền tự hào là đã có khoảng 250 ngàn người tham gia, nhưng thông điệp được chuyển cho cả thế giới biết là Ba Lan có thể ngày càng xa rời với những tiêu chuẩn và đạo lý mà Liên minh Châu Âu đang tôn trọng, khi chính quyền sát cánh cùng các tổ chức dân tộc cực đoan.

Rất nhiều người trong cộng đồng người Việt ở Ba Lan cũng rất vui mừng và tự hào đón chào ngày Lễ Độc lập này. Ở Ba Lan hiện nay có khoảng 25 ngàn người Việt đang sinh sống và làm việc. Đa số họ có thẻ cư trú lâu dài ở Ba Lan, khoảng 5 ngàn người đã có quốc tịch Ba Lan. Nhiều người bày tỏ lòng biết ơn với quốc gia đã cưu mang họ. Có những bài viết rất cảm động xuất hiện trên mạng xã hội. Có những ảnh đại diện đã được lồng với quốc kỳ và quốc huy Ba Lan. Nhiều người nhân dịp này còn tìm hiểu thêm về lịch sử Ba Lan, học hát quốc ca của Ba Lan, viết những lời cảm ơn hoặc tri ân v.v... Đây là những biểu hiện tích cực, ắt hẳn người dân bản xứ cũng nhìn nhận được và đánh giá là cộng đồng người Việt ở Ba Lan đang hội nhập với xã hội này rất tốt.

Để hiểu thêm về Ba Lan, độc giả có thể tìm hiểu trong Wikipedia. Nói chung dân tộc Ba Lan có khá nhiểu điểm tương đồng với dân tộc Việt, cùng bị trải qua nhiều đau thương qua những cuộc chiến tranh (sống bên cạnh những người hàng xóm khổng lồ và nhiều khi rất hung tàn), nhưng luôn tôn trọng những giá trị nhân văn, mối liên kết gia đình bè bạn v.v...
Vào năm 966 đã có buổi lễ rửa tội cho Ba Lan – đây được coi như là ngày thành lập Nhà nước Ba Lan. Ba Lan trong nền cổ đại cũng đã có phát triển những khía cạnh cơ bản của nền dân chủ đại diện. Vào năm 1791, Quốc hội Ba Lan đã duyệt qua Hiến pháp mà có tính chất dân chủ đầu tiên ở Châu Âu và đó là hiến pháp thứ hai, sau Mỹ, trong phạm vi trên toàn thế giới. Ngày 11.11.1918, Ba Lan giành lại được độc lập, sau 123 năm bị chiếm đóng bởi Nga, Đức và Áo-Hung, bị phân chia bằng vũ lực. Từ cuối thế kỷ 18 đến đầu thế kỷ 20, ở Ba Lan chiếm đóng đã có rất nhiều cuộc khởi nghĩa vũ trang, người Ba Lan vẫn hoạt động kháng chiến, chính thức hay bí mật, vẫn có nhiều hoạt động giành tự do, ở trong nước cũng như ở nước ngoài thì người dân vẫn cho ra được những tác phẩm nghệ thuật có giá trị, trau dồi truyền thống quốc gia. Trước khi Chiến tranh Thế giới Thứ nhất xảy ra thì trong tòan Ba Lan đã có Tổ chức Quân sự Ba Lan hoạt động bí mật, tổ chức này đứng ra huấn luyện nhân sự cho Đội quân Ba Lan, mà được thành lập ngay sau khi chiến tranh nổ ra. Ông Józef Piłsudski đã đứng ra thành lập Đội quân này ở trong vùng lãnh thổ mà đang chịu dưới sự chiếm đóng của Áo-Hung và ông cũng đề nghị quân đội Đức và Áo-Hung cùng kết hợp lại để chiến đấu chống quân Nga. Sau khi Nguyên soái Józef Piłsudski được ra khỏi nhà tù thì ông từ Magdeburg trở về Vác-sa-va vào ngày 10.11.1918 và tín hiệu này được coi như là đất nước đã được giải phóng. Ngày hôm sau thì Józef Piłsudski chính thức đón nhận quyền lãnh đạo từ chính quyền lâm thời, mà trước đó do quân Đức dựng lên, sau đó ông tuyên bố với chính phủ các nước khác là Ba Lan đã trở thành một quốc gia độc lập.

Cảnh mừng ngày lễ độc lập tại Sân vận động quốc gia ( Nguồn ảnh "strona Love Poland")

Trong những giai đoạn sau này, Ba Lan vẫn luôn bị các cường quốc khác chiếm đoạt bằng vũ lực, như Đức và Nga đã muốn chia đôi Ba Lan theo Hiệp ước Ribbentrop-Molotop. Trong chiến tranh thế giới thứ 2 Ba Lan cũng đã bị thiệt hại nặng nề, nhưng họ vẫn kiên cường chiến đấu hay là vùng lên khởi nghĩa (Vác-sa-va 1944). Không chỉ người Đức muốn hủy diệt dân tộc Ba Lan, mà người Nga cũng có ý đồ tương tự (những vụ thảm sát ở Katyń). Sau chiến tranh thế giới thứ 2, các nước đồng minh Phương Tây đã bỏ rơi Ba Lan, để quốc gia này rơi vào vùng kiểm soát của Liên Xô (cũ). Nhưng người Ba Lan vẫn kiên cường tìm đường tư do thực sự cho bản thân mình (Lech Wałesa và phong trào công đoàn Đoàn kết) và cũng chính nhờ sự kiên cường đó mà bức tường Berlin đã sụp đổ, mang lại niềm hạnh phúc cho nhiều dân tộc khác ở Đông Âu.
Nhân dịp ngày Lễ Độc lập năm nay, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gửi điện chúc mừng Ba Lan (ông nói Ba Lan là một quốc gia vĩ đại) và nhiều quốc gia khác cũng vinh danh màu cờ trắng đỏ của Ba Lan (người ta chiếu đèn hai màu này ở những công trình lớn).
Trong quá khứ, Ba Lan cũng đã giúp Việt Nam rất nhiều và hy vọng là sự giúp đỡ đó sẽ không dừng lại ở thời mà cả hai quốc gia này còn nằm chung trong một hệ thống chính trị. Cả hai dân tộc Ba Lan và Việt Nam đều xứng đáng được hưởng hạnh phúc, vì đã mất mát quá nhiều trong quá khứ. Chúc Ba Lan ngày càng phát triển và cộng đồng người Việt ở Ba Lan hội nhập ngày càng sâu rộng và vững mạnh trên quốc gia này.

Warszawa 12-11-2018

  Hoàng Minh Ngô.

Sửa lần cuối 2018-11-12 08:34:04

Bình luận

Bình luận qua Facebook