2019-04-04 08:23:30

Chung tay quảng bá ẩm thực Việt tại Ba Lan


Trong những ngày gần đây, truyền thông Ba Lan đã đưa tin về việc phát hiện ra một lò mổ thịt gà bất hợp pháp ở Ba Lan do người Việt quản lý. Rồi tiếp đó là có những phát biểu của các cơ quan chức năng Ba Lan là sẽ tăng cường kiểm tra ngành ẩm thực Việt ở quốc gia này. Điều này gây ra sự hoang mang của những người Việt kinh doanh ngành ẩm thực, mà ngành này vừa mới được khởi sắc khá mạnh mẽ sau đợt tấn công của truyền thông Ba Lan cách đây hơn chục năm.

Rất may là cộng đồng người Việt ở Ba Lan hiện nay đã biết đoàn kết cùng chung sức tìm cách vượt qua những khó khăn do thị trường, cuộc sống và do chính một số thành viên của cộng đồng người Việt gây ra. Cụ thể là Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Ba Lan, Hội Người Việt Nam tại Ba Lan cùng với Quỹ những người yêu thích ẩm thực Việt Nam đã kịp thời ngồi họp và đưa ra một thông cáo chung bằng tiếng Ba Lan, để góp phần đưa ra thông điệp với người dân Ba Lan, đặc biệt là khách hàng ngành ẩm thực Việt là các nhà hàng và quán Bar do người Việt quản lý luôn cố gắng tuân thủ pháp luật, đặc biệt là về vấn đề vệ sinh thực phẩm ở Ba Lan.  Những thiếu sót do người Việt gây ra sẽ được khắc phục một cách có hiệu quả. Thông điệp này cũng đã được đăng trên một số trang mạng Ba Lan và lan tỏa trong mạng xã hội, do vậy người Ba Lan cũng biết là cộng đồng người Việt ở Ba Lan đang rất cố gắng.

Như chúng ta đã được biết, trong cộng đồng người Việt ở Ba Lan đã có khá nhiều các hiệp hội được thành lập, trong đó có một số hiệp hội hoạt động khá tích cực, nhưng cũng có một số hội có vẻ chưa được phía Ba Lan biết đến, vì chỉ có những hoạt động mang tính chất nội bộ. Bản thân tôi trước đây cứ tưởng đã có Hiệp hội ngành ẩm thực hoạt động, nhưng hóa ra lá chưa có, mà vừa mới thấy có một tổ chức mang tên gọi là Quỹ những người yêu thích ẩm thực Việt Nam vừa mới xuất hiện. Ông Chủ tịch của Quỹ này đã có cùng tham gia phát biểu cho một tờ báo địa phương, cụ thể là của thị trấn Piaseczno, gần Thủ đô Vác-sa-va. Báo Quê Việt đã dịch bài báo đó sang tiếng Việt để cho cả cộng đồng cùng biết. Có nhiều ý kiến ca ngợi 3 tổ chức nói trên đã kịp thời lên tiếng bảo vệ ngành ẩm thực của cộng đồng. Tuy nhiên, trong mạng cũng đã xuất hiện một số ý kiến bày tỏ sự bức xúc, nhất là về những thông tin của ông Chủ tịch Quỹ những người yêu thích ẩm thực Việt Nam đưa ra cho tờ báo (mạng) Ba Lan đó.

Sinh sống ở một quốc gia dân chủ, có tự do ngôn luận, tất nhiên là ai cũng có quyền đưa ra những ý kiến cá nhân của mình. Nhưng khi đưa tin về sự hình thành của cả cộng đồng, hay chỉ về một khía cạnh nào đó, thí dụ như ngành ẩm thực Việt ở Ba Lan thì ai cũng muốn có được những thông tin trung thực nhất, bởi vì đó là lịch sử, mà chúng ta luôn cần phải tôn trọng. Mà trong thời buổi hiện đại này, rất nhiều thông tin luôn có thể được xác minh lại một cách khá chính xác.

Trong những năm 80 của thế kỷ trước, ở Thủ đô Vác-sa-va có khá nhiều nhà hàng với những tên gọi nước ngoài như là Nhà hàng Moskva hay là Budapeszt. Có một nhà hàng có tên là Hạ Long, do Tổng công ty Thực phẩm Społem quản lý. Nhà hàng này có kết hợp với ban Thương vụ của Đại sứ quán Việt Nam ở Ba Lan để giới thiệu các món ăn Việt cho khách hàng Ba Lan thưởng thức. Nhưng thời đó cuộc sống ở Ba Lan còn khá khó khăn, do vậy các món ăn Việt cũng không được quảng bá gì nhiều. Trong nhóm sinh viên đang học tập ở Ba Lan có một anh tên là Nguyễn Chí Dũng (quê Hải Hậu, Nam Định) đã vinh dự được Społem (cụ thể là Hợp tác xã Ẩm thực Chuyên ngành) mời đến quảng bá một vài món ăn Việt. Anh Dũng có nấu vài món, trong đó có món thịt vịt và món nem. Món nem được anh này giới thiệu với người Ba Lan là món sajgonka, bởi vì thực ra nó không giống hẳn món Nem Sài Gòn của người Nam Bộ. Nhưng rồi tình hình chính trị, kinh tế và thị trường Ba Lan đã bị thay đổi mạnh mẽ, nhà hàng Hạ Long của Ba Lan đã không tồn tại nữa và tất nhiên là các món ăn Việt cũng không được quảng bá gì nhiều.

Vào năm 1986, có một số sinh viên Việt Nam học xong đại học, nhưng không về nước, mà tìm cách ở lại Ba Lan sinh sống. Khi đó người Việt chưa được tự do hoạt động kinh doanh ở Ba Lan, Anh Trương Anh Tuấn ở Vác-sa-va có quen biết một số người Do Thái. Họ bày cho cách thành lập một tổ chức của riêng mình. Vậy là Hội Văn hóa-Xã hội người Việt ở Ba Lan được ra đời và có quyền kinh doanh để gây kinh phí hoạt động (và giúp các thành viên của Hội). Trong ngày Đại hội lần thứ nhất, món nem Việt cũng xuất hiện, nhiều người đã biết đến tên tiếng Ba Lan của món này là sajgonka và chấp thuận tên đó.

Hiệp hội nói trên đã được chính quyền Ba Lan giúp đỡ và như vậy có địa điểm để mở ra một cửa hàng ăn uống. Nhà hàng Bông Sen ở phố Poznańska 12 đã ra đời. Ban đầu công việc trong bếp là do các cựu sinh viên tự đảm nhiệm. Một thời gian sau Hội mới có một đầu bếp thực thụ (lành nghề) ở Việt Nam sang phụ trách, đó là anh Nguyễn Hồng Quân. Khi đó trong thực đơn của Nhà hàng món nem vẫn được ghi là Nem Saigon hoặc là ghi theo tiếng Anh là Spring Rolls.

Những năm sau đã có thêm rất nhiều các quán Việt, đặc biệt là ở Quảng trường Hiến pháp ở Thủ đô Vác-sa-va và ở Sân vận động 10 năm (nổi tiếng một thời). Nhiều quán vẫn muốn dùng tên tiếng Anh, nhưng người Ba Lan không chịu chấp nhận tên tiếng Anh này hoặc là tên Nem của Việt Nam. Có thể là các cô bồi bàn người Ba Lan khi được khách đặt món này, không muốn ghi cụm từ Nem Saigon quá dài vào các phiếu đặt món, mà chỉ ghi mỗi chữ Sajgonka, mà mỗi xuất thường có 3 chiếc, tức là dùng số nhiều, vậy tiếng Ba Lan là sajgonki. Rồi các quán của người Việt cùng chấp nhận, tên Nem Saigon và Spring Rolls đã dần dần biến mất, mà trong các thực đơn chỉ còn tên sajgonki tiếng Ba Lan.

Có lần tôi đã được nghe Giáo sư ngôn ngữ Ba Lan nổi tiếng Jan Miodek giải thích về sự hình thành của ngôn ngữ Ba Lan, đó là vấn đề cứ có đa số người dân Ba Lan cùng nhất quán dùng những từ vựng nào đó thường xuyên thì ngôn từ đó được chấp nhận trong xã hội. Do vậy, khái niệm sajgonki đã đi sâu vào ngôn ngữ Ba Lan, vậy hiện nay nếu chúng ta muốn „ép” người dân Ba Lan sử dụng khái niệm „Nem” thì cũng khó mà thành công được.

Thời gian trôi qua đã khá lâu, hiện nay khó có thể xác định thời điểm cụ thể nào các nhà hàng và quán Bar Việt bắt đầu chỉ dùng mỗi tên gọi sajgonki mà không dùng tên Việt và tên tiếng Anh. Dù sao, món ăn Việt này (và gần đây là món Phở - ghi rõ tiếng Việt, không có tiếng Ba Lan tương ứng) đã có những đóng góp khá lớn lao cho sự phong phú của nền ẩm thực Ba Lan nói chung và ẩm thực Việt nói riêng ở quốc gia này.

Chúc tất cả những người kinh doanh ngành ẩm thực luôn đoàn kết, cùng giúp nhau vượt qua được mọi khó khăn tạm thời!

Warszawa 04-04-2019

  Ngô Hoàng Minh

Sửa lần cuối 2019-04-04 10:41:15

Bình luận

Bình luận qua Facebook