2019-07-05 10:48:17

Người thổi tù và

 Trực Chấp (Lê Thanh Bình)

Cái tên Trực Chấp nghe có vẻ lạ tai, ngang ngang. Cái tên và tính cách như 2 đường ray song hành cùng cuộc sống.

Có người hỏi, anh lấy cái tên quí hiếm ấy ở đâu, Trực Chấp giải thích:

- Mỗi người sinh ra đều nằm trong vòng các trực. Tôi sinh vào năm Trực Chấp "khẩu xà, tâm Phật, tính trương phi". Tôi còn có tên Tư Đen (lúc ở Sài Gòn), Bình Phốc (ở Bun), Bình Già (ở Đức), Trực Chấp ở Ba Lan và ở Hà Nội là "Người thổi tù và".

- Đừng chấp tôi nhé! Cái tên bố mẹ đặt cho tôi là Lê Thanh Bình cơ mà!

Tính cách của Trực Chấp giúp anh thành một "công bộc" gần gũi giữa đời thường, nó cũng tôn anh thành một "lãng tử" ăn chơi sành điệu. Tính cách của Trực Chấp tạo dấu ấn của một nghệ sĩ yêu văn thơ như "si mê" người bạn tình. Nhưng tính cách ấy khi bất bình đã kích anh thành một gã "giang hồ" chính hiệu.

Trực Chấp sinh ra từ núi rừng Yên Bái - một mảnh đất rất giầu về tài nguyên, rất đa dạng về bản sắc văn hoá, ngành nghề, nhiều hấp dẫn về đặc sản. Tất cả đã ngấm vào máu thịt anh, nên anh yêu quê hương một cách đằm thắm và sâu nặng. Nơi chôn rau cắt rốn trở thành nguồn cảm hứng vô tận giúp Trực Chấp có những vần thơ mộc mạc, dí dỏm mà tinh tế đến kỳ thường:

"Yên Bái Gặp nhau. Vỗ vai hỏi

Mày cây số mấy

Cái bắt tay như mười sợi giây

Quấn chặt".

Ở đâu, có cơ hội là anh quảng bá về quê hương mình, anh kêu gọi đầu tư, kéo bạn bè thập phương về thăm Yên Bái. Có lần chúng tôi được anh mời lên Yên Bái dự đêm thơ của anh. Anh cho đi bơi thuyền trên hồ Thác Bà giữa những đồi cây ngút ngàn, bãi lau, bãi sậy rậm rạp, mênh mông như lạc giữa đại dương. Đích thân Giám đốc Sở Văn hoá Yên Bái - nhà thơ Nguyễn Ngọc Bái đồng hành, giới thiệu di tích lịch sử hùng tráng - tượng đài Nguyễn Thái Học và cái chết của ông trong khởi nghĩa Yên Bái với câu nói bất hủ: "không thành công cũng thành nhân". Chắc khó có lần thứ 2 thăm lại hầm rượu như một bảo tàng, thăm triển lãm đá tự nhiên (serpentine, cẩm thách nguyên khối lớn), kể cả ăn khoai nướng ngoài phố, đi mát-xa, tắm nước lá dân tộc - một kỷ niệm tuyệt vời chẳng thể nào quên. Đúng là vui trong cuộc rượu:

Uống rượu bắt tay, biết ngay Yên Bái".

Yên Bái như anh tả:

"Bằng bàn tay xòe như cánh lá

Lòng tay là thị xã

Các ngón tay xòe ra là những con đường

Ngón lên Lào Cai đến với Mường Khương

Ngón sang Lai Châu, ngón vào Nghĩa Lộ…

Và cổ tay - Đường về thủ đô…

Bàn tay mình, Yên Bái và thơ"

Trực Chấp đã trải nghiệm cuộc sống ở nhiều nơi, làm nhiều nghề, qua nhiều lĩnh vực nên anh là con người thực tế, có quan hệ cởi mở, chân thành, anh biết cách cuốn hút người khác vào những đam mê của mình. Bạn bè tin anh, cùng góp vốn vào dự án, nhưng cũng có cái thành công, có cái "bỏ thì thương, vương thì tội". Điều đó làm anh trăn trở, mặc dù anh không hề cầu lợi.

Trực Chấp trưởng thành từ ngày vào quân ngũ. Từ trinh sát biên phòng ở Lào Cai anh được đào tạo đặc biệt để chuyền vào bảo vệ Trung Ương Cục Miền Nam. Sau giải phóng anh trở lại lực lượng An ninh Sài Gòn. Do bị thương nhiều lần anh được đưa ra Bắc điều trị. Năm 1977 anh sang Bun thực tập. Năm 1988 anh quay lại châu Âu, lang thang ở nhiều nước: lúc ở Bun, khi sang Đức, phút chốc ghé thăm Hà Lan. Người ta phong anh là "đại ca" hay một "hiệp sĩ" đi dẹp loạn.

Ảnh: Trực Chấp (thứ 3 từ trái sang) cùng đoàn từ VN sang BL dự Lễ KN 20 năm thành lập và ĐH lần thứ VI - Hội NVNTBL (ảnh chụp tại sân bay Nội Bài, 4/7/2019)

Cơ duyên Trực Chấp đến Ba Lan là do có lần anh đi thăm một người bạn đang sinh sống ở Ba Lan. Thấy đất nước Ba Lan yên bình, con người Ba Lan hiền hoà, lại thêm thông tin ông Vũ Dương Huân (anh rể) sẽ có nhiệm kỳ đại sứ ở Ba Lan, Trực Chấp quyết định "di cư" thêm một lần nữa. Sống ở Kraków - cố đô của Ba Lan anh như bị thôi miên bởi quê hương của những nhà thơ nổi tiếng (C. Miłosz, W. Szymborska) giành giải Nobel về thơ ca. Nỗi nhớ quê hương, tình yêu với Ba Lan đã cho anh cảm hứng để viết nên tập thơ "Lời ru người xa xứ" với 50 bài thơ về cuộc sống mưu sinh của người Việt ở đất nước Chopin, mà nhiều người coi đó là Tổ quốc thứ 2 của mình. Bài “Bầm ơi” của Trực Chấp về thân phận người xa xứ:

"Nơi phương trời xa xôi

Bầm ơi. Ngày mỗi ngày

Từ mờ sớm tinh mơ

Hé mở cửa nhà

Chúng con ra thẳng chợ

Lại đếm đếm, đong đong

Lại quên quên, nhớ nhớ

Lo đồng vốn đi ra

Có nhớ cửa mà về...

Làm gì có con đường ra chợ

Xanh biếc tiếng ve

Bên cánh đồng hoa

Ven bờ cỏ mướt...

Chiều chợ tan tác bạc mặt người

Chúng con chỉ thấy trăng sao

Trong mộng mị thôi...

Bây giờ, chúng con ở xa

Buồn, vui, sướng, khổ

Vẫn trằn trọc từng đêm

Nơi quê hương

Còn bao những nỗi đau máu ứa..."

Cộng đồng người Việt ở đây không đông nhưng cũng có đủ các sinh hoạt văn hoá, thể thao, tâm linh, lớp dạy tiếng Việt và cũng đôi lần chống chọi với bọn cướp tấn công.... mà Trực Chấp luôn là nhân chứng đặc biệt. Anh là một cây bút của tờ báo Quê Việt ở Ba Lan thường trú tại Kraków. Dù cuộc sống mưu sinh tất bật, anh vẫn lạc quan, chắt chiu từng câu chữ cho thơ văn. Những ngày bán hàng ở Kraków anh viết:

"Tháng Một..Tháng Hai..chợ đuội

Quán quầy...ế chỏng ế trơ...

Tháng Ba... ế dơ mặt chợ...

Anh buồn... dựa đống hàng tồn

Mỏi mình...duỗi cẳng..mần thơ

Gieo vần...sang cô hàng xóm.

Em khen:

thơ anh dí dủm...

Thiệt à...

Em thế mà duyên

Ồ nhỉ...?

Đời còn bao thứ

Vui hơn...quệt lưỡi...đếm tiền..."

Bình "Già" đã từng bị công an Đức trục xuất bằng máy bay trực thăng vì đánh bọn trọc và cả công an trá hình ở ngay Ga tàu hoả Berlin. Cú roi điện của cảnh sát lần ấy đã hạ gục anh. Khi đó anh nghĩ cuộc đời mình như đã an bài. Sau anh được minh oan, vẫn trở lại Đức vì việc làm của anh đơn thuần chỉ là cứu người bị hại.

Chiến tích nổi bật nhất trong đời là lần Trực Chấp đánh cho bọn cướp "thất điên bát đảo" ở Kraków. Một hôm mấy người Việt Nam ở cùng khu nhà trọ đi Vác lấy hàng từ 3h sáng. Bỗng dưng 5 tên cướp to bịch (tây), bịt mặt tấn công, cướp tiền. Trực Chấp nhảy từ lan can tầng 2 vào giữa đám cướp. Bằng nghiệp vụ, anh đánh bay súng, dao của bọn cướp, máu chảy be bét. Trực Chấp cũng ngất xỉu, phải đưa đi Viện cấp cứu (bí thư Sứ Quán Lê Bá Thự phải xuống Kraków nắm tình hình). Từ đấy bọn cướp ở đây bớt gây hấn với người Việt, còn công an thì ngưỡng mộ. Anh trở thành "bùa hộ mệnh" cho bà con người Việt nơi đây khi gặp khó trong cuộc sống đời thường. Có người hỏi anh, tại sao một mình anh giám đánh cả tốp cướp. Anh lý giải:

- Người Việt ở đây, những năm ấy luôn bị đe doạ, đã nhiều lần bị cướp, giật. Tuy chưa xẩy ra chết người nhưng trấn lột ở ngoài chợ, phá nhà, cướp của luôn là nỗi sợ hãi của người Việt. Chống trả bọn cướp phải có yếu tố bất ngờ và đủ dũng khí. Mình chủ động thì phần thắng nhiều hơn.

Người sao tính cách là vậy. Anh chẳng trụ ở đâu được lâu. Sau lần chính gia đình anh là nạn nhân một vụ cướp tại nhà, anh quyết định đưa cả gia đình về hẳn Việt Nam. Đó là thử thách lớn nhất mà anh phải đương đầu. Trong khi bao nhiêu người đang muốn đi nước ngoài, không ít người nghi ngờ, anh giải thích:

- Quê hương như có sức lôi cuốn tôi trở về nguồn cội. Lúc đó tôi đang có bố, mẹ già ốm nặng cần được chăm sóc kịp thời. Tôi còn có con trai lớn ở tuổi cần sự dạy dỗ, định hướng. Tôi trọng chữ "hiếu".

Cũng phải nói thêm rằng do tính "trương phi" Trực Chấp cũng chuốc thêm "thù ghét, ghen tỵ". Anh đụng đến cả công an "đen & đỏ" và có cả nội gián (nổi cộm ở Ba Lan một thời), chúng kết hợp với nhau đến nhà anh trấn lột. Đó là câu chuyện khá ly kỳ, chỉ có điều không có án mạng. Sau nhiều đợt ra toà, sự việc bị kéo dài, chìm trong im lặng, có người hối hận, anh cảm thấy quê hương mới là đất dụng võ của mình.

Đúng vậy. Ở Viêt Nam Trực Chấp đóng vai trò là "người thổi tù và" của cộng đồng người Viêt ở Ba Lan. Có anh, người Việt ở Ba Lan gắn kết với nhau tốt hơn. Gia đình anh trở thành địa chỉ cho những ai cơ nhỡ lúc về thăm quê hương. Trước hết là công việc hiếu, hỷ. Tuần chay nào mà chẳng có nước mắt: hơn 10 năm đã qua với hàng trăm tang lễ, nay đám tang anh A, mai tang lễ vợ anh B, ngày kia đến tang cụ X bố anh C...đến mức mấy cô bán vòng hoa ở nhà tang lễ Hà Nội cũng nhẵn mặt "lại các anh Ba Lan à". Có những những đám tang, lễ cưới là cả một chuyến xe về các tỉnh. Tôi rất nhớ 04/ 2012 tôi, Trực Chấp và mấy người bạn về Ân Thi, Hưng Yên để tiễn đưa mẹ Việt Nam anh hùng (cụ Trần Thị Thạch - mẹ anh chị Bản - Hương) về nơi an nghỉ cuối cùng. Cà gia đình mẹ và chúng tôi đều cảm động về chữ tình: tất cả chúng tôi coi mình là những đứa con xa quê về tiễn mẹ. Trực Chấp đích thân mời đại sứ Ba Lan ở Việt nam lên thăm Yên Bái quê anh. Anh còn đón cả "mẹ Ba Lan" giúp việc sang thăm Việt nam để trả nghĩa. Sự kiện đặt tượng đài Chopin cao 6,4 m ở Hà Nội (Vườn Cam) Việt Nam - một dấu ấn của tình hữu nghị Việt - Ba chẳng phải đương nhiên mà có. Khi nêu ý tưởng, anh phải tự mình chạy thủ tục các cơ quan nhà nước, đi Thanh Hoá tìm đá, kể cả "làm lễ xin Thần Đá" mới vận chuyển thành công khối đá cẩm thạch hàng trăm tấn về đến Hà Nội. Anh là "linh hồn""của dự án từ việc thiết kế, chọn thợ, chỉnh sửa mỹ thuật công phu mới có được bức tượng Chopin đẹp không kém gì so với tượng Chopin ở Vácxôvi

Những đợt cứu trợ đồng bào miền Trung, miền Bắc bị bão lụt mới vất vả làm sao. Hầu như năm nào cũng có, chẳng lớn thì nhỏ, lúc của cộng đồng, lúc của Hội Đồng hương tỉnh. Tìm được địa chỉ đúng nơi cần, trúng dân bị hại, chuẩn bị phương tiện đi lại, vận tải (mua chăn, màn, thực phẩm, hàng tiêu dùng thiết yếu...), có khi còn phải nghỉ lại một hai hôm, trời rét, mưa ướt mùa bão, anh vẫn tận tuỵ với công việc đến cùng. Phải có khả năng tổ chức, biết phối hợp nhịp nhàng mới làm được những việc lớn như vậy!

Đại diện các tổ chức hội đoàn Việt Nam về nước, người cần gặp phát thanh truyền hình cũng Trực Chấp. Báo Quê Việt muốn gặp mặt các cộng tác viên ở Việt Nam cũng Trực Chấp. Đó không chỉ là buổi gặp mặt vui vẻ, còn có trao đổi với cả quan chức, nhà văn, nhà báo. Nhiều nhà đầu tư người Việt về nước với các dự án chung cư, du lịch, kỹ thuật.... ai cần anh manh mối, có bàn tay Trực Chấp sẵn sàng.

Năm nào chẳng có "Xuân Quê Hương" do Nhà nước tổ chức cho Việt kiều về nước. Đấy là những ngày cuối năm, có thể mất luôn cả tháng tất tưởi gặp gỡ, giao lưu, đi lại. Chưa kể ngày giỗ Tổ Hùng Vương, ngày đoàn Việt Kiều về nước đi Trường Sa, có năm anh còn là trưởng, phó đoàn.

Hoạt động xã hội có thể là đam mê của Trực Chấp, hay anh muốn hỗ trợ mọi người khởi nghiệp, mọi người thì xem mặt gửi vàng. Anh như con dao pha, chỗ nào cũng qua, chỗ nào cũng tới, anh phát huy thế mạnh của mình: thơ ca, quan hệ, sự nhiệt tình, công tâm và anh cũng không ngại tốn kém. Ở Việt Nam ai cũng biết quan hệ mở cơ hội triển khai công việc. Việc muốn xong thì phải có tiền, tiền ít không xong phải nhiều tiền. Có khi chi tiền cho cả "quan chức tham nhũng", trung gian v v... còn mình thì được việc. Chính vì thế không thể không kể đến công lao của người đứng đằng sau anh - chị Vũ Tuyết Mai - người vợ đảm, chiều chồng và quý bạn.

Không nổi tiếng như Nguyễn Trọng Tạo, Bằng Việt, Nguyễn Quang Thiều, Đoàn Tử Huyến đương thời...Trực Chấp lại rất thân với giới văn nghệ sĩ ở nhiều nơi. Ở đâu, làm gì thơ luôn là người bạn đồng hành cùng anh trên mọi nẻo đường.

Thăm quê hương anh viết: Mơn mởn quê...đỏ thắm hoa... Mừng như đứa trẻ lên ba về làng. Thầm ơn trời giữ cao sang. Cho quê tôi vẫn ngút ngàn... cỏ non!

Trực Chấp ca ngợi Hà Nội cũng khác người: Phố đông...người mắc cạn. Nắng lên men nồng chua. Hồ như vại dưa khú. Váng ngầu chân Tháp Rùa.

Đi Trường Sa anh viết: Biển còn mặn...trời còn mây. Nước Nam còn những vòng tay chặn thù.

Còn lúc yêu bóng đá Việt Nam, anh yêu đến tận cùng con tim:

Trái banh lăn tới đây rồi.../ Việc làng để đó.../ Cửa nhà bỏ ngỏ...
Việc uống ăn... /Ta biết tự lo... / Và những em yêu ...

Hãy đợi hãy chờ... / Sẽ yêu em hơn... /Hết mùa bóng đá...
Thơ của Trực Chấp được in trên nhiều tờ báo của trung ương và địa phương, nhiều bài thơ hay được phổ nhạc như: "Nhớ lửa thiêng": Lửa thiêng... Tiếng hú dài gọi lửa/ Ơ, lửa thiêng của núi/ Ơ, lửa thiêng của rừng được dàn dựng rất công phu. Tôi rất ấn tượng bài thơ "A Nuí ơi" ca ngợi tính cộng đồng, khao khát khi có niềm vui chung:

"Gỗ một cây thông thể thành rừng

Đất một gùi không ngăn được lũ

Cái kiến góc rừng sống còn có tổ".

....."A Núi ơi, Ơi A Núi ơi!

Biển tình mênh mông đó

Hội đoàn ta mong đó

Những vòng tay, những rạng rỡ mắt cười

Men rượu xuân này

Ngây ngất quá đi thôi" ...

Sống ở đâu mấy ai bất cần cộng đồng - cộng đồng giúp ta trưởng thành, là nơi ấm áp tình đồng hương, được chia sẻ vui buồn trong cuộc sống.

Trực Chấp - một người đồng hương quí hiếm như một "huyền thoại", lại có lòng trắc ẩn, từng diễn đủ các vai trong đời sống: lúc là nhà ngoại giao, lúc là nhà thơ, là diễn giả, lúc là nhà hoạt động chính tri - xã hội, lúc là một phóng viên, lúc là một doanh nghiệp và kể cả là "hiệp sĩ lỡ thời"... Ở đâu anh cũng có mặt, khi cần anh vẫn có mặt. Xin chúc anh xứng đáng với sứ mệnh "người thổi tù và" cho tới khi vẫn còn đủ nhiệt huyết.

Warszawa, 5/2019

Nguyễn Xuân Nhung

Sửa lần cuối 2019-07-05 08:45:25

Bình luận

Bình luận qua Facebook