2021-05-03 15:30:39

Hiến pháp ngày 3 tháng 5 của Ba Lan - Hoàn cảnh ra đời và cái kết

Ngày 3 tháng 5 năm 1791, một đạo luật nổi tiếng đã đi vào lịch sử Ba Lan. Đó là Hiến pháp 3 tháng 5 - bản hiến pháp thứ hai được viết thành văn trên thế giới và đầu tiên ở châu Âu quy định về tổ chức các cơ quan quyền lực nhà nước và quyền và nghĩa vụ của công dân. Nó đã thay đổi hệ thống nhà nước thành chế độ quân chủ lập hiến và chế độ dân chủ quý tộc hạn chế. Tuy chỉ định hình hệ thống chính trị của Cộng hòa Ba Lan trong vòng gần một năm, nhưng nó đã trở thành một hình mẫu vượt trội và là biểu tượng cho những giấc mơ về độc lập của nhà nước và quyền tự do của công dân.

Đạo luật Chính phủ - như tên gọi của nó – ra đời ngày 3 tháng 5 năm 1791 là thành tựu đỉnh cao của triều đại Stanisław August Poniatowski, nhưng nguồn gốc của nó còn sâu xa hơn nhiều.

Vào đầu thế kỷ 18, nhiều ý tưởng cải cách chính trị sâu sắc đã xuất hiện ở Ba Lan. Nhóm các nhà văn chính trị khai sáng - chẳng hạn như Stanisław Dunin-Karwicki, Jan Stanisław Jabłonowski, Stanisław Leszczyński và Stanisław Konarski - đã chỉ trích chế độ dựa trên nguyên tắc phủ quyết tự do và sự yếu kém của quyền hành pháp, đồng thời đề xuất những cách thức quản trị mới trong nhà nước Cộng hòa Ba Lan.

Tình trạng của Cộng hòa Ba Lan vào thời điểm đó, trên thực tế là rất bi đát. Ba Lan không phải là một quốc gia có chủ quyền kể từ cuối thế kỷ 17. Trong thời kỳ cai trị của triều đại Saxon, nó trở thành lãnh thổ bảo hộ của Nga. Tuy nhiên, trên thực tế, bên dưới cụm từ „bảo hộ, đảm bảo quyền tự do và an ninh” nghe có vẻ đẹp đẽ là sự thống trị và hỗn loạn chính trị tàn bạo.

Nước Ba Lan trong thời kì bị phân chia bởi Phổ, Áo và Nga đã có những bước đột phá trong tư duy về cải cách nhà nước. Theo sáng kiến của Tadeusz Rejtan, Quốc hôi đã tạo ra Ủy ban Giáo dục Quốc gia. Các sáng kiến ​​khác trong những ngày đầu trị vì của Poniatowski, chẳng hạn như Trường Hiệp sĩ, đã hình thành cơ sở cho những nỗ lực giành lại chủ quyền của Cộng hòa Ba Lan. Đồng thời, Quốc hội các vùng theo yêu cầu của Nga vẫn có Hội đồng Thường trực, một loại hội đồng gồm các bộ trưởng, mục đích là hạn chế quyền lực của hoàng gia và chống các kế hoạch cải cách sâu rộng.

Trong nửa sau của những năm 80 của thế kỉ XVIII, tình hình quốc tế thay đổi theo hướng có lợi cho nước cộng hòa. Vua Stanisław August Poniatowski đã quyết định lợi dụng chiến tranh Nga-Thổ Nhĩ Kỳ và gia nhập liên minh với Áo để củng cố quyền lực và không phụ thuộc vào Nga hoàng Catherine II.

Con đường dẫn đến mục tiêu này có vẻ khá bất ngờ. Quốc hội được triệu tập vào năm 1788 là để chấp thuận liên minh Ba Lan-Nga và tham chiến với Thổ Nhĩ Kỳ. Trong khi đó, trong giới quý tộc tập trung tại Quốc hội lại có mong muốn cắt đứt quan hệ với Nga.

Bước đầu tiên là việc giải thể Hội đồng Thường trực. Quốc hội Liên minh, theo đó không thể áp dụng quyền phủ quyết tự do, đã bắt đầu thực hiện các cải cách.

Vào cuối năm 1788, quân đội đã được tăng cường từ khoảng 20 nghìn lên 100 nghìn binh sĩ. Vào cuối năm sau, có thêm một sự kiện được gọi là đám rước đen xảy ra trên đường phố Warszawa, đòi hỏi một số quyền bình đẳng với giới quý tộc.Từ tháng 12 năm 1790, những đại diện của phái cải cách quan trọng nhất như: Stanisław Małachowski, Hugo Kołłątaj, Julian Ursyn Niemcewicz, Ignacy Potocki và Tadeusz Matuszewicz đã bí mật gặp nhau. Nhóm này sau đó đã lên đến 60 người và được nhà vua ủng hộ.

Vào sáng ngày 3 tháng 5 năm 1791, các phiên họp của Quốc hội bắt đầu tại Cung Vua và được quân đội dưới sự chỉ huy của Hoàng tử Józef Poniatowski bảo vệ.

Khi các cuộc tranh luận bắt đầu, nhiều bức điện mang tính đe dọa được gửi đến. Tuy nhiên, với sự ủng hộ của Hoàng gia, Đạo luật đã được thông qua. Nhà vua đã tuyên thệ Hiến pháp: "Tôi thề với Chúa, tôi sẽ không hối hận." Cùng lúc đó, một đám đông người tập trung trước cung Vua, họ hoan nghênh việc thông qua Hiến pháp.

Hiến pháp ngày 3 tháng 5 bao gồm 11 điều với các nội dung cơ bản: Tam quyền phân lập, bãi bỏ quyền phủ quyết tự do, quyền cho người dân thành thị và nông dân

Cơ quan quyền lực tối cao vẫn là Quốc hội, cơ quan được đảm bảo đầy đủ quyền lập pháp, quyền thiết lập ngân sách và thuế và quyền kiểm soát sâu rộng đối với chính phủ. Đồng thời, vai trò của Thượng viện cũng bị giảm sút. Quyền phủ quyết tự do đã bị bãi bỏ, và liên minh bị cấm. Hiến pháp cũng đưa ra nguyên tắc kế vị ngai vàng và trách nhiệm cá nhân của quốc vương. Chính phủ và các cơ quan hành chính được tăng cường.

Lực lượng Bảo vệ pháp luật - tức là Hội đồng Bộ trưởng, cơ quan cao nhất của quyền hành pháp - bao gồm: nhà Vua với tư cách là người đứng đầu chính phủ, Tổng giám mục và năm bộ trưởng phụ trách các ngành: cảnh sát, hành chính, ngoại giao, chiến tranh và ngân khố, ngoài ra còn có những thành viên không có quyền biểu quyết là người thừa kế ngai vàng và chủ tịch Quốc hội. 16 bộ trưởng khác đã được nhà vua bổ nhiệm. Quốc hội có thể bỏ phiếu không tín nhiệm đối với bộ trưởng và cũng có thể yêu cầu bộ trưởng từ chức với 2/3 số phiếu của cả hai viện: Đây chính là hệ thống chính phủ nghị viện theo luật định đầu tiên trên thế giới.

Hiến pháp ngày 3 tháng 5 đã làm suy yếu vị thế của giới quý tộc, và tạo điều kiện cho những người dân thành thị có thể mua đất và tham gia các dịch vụ cho đất nước. Tất cả thị dân ở các thành phố được đảm bảo các quyền tự do cá nhân và quyền được làm công vụ.

Với nông dân, chỉ có rất it những thay đổi: chế độ nông nô được duy trì, và chỉ có người nước ngoài mới được tự do cá nhân. Nói chung, nông dân được nới lỏng để "được luật pháp và chính quyền quốc gia bảo vệ."

Ý định của những người tạo ra Hiến pháp ngày 3 tháng 5 là điểm khởi đầu cho những thay đổi về kinh tế, xã hội và chính trị. Nhưng một năm sau đó, giới quý tộc cùng với Catherine II đã lật đổ chế độ mới. Vài tháng sau, họ lên nắm quyền, bãi bỏ hầu hết các luật của Quốc hội. Đó là sự khởi đầu của sự sụp đổ cuối cùng của Cộng hòa Ba Lan.

Đối với những người được sống trong gần một năm đó, Hiến pháp 3 tháng 5 đã trở thành một huyền thoại.

Người dịch: Xuân Nguyên

(Nguồn: https://www.rmf24.pl/fakty/polska/news-nie-zdolala-odwrocic-rozbiorow-ale-uratowala-narod-to-najwaz,nId,5208589)

Sửa lần cuối 2021-05-03 13:30:39

Bình luận

Bình luận qua Facebook