2013-05-03 05:16:20

Du Già ngày quên chồng, quên vợ

5 người, 3 thế hệ của 2 nửa gia đình ngồi quây quần bên nhau, thật vui quanh chiếc bàn rượu nơi góc chợ. Có 2 người vui nhất, thỉnh thoảng lại nắm tay nhau, rồi mời nhau rượu. Cả năm có một lần họ được ngồi bên nhau như thế...

Đêm thứ 6, tuần thứ 2 của tháng 3 âm lịch (19.4.2013), xã Du Già (huyện Yên Minh, Hà Giang) vào phiên chợ cũng là ngày hội lớn nhất trong năm - chợ tình. Chợ tình Du Già họp hết ngày thứ 7. Truyền thuyết về phiên chợ này vẫn còn mờ ảo, đại thể là ngày chợ để tất cả mọi người gặp nhau. Ngày này cũng là dịp “hai nửa” dang dở được tìm đến với nhau, tục là thế, lệ bản cũng bảo vệ cho chuyện ấy.

Lý Mý Lòng cùng bạn tình Và Thị Dí trong phiên chợ tình.
 

Chén rượu ngô khắc khoải

Đã quá nửa đêm, ông lão Phàn Văn Phúc vẫn tựa lưng vào cột, một mình lặng lẽ uống rượu. “Ông lão” ấy năm nay mới 50 tuổi, không biết vì đêm hay vì buồn mà trông lão già lắm, như đã thất thập. Đêm dài, nhưng đêm nay với lão càng dài hơn. Bao giờ cho đến sáng để lão được gặp người con gái ấy, người con gái lão đã gặp, đã yêu 35 năm trước, khi cô mới 13 tuổi.

Lão người Tày, cô ấy người Mông, khác nhau nhiều quá. Ở cái tuổi chưa có gì, cũng chưa làm ra được cái gì, chỉ biết thích nhau thôi. Rồi cô ấy được người ta kéo về làm vợ, khi lão biết thì “ván đã đóng thuyền” xong cả tháng trời. Mà dẫu có biết ngay cũng chịu, phong tục khác nhau… đi đòi sao được. Buồn lắm, lão đi thật xa cho quên mà không quên được, để năm nào cũng vượt núi trở lại Du Già trong ngày chợ tình, tìm gặp người cũ. Hỏi lão, chồng cô ấy có biết không, lão gật- “nó biết chứ, nhưng ở chợ tình tao được gặp vợ nó, nó không được cấm”.

Ông chủ quán rượu nháy mắt với chúng tôi: “Lão ấy có con riêng đấy, con gái, hơn 20 tuổi rồi”. Tôi hỏi dò lão: “Chồng cô ấy có biết không?”. Lão trả lời chắc nịch: “Biết chứ, nhưng không sao cả, phong tục mà”. Lão cũng không được nhận con, mỗi năm một lần, dịp này gặp bạn gái, gặp cả con luôn. Lão mang tiền ra khoe, năm nay có 500 ngàn đồng cho con gái, thế là nhiều rồi, có lần chỉ cho con được gói kẹo.

“Hàng xóm” trong quán rượu đêm ấy với lão Phúc là anh Nguyễn Văn Đình. Anh Đình kém lão Phúc 7 tuổi, cũng chờ gặp bạn gái. Bạn gái Đình năm nay 38 tuổi, cũng… đi chơi chợ tình với nhau gần 20 năm rồi. Khi tìm thấy “nửa kia” thì Đình đã có vợ, con. Gặp nhau, cái nửa “đích thực” của anh không chịu thích ai nữa.

Nhà họ cùng một bản ở ngay trong xã Du Già, mọi người đều biết, vợ anh cũng biết. Cùng bản nhưng cả năm mới dám gặp nhau một lần ở phiên chợ tình này. Đình chỉ cho tôi hướng nhà anh, cũng là nhà người ấy nơi lưng dốc cách chợ chừng 2km. Tôi hỏi sao anh không rủ cô ấy cùng đi, Đình bảo: “Không được đâu, đến đây mới được gặp”.

Đêm về khuya bắt đầu lạnh, nhưng dường như không ai trong số những người đàn ông có mặt trong quán có ý định đi ngủ. Họ cứ ngồi, thỉnh thoảng lại tự rót rượu cho mình, lặng lẽ uống, rồi lại nhìn ra ngoài trời... Chờ bạn tình mà giống người đang bệnh, hay cũng có thể nói bị trúng độc kinh niên. Đêm giáp phiên chợ tình, độc tính phát tác mãnh liệt khiến người ta như ngây dại, chỉ biết uống rượu khắc khoải chờ… “thuốc” đến.

Các cô gái trang điểm trước khi vào chợ tình.
 

Ngày chợ

Mới 6 giờ sáng chợ đã đặc người. Cả xã Du Già chỉ có hơn 7.000 dân nhưng phiên chợ hôm ấy chắc không dưới 5.000 người. Cũng có truyền thuyết kể rằng xưa người Mông, người Tày - 2 dân tộc chiếm 90% dân số của xã - là 2 anh em. Ngày nọ anh em ấy bất hòa, chia tay nhau, anh lên núi cao, em xuống ven suối.

Thời gian qua đi, mối bất hòa nhạt phai, anh em nhớ nhau nhưng đều nghèo, lại xa xôi quá đành hẹn nhau năm một lần, đưa tất cả con cháu về khu chợ ngày nay để gặp nhau. Phiên chợ tình ở Du Già vì thế cũng là chợ hội – ngày hội gặp gỡ của những người anh em. Và như có một quy ước ngầm: Ai đến chợ cũng mang theo tiền để đãi bạn – người anh em của mình.

Nhà nào không có tiền mang theo sản vật: Gà, rau, củ, thuốc… đến chợ bán lấy tiền. Ai cũng muốn bán thật nhanh để có tiền chia cho người thân đi chơi chợ. Chừng 9 giờ sáng chợ hàng hóa đã vãn hẳn để nhường chỗ cho phiên chợ rượu. Những cuộc rượu của bạn bè, của những cặp bạn tình cùng người thân...

Lại rượu, đến chợ này mà không biết uống rượu thì thật vô vị. Mới lướt qua một góc chợ mà chúng tôi đã “nếm” hơn 10 chén rượu. Những dãy bàn kê sít nhau, muốn nhờ đi qua cũng phải “thăm nhau một tí”, đố mà từ chối được. Tôi được mọi người chỉ cho một bàn rượu của một “gia đình hạnh phúc”.

5 người, họ ngồi với nhau vì có… 2 nửa của nhau, cả năm xa cách, hôm nay mới được “đoàn viên”. Nửa thứ nhất Lý Mý Lòng, 49 tuổi, đi cùng chị gái; nửa kia Và Thị Dí, 41 tuổi, đi cùng mẹ và con gái. Và Thị Dí lấy chồng khi 16 tuổi, cuộc sống sẽ bình lặng nếu không có lần đi cắt cỏ cho ngựa năm 20 tuổi, để phát hiện ra nửa khác của mình… không phải chồng.

Họ không làm gì sai với chồng, với vợ nhưng họ có quyền mỗi năm gặp nhau một lần trong phiên chợ này. Hỏi Dí là chồng có ghen không? Cô hồn nhiên bảo: “Nó tức lắm nhưng mình kệ nó, hôm nay nó cũng được đi gặp bạn mà”. Hỏi cô ngày thường gặp vợ của bạn, cô ấy có phản ứng gì không? Dí cười: “Có lần gặp nó trong rừng, nó lấy dây trói mình định đánh, mình bảo nó: “Mày đánh tao là mày sai”, nó sợ không dám đánh, cởi trói cho mình”. Và Thị Dí kể chuyện líu lo như chim hót, mắt ngời hạnh phúc…

Lát nữa thôi khi bóng chiều đổ xuống, phiên chợ tan, “gia đình” ấy lại theo hai lối để về cùng một bản. Chuẩn bị cho bữa cơm chiều nay, hai nửa ấy lại có hai luồng khói bếp riêng dù chung một nguồn nước.

                                                        ***

Không phải ai đến chợ tình cũng gặp được người mình chờ đợi. Chiều tan chợ, chúng tôi gặp người đàn ông đã 69 tuổi đang ngồi lặng một mình. Ông như không muốn tin chợ đã tan. Đã 2 năm rồi ông đến chợ mà không gặp được bạn. Bạn ông ở xã Du Tiến gần đây, năm nay cũng hơn 50 tuổi.

Chồng cô ấy mất trong trận lũ quét gần 10 năm trước, từ dịp ấy nhà kiệt quệ, các con lớn phải dựng vợ, gả chồng, việc gì cũng nặng với người đàn bà góa. Hỏi ông có định đến thăm bạn? Ông lặng lẽ lắc đầu. Có lẽ ông cũng không đủ sức bước qua “cái tục” chỉ được gặp nhau trong phiên chợ tình năm có một ngày. Chặng đường tan chợ về nhà của người đàn ông sắp thất thập này chắc chắn nhiều day dứt lắm.

Sửa lần cuối 2013-05-03 05:17:52

Bình luận

Bình luận qua Facebook