2010-12-17 16:56:53

Lam lũ để con đến trường

 “Dù nghèo khó đến mấy, cực khổ đến đâu tôi cũng phải cố gắng cho con đi học” - ông Trương Văn Tường (chòm xóm hay gọi là Sáu Thương) ở ấp 7, xã Vĩnh Công, huyện Châu Thành, Long An, mở đầu câu chuyện bằng một tâm sự rất chân tình như vậy trong căn nhà trống hoác của mình.

 

Ông Trương Văn Tường làm nghề bốc vác kiếm tiền cho con đến trường - Ảnh: Phước Tuần

Quanh năm chỉ biết lao vào công việc để kiếm tiền nuôi con nên có lẽ vì thế mà người đàn ông hơn 50 tuổi này có dáng người ốm nhom, làn da đen rám nắng cùng đôi tay chai sần. Cả đời hai vợ chồng quần quật làm lụng cam chịu cực khổ vất vả để cố gắng nuôi con ăn học. Con trai đầu cũng do nghèo phải nghỉ học sớm lên Bình Dương làm công nhân. Thấy con bươn chải sớm quá hai vợ chồng cứ tự trách mình, nên dù cực khổ đến đâu cũng phải nuôi bốn đứa sau ăn học cho có nghề nghiệp như người ta.

 

Nghèo cũng ráng cho con học

 

Mười mấy năm nay dù sức khỏe không tốt lắm nhưng ông Tường vẫn theo nghề bốc vác thuê tại xưởng xay lúa Vĩnh Thành gần nhà với ngày công chỉ 50.000-70.000 đồng. Còn bà Nguyễn Thị Mỹ - vợ ông - phải dậy sớm vượt quãng đường hơn 10 km đi nấu ăn thuê cho một tiệm cơm ở thành phố Tân An với mức lương 1,5 triệu đồng/tháng. Hai vợ chồng cũng tranh thủ trồng hai công lúa nhưng đến mùa gặt phải trả nợ tiền phân bón, thuốc trừ sâu... nên cũng chẳng được bao nhiêu. Tận dụng diện tích xung quanh nhà ông nuôi thêm vịt, heo để tăng thu nhập. Nhưng cái nghèo cứ ập xuống gia đình nhỏ này khi vài năm trước dịch tai heo xanh và cúm gia cầm đã cướp đi tất cả.

 

Năm 2000, bỗng dưng một chiều ông Tường đi làm về thấy đau ở háng, kiểm tra mới phát hiện hai khối u. “Khi ấy trong nhà chẳng có gì đáng giá để bán nên tôi ứng tạm bà chủ ít tiền lên Bệnh viện Ung bướu TP.HCM. Nằm vài ngày, thấy tốn kém và không còn tiền mua thuốc nên đánh liều về nhà hái lá đu đủ xanh bằm ra rồi nấu lên uống theo lời mách bảo của một bệnh nhân nằm cạnh giường. Rồi tôi vẫn tiếp tục công việc ở nhà máy đến nay”, ông Tường nhớ lại.

 

Một lần bà chủ nhà máy Võ Thị Cúc vào thăm nhà, thấy căn chòi lá mục nát nên gọi người chở cát, ximăng, tôn thép... đến xây cái nhà tạm để ở. “Tôi thấy vợ chồng ông làm lụng nuôi mấy đứa ăn học mà đứa nào cũng học giỏi nên tôi thương. Biết ông không dám mượn tiền nên tôi gọi người ta tới xây tạm cho ông, rồi làm trả dần cho tôi cũng được”, bà Võ Thị Cúc kể lại.

 

Không phụ lòng cha mẹ

 

Năm 2008, Trương Công Toại - con trai thứ hai - đậu Học viện Lục quân nhưng lên trường chỉ có một tuần thì nhà trường trả về quê do sức khỏe không đảm bảo. Năm ấy Toại cũng đậu ĐH Nông lâm TP.HCM và CĐ Tài chính hải quan nhưng nghĩ học mấy trường này sẽ tốn học phí, tiền trọ, chi tiêu nên Toại quyết định về nhà ôn thi lại vào Trường ĐH An ninh nhân dân. Không nản chí, Toại quyết chí ở nhà vừa ôn thi vừa ra nhà máy vác lúa thuê cùng bố để phụ giúp gia đình. Một năm sau, em đậu vào Trường ĐH An ninh nhân dân và ĐH Khoa học tự nhiên ĐHQG TP.HCM với số điểm khá cao.

 

Em trai kế của Toại là Trương Hoài Nam - học giỏi nhất nhà. Dù nghèo, không được đi học thêm như bạn bè nhưng suốt 12 năm liền Nam đều đạt học sinh giỏi toàn diện, đậu á khoa ĐH Cần Thơ mùa tuyển sinh năm 2009. Để có tiền học ĐH, Nam đã ba lần đi bán máu. Tháng 10 vừa qua Nam đã được Bộ GD-ĐT trao tặng học bổng toàn phần du học tại Nga trong sáu năm ngành điện hạt nhân.

 

Dù nghèo khó đến đâu nhưng cả hai vợ chồng ông không bao giờ có ý định để con nghỉ học. Nghe hai đứa con gái út đang học cấp III Trường THPT Nguyễn Thông xin nghỉ vì học gần nửa năm mà chưa đóng học phí, vợ ông khóc động viên hai con, còn ông lặng lẽ dắt chiếc xe đạp cũ chạy quanh xóm vay tiền.

 

Trong cùng cực của nghèo khó, vợ chồng ông vẫn làm mọi cách cho con đến trường. Những tấm bằng khen, kết quả học tập của con đã làm họ vơi đi nỗi buồn và có thể nở những nụ cười hạnh phúc.

 

Tiếp sức cho 60 hộ nhà nông

Chương trình “Tiếp sức nhà nông cho con đến trường” do báo Tuổi Trẻ, Công ty cổ phần GreenFeed VN, Hội Nông dân tỉnh Long An và Tỉnh đoàn Long An phối hợp tổ chức. Trong đó Công ty cổ phần GreenFeed VN đồng thời là đơn vị tài trợ. Buổi lễ cấp vốn lần thứ nhất được trao cho 60 hộ nông dân ở hai huyện Tân Trụ và Châu Thành, tỉnh Long An sẽ diễn ra ngày 19-12 tại hội trường Thống Nhất, UBND tỉnh Long An. Mỗi suất được tài trợ 10 triệu đồng và sản phẩm của GreenFeed VN, để sử dụng chăn nuôi gia súc, gia cầm và hoàn lại sau hai năm. Các hộ nhận vốn cũng sẽ được công ty tư vấn kỹ thuật chăn nuôi tiên tiến, phòng chống dịch bệnh, sử dụng thức ăn cho gia súc gia cầm...

 

PHƯỚC TUẦN (Tuổi trẻ)

Sửa lần cuối 2012-12-20 20:49:47

Bình luận

Bình luận qua Facebook