2010-12-18 15:50:04

Côi cút nuôi con

60 hộ gia đình được trợ vốn trong đợt này là 60 câu chuyện của nghị lực vượt qua nghèo khó cho con đến trường của những người nông dân. Trong đó có những phụ nữ đơn độc chắt chiu từng đồng tiền nuôi con ăn học.

 

"Tôi chỉ mong sao các con sẽ học thành tài để không còn cực khổ nữa" - Bà Trịnh Thị Kiều Thi

 

Họ đơn độc bởi những nguyên nhân rất đời: có người chồng mất vì tai nạn giao thông, có người ly hôn bởi không chịu nổi cảnh chồng bê tha rượu chè, đánh đập vợ con...

 

"Hi vọng có số vốn để tôi nuôi thêm heo, có tiền cho con gái học tiếp sau khi tốt nghiệp THPT"

Bà Đoàn Thị Xuân Tuyền

Đêm trường gối chiếc

 

Bà Trịnh Thị Kiều Thi - 36 tuổi, ở ấp 7, xã Hiệp Thạnh, huyện Châu Thành, Long An - một mình nuôi ba đứa con nhỏ ăn học trong túp lều lá dựng tạm sau vườn cây của ngoại từ mấy năm nay. Bà ly hôn bởi người chồng bê tha, không chí thú làm ăn. Căn lều nghèo khó đó do UBND xã hỗ trợ 15 triệu đồng xây dựng trong chương trình nhà đại đoàn kết.

 

Trong căn nhà nhỏ trống trơn không chút tài sản, bà Thi tâm sự: “Nhiều lúc không còn tiền mà con cứ xin tiền đóng học phí, tôi cũng cố gắng vay mượn chòm xóm rồi tích cóp trả dần. Thương con, vất vả thế nào tôi cũng cố gắng cho con đến trường”. Không có nghề ổn định, quanh năm ai thuê gì cũng làm, từ làm cỏ đất trong vườn thanh long, cấy lúa, bóc vỏ điều... quần quật mà thu nhập chỉ 400.000-600.000 đồng/tháng.

 

Hoàn cảnh buồn đau và nghiệt ngã hơn là gia đình bà Đoàn Thị Xuân Tuyền ở ấp Bình Hòa, xã Đức Tân, huyện Tân Trụ, Long An: gia đình đang hạnh phúc bỗng dưng chồng mất vì tai nạn giao thông. Từ ấy, bà thức khuya dậy sớm để kiếm tiền nuôi hai đứa con. Mười bốn năm lẻ bóng, không có đêm nào bà ngon giấc khi phải suy nghĩ lo cái ăn trước mắt rồi chuyện học hành của con.

 

Ngoài ra bà nuôi thêm gà, heo nhưng cũng bấp bênh lắm. Năm vừa rồi nhà không có đàn ông nên tối kẻ trộm vào bắt gần hết đàn gà của bà. Sáng dậy cho gà ăn để đi làm thì không thấy đâu, cả ba mẹ con ôm nhau khóc hết nước mắt.

 

Bà Nguyễn Thị Thúy Phượng, ấp 7 xã Vĩnh Công, huyện Châu Thành, Long An, cũng vậy, đầu năm 2010 người chồng mất do tai nạn giao thông. Khi ông còn sống, cả hai vợ chồng làm lụng vất vả nhưng khó vẫn hoàn khó, trong căn nhà lá tuềnh toàng “tài sản” chỉ là hai đứa con. Chồng ra đi, giờ gánh nặng dồn hết trên vai người phụ nữ 34 tuổi. “Miếng ăn chưa lo đủ lấy đâu ra tiền học cho con đây?”, hằng đêm bà cứ thao thức suy nghĩ về điều ấy rồi cũng quyết tâm lao vào làm để nuôi con ăn học. Bà đang làm công nhân bóc vỏ điều tại Công ty TNHH Đại Hưng Phát (cơ sở ở xã Hòa Phú, Châu Thành, Long An) với mức lương 1,5 triệu đồng/tháng. Để kiếm thêm tiền bà nhận điều về nhà tranh thủ làm ban đêm.

 

 

"Dù cực khổ đến đâu tôi cũng không bao giờ cho hai con của mình phải nghỉ học vì nghèo"

Bà Nguyễn Thị Thúy Phượng

Đốm sáng tương lai

 

Nhưng bù lại những đứa con của ba người phụ nữ có số phận khốn khó đó chăm chỉ học tập, mỗi cuối năm dành những tấm giấy khen tặng mẹ.

 

Cô con gái đầu của bà Trịnh Thị Kiều Thi năm nay học lớp 12T3 Trường THPT Châu Thành, tên Nguyễn Thị Kiều My. Kiều My suốt 11 năm liền là học sinh giỏi, năm lớp 9 em đạt học sinh giỏi môn tiếng Anh cấp tỉnh. “Nhiều lần thấy mẹ khổ quá em đã muốn nghỉ học lên thành phố làm nhưng mẹ nhất quyết không cho. Mẹ nói đời mẹ đã nghèo khổ rồi nên con phải học để sau này không cực như mẹ nữa”, My tâm sự. Nhà nghèo, không có tiền đi học thêm nên My chỉ ở nhà tự học. Một buổi đến trường, một buổi em phụ mẹ bóc vỏ điều. Hai đứa em trai của My năm nay học lớp 2 và mẫu giáo cũng rất ngoan và học giỏi. “Nghèo và vất vả thật nhưng thấy con học giỏi là tôi vui rồi”, bà Thi chia sẻ.

 

Cũng hạnh phúc như bà Thi, bà Phượng rất tự hào về đứa con trai của mình, dù nghèo khổ nhưng Nguyễn Hoàng Linh vẫn đậu vào lớp chuyên hóa Trường THPT chuyên Long An. Năm nay em học lớp 11, suốt 10 năm liền đều là học sinh giỏi, đoạt giải 3 môn hóa cấp tỉnh năm lớp 9. Nhà cách trường 8km, lúc còn cha em ở lại KTX của trường để thuận lợi cho việc học, nhưng khi cha mất Linh về nhà để phụ chăm sóc mẹ và em.

 

Cuộc sống khó khăn, cơ cực khi không có bóng dáng đàn ông trong nhà tưởng chừng họ sẽ gục ngã. Thế nhưng chính những đứa con thương yêu, với ý chí và nghị lực của bản thân, những phụ nữ trẻ đã kiên cường nuôi con ăn học. Để rồi từ cuộc sống mịt mù ấy, họ hé nụ cười hạnh phúc khi thấy con mình ngoan cường học tập, và học giỏi, để có cuộc sống tươi sáng hơn cuộc đời cha mẹ mình.

 

Cấp vốn cho 60 hộ

Sáng 19-12, buổi lễ cấp vốn cho 60 hộ nông dân ở hai huyện Châu Thành và Tân Trụ của tỉnh Long An diễn ra tại hội trường UBND tỉnh Long An. Mỗi suất được tài trợ 10 triệu đồng và sản phẩm của GreenFeed VN để chăn nuôi gia súc, gia cầm và hoàn lại sau hai năm. Sau hai năm tham gia chương trình, các hộ nông dân làm ăn hiệu quả và có con em học tập tốt sẽ được trích thưởng 20% số vốn vay.

Chương trình “Tiếp sức nhà nông cho con đến trường” do báo Tuổi Trẻ, Công ty cổ phần GreenFeed VN, Hội Nông dân tỉnh Long An và Tỉnh đoàn Long An phối hợp tổ chức. Công ty cổ phần GreenFeed VN đồng thời là đơn vị tài trợ.

 

PHƯỚC TUẦN (Tuổi trẻ)

Sửa lần cuối 2012-12-20 20:54:38

Bình luận

Bình luận qua Facebook