2010-12-19 17:37:31

Một ngày với những người “săn” dế

Những người “săn” dế mà chúng tôi gặp sinh sống ở bản làng Ktup, Katang, thị trấn Lao Bảo, tỉnh Quảng Trị. Một ngày mưu sinh vất vả của họ bắt đầu từ sáng sớm, bên dòng sông SêPôn…


Theo con đường đất đỏ, chúng tôi đến bản làng Ktup từ rất sớm. Đâu đây vang lên tiếng chày giã gạo, tiếng của những đứa trẻ đói lòng… Ở bản này không dưới mười gia đình sống bằng nghề “săn” dế. Rời khỏi căn nhà sàn của mình, chị Ba Nôm (ngườiVân Kiều) đi rủ các “đồng nghiệp” cùng lên đường. Cả hai đứa con của chị cũng tranh thủ nghỉ hè đi “săn” cùng mẹ.

 

Họ tụ tập khoảng 10-15 người đi dọc hai bên triền sông SêPôn, nơi vốn được xem là xứ sở của loài dế. Một tay cầm chét (dụng cụ đào đất nhỏ hơn cái cuốc), một cái choòng được bịt kín nilon đeo ở vai, một bịt cơm trưa cho cả nhà, chị Ba Nôm nói: “Phải dậy sớm thôi, đất còn ẩm ướt dế ở hang mới nhiều. Tranh thủ đào trước khi trời nắng lên đỡ mệt mà được nhiều”.

 

hhh

"săn" dế là nghề phổ biến của dân bản Ktup, Katang

 

Ở bản, chị Ba Nôm là người làm nghề này lâu năm hơn cả. Chị tâm sự: “Chúng tôi không tính tuổi, chỉ biết lấy mùa rẫy trên nương để đếm thời gian thôi. Tui làm nghề này cũng đã được gần chục năm rồi. Dân trong bản này hết đi rừng làm nương lại tìm dế đào bán kiếm tiền đong gạo”.

 

Biết tôi tỏ ý muốn đi cùng chị, Ba Nôm “cảnh báo”: “Không đi được đâu. Chú mà xuống dưới nắng không chịu nổi muốn về cũng không ai đưa về mô. Hay ho gì cái nghề ni mà muốn học hỏi…” Nhưng tôi vẫn đi và đã được chứng kiến một ngày “săn bắt” khá vất vả của họ trên dải cát nóng như rang.

 

Nghề đào dế này không biết hình thành từ lúc nào. Chỉ biết thấy đào dế có tiền mưu sinh nên dân trong bản rủ nhau đi ngày một đông hơn. Sau vài lát chét, ba mẹ con Ba Nôm lại xúm nhau lấy ra những chú dế béo tròn. Nói thế không có nghĩa là nghề này “ngon ăn”. Muốn bắt được dế phải tính được thời gian sinh sản, xác định được hang chính, hang phụ để biết được thời điểm nảo chúng sẽ trú ngụ ở đâu. Chị Nôm cho biết chỉ có đào nhiều mới đúc rút ra được “nguyên tắc” này!

 

Cật lực suốt một ngày họ mới kiếm được vài cân dế. Từ sáng sớm cho đến chiều tối họ chỉ được nghỉ ngơi một chút buổi trưa. Bà Hồ Thị Mết (65 tuổi, dân tộc Pa Cô) cho hay: “Ngày nào may lắm thì kiếm được 10-15 ngàn đủ mua gạo và thức ăn. Ngày ít dế, nắng quá, không đào nổi thì đành “bóp bụng” nợ gạo ăn qua bữa.”

 

dd
Bà Mết say sưa đào dế

 

đ

Niềm vui khi bắt được nhưng chú dế

 

Ở thị trấn vùng biên này dân bản trước đây chủ yếu sống nhờ vào rừng. Nhưng gỗ trên rừng rồi cũng hết, họ kéo nhau làm cửu vạn, kéo xe bò. Nửa năm nay giá cả đắt đỏ, người đông việc ít, không ít hộ dân bỏ làm cửu vạn xoay qua “săn” dế. Tay thoăn thoắt cho dế vào choòng, bà Mết cười buồn: “Cũng không phải dễ mà sống được với nghề này. Phải tiện tặn lắm mới sống được chú ạ!”

 

Khách hàng của những người đào dế như bà Mết, chị Ba Nôm là các cư dân Lào ở vùng biên. Họ rất ưa chuộng các món ăn được chế biến từ dế. Đặc biệt nhất phải nói đến món dế chiên. Hầu như bữa nhậu nào cũng có mặt món này. Món dế chiên được chế biến rất lạ: moi hết ruột ra, nhét hạt đậu phụng (đậu lạc) vào, chiên lên dùng với nước chấm. Món này ăn ngậy, béo, cực kỳ hấp dẫn. 

Trời cuối chiều nắng đã dịu đi. Bóng ba mẹ con chị Ba Nôm trải dài trên triền sông. Mặt đất sau một ngày nắng đốt bốc lên mùi ngai ngái khó chịu. Chị Ba Nôm dừng chét, thu gom đồ đạc chuẩn bị về bản. Nét mặt hai đứa trẻ toát lên sự mệt nhọc sau một ngày dài.

 

Sáng mai hai đứa con gái của chị sẽ đem số dế này qua chợ Karôn (Lào) để bán. “Hôm nay được khá nhiều đây. Ngày nào bắt được một choòng như thế này là lũ nhỏ đủ tiền ăn học!”, chị nói đầy lạc quan khi chia tay chúng tôi.

Hoài Nhân (Bee.net)
Sửa lần cuối 2012-12-20 21:00:31

Bình luận

Bình luận qua Facebook