Nước Bỉ có diện tích 30 528km2(Việt Nam 331 210km2) và dân số khảng 11 triệu dân ( Việt Nam hơn 90 triệu dân), con số so sánh này để hình dung nước Bỉ có diện tích và dân số chỉ gần bằng 1/10 của nước Việt Nam. Nếu so với 27 nước trong khối liên minh Châu Âu( gọi tắt khối Eu), nước Bỉ cũng là một trong những nước nhỏ về cả diện tích và dân số. Nhưng bù lại với vị trí địa lý, nước Bỉ nằm ở giữa trung tâm của khối Eu, biên giới tiếp giáp với Pháp, Đức, Hà Lan, Luycxambua, phía bên kia biển Atlantic là Anh quốc vì thế Bỉ đóng vai trò quan trọng trong liên minh Châu Âu. Bỉ cũng là một trong những nước sáng lập ra liên minh Châu Âu, ngày nay trụ sở khối Eu và một số tổ chức khác như khối Nato được đặt ở Thủ đô Brussels.
Nước Bỉ vẫn duy trì chế độ quân chủ lập hiến, đứng đầu là Vua. Hiện tại vua Philip đang ngự trì. Ngôi vua chỉ dành cho con, hoặc cháu trai nối dõi. Công dân Bỉ luôn tự hào cho rằng Vua là người đại diện và trị vì đất nước của họ. Với họ, không thể có bất kỳ một ai không phải dòng dõi Hoàng Gia lên nắm quyền, mặc dù mọi quyết định của đất nước nằm trong tay quốc hội. Thủ tướng chính phủ là ông Charles Michel... Cũng vì vị trí tiếp giáp với nhiều nước nên ngôn ngữ của họ không đồng nhất. Chủ yếu họ dùng tiếng Pháp (dân Việt sống ở đây gọi tắt là tiếng Tây) và tiếng Hà Lan, đây là hai quốc gia có đường biên giới dài nhất, ngoài ra tiếng Đức cũng được sử dụng nhưng không phổ biến như hai ngôn ngữ trên. Việc không có ngôn ngữ riêng cho dân tộc mình, nhiều khi cũng gây không ít khó khăn, chính vì thế từ phó thủ tướng chính phủ đến một số các lãnh đạo khác, đều phải có song song hai vị đại diện cho hai ngôn ngữ Pháp và Hà Lan.
Thủ đô Brussels, cũng giống như một số nước khác không có các nhà cao chọc trời. Nhà được xây cao nhất chỉ có 2 toà cao 30 tầng. Phần lớn ở các đường phố nhà được xây từ cách đây rất lâu, có những nhà xây cách đây cả chục ngàn năm và giữ nguyên nét cổ kính của châu Âu. Việc tu sửa chỉ được phép làm phía trong mỗi nhà, còn phía ngoài quy định phải giữ nguyên như cũ. Khu vực trung tâm thủ đô hình thành những dãy nhà xây theo mốt hiện đại, đấy là những ngân hàng, những nhà làm việc của chính phủ và nhiều cơ quan đại diện trong khối Eu, khối Nato. Ngày nay, giữa trung tâm châu Âu với nền khoa học tiên tiến và hiện đại, nước Bỉ vẫn cổ xưa và rợp mát cây xanh...Những nhà thờ thiên chúa giáo với các kiến trúc không giống nhau nổi bật nhất khi nhìn từ xa ở hầu hết các khu vực trong nước Bỉ.
Phía trước bảo tàng nghệ thuật ở Brusself ( Internet)
Cũng như các quốc gia khác, nước Bỉ cũng có lịch sử hình thành lâu đời, song song với lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước. Đến Brussels tham quan"Bảo tàng chiến tranh", để hình dung ra những cuộc chiến khốc liệt từ những năm trước 1813...Các trận chiến kéo dài nhiều năm và kết thúc bằng trận đánh nổi tiếng"Wateloor"( 18/6/1815),làm sụp đổ vương triều của Hoàng đế Napoleon và có được một quốc gia độc lập được công nhận về pháp lý vào năm 1830... Các trang thiết bị, súng ống của thế chiến thứ nhất(1914-1918) và thế chiến thứ hai(1939-1945). Những sự thay đổi về xe tăng và máy bay cũng như đạn pháo, hình dung từ thô sơ đến hiện đại... Trải qua 7 vị vua, nước Bỉ ngày nay có cuộc sống của người dân và nền chính trị ổn định trong khối Eu.
Ở Brussels ngay cạnh biểu tượng Antonium( khối 9 quả cầu liên kết vững chắc với nhau), đây được ví như tháp Apphen ở Pari( Pháp), có khu:"Mini Europe"- đây là khu mô hình thu nhỏ miêu tả vị trí địa lí với những thắng cảnh hoặc các công trình xây dựng đặc trưng của từng nước. Chúng tôi vẫn nói đùa:"-Có thể đi du lịch vòng quanh 27 nước trong khối Eu, ngắm nhìn và chụp ảnh với các biểu tượng nổi bật nhất trong vòng vài tiếng đồng hồ! Nếu ghi hình rồi đăng lên mạng khoe rằng mình đã đi du lịch đến nước này, nước nọ chắc khối người tưởng thật!". Mà quả thực ở đây rất nhiều kiến trúc nổi tiếng như: Tháp Apphen( Pari), tháp nghiêng Pisa(Ý), cung điện hoàng gia Anh, nhà Quốc hội Đức, quảng trường chiến thắng ở Pháp, các làng quê xinh đẹp ở các nước khác, nhà cổ Hy Lạp.v.v.v...
Đồng tiền Eu được dùng tại Bỉ, đời sống ở đây thuộc dạng cao trong khối Eu. Lương và trợ cấp xã hội được chính phủ Bỉ bảo đảm tuy nhiên họ quản lý rất khắt khe. Nếu ai đấy đi làm "chui" bị phát hiện sẽ phạt rất nặng. Cộng đồng Việt Nam sinh sống ở đây phần lớn là người di tản phía nam( sau năm 1975- theo chính sách của Liên Hợp Quốc), một phần trong số họ là người Việt nhưng sống ở Lào hoặc Thái Lan. Các chuyện kể lại thời kỳ để được nhập trại tỵ nạn bên Thái, cuộc sống khổ sở khi ở trong trại và những lần vượt sông Mekong từ Lào sang Thái cũng thấy con đường lập nghiệp của họ đầy chông gai, nguy hiểm. Để có được cuộc sống ổn định ngày nay, mỗi người đều phải trả giá bằng chính nước mắt và mồ hôi kể cả tính mạng của mình.
Đi trên lãnh thổ của nước Bỉ, nhất là ở thủ đô Brussels, du khách vẫn bắt gặp thường xuyên hình ảnh những cảnh sát kiểm tra xe ô tô hoặc hành lý của khách đi trên đường(tất nhiên chỉ những người họ nghi ngờ). Nếu không nhìn thấy những người mặc áo rằn ri đeo quanh người đủ thứ vũ khí, tay lăm lăm ôm súng và bộ đàm gắn tai... nước Bỉ chắc rất thanh bình. Sau các vụ khủng bố ở Pháp, ở sân bay Bỉ, tình trạng báo động đã được thiết lập, vì thế việc canh phòng và bảo vệ những khu vực đông người hoặc các nhà làm việc của chính phủ cũng như các tổ chức quốc tế rất cẩn thận. Trong bầu không khí hoà bình chung của Châu Âu, nhất là khu vực nằm ở trung Eu, nếu du khách bắt gặp những cuộc khám xét và nhìn thấy trên khuôn mặt những người đang làm nhiệm vụ nét căng thẳng, hẳn ai cũng thấy có chút không yên tâm. Đặc biệt khu vực sân bay, ga tàu điện ngầm và những nơi có lễ hội tập trung đông người.
Điều khiến du khách không khỏi so sánh với một số nước khác là ở những điểm cho khách vào tham quan, các hình thức phục vụ không rườm rà. Ngay cả vào Cung điện Hoàng gia( chỗ hàng ngày vua nước Bỉ thiết triều làm việc), ngoài việc yêu cầu kiểm tra tư trang của khách, họ không có nhiều nhân viên hay ban bệ dòm ngó gây khó chịu. Hoặc ở khu"Bảo tàng chiến tranh", nơi trưng bày nhiều tranh ảnh, các khí tài, đạn dược, nhiều trang thiết bị máy bay và xe tăng, đạn pháo từ thời đấu tranh dựng nước đến tận kết thúc thế chiến thứ 2, tất cả được trưng bày không cần người đứng canh chừng nhắc nhở. Du khách có thể đi tham quan theo biển chỉ dẫn, tự tìm hiểu và chụp ảnh lưu niệm mà không cảm thấy gò bó. Câu hỏi đặt ra:"Phải chăng ý thức của du khách đạt đến mức họ tin cậy? Hay là tất cả không phải là hiện vật có giá trị lịch sử cần bảo vệ?..."
Cộng đồng người Việt sống ở Bỉ phần lớn đã có định cư hay quốc tịch Bỉ. Những người lớn tuổi( trong tuổi lao động) nếu không tự mở các quán ăn hay tự kinh doanh đều đi làm hợp pháp cho các công ty khác. Ý thức trách nhiệm và tính chất công việc quyết định đồng lương của từng người. Nếu không có việc làm họ được hưởng trợ cấp thất nghiệp... Thế hệ con cháu được ăn học và tự quyết định con đường lập nghiệp của mình. Các phụ huynh ở đây rất tôn trọng quyết định của con cái. Họ không can thiệp vào cuộc sống và công việc khi con đã trưởng thành. Nhất là việc nuôi dạy con cái của chúng, đúng câu:"Con tao thì tao có nghĩa vụ nuôi và dạy bảo. Con mày thì mày có trách nhiệm và quyền hạn nuôi và dạy bảo!"... Nghe thân mật và đúng vô cùng!.. Việc hội nhập lâu dài trên một đất nước được coi là Tổ quốc thứ hai, giúp bọn trẻ tự khẳng định mình. Dân Bỉ cũng không có cái nhìn kỳ thị về người Châu Á, nên các cuộc hôn nhân của dân nhập cư với con em của họ đều được tôn trọng. Cách nuôi dạy, cách giáo dục con cháu theo kiểu người Châu Âu giúp bọn trẻ tự tin trong cuộc sống, tính tự lập rất cao, nhưng không vì thế mà quên bản sắc dân tộc mình. Các thế hệ được sinh ra và lớn lên ở Bỉ vẫn được dạy lễ phép và tuân theo khuôn khổ từng nếp sinh hoạt của gia đình mình. Nhiều khi tiếp xúc với các cháu, tôi cảm nhận các cháu ngoan hơn so với bọn trẻ ở Việt Nam. Điều thật đáng mừng khi những con người xa xứ đã hội nhập mà không"hoà tan"gốc rễ của mình. Nếu nhìn về lâu dài, những người được mang trên mình mác"Việt Kiều", hẳn cũng nên có hướng lâu dài cho các thế hệ mai sau. Nếu muốn hội nhập, tức là không có hướng quay về Việt Nam thì cũng nên hướng cho con cái của mình hoặc là học giỏi để kiếm việc ở tại nơi mình đang sống, hoặc là hướng cho chúng học nghề rồi đi làm. Con đường để các"Việt Kiều con" nếu bám vào"mặt trận"bán buôn như các bậc phụ huynh thật sự đã hết thời. Tôi vẫn ao ước con cháu mình có được cuộc sống ổn định như các con cháu trên đất Bỉ.
Các cụ đã dạy:" Đi một ngày đàng, học một sàng khôn!" quả là không sai. Điều muốn nói ở đây là khi mình đi đến nơi nào đấy, ngoài tìm hiểu các danh lam thắng cảnh của xứ họ, điều mình không nên bỏ qua là những người nhập cư ở đấy họ sống thế nào? Riêng tôi vẫn ao ước con cháu của mình và những người xa xứ hãy tồn tại vững chắc trên đất người bằng chính bàn tay và khối óc của mình. Đừng bao giờ mơ tưởng có thể quay về Tổ quốc mình để mong hưởng thụ những sung sướng không phải từ mồ hôi và sức lực mình làm ra... Đất nước và con người ở Bỉ đã nói với tôi điều đó. Tôi muốn cùng chia sẻ với các bạn bè và người thân của mình điều quan trọng này. Cảm ơn mọi người đã đọc và đồng cảm.
Brussels- 16/8/2016 -
Nguyễn Mai Lê
Bình luận