2016-12-22 23:17:52

Ôi, Sài Gòn! – hướng dẫn thăm thành phố lớn nhất Việt Nam

Theo Onet.pl

"Sài Gòn. Thổ tả thật. Lúc nào tôi cũng chỉ thấy có Sài Gòn. Ngày nào tôi cũng cảm thấy là tôi thức dậy ở trong rừng nhiệt đới" – viên đại úy Benjamin Willard phàn nàn. Một trong các cảnh nổi tiếng nhất trong lịch sử điện ảnh đã mở đầu như vậy. Với bối cảnh chiến tranh ở Việt Nam, trong các kênh rạch của vùng đồng bằng sông Mê Công tiếp giáp với Căm-pu-chia, bộ phim "Apocalypse Now" của ông Francis Ford Coppola trong nhiều năm đã thu hút trí tưởng tượng của bao nhiêu lớp người.

Việt Nam làm người ta luôn nhớ lại các bức ảnh của bốn mươi năm trước, khi ở nơi đó đã diễn ra một trong các cuộc xung đột đẫm máu nhất ở Đông Nam Á. Chiến tranh Việt Nam đã làm thay đổi cả thế giới, cũng vào cái lúc đã nảy sinh ra phong trào híp-pi và xuất hiện thứ âm nhạc mà những người biểu diễn nó đã trở thành thần tượng văn hóa.

Nhưng ngày nay Việt Nam là một quốc gia hoàn toàn khác, và Sài Gòn cũng đã thay đổi tên và thói quen của mình. Ở đây giờ vui vẻ, nhiều màu sắc, ăn uống ngon và cực kỳ mới lạ.

Năm 1975 cuộc chiến ở Việt Nam, khi hai bên đối đầu là nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cộng sản (Miền Bắc Việt Nam) chủ yếu do Liên Xô ủng hộ và Cộng hòa Việt Nam được Mỹ ủng hộ, đã kết thúc. Nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam ra đời.

Sài Gòn khi đó được đặt tên mới: thành phố Hồ Chí Minh, theo tên của vị lãnh tụ Đảng Cộng sản Đông dương và chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Dù rằng hình ảnh của "Bác Hồ" có trên hàng chục các tấm bảng quảng cáo và các bức chân dung, dân cư của thành phố cho đến nay vẫn dùng cái tên cũ Sài Gòn, cho dù chính thức thì cái tên này chỉ liên quan đến một khu phố thuộc địa từ thời Pháp, giờ mang tên Quận 1.

Có ai còn nhớ bộ phim được giải Oscar "Đông Dương (Indochiny)" với cô diễn viên Catherine Deneuve? Bộ phim nói về thời khi Sài Gòn còn là thủ đô vùng Đông Dương thuộc Pháp. Trong một cảnh của phim các nhân vật chính ngồi uống cà phê trong khách sạn sang trọng "Continental Saigon". Lối kiến trúc tân nghệ thuật (Art Nouveau, sececja) và cách trang hoàng nội thất thời thực dân rất phù hợp với một lối sống kiểu cũ của khu trung tâm.

Khách sạn "Continental Saigon" giờ đã được phục chế và vẫn sang trọng cũng đã là cảm hứng cho nhà văn Graham Greene, tác giả cuốn tiểu thuyết "Một người Mỹ bình thản", mà theo đó người ta đã dựng một bộ phim cùng tên. Mặc dù có tiêu chuẩn cao và nổi tiếng, giá buồng ở đây vẫn từ khoảng 100 đô la một ngày. Xung quanh rất sạch, có nhiều phố có cây xanh, bao quanh là các tòa nhà kiểu tân nghệ thuật và cửa kính của các cửa hàng sang trọng với các mác hàng nổi tiếng như: Louis Vuitton, Prada, Rolex hay Patek Philippe.

Một trong các biểu tượng thực sự của truyền thống kiến trúc kiểu thuộc địa của thành là tòa nhà Bưu điện Trung tâm tuyệt đẹp của thành phố do người Pháp xây, nơi trong buồng chính của nó ta vẫn còn có thể cảm thấy bầu không khí của thủ đô vùng Đông dương ngày trước. Ta cảm thấy mình như đang ở Paris; còn chỉ có hỗn hợp các thứ mùi kỳ diệu, bầu không khí ngột ngạt và nóng là nhắc rằng bạn đang ở châu Á mà thôi. Sài Gòn có cái mùi như vậy. Cái nóng ẩm ướt như vắt năng lượng sống đi gấp đôi. Vậy, quỷ thật, làm sao mà trong các điều kiện ấy có thể xảy ra chiến tranh được?


Mỗi bước đi là một cái sốc

Với người châu Âu thì các thành phố lớn của Việt Nam đúng là một thách thức cho họ. Còn cách tổ chức giao thông ở đây thì thực sự là một cú sốc. Mới nhìn thì chỉ thấy như hàng trăm nghìn các loại xe từ xe đạp đến loại xe phổ biến nhất là xe máy nhiều loại mác rồi đến các xe ô tô sang và xe tải, mọi thứ như dòng chảy hỗn độn tràn ra các tuyến phố của thành phố.

Ở đây chả có ai tuân theo đèn tín hiệu, hướng xe đi quy định hay cả chỗ qua đường cho người đi bộ nữa. Có hai lý do.

Thứ nhất, mỗi người Việt Nam từ nhỏ đã được nghe là màu đỏ là màu của chủ nghĩa xã hội, màu của chiến thắng và màu của Đảng, mà tất cả những cái này không bao giờ khuất phục trước các hoàn cảnh của số phận mà bằng đấu tranh họ vượt qua mọi chướng ngại xuất hiện trên con đường của mình. Vì thế chả có ai tôn trọng cái đèn đỏ tầm thường ở chỗ qua đường kia.

Thứ hai, người Việt Nam không có khái niệm sợ hãi – họ tin là nếu người Mông Cổ, người Trung Quốc, người Pháp và cả người Mỹ đều không thắng nổi họ, vậy thì cái ô tô lao về phía họ còn có ý nghĩa gì. Vậy phải chăng trên đường phố ở đây ai mạnh thì được? Nhưng đó chỉ là lối suy luận của chúng ta, những người châu Âu mà thôi.

Khi bạn muốn sang đường khi trên phố có cả một dòng xe liên tục chạy, bạn chỉ cần quên đi nỗi sợ, nhắm mắt lại và cứ thế đi không dừng lại vì bất cứ điều gì. Các xe đang lao như thế chả hiểu vì điều kỳ diệu nào luôn có thể tránh người đi bộ. Và đây là một thói quen đã ăn sâu vào người Việt Nam.

Nếu có tai nạn gì xảy ra thì lỗi thuộc về kẻ… mạnh hơn. Nếu ô tô đâm phải người lái xe máy, thì lỗi bao giờ cũng thuộc về xe ô tô. Người lái xe máy sẽ bị lỗi nếu va vào người đi xe đạp hay người đi bộ. Bằng cái cách đơn giản đó ở Việt Nam… hầu như không có tai nạn giao thông. Mỗi người cầm lái cái xe nguy hiểm hơn cho người khác thì phải chú ý hơn. Toàn bộ nỗi bực bội của người lái xe dồn vào việc… bấm còi mà người Việt có trên xe, tiếng còi xe có lẽ ở đây là ồn nhất thế giới.

Ở Việt Nam bạn không có thời gian để làm quen. Người khách du lịch lập tức rơi vào guồng không chỉ của các nguyên tắc giao thông kỳ lạ nói trên mà còn của một loạt các thói quen khác và lối nghĩ hoàn toàn khác. Cả ẩm thực ở đây cũng không giống gì với cái chúng ta biết khi ăn ở các "Cửa hàng ăn đồ Việt Nam" tại Ba Lan, nhưng chúng ta sẽ quay lại đề tài này về sau.

Có 8,5 triệu dân sống ở Thành phố Hồ Chí Minh, phần lớn trong số họ ban ngày ở ngoài phố. Cái nóng ở đây làm cho nhà cửa chỉ dùng để ngủ; buôn bán, phục vụ và các cuộc hẹn hò chủ yếu đều ở ngoài trời.

Cắt tóc ư? Xin mời, chúng tôi có thể cắt trên vỉa hè. Bạn cần sửa móng tay? Sao lại không làm được bên cạnh cái thùng thư kia? Vỉa hè bị hàng chục nghìn (thật đấy) các quầy nhỏ, các quán bar di động, các điểm bán hàng và sửa chữa mọi thứ cần thiết. Trong một hiệu sách tôi nhìn thấy hai cô gái che mặt bằng các quyển sách (họ là người bán hàng, hay khách hàng?), chẳng coi ai ra gì, cứ thế nằm ngủ giữa hai giá bầy sách.

Một số cửa hàng và khách sạn cũng là nơi để chơi, để nghỉ và nơi ngủ của trẻ con khi cha mẹ chúng làm việc tới khuya. Các cuộc chơi tập thể cũng được tổ chức trên vỉa hè, và những người tham gia cứ túm tụm như thế đến tận khuya, đùa với nhau, ăn và uống. Chả ai thấy như thế có gì không bình thường ở đấy cả. Đương nhiên nó phải như vậy, thế thôi.

Ở thành phố lớn nhất Việt Nam này cuộc sống luôn sôi động và mặc dù việc hai miền chia cắt đã chấm dứt từ lâu, ta vẫn cảm thấy ở đây những thứ còn lại của bầu không khí của thời xưa. Các tòa nhà nghiêm trang xây theo kiểu tân nghệ thuật vẫn mang lại cho thành phố cái kiểu không lẫn được của ngày xưa, thời thuộc địa.

Chằng chịt mạng dây điện

Cái này chỉ thấy ở Việt Nam. Các đường dây diện chạy trong các phố theo một lối độc đáo. Trông nó như trong giấc mơ của một anh thợ điện khùng. Hàng trăm dây điện chăng lên các cột chả khác gì bộ râu rối bời, tạo ra một mạng nhện khổng lồ các dây điện trên các phố. Hàng kilomet dây điện chằng chịt đến mức không thể hơn cấp điện cho hàng ngàn bóng đèn loại tiết kiệm điện sáng suốt ngày không biết để làm gì. Và làm thế nào mà mọi thứ có thể hoạt động trong bầu không khí như dính lại vì độ ẩm như thế này, đây quả là một điều bí mật của các tác giả công trình đó. Điều quan trọng nhất là nó đang hoạt động. Bản thân người Việt Nam chắc cũng biết sự đặc biệt của giải pháp trên và họ còn bán các áo phông in hình mạng dây điện chằng chịt đó. Nếu không thể làm gì để thay đổi chúng, thì phải chấp nhận hay dùng nó để tạo ra một giá trị khác.

Hãy còn một biểu tượng nữa của các thành phố lớn ở vùng đất này của thế giới. Đó là các ngôi nhà hình ống. Nó hẹp và sâu đến mức không thể hình dung nổi, các ngôi nhà trông như các thanh sô-cô-la xếp đứng cạnh nhau. Ấy là do tiết kiệm. Phần đất đắt nhất trông ra phố, vậy phía trước nó phải chiếm ít chỗ nhất.

Trung tâm thành phố Hồ Chí Minh đang dần dần học theo các thành phố lớn của châu Á, và các kiến trúc cũ đang dần dần nhường cho các nhà văn phòng chọc trời hiện đại. Năm 2010, tòa nhà Bitexco Financial Tower khánh thành đã vươn lên cao nhất thành phố, nó là tòa nhà cao thứ hai của Việt Nam với độ cao 258 m.

– Ông có thấy có gì là chủ nghĩa cộng sản ở đây không? – người hướng dẫn của tôi hỏi. Và thực sự khó mà tìm ra dấu vết nào của ngôi sao đỏ hay biểu tượng búa liềm đặc trưng cho chế độ đó ở đây. Các biển hàng bằng tiếng Anh hay các mác hàng xa xỉ còn dễ tìm thấy hơn.

Nếu ngắm qua cửa sổ toàn cảnh thành phố được chiếu sáng và nơi trực thăng đỗ ở mức hơi thấp hơn sàn của câu lạc bộ một tý, bạn dĩ nhiên sẽ cảm thấy cái thời chủ nghĩa xã hội kinh điển ở Việt Nam giờ chỉ còn là quá khứ. Ở thành phố Hồ Chí Minh bây giờ chả thiếu các khách sạn, các câu lạc bộ và nhà mát-xa sang trọng cũng như các thú vui xa xỉ.

Điểm hấp dẫn nhất của thành phố vẫn là các quán ăn nhỏ. Ở đó có thể ăn mọi thứ có trong ẩm thực độc đáo của Việt Nam. Từ hải sản, món phở gà đến món lẩu tim gan hay món vú dê nướng. Ở khắp nơi có thể uống hai loại bia địa phương phổ biến nhất là bia "333" (phát âm là: ba ba ba, vậy rất dễ nhớ) hay bia "Saigon".

Bạn cũng nên thử uống cà phê. Họ pha bằng một loại „ấm” đặc biệt để trên một chiếc cốc thủy tinh đựng sữa đặc. Lúc cà phê đã nhỏ giọt hết vào cốc, tất cả được đem đổ sang một cốc to đầy đá vụn. Và dù là thành phố Hồ Chí Minh hấp dẫn cả ngày lẫn đêm, nhưng ở đây bầu không khí là thú vị nhất là vào buổi tối, khi ngồi trong một quán nhỏ trên phố ấy.

Dấu vết của cuộc chiến

Thành phố sôi động này vẫn nhớ rõ quá khứ của mình. Tòa nhà xấu xí, trải rộng của Dinh Độc lập, trước đây là phủ Tổng thống của NamViệt Nam giờ trở thành nhà bảo tàng.

Nó nằm ở trung tâm thành phố, chung quanh là vườn và được xây trên mảnh đất dinh thự cũ của Toàn quyền Pháp hồi nửa sau của thế kỷ XIX. Năm 1954, khi chính quyền thực dân Pháp rời Việt Nam, ông tổng thống Ngô Đình Diệm đã ở đây. Nhưng vào năm 1962 tòa nhà bị phá hỏng trong một cuộc đảo chính và bị không quân NamViệt Nam ném bom.

Dinh Thống Nhất bây giờ được xây xong vào năm 1966, tác giả thiết kế hiện đại này là một kiến trúc sư Việt Nam ông Ngô Việt Thụ học ở Pháp. Trong khu vườn của dinh vẫn còn hai chiếc xe tăng hôm 30/4/1975 đã đâm đổ chiếc cổng sắt của dinh, mở màn cuộc tấn công cuối cùng vào trụ sở chính phủ miền Nam Việt Nam. Sài Gòn đã đầu hàng và nhà lãnh đạo cuối cùng của Nam Việt Nam, tướng Dương Văn Minh đã bị bắt, đánh dấu thắng lợi cuối của miền Bắc Việt Nam cộng sản và công cuộc thống nhất đất nước.

Ở dưới lòng đất của dinh, nếu có thể gọi cái khối bê tông to này là một dinh thự, tôi đã tham quan các boongke ngầm, nơi trước đây là trung tâm điều hành cuộc chiến. Toàn bộ cảnh vật và trang thiết bị của dinh này vẫn không có sự thay đổi gì kể từ ngày miền Nam đầu hàng.

Cho đến nay người ta vẫn còn giữ lại được phòng tiệc trang trí rất đẹp, buồng làm việc của tổng thống và phòng hội nghị. Ở tầng cao nhất có thể nhìn thấy một phần phòng nhảy với một quầy rượu rộng và sàn nhảy. Dinh này không nhất thiết là điểm phải đến tham quan khi đến thành phố Hồ Chí Minh, nhưng cũng nên xem qua, dù chỉ một tý để cảm nhận bầu không khí của một thời đã qua.

Gần dinh bạn có thể nhìn thấy tòa nhà sứ quán Mỹ cũ mà bạn từng thấy qua hàng trăm bức ảnh. Vào những giờ phút cuối cùng trước khi quân đội Bắc Việt Nam chiếm Sài Gòn, ở đây đã diễn ra cuộc di tản của đông đảo các binh sỹ, nhân viên dân sự và nhân viên chính quyền Mỹ và Nam Việt Nam. Trong thời gian chiến dịch di tản kéo dài mười chín tiếng, 81 trực thăng của không quân Mỹ đã chở đi 1373 người Mỹ và 5595 người Việt, trong đó có đến hơn hai nghìn người được chở đi từ sân và mái của tòa sứ quán này. Đây là chương cuối cùng của cuộc chiến kéo dài suốt 16 năm, kết thúc bằng chiến thắng của miền Bắc Việt Nam cộng sản.

Nhưng trên hết, như trong chủ nghĩa xã hội, có một sức mạnh cao nhất ngự trị. Và đây không phải nói về các nhà lãnh đạo của dân tộc đâu. Người Việt bắt đầu mỗi ngày bằng cuộc nói chuyện với tổ tiên đã khuất, vì chính tổ tiên đang phù hộ cho ngày hôm nay. Ở mỗi cửa hàng, khách sạn, khắp nơi đều có bàn thờ tổ tiên. Họ thắp hương, đặt các lễ vật, chủ yếu là hoa quả ở đó (đã có trường hợp các khách du lịch không biết cư xử đã nhặt quả ở đấy để ăn).

Cũng không có hại gì nếu bạn đến Chùa Bà Biển, nơi mà bỏ ra vài đồng bạn có thể thắp hương mà những người phục vụ treo dưới mái chùa.

Đấy mới chính thực là Sài Gòn, à tôi xin lỗi, là thành phố Hồ Chí Minh.

NHV (theo Onet.pl)

*

*

*

Sửa lần cuối 2016-12-22 22:22:37

Bình luận

Bình luận qua Facebook