2018-04-26 12:35:58

Hà Tĩnh - Cảnh sắc, con người với những vần thơ điệu hát

Nằm giữa ba dãy núi lớn Trường Sơn, Hồng Lĩnh và Hoành Sơn, phía đông giáp biển, phía bắc giáp sông Lam, Hà Tĩnh là một mảnh đất nhỏ bé của Bắc Trung Bộ. Là vùng “mưa thối đất, nắng đỏ trời”, quanh năm bão lụt với gió Lào, nhưng con người nơi đây lại cứng cỏi, kiên cường, chân thật, đầy tình nhân ái, thiết tha yêu quê hương và luôn sống yêu đời với các làn điệu dân ca trữ tình mang âm hưởng mượt mà của các câu hò điệu ví. Dân ca Ví Giặm Nghệ Tĩnh vinh dự được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Hà Tĩnh cũng là quê hương của bao danh nhân nước Việt xứng đáng là vùng “địa linh nhân kiệt”.

Hai tiếng núi Hồng sông Lam mãi là biểu tượng thân thương của mảnh đất và linh hồn con người Hà Tĩnh:

Bao giờ ngàn Hống hết cây, sông Lam hết nước thì đó với đây mới hết tình” (Ca dao)

Sông Lam quấn quýt núi Hồng, nên chi con cò trắng cũng phải lòng câu ca” (Lê An Tuyên)

Núi Hồng sông Lam. Ảnh baohatinh.vn


Tương truyền rằng xưa kia khi mới khai thiên lập địa, Hồng Lĩnh có 99 đỉnh núi, không đủ cho 100 con phượng hoàng đỗ, nên bầy chim đã bay đi, vì thế các vua Hùng không chọn nơi đây làm kinh đô cho nước Văn Lang. Trong 99 đỉnh có một đỉnh gọi là Ngọn Sư Tử, tuyệt tác linh thiêng được xếp vào danh sách 21 danh thắng của nước Nam khi xưa và được coi là biểu tượng thiên nhiên của Việt Nam từ đời Minh Mạng.


Hà Tĩnh là nơi được thiên nhiên ban tặng nhiều cảnh đẹp kỳ vĩ làm xao lòng các tao nhân mặc khách từ xưa tới nay với không ít các thi phẩm nổi tiếng còn để lại.

Sau đây là bài thơ thất ngôn bát cú vần trắc VỊNH LÀNG CHẾ rất độc đáo của vua Lê Thánh Tông, vị vua có tâm hồn thi sĩ:

Bóng ác non đoài, ban xế xế,
Bỗng đâu đã tới miền Tam Chế.
Mênh mang khóm nước nhuộm màu lam,
Chận ngất đỉnh non lồng bóng quế.


Chợ họp bên sông gẫm có nhiều,
Thuyền bày trên đất xem nhiều thế.
Cảnh vật bằng đây họa có hai,
Vì dân khoan giản bên tô thuế.


Làng Tam Chế thuộc huyện Nghi Xuân là một cảnh đẹp sơn thủy hữu tình, trên bến dưới thuyền của núi Hồng sông Lam. Năm 1470 khi vua Lê Thánh Tông tiến quân vào dẹp giặc Chiêm Thành, dừng quân tại đây, thấy dân tình nghèo đói vua đã miễn thuế cho dân trong 3 năm.


Đền Chợ Củi hay còn gọi là Đền Ông Hoàng Mười thuộc xã Xuân Hồng, nằm tựa lưng vào núi Khu Độc nhìn xuống sông Lam, là một trong những danh thắng ở Nghi Xuân và là điểm du lịch văn hóa tâm linh. Đền được xây dựng theo kiểu chữ tam gồm ba tòa: Tam tòa Thánh Mẫu, tiếp đến là Ngũ Vị Tôn Ông, sau đó là cung Hoàng Mười.

Thánh ông Hoàng Mười là một vị thánh với những truyền thuyết khác nhau, nhưng lại được gắn với các nhân vật có thật trong sử sách. Một số câu chuyện ghi lại rằng Thánh ông Hoàng Mười là con của Đức vua cha Bát Hải Động Đình đầu thai thành tướng Lê Khôi dưới triều Lê. Truyền thuyết khác lại nói ông là con của Đức vua cha Long Hải Đại Đình đầu thai vào tướng Nguyễn Xí giúp dân dẹp giặc, xây dựng cuộc sống phồn vinh cho dân. Giả thuyết thứ ba cho rằng Ông Hoàng Mười chính là Uy Minh Vương Lý Nhật Quang, con trai của Lý Công Uẩn, cai quản châu Nghệ An. Đáng tiếc là cho đến nay vẫn chưa có câu trả lời Ông Hoàng Mười là ai. Dù ông Hoàng Mười là ai thì đối với dân ông là con người có chí khí nam nhi, anh hùng ngang dọc, có tài văn võ và trí dũng hơn người, ông biết lo nghĩ cho cuộc sống của dân chúng, không ham danh lợi. Đền thờ ông Hoàng Mười là nơi rất linh thiêng, mọi người đến cầu nguyện thường được ông linh ứng phù hộ. Hội đền được tổ chức vào ngày 10 tháng 8 Âm lịch.

Một đoạn trong bài DÂNG VĂN ĐỨC THÁNH HOÀNG MƯỜI (thể Hát Chầu Văn):

Cành hồng thấp thoáng trăng thanh,
Nghệ An có đức thánh minh ra đời.
Gươm thiêng chống chỉ đất trời,
Đánh Đông, dẹp Bắc việc ngoài binh nhung.
Thanh xuân một đấng anh hùng,
Tài danh nổi tiếng khắp vùng Trời Nam.
Hai vai nặng gánh cương thường,
Sông Lam sóng cả , buồm dương một chèo.


Phía trước Đền Chợ Củi là Tam quan và dòng sông Lam thơ mộng. Ảnh Đạo Mẫu VN


Chùa Hương Tích (Hương Tích Cổ Tự) gắn liền với các sự tích và truyền thuyết hoá Phật của công chúa Diệu Thiện (Bà Chúa Ba), con gái út của Sở Trang Vương bên Tàu. Nàng bị vua cha ruồng bỏ, chạy sang nước Việt Thường (đất Hà Tĩnh và Nghệ An trước thời các vua Hùng) để tu hành, đạt chính quả trở thành Phật Quán Âm. Hàng năm cứ đến ngày công chúa Diệu Thiện hoá Phật 18/2 Âm lịch, nhà chùa mở hội chính, thu hút nhiều khách thập phương vượt sông, trèo núi đến nơi đây để chiêm bái.


Phong cảnh chùa Hương Tích - Hà Tĩnh.


Trong chuyến thăm chùa năm 1794, La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp ghi lại sự tích trên trong bài thơ:

Hương Tích ngôi chùa đời Trần

Dựng trên ngọn núi đẹp nhất Ngàn Hống

Am cũ còn lưu lại đá trắng

Nền Trang Vương xưa chỉ những thông xanh

(Thái Kim Đỉnh dịch nghĩa)

Chùa nằm ở độ cao 650m so với mặt nước biển, tọa lạc trên lưng chừng đỉnh Hương Tích thuộc huyện Can Lộc, một trong những ngọn núi đẹp nhất của dãy núi Hồng Lĩnh, được xây dựng từ đời Trần thế kỷ XIII. Chùa được phong danh hiệu Hoan Châu đệ nhất danh thắng trong hàng 21 thắng cảnh nước Nam xưa kia. Hoan Châu là tên dải đất Hà Tĩnh Nghệ An, vùng địa đầu phía nam của Đại Cồ Việt từ thời Đinh - Tiền Lê. Chùa nằm sâu trong những bóng cây chen pha giữa các bông hoa dại, mây mù bao phủ tạo nên một khung cảnh huyền ảo mang vẻ đẹp tâm linh của người Việt xưa. Chùa có kiến trúc với nhiều hạng mục linh thiêng như am Diệu Thiện, am Bát Cảnh, thần Hổ Trắng, thác Giải Oan, khe Quỷ Khốc, động Nàng Tiên…Trong một không gian tĩnh lặng yên ả du khách như được thoát khỏi cảnh trần tục bộn bề, thư giãn đắm chìm vào chốn thiền môn. Để vãn cảnh chùa Hương Tích du khách có thể đi bộ hoặc đi thuyền.


Bài thơ BỖNG NHỚ CHÙA HƯƠNG TÍCH của Thái Thuận, phó nguyên suý Tao Đàn của Lê Thánh Tông vịnh cảnh Hương Tích Cổ Tự:

Khe suối đá gập ghềnh

Dấu Quan Âm ẩn náu

Am Thánh Mẫu tu hành

Biết gì ngoài mây rũ

Muôn thuở tiếng Châu Hoan


Hiện nay ở nước ta có 2 Chùa Hương Tích. Nhưng Chùa Hương ở Hà Nội chỉ là một "phiên bản" của chùa Hương Tích trên núi Hồng Lĩnh. Vào thời vua Lê chúa Trịnh các phi tần, mỹ nữ mỗi lần đi trẩy hội vào tận Hà Tĩnh, xa như vậy khiến chúa Trịnh rất phân vân. Do đó chúa Trịnh mới nhờ một vị hòa thượng xác định địa điểm ở miền rừng núi gần Hà Nội để xây chùa Hương Tích thứ hai (vào cuối thế kỷ XVII) để thờ vọng và để các “người đẹp” đi trẩy hội gần hơn (theo dẫn giải của ông Bùi Văn Nguyên, nguyên tổng thư ký Hội Văn nghệ dân gian VN).


Núi Quỳnh Viên ở Cửa Sót huyện Lộc Hà là một danh thắng thiên nhiên đẹp nhất của Hà Tĩnh, núi non biển trời hài hòa với nhiều khe suối, hang động đẹp mê hồn như: khe Mưa Dông, ao Tăm… Đền Chiêu Trưng còn gọi là Đền Vũ Mục thờ danh tướng Lê Khôi, khai quốc công thần của nhà Lê. Năm 1446, ông vâng lệnh vua cầm quân đi đánh Chà Bàn, bắt sống quốc vương Chiêm là Bí Cai đem về. Khi qua Cửa Sót ông bất ngờ lâm bệnh nặng và mất. Trước cửa đền có ghi đôi câu đối ca ngợi công đức của người trung liệt và sự linh thiêng của vùng đất này như sau:

Linh thiêng của người luôn phù hộ cho dân Cửa Sót

Ân huệ đó được dân ở đây bảo vệ và giữ yên phần mộ cho Người (dịch từ chữ Hán).


Phía đông Đền là nhà bia khắc bài thơ nôm của vua Lê Thánh Tông:

Dẹp yên tám cõi mới buông tay

Rỡ rỡ thiên tinh một đoá mây

Tể tướng bếp tàn, mai lạnh vạc

Tướng quân dỉnh vắng, biểu chau mày


Phong lưu, phú quý ba đời thấy

Sự nghiệp công danh bốn bể đầy

Thương ít, tiếc nhiều, bao xiết kể

Miếu đường hồ dễ cột nào thay...


Hàng năm vào ngày 1-3 tháng 5 Âm lịch là ngày giỗ và hội đền Chiêu Trưng. Cách đền Chiêu Trưng đại vương không xa là đền Thánh Mẫu và đền Ngư Ông hợp lại thành một quần thể di tích thắng cảnh độc đáo vùng Quỳnh Viên - Nam giới - Cửa Sót.

Quỳnh Viên là tên cổ nhất của cửa biển núi Nam Giới có từ thời xa xưa. Vua Lê Thánh Tông trong một lần xa giá đến vùng Cửa Sót có để lại bài thơ vịnh cửa biển này, trong đó có câu:

Di miếu man truyền kim Vũ Mục

Danh sơn do thuyết cổ Quỳnh Viên

(Dịch: Ngôi miếu còn lại ngày nay truyền rằng đó là miếu thờ Vũ Mục. Ngọn núi danh tiếng thì có núi Quỳnh Viên xưa).


Trong bài thơ NGÀY XUÂN NHỚ CẢNH NHỚ NGƯỜI XƯA của Tản Đà có khổ thơ ghi lại kỷ niệm của nhà thơ khi qua Cửa Sót:

Qua Thanh Hóa, vừa tối vô Vinh

Một đêm ngủ lại Hoan Thành
Nẻo sang Hà Tĩnh: sông Gianh non Hồng

Nước núi Sót mát lòng ưu ái
Trận mưa thu đầm tưới quan san…


 Chùa Quỳnh Viên. Ảnh Người Phật tử.com


Quỳnh Viên cũng là nơi lưu lại truyền thuyết như sau: Cặp đôi công chúa Tiên Dung con vua Hùng thứ ba cùng chồng là chàng trai Chử Đổng Tử yêu nhau, nhưng không được nhà vua ưng thuận nên bị đuổi đi, khi ghé qua đây buôn bán đã gặp một nhà sư trẻ Ấn Độ tên là Phật Quang. Được nhà sư độ nên đã khai ngộ, theo học Phật và được nhà sư tặng cho cái nón thần và cây gậy thần. Quỳnh Viên là địa điểm thứ 3 được Phật Giáo truyền bá vào nước ta, sau Tây Thiên Vĩnh Phúc và Đồ Sơn Hải Phòng. Có thể nói Đạo Phật đã du nhập vào Việt Nam rất sớm, từ thời Hùng Vương, trước Công nguyên.


Đèo Ngang trên đỉnh Hoành Sơn là một cảnh đẹp kỳ thú nằm ở Kỳ Anh, huyện cực nam của Hà Tĩnh. Nơi đây hiện nay còn lưu lại một di tích là cửa ải Hoành Sơn Quan, dấu vết biên giới phía nam của đất Đại Việt và Chiêm Thành xưa.

Hoành Sơn Quan. Ảnh internet


Vua Lê Thánh Tông có bài thơ QUA ĐÈO NGANG như sau:

Bãi thẳm ngàn xa, cảnh vắng teo,
Đèo Ngang lợi bể, nước trong veo.
Thà là cúi xuống, cây đòi sụt,
Xô xát trông lên, sóng muốn trèo.
Lảnh chảnh đầu mầm, chim vững tổ,
Lanh chanh cuối vũng cá ngong triều.
Cuộc cờ kim cổ chừng bao nả,
Non nước trông qua vẫn bấy nhiêu.


Nhưng bài thơ QUA ĐÈO NGANG của bà Huyện Thanh Quan cảm tác trước cảnh thiên nhiên huyền ảo vẫn để lại nhiều cảm xúc hơn:

Bước tới Đèo Ngang bóng xế tà

Cỏ cây chen lá, đá chen hoa

Lom khom dưới núi tiều vài chú

Lác đác bên sông rợ mấy nhà

Nhớ nước đau lòng con quốc quốc

Thương nhà mỏi miệng cái gia gia

Dừng chân đứng lại trời non nước

Một mảnh tình riêng ta với ta


Thác Vũ Môn là địa danh được nhiều người mong tìm đến khám phá. Từ độ cao gần 1.300m so với mực nước biển, thác Vũ Môn tựa như một dải lụa mềm trắng tuyệt đẹp vắt qua núi Giăng Màn thuộc dãy Trường Sơn ở huyện Hương Khê đổ xuống với tiếng nước ngân vang khắp một vùng. Cảnh quan nơi đây trở nên huyền bí và kỳ vĩ bởi truyền thuyết hàng năm cá chép thi vượt thác để được hóa rồng mà dân gian đúc kết thành ca dao "Mồng bảy cá đi ăn thề/ Mồng tám cá về vượt thác Vũ Môn".


Thác Vũ Môn. 


Đền thờ Thánh Mẫu Nguyễn Thị Bích Châu là điểm đến tâm linh từ xưa. Ngôi đền được xây dựng hơn 600 năm trên một bãi đất pha cát biển rộng chừng 4.500m2 dưới chân núi Ô Tôn tại xã Kỳ Ninh (Vũng Áng), huyện Kỳ Anh thờ bà Nguyễn Thị Bích Châu là cung phi của vua Trần Duệ Tông. Bà là một cung phi nhan sắc diễm lệ, giỏi văn chương, thi phú, thạo âm nhạc cùng với một trí tuệ minh mẫn.

Giữa thời buổi loạn lạc, triều cương ngày càng sa sút, chính sự đổ nát, nhân tài không được trọng dụng, nịnh thần lộng hành… bà đã dâng một áng văn thông tuệ “Kê Minh Thập Sách” (Tiếng gà gáy sáng - Mười kế sách) lên nhà vua nhằm khuyên can Trần Duệ Tông củng cố đất nước, nhưng nhà vua không nghe, dẫn đến kết cục bi thảm: nhà vua bị tử trận, bà Bích Châu phải hy sinh trong khi giao tranh với quân Chiêm Thành tại Kỳ Anh. Bà được nhân dân trong vùng an táng, lập đền thờ tại đây và được Vua Lê Thánh Tông phong là “Chế thắng Phu nhân” năm 1471. Đền thờ bà Nguyễn Thị Bích Châu được xếp hạng là Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh cấp quốc gia. Để ghi nhận công lao của bà trên tấm bia trước cửa đền có đôi câu đối:

Kê minh thập sách, trí tuệ thánh hiền truyền lưu phù nước Việt,

Chế thắng phu nhân, ơn mẹ dài lâu gìn giữ giúp Nam dân”


Kê Minh Thập Sách là một áng văn chính trị cổ xưa của nước ta, bao gồm những vấn đề trọng đại của đất nước: chính trị - văn hóa - quân sự - giáo dục, và thực chất là một chính sách toàn diện nhằm cải tổ bộ máy nhà nước chuyên chế trên cơ sở mầm mống phôi thai của tinh thần dân chủ để giữ gìn đất nước mà cho đến nay vẫn còn giá trị:

1. Bền gốc nước, trừ kẻ bạo thì dân chúng được yên.

2. Giữ nếp xưa, phiền nhiễu nên bỏ thì triều cương không rối.

3. Ngăn kẻ lạm quyền để trừ mọt nước.

4. Loại bọn quan tham nhũng để bớt vơ vét của dân.

5. Chấn chỉnh học hành, lễ nghĩa cho sáng tỏ đất trời.

6. Mong nghe được lời nói thẳng, mở rộng cửa ngôn luận như mở rộng cửa thành.

7. Chọn quân thì nhằm vào dũng lực, không nhằm vào vóc dạng cao lớn.

8. Chọn tướng trước nên lựa người thao lược sau mới đến là bậc thế gia.

9. Khí giới cốt tinh nhuệ hơn là lòe loẹt.

10. Tập trận pháp cần chỉnh tề không cần múa nhảy.


Đền thờ Chế Thắng Phu Nhân Nguyễn Thị Bích Châu. Ảnh internet


Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất nghèo đói không ai lại không bồi hồi khi nhớ về những kỷ niệm thân thương của chuỗi ngày niên thiếu. Tác giả Hoàng Quang đã gửi gắm tâm tư của mình vào những vần thơ sau:

DUYÊN NỢ NGHI XUÂN:

Đất Nghi Xuân cảnh đẹp tám nơi
Hùng vĩ Hòn Ngư sóng vỗ trùng khơi
Ngàn Hống thông reo muôn đời sừng sững
Lam Giang “răng là trong là đục, nhục vinh cuộc đời!”

Một miền quê địa linh nhân kiệt
Câu ca Kiều kẽo kẹt võng mẹ ru
Ba trăm năm sau nào ai nhớ Nguyễn Du?
Mối tình chàng Kim còn nợ hoài nhân thế!
 
Uy Viễn tướng công một thời ngạo nghễ
Văn võ kiêm toàn, ca khúc Ả Đào xưa
Chợ Giang Đình khoai sắn cà dưa
Ngọt giọng ca dao câu đò đưa ví dặm!

Bến Đan Nhai ngược xuôi buồm nâu thắm
Gỗ tre nứa chè từ ngàn về, cá mắm hạ bạn gửi lên
Chợ Huyện đông vui một tháng sáu phiên
Em cùng mẹ quen quen đường cái quan ngày ấy
 
Đan Trường em ơi! một thời xa ngái
Đi học về rảo bước bên nhau
Cát nóng bỏng chân, gió vút rặng phi lao
Ta lớn lên với nhịp đời trong trắng
 
Anh đến với em vì tình sâu nghĩa nặng
Vẫy gọi con tim từ thưở xa xôi về
Một thoáng mộng mơ khi chưa nguyện câu thề
Tạc dạ ghi lòng dấu yêu hình em gái nhỏ

Một thời đã qua nay đây mai đó
Cuộc đời này còn được bao lâu
Mối tình này xin dành tặng cho nhau
Ngâm mấy vần thơ ru nhau vào mộng đẹp...


Nghi Xuân bát cảnh là quê hương của 2 danh nhân lớn của đất nước.

Đại thi hào Nguyễn Du, danh nhân văn hóa thế giới. Mặc dù thi đỗ và từng ra làm quan, nhưng Nguyễn Du lại được hậu thế đánh giá cao qua sự nghiệp văn chương. Là một nhà Nho nhưng ông lại rất thấm nhuần triết lý Phật giáo:

Đã mang lấy nghiệp vào thân

Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa

Thiện căn ở tại lòng ta

Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài.(Truyện Kiều)

Những trước tác của ông để lại có thể kể đến: Thanh Hiên thi tập, Nam Trung tập ngâm, Bắc hành tạp lục (chữ Hán); Văn tế thập loại chúng sinh và Truyện Kiều (chữ Nôm). Đặc biệt là kiệt tác TRUYỆN KIỀU với 3.254 câu thơ lục bát được dịch ra nhiều thứ tiếng và trở thành tài sản văn học của thế giới. Ở miền quê Hà Tĩnh ngày xưa các cụ ông cụ bà tuy không biết chữ nhưng họ đều thuộc Kiều. Họ ngâm Kiều, lẩy Kiều, bói Kiều trong lúc rỗi rãi hay sau những buổi đi làm đồng về. Câu ca Kiều cũng được các bà mẹ hát ru con văng vẳng trưa hè.


Khu lưu niệm Nguyễn Du tại xã Tiên Điền Nghi Xuân là một di tích văn hóa nằm trong quần thể công trình kiến trúc thờ tự, tưởng niệm Nguyễn Du cùng những bậc tài danh kiệt xuất của dòng họ Nguyễn Tiên Điền, nơi lưu giữ nhiều tài liệu, hiện vật gốc quý liên quan trực tiếp đến cuộc đời và sự nghiệp của Đại thi hào cùng dòng họ.Tháng 12 năm 1964, Hội đồng Hoà Bình thế giới đã khuyến nghị lấy năm 1965 là năm Kỷ niệm 200 năm ngày sinh Nguyễn Du trên toàn thế giới (cùng với 8 danh nhân khác đã có công đóng góp lớn cho nền văn hoá nhân loại).


Khu lưu niệm Đại thi hào Nguyễn Du. Ảnh Hà Tĩnh điện tử


Sau đây là bài thơ GIÓ NGÀN HỐNG vịnh cảnh quan huyện Nghi Xuân của nhà thơ Trần Mạnh Hảo:

Gió Ngàn Hống thổi vênh trời Hà Tĩnh
Chín mươi chín cột kê làm núi đỡ trời
Sông Lam vẫn ú tim cùng Hồng Lĩnh
Bến Giang Đình cát bụi hú mù khơi

Hỡi miền Trung những cồn mây tích bão
Đất nằm nghe đá núi rúc tù và
Câu ví giặm hóa xương rồng níu áo
Nước đêm nào đau khản tiếng Sông La


Nhớ miền Trung tìm Nguyễn Du tôi khát
Sóng Nam Đài trằn trọc cát Thanh Hiên
Ngàn Hống thở hồng trần bay lục bát
Thúy Kiều ơi bầm nát gió Tiên Điền


Hồn Tố Như còn u u Ngàn Hống
Trăng tìm về Hà Tĩnh uống cuồng phong
Núi vẫn gõ lên trời trăm dùi trống
Đất âm âm mời cát ngủ yên lòng...


Uy Viễn tướng công Nguyễn Công Trứ.



Từ bé sống trong cảnh nghèo khổ nhưng cậu bé Củng đã nuôi ý tưởng làm nên nghiệp lớn: “Đã mang tiếng ở trong trời đất/ Phải có danh gì với núi sông”.

Ông là một nhà chính trị tài ba, văn võ kiêm toàn, người có công giúp dân lấn biển khai phá mảnh đất Tiền Hải ở Thái Bình và Kim Sơn ở Ninh Bình đầu thế kỷ XIX với tư cách Doanh điền sứ, ông đề xuất lập nhà học, xã thương ở nông thôn nhằm nâng cao dân trí và lưu thông hàng hóa.

Cuộc đời và sự nghiệp của ông gặp nhiều sóng gió tai ương chua chát, nhưng khí phách ngang tàng đầy tính lãng mạn của ông được thể hiện qua bài thơ CÂY THÔNG:

Ngồi buồn mà trách ông xanh,
Khi vui muốn khóc, buồn tênh lại cười.
Kiếp sau xin chớ làm người,
Làm cây thông đứng giữa trời mà reo.
Giữa trời, vách đá cheo leo
Ai mà chịu rét thời trèo với thông.

Chân dung Nguyễn Công Trứ. Ảnh Internet

Nguyễn Công Trứ nổi tiếng là vị quan thanh liêm, tài trí hơn người nhưng có lối sống tự do và vô cùng ngang tàng, ngạo mạn. Lúc làm quan to, lúc bị hạ chức làm lính lệ nhưng vẫn khí phách “làm tướng không vinh, làm lính không nhục”:

Nào nào! Thằng nào sợ thằng nào

Đã sa xuống thấp lại lên cao.


Nguyễn Công Trứ là một danh nhân đối với lịch sử và dân tộc, còn đối với đời thường ông là một cá nhân văn hóa khác người. Ông nói chẳng quân thần phụ tử đếch ra người, nhưng sự thực ông dấn thân là vì sự sống, vì trách nhiệm. Với triết lí sống này, ông tự chứng tỏ một tâm hồn cao thượng, một cuộc sống thanh bạch, khác xa với mọi người. Ông được người đời tặng danh hiệu “ngông thấu trời xanh”, “danh sĩ ngạo đời”, song ông lại rất say mê hoạt động cho sự nghiệp, làm lợi cho dân cho nước và vì cả lối sống không giống ai của mình.


Nguyễn Công Trứ coi khinh bọn đạo đức giả, sống chỉ vì cân đai quyền lợi cá nhân mình. Ông thấu hiểu nhân tình thế thái đương thời, ông khinh bỉ và ngán ngẩm nó:

Gớm chết nhân tình thế thái/ Lạt nồng, coi chiếc túi đầy vơi!

Ra trường danh lợi vinh liền nhục/ Vào cuộc trần ai khóc trước cười

Chán chường với chốn quan trường nhưng ông không chán đời, vẫn chịu chơi:

Trời đất cho ta một cái tài

Giắt lưng dành để tháng ngày chơi.


Ông có viết mấy bài về cảnh nghèo của mình: Than cảnh nghèo, Vịnh cảnh nghèo, Phận anh nghèo, Than nghèo. Sống trong cảnh nghèo túng nhưng ông vẫn hy vọng:

Chưa chán ru mà quấy mãi đây,
Nợ nần dan díu mấy năm nay.
Mang danh tài sắc cho nên nợ,
Quen thói phong lưu hóa phải vay.


Quân tử lúc cùng thêm thẹn mặt,
Anh hùng khi gấp cũng khoanh tay.
Còn trời, còn đất, còn non nước,
Có lẽ ta đâu mãi thế này?
(THAN NGHÈO)


Về hưu, ông ung dung đây đó với bầu rượu túi thơ và con bò cái đủng đỉnh. Ông “che miệng thế gian” bằng bài thơ tứ tuyệt viết bằng vôi trên tấm mo cau treo sau mông con bò:

Xuống ngựa lên xe lọ tưởng nhàn,
Lợm mùi giáng chức với thăng quan.
Điền viên dạo chiếc xe bò cái,
Sẵn tấm mo che miệng thế gian.


Ai có thể nghĩ rằng một người như ông có vợ trẻ và cả vợ già hơn tuổi với hàng chục con trai con gái, mà khi về già lại không cửa, không nhà:

Bảy chục về hưu còn ở trọ

Tám tuần góa vợ luống trở già!


Cuộc đời của Nguyễn Công Trứ đầy giai thoại, giai thoại nào cũng cho thấy bản lĩnh sống, bản lĩnh trí tuệ và mang tính bình dân sâu sắc. Có thể nói thơ ông sinh động, giàu triết lý nhân văn nhưng hóm hỉnh, đó là chất thơ có được từ đời sống, lấy đời sống làm cốt lõi. Một trong các bài thơ như vậy GIỠN NHÂN TÌNH:

Tau ở nhà tau, tau nhớ mi

Nhớ mi nên phải bước chân đi

Không đi mi trách: răng không đến?

Đến thì mi nói: đến mần chi

Mần chi ta đã mần chi được
Mần được ta mần đã lắm khi.


Suốt đời vùi đầu với chữ Hán, nhưng thơ ông chủ yếu là thơ nôm, khoảng 150 bài, trong đó phần lớn là thể thơ ca trù. Có thể nói ông là người có công mở ra trường phái ca trù (hát Ả đào). Nguyễn Công Trứ từng nổi danh là kép đàn độc nhất vô nhị của làng ca trù Cổ Đạm, không chỉ là tác giả đặt lời nhiều nhất cho ca trù mà còn là người đã đưa ca trù bước ra khỏi luỹ tre làng để cất tiếng cao sang chốn cung đình.

Lúc còn trẻ khi làm kép đánh đàn trong phường hát làng Cổ Đạm, Nguyễn Công Trứ rất thích cô đào Hiệu Thư vừa đẹp vừa hát hay. Một hôm cùng Hiệu Thư sang thành Vinh hát hầu một thân chủ, giữa cánh đồng vắng vẻ, Trứ chợt thấy cái cơ hội “ngàn năm có một” trong tầm tay, bèn giả vờ bảo mình quên dây đàn ở nhà, liền sai tiểu đồng về lấy. Thừa dịp chỉ có anh với ả giữa đồng không mông quạnh, Trứ bèn ghì chặt nàng vào lòng... Hiệu Thư thẹn thùng, luôn miệng “ứ hự” trước những cử chỉ táo tợn của Trứ... Sau này khi Nguyễn Công Trứ làm Tổng đốc Hải An, ông có tổ chức một buổi hát Ả đào. Tình cờ trong đám đến hát lại có cả Hiệu Thư. Nhận ra “người cũ năm xưa” giờ đã thành danh, nàng bèn hát một câu huê tình để gợi lại chuyện xưa:

Giang sơn một gánh giữa đồng

Thuyền quyên “ứ hự”, anh hùng nhớ chăng?

Kỷ niệm về một tình yêu sôi nổi của tuổi hoa niên đã lay động tâm hồn một khách phong tình, ông bèn nối lại mối tình xưa với Hiệu Thư, bất chấp tuổi tác của nàng:

Trăng xế nhưng mà cung chẳng khuyết

Hoa tàn song lại nhụy càng tươi

Chia đôi, duyên nọ đà hơn một

Mà nét xuân kia vẹn cả mười.


GS Vũ Ngọc Khánh nhận xét: Cái văn hóa của ông Trứ là của riêng ông, ông không tuân theo kỉ cương nào cả. Thì đây chính là “cái chơi” rất độc đáo, rất văn hóa mà Nguyễn Công Trứ gọi là hành lạc. Nhiều ông đạo mạo không hiểu được, thường chê ông Trứ về điều này. Nhưng chính ông đã giải thích:

Thôi thôi chơi cũng là chơi vậy

Biết mùi chơi chưa dễ mấy người

Hoặc:

Cuộc hành lạc bao nhiêu là lãi đấy,
Nếu không chơi thiệt ấy ai bù!
Nghề chơi cũng lắm công phu”



Đền thờ Nguyễn Công Trứ tại huyện Kim Sơn, Ninh Bình


Đền thờ Nguyễn Công Trứ ở Hà Tĩnh, Ninh Bình và Thái Bình đều có điểm chung là được nhân dân xây dựng từ khi ông còn sống nhưng mãi tới những năm đầu thế kỷ 21 thì tượng ông mới hoàn thành và rước về 3 đền. Tất cả 3 ngôi đền đều được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia.


Dân cá gỗ hiếu học. Hà Tĩnh là mảnh đất đói nghèo, hàng năm phải đối diện với bao nhiêu mưa bão, lũ lụt và nắng rát gió Lào khô nóng. Người dân phải một nắng hai mưa vật lộn với thiên nhiên trên mảnh đất khô cằn này mà vẫn không đủ ăn. Tuy thế họ vẫn phải chịu đựng và nỗ lực để sống, vượt mọi khó khăn và rất hiếu học với câu chuyện vui đầy thú vị: Có cậu học trò nghèo làm con cá gỗ để xin bà chủ nhà ít nước mắm chấm cá ăn với cơm hàng ngày để học tập và học giỏi thi đỗ. Danh từ “dân cá gỗ” đáng tự hào và khích lệ hình thành từ đó và mới có chuyện “Ông đồ Nghệ” dung dị mộc mạc nhưng hay chữ. Xin trích một đoạn bài thơ CON CÁ GỖ (khuyết danh):

Cơm hết cá vẫn còn

Ông toàn chan nước mắm

Bạn bè không ai biết

Xong rồi cá vẫn nguyên

Cứ mỗi lần ăn xong

Nhè lúc không ai thấy

Ông bọc lá chuối khô

Giấu cá vào trong tráp

Ông ngày càng học giỏi

Không còn ai chê nghèo

Được ăn cơm với cá

Nhà trọ khối người ghen


Xã Tùng Ảnh huyện Đức Thọ có 18 làng, làng nào cũng có người đậu khoa bảng, làng nào cũng có giáo sư, tiến sỹ. Ở đây người dân không đặt nặng việc học hành để thoát nghèo mà học vì danh dự bản thân. Từ thời Cần Vương đến nay, xã đã sản sinh hơn 1.000 giáo sư, tiến sĩ, trong đó nhiều người đóng góp lớn cho xã hội. Làng Trường Lưu Can Lộc (quê hương của dòng họ nổi tiếng khoa bảng Nguyễn Huy) là một trong những làng hiếu học. Thời kỳ nào làng cũng có người xướng tên trên bảng vàng khoa cử. Sau năm 1945 tới nay, Trường Lưu có gần 50 giáo sư, tiến sĩ và hàng trăm nhà giáo.


Nhiều danh nhân đất Việt lại được sinh ra từ vùng đất nghèo đói này. Ngoài Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ còn có các danh nhân như: gia tộc Nguyễn Huy Oánh, Nguyễn Huy Tự nổi tiếng với Phúc Giang Thư Viện và chuyện thơ Hoa Tiên, Nguyễn Huy Hổ tác giả Mai Đình mộng ký tại làng Bát Cảnh Trường Lưu, danh tướng Nguyễn Biểu, chí sỹ Đặng Tất, Đặng Dung, nhà ngoại giao Phan Huy Ích, nhà cố vấn chiến lược La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp giúp vua Quang Trung, nhà địa lý phong thủy Tả Ao, nhà bác học Phan Huy Chú, danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, chí sĩ Phan Đình Phùng, nhà văn hóa Hoàng Xuân Hãn, nhà tâm lý học Nguyễn Khắc Viện, nhà sử học Trần trọng Kim, nhà văn hóa dân gian Nguyễn Đổng Chi, Luật sư Phan Anh, nhà văn hóa Vũ Ngọc Khánh, TS toán học đầu tiên của Việt Nam Lê Văn Thiêm, TS Vật lý hạt nhân Nguyễn Đình Tứ, các nhà thơ tình nổi tiếng Xuân Diệu, Cù Huy Cận v.v.


Vui thích ca hát để quên đi bao nỗi nhọc nhằn khó khăn là cốt cách của người dân xứ Nghệ. Ví giặm là loại hình nghệ thuật có sức sống mãnh liệt, in đậm bản sắc tâm hồn trong mọi hoạt động của người dân lao động, Ví là lối hát giao duyên ví von đối đáp giữa bên nam và bên nữ, thuộc thể ngâm vịnh bằng cách phổ thơ dân tộc (lục bát, song thất lục bát, lục bát biến thể…). Giặm là thể hát nói bằng thơ 5 chữ, mang tính tự sự, tự tình, giãi bày dí dỏm, khôi hài. Ví giặm còn là nguồn cảm hứng, chất liệu cho các nghệ sĩ đương đại sáng tác những tác phẩm âm nhạc, sân khấu.
Hà Tĩnh là quê hương của nhiều làng văn nghệ nổi tiếng trong vùng như: làng ca trù Cổ Đạm, làng trò Kiều Xuân Liên, làng ví phường vải Trường Lưu, làng sắc bùa Xuân Lam, làng chầu văn Xuân Hồng, làng ví Đan Du, làng giặm Đức Sơn… Làng Cổ Đạm Nghi Xuân là một cái nôi của Ca trù được ghi nhận bởi có những sắc thái riêng hiển hiện trong nhạc điệu lẫn ca từ, rất khác với ca trù đất Bắc. Trước đây Cổ Đạm là nơi có những đào nương ca trù được rước vào Điện Thái Hòa để hát tiến vua. Hiện nay thể loại ca trù vẫn được duy trì bởi các câu lạc bộ và môn ca trù được dạy trong một số trường học để bảo tồn nét văn hóa tinh hoa này cho lớp trẻ.

Hai làng văn hiến Tiên Điền và Trường Lưu ở hai sườn đông và tây núi Hồng Lĩnh đã tạo nên một Hồng Sơn Văn Phái với ba tác phẩm tiêu biểu như Truyện Kiều của Nguyễn Du, Hoa Tiên của Nguyễn Huy Tự và Mai Đình Mộng Ký của Nguyễn Huy Hổ.


Núi Hồng sông Lam cùng các địa danh khác của Hà Tĩnh cũng là nguồn cảm hứng cho nhiều thế hệ nhạc sỹ sáng tác với nhiều tuyệt phẩm sống mãi với thời gian. Có đến hơn 20 bài hát trữ tình viết về Hà Tĩnh. Những giai điệu đậm đà chất giọng của ví giặm, làm nao nao say đắm lòng người như muốn kéo chân người xa xứ về với nơi chôn rau cắt dốn, quê hương thân yêu của mình: Về miền ví giặm giận thương, Hà Tĩnh mình thương, Nơi ấy quê mình, Núi Hồng sông Lam, Thương ơi điệu ví, Ca dao em và tôi, Neo đậu bến quê, Bạn tình ơi, Về Hà Tĩnh người ơi, Duyên nợ Nghi Xuân, Cung đàn Thúy Kiều, Sông La ngày về, Điệu ví giặm là em, Chỉ tại dòng sông đa tình, Câu đợi câu chờ, Gửi sông La, Câu hát quê hương, Em yêu Hà Tĩnh, Ta lại về Nghi Xuân, Tiếng hát Hương Sơn, Mời anh về Hương Sơn, Một khúc tâm tình người Hà Tĩnh, Người đi xây hồ Kẻ Gỗ, Răng anh không về biển chiều ni…


* * *

Mảnh đất Hà Tĩnh tuy nhỏ bé, khô cằn, khí hậu khắc nghiệt, nghèo đói, nhưng đây là nơi cung cấp nhiều hiền tài cho đất nước xứng danh là vùng đất anh hùng, đất thi nhân. Đi suốt từ đầu tỉnh đến cuối tỉnh ta bắt gặp khá nhiều danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử phản ánh nét văn hóa truyền thống của Hà Tĩnh. Song tiếc thay, hiện nay với sự phát triển kinh tế ồ ạt đã ít nhiều làm mất đi vẻ đẹp mà thiên nhiên ban tặng đó. Ngọn Sư tử hùng vĩ trên dãy Hồng Lĩnh đang bị băm nát bởi việc khai thác đá không tiếc tay của các công ty. Bãi biển Vũng Áng bị thảm họa ô nhiễm môi trường biển cực kỳ nguy hiểm do công nghiệp hóa. Những cảnh quan các khu du lịch đang bị xả rác do thiếu ý thức của du khách… Còn lớp trẻ thế hệ “A còng” thì rất ít được dạy và học Truyện Kiều, điều mà học giả Phạm Quỳnh từng cổ súy việc quảng bá chữ Quốc ngữ và dùng tiếng Việt: “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn. Tiếng ta còn, nước ta còn”. Ngay cả đại thi hào Nguyễn Du khi nghĩ đến thân phận của Kiều và của bản thân mình cũng đã lo xa: “Bất tri tam bách dư niên hậu, thiên hạ hà nhân khấp Tố Như” (Ba trăm năm nữa ta đâu biết, thiên hạ ai người khóc Tố Như?).


Quang Lâm


***

Xin mời xem thêm:


-HÀ TĨNH MƯỜI MỘT CÁI NHỨT:

http://trannhuong.net/tin-tuc-41348/ha-tinh-muoi-mot-cai-nhut.vhtm

-NĂM GÀ NGHE TIẾNG GÁY KÊ MINH:

http://trannhuong.net/tin-tuc-42006/nam-ga-nghe-tieng-gay-ke-minh.vhtm

-GỬI VỀ VŨNG ÁNG. Thơ Trần Trương:

http://trannhuong.net/tin-tuc-41324/gui-ve-vung-ang.vhtm


Xin mời thưởng thức 3 ca khúc:


-Ca khúc Ông Hoàng Mười – hát chầu văn:

https://nhac.vn/ong-hoang-muoi-khac-tu-huynh-phan-trong-quynh-soGDDVk

-Bài ca Ngất ngưởng-Nguyễn Công Trứ - ca trù:

https://www.youtube.com/watch?v=4h2n7VFlSis

-MV Răng anh không về biển chiều ni. Sáng tác: Lê An Tuyên, trình bày: Lương Nguyệt Anh

https://www.youtube.com/watch?v=zw1g2Qnqw74



Sửa lần cuối 2018-04-26 10:03:41

Bình luận

Bình luận qua Facebook