2020-11-23 10:51:25

Nhóm máu và Covid-19

-          Vì sao người nhóm máu O lại có xác suất nhiễm Covid-19 thấp hơn các nhóm máu khác?

-          Mối liên quan giữa nhóm máu ABO và mức độ nguy hiểm của bệnh khi nhiễm Covid-19 là như thế nào?

Các nghiên cứu gần đây nhất đã khẳng định xác suất nhiễm Covid-19 phụ thuộc vào nhóm máu của chúng ta.

Ngay từ đầu đại dịch COVID-19, các nhà nghiên cứu đã biết nguy cơ nhiễm coronavirus SARS-CoV-2 ở mỗi người là khác nhau. Một trong những yếu tố làm giảm nguy cơ bị nhiễm là người thuộc nhóm máu O.

Cho đến vài tháng trước đây, điều này vẫn chỉ là giả thuyết. Giả thiết này đã được chứng minh bởi nghiên cứu mới được công bố trong tháng 10 trên tạp chí Blood Advances của Hiệp hội Huyết học Hoa Kỳ.

Các nhà khoa học đã lấy nước Đan Mạch để nghiên cứu. Họ chọn Đan Mạch bởi đây là xã hội tương đối đồng nhất về sắc tộc, được tiếp cận miễn phí với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, y tế. Để xác định mối liên quan giữa nhóm máu và khả năng lây Covid-19, tại Đan Mạch, từ ngày 27/2 đến 30/7/2020, đã có hơn 840.000 người được xét nghiệm PCR. Trong số xét nghiệm này, có hơn 470.000 người xác định được nhóm máu (55,9%). Trong số người đã xét nghiệm, xác định được nhóm máu này, có kết quả:  gần 7.400 người dương tính và hơn 460.000 âm tính. Đa số bệnh nhân (74%) mắc bệnh nhẹ và không phải nhập viện. Nghiên cứu được đối chiếu trên số liệu của 2.200.000 người Đan Mạch đã được phân loại nhóm máu, nhưng không làm xét nghiệm PCR, chiếm 38% dân số Đan Mạch. 

Nghiên cứu chỉ ra, trong số những người có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2, chỉ có 38,4% người nhóm máu O, trong khi nhóm máu này chiếm 41,7% nhóm quần thể nghiên cứu. Nhóm máu O đã gíup 3,3% dân số Đan Mạch không bị nhiễm bệnh.

Tương tự trong dịch SARS 2002-03, các nhà khoa học Hồng Kông cũng đã phát hiện ra nguy cơ nhiễm coronavirus giảm hẳn ở những người có nhóm máu O, những người có nhóm máu A và AB có nguy cơ cao hơn mức trung bình.

Nghiên cứu của công ty xét nghiệm di truyền 23andMe, cũng đã phát hiện ra  những người có nhóm máu O ít có khả năng xét nghiệm COVID-19 dương tính hơn từ 9 đến 18% so với các nhóm máu khác.

Vậy bằng cách nào, các nhóm máu có thể xác định được nguy cơ nhiễm SARS-CoV-2?

 Bề ngoài virus SARS-CoV-2 có phủ cả phân tử protein có nguồn gốc từ các tế bào mà nó đã nhân lên. Chính các protein mà virus mang theo này sẽ quyết định phản ứng của hệ thống miễn dịch trong chúng ta trước sự xâm nhập của virus vào cơ thể.

Những người có nhóm máu A có kháng nguyên loại A trên bề mặt hồng cầu. Đồng thời, ngay từ khi còn bé, trong huyết tương người nhóm máu A đã phát triển các kháng thể kháng B chống lại các kháng nguyên loại B.

Tương tự, nhưng chiều ngược lại: người có nhóm máu B, sẽ có kháng nguyên B trên hồng cầu và kháng thể kháng A trong huyết tương của họ.

Những người nhóm máu O, hồng cầu sẽ không có kháng nguyên A và B, nhưng huyết tương của họ có cả kháng thể kháng A và kháng B.

Người nhóm máu AB, hồng cầu có cả kháng nguyên A và B và do đó huyết tương không có cả hai kháng thể kháng B và kháng A.

Các kháng nguyên kể trên không chỉ có trong máu mà còn có mặt trong các tế bào, biểu bì, mô, niêm mạc, cả nơi bị virus SARS-CoV-2 tấn công.

Vậy thành phần của kháng nguyên và kháng thể trong máu và tế bào biểu mô của chúng ta ảnh hưởng thế nào tới khả năng lây nhiễm coronavirus?

Như đã viết ở trên, virus nhân lên trong tế bào người cùng với protein người đó, và do vậy cùng với kháng nguyên A hoặc B hoặc cả A và B, tuỳ thuộc vào nhóm máu nguời vừa nhiễm. 


Virus được giải phóng từ tế bào của người nhóm máu A có kháng nguyên A.

Virus từ tế bào người nhóm máu B sẽ có kháng nguyên B.

Còn virus từ tế bào người nhóm AB sẽ có cả kháng nguyên A và B.

Chỉ virus từ tế bào của người có nhóm máu O sẽ không có cả hai kháng nguyên: A lẫn B.

Vì vậy, nếu virus đã nhiễm có kháng nguyên A lây sang người có nhóm máu B hoặc O, cơ thể người bị nhiễm sẽ kích hoạt phản ứng phòng vệ rất nhanh nhờ đã có sẵn các kháng thể chống A ngay tại vị trí virus vừa xâm nhập. Các kháng thể này sẽ vô hiệu hóa ngay lập tức kháng nguyên A, đồng thời tấn công virus liên kết với nó, và toàn bộ hệ thống miễn dịch sẽ được kích hoạt, hoạt động hiệu quả ngay tại nơi có virus vừa xâm nhập vào.

Phản ứng tương tự sẽ được kích hoạt bởi virus nhiễm kháng nguyên B ở những người có nhóm máu A hoặc O.

Virus mang cả kháng nguyên A, B sẽ kích thích phản ứng miễn dịch nhanh chóng ở những người có nhóm máu A, B và O cũng theo cách này.

Bằng cách này, những người có nhóm máu O được bảo vệ tốt nhất, bởi hệ miễn dịch ở người nhóm này luôn chống lại virus lây từ những người có nhóm máu A, B và AB. Tất nhiên, nếu bị lây từ người khác có cùng nhóm máu O, thì cơ chế này không hữu hiệu. Khi đó hệ miễn dịch sẽ phản ứng chậm và kém hiệu quả hơn. Chính lợi thế này đã bảo vệ một tỷ lệ nhất định dân số những người có nhóm máu O trước sự tấn công của coronavirus. Cũng cần phải nói thêm, đây không phải là cách phòng thủ tuyệt đối và những người có hệ thống miễn dịch không tốt cũng có thể không chống chọi nổi lại cuộc tấn công của virus và bị nhiễm COVID-19.

Như vậy có thể nói, những người thuộc nhóm máu O được tiêm chủng tự nhiên chống lại các kháng nguyên A và B, nhờ thế phần nào đã tự chống lại các coronavirus đã nhiễm các kháng nguyên này.

Bệnh nhân thuộc nhóm máu O ít có nguy cơ bệnh nặng với COVID-19?

Nghiên cứu của nhóm các nhà khoa học Canada được công bố trên Blood Advances, cho thấy mối liên hệ giữa nhóm máu và mức độ nghiêm trọng của bệnh COVID-19. Nghiên cứu này đã phân tích trên 95 bệnh nhân nặng nhập viện ở Vancouver.

Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra những bệnh nhân có nhóm máu O và B biểu hiện bệnh COVID-19 bớt nghiêm trọng hơn những người thuộc nhóm A và AB. Họ ít phải thở máy hơn (61% so với 84%), bớt suy thận (9% so với 32%), tỷ lệ tử vong thấp hơn (14% so với 24%).

Vì sao biểu hiện bệnh nhân nhóm máu A và AB lại nặng hơn?

Các nhà nghiên cứu đã liên kết những kết quả này với đặc tính đông máu giữa các nhóm máu. Sự hình thành các cục máu đông trong phổi là một trong những nguyên nhân khiến tình trạng bệnh nhân trầm trọng và gia tăng tỷ lệ tử vong ở COVID-19.

Những người có nhóm máu O có ít yếu tố đông máu hơn và do đó ít tạo các cục máu đông trong phổi hơn. Những khác biệt này là quá nhỏ để có thể phát hiện ra trong cuộc sống bình thường và ở những người khỏe mạnh. Tuy nhiên, khi gặp các tình huống khắc nghiệt như nhiễm COVID-19, điều này trở nên rất rõ nét. Nghiên cứu này chưa chứng minh được giả thuyết nói ở trên, khi mới được thực hiện trên số lượng bệnh nhân quá ít. Tuy nhiên, nó sẽ mở màn cho những nghiên cứu sâu hơn về ảnh hưởng của các nhóm máu đối với quá trình diễn biến bệnh COVID-19.

Đọc xong bài này, bạn nên làm gì trước kết qủa của những nghiên cứu viết trên, khi bạn không thể thay đổi nhóm máu của mình? Không nhất thiết phải gọi điện ngay đến bác sĩ hay quá lo lắng, nếu bạn thuộc nhóm máu A hay AB. Mặt khác, nếu bạn thuộc nhóm máu O cũng không có lý do gì để nới lỏng các biện pháp phòng ngừa chống lây nhiễm Covid-19, như thực hiện đúng luật cách giãn xã hội, vệ sinh phòng bệnh, đeo khẩu trang và rửa tay cũng như nâng sức đề kháng của mình hay ở nhà theo dõi khi có biểu hiện, trong thời điểm dịch bùng phát khó kiểm soát như tại Ba Lan hiện nay.

Bài báo này chỉ muốn giúp cho bạn có cái nhìn sâu sắc hơn về cơ chế lây nhiễm bệnh Covid-19, cũng như vì sao bạn cần biết nhóm máu của mình. Nó cũng có thể giúp bạn giải thích vì sao có trường hợp ở, sinh hoạt chung cùng nhà mà không dẫn đến lây nhiễm chéo.

Các bảng dữ liệu nghiên cứu, thống kê tại Đan Mạch:

*

Dữ liệu theo Reduced prevalence of SARS-CoV-2 infection in ABO blood group O, Clinical Trials & Observations, tác giả: Mike Bogetofte Barnkob, Anton Pottegård, Henrik Støvring, Thure Mors Haunstrup, Keld Homburg, Rune Larsen, Morten Bagge Hansen, Kjell Titlestad, Bitten Aagaard, Bjarne Kuno Møller, Torben Barington. https://ashpublications.org/bloodadvances/article/4/20/4990/463793/Reduced-prevalence-of-SARS-CoV-2-infection-in-ABO


Hương Tống

Ban Hỗ trợ Cộng đồng người Việt Nam tại Ba Lan
phòng chống dịch Covid-19

Tổng hợp từ các bài nghiên cứu và báo đã đăng: 

Sửa lần cuối 2020-11-23 11:21:29

Bình luận

Bình luận qua Facebook