2021-05-18 09:04:28

Wujaszek Ho- Bác Hồ: một biểu tượng của nước Việt Nam thống nhất

Tadeusz IWIŃSKI - 25/09/2020

QV- Vài nét về tác giả: Giáo sư TSKH Tadeusz IWIŃSKI là chủ tịch Hội Hữu nghị Ba Lan-Việt Nam. Ông tốt nghiệp Khoa Hóa ĐHBK Vác-sa-va năm 1968, tốt nghiệp tiến sỹ (1973) ở ĐHTH Vác-sa-va và TSKH ở Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội (1981), được phong giáo sư năm 1989. Ông làm cộng tác cho nhiều trường đại học trên thế giới và giàng dạy ở nhiều trường đại học của Ba Lan. Ông biết trên 10 ngoại ngữ. Sau các thay đổi ở Ba Lan vào 1991, ông là đại biểu Quốc hội trong 7 khóa và trong đoàn đại biểu quan sát Quốc hội Châu Âu và trong ban lãnh đạo các đảng cánh tả như SdRP (Socjaldemokracja Rzeczypospolitej  Polskiej) và SLD (Sojusz Lewicy Demokratycznej). Trong các năm 2001-2004 ông bộ trưởng ở Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng phụ trách đối ngoại và tham gia các cuộc đàm phán để Ba Lan gia nhập Liên minh Châu Âu. Ông đã 5 lần đến thăm Việt Nam ở nhiều cương vị khác nhau, theo lời mời của Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội, ở cương vị bộ trưởng và vào năm 2015 – tham gia phiên họp Liên minh Quốc hội tại Hà Nội.

***

Các cuộc tranh cãi về vai trò của cá nhân trong lịch sử cũng như vai trò của sự ngẫu nhiên đã có từ bao đời nay và diễn ra theo nhiều vị thế khác nhau, trong đó có việc đề cao cá nhân. Chúng có phản ánh của mình cả ở trong thi ca, ta chỉ cần nhắc đến, ví dụ như thi sỹ Ba Lan Cyprian Kamil Norwid. Trong ngữ cảnh ấy, ít khi người ta nhắc đến ý kiến của một nhà triết học và một nhà cách mạng Nga, ông George Plechanov (1856-1918) – một đối thủ của Lê-nin và là một trong những nhà lãnh đạo nhóm thiểu số (men-sê-vich), người trong một công trình mà mãi đến tận năm 1947 mới được xuất bản ở Ba Lan, đó là công trình: „Về vai trò của cá nhân trong lịch sử”, trong đó ông đã viết như thế này: „Ngẫu nhiên là một cái gì đó có tính tương đối. Nó chỉ xuất hiện ở những điểm giao nhau của các quá trình cần thiết”.

„Con người ra sao thì có mơ ước như vậy” (Người sao của vậy - tục ngữ Việt Nam)

Ở châu Á -trên đại lục lớn nhất và đông người nhất (có dân số hiện nay là 4,6 tỷ người) chưa bao giờ không có những cá nhân xuất chúng, có tác động lớn đến số phận của toàn thế giới. Trong thế kỷ XX, theo ý kiến của tôi thì có ba chính trị gia sau: Mahatma Gandhi (1869-1948) người được gọi là „lương tâm của Ấn Độ”, Mao Trạch Đông (1893-1976) nhà lãnh đạo nhiều năm của Trung Quốc và Hồ Chí Minh (1890-1969) nhà lãnh đạo Việt Nam và trong thực tế là của cả Đông Dương, tức cũng của cả Lào và Căm-pu-chia. „Bác Hồ”, như người ta thường gọi ông, đã đóng một vai trò then chốt trong cuộc xung đột dài nhất kéo dài ba thập kỷ sau Chiến tranh thế giới hay được nói đơn giản là „cuộc chiến tranh ở Việt Nam”.

Cuộc chiến giành độc lập

Người Pháp đã chiếm Sài Gòn vào năm 1861, rồi chiếm Hà Nội vào năm 1873. Sau đúng một thập kỷ, một hiệp ước đã được ký giữa Pháp và An Nam về việc Pháp bảo hộ Bắc Kỳ (Annam), Trung Kỳ (Tonkin) và công nhận vùng phía Nam của Việt Nam  – Nam Kỳ -Cocochin – như một phần của nước Cộng hòa Pháp. Bằng cách đó, khối Liên hiệp Pháp đã ra đời, lúc đầu nó cũng bao gồm Căm-pu-chia rồi không lâu sau, cả Lào nữa. Dần dần trong cả Đông Dương, chủ yếu là ở Việt Nam, các khuynh hướng chống thực dân và các quá trình cách mạng đã mạnh lên trong giai đoạn của hai cuộc chiến tranh thế giới. Nhân vật của bài viết này đã tham gia tích cực vào phong trào ấy.

 Ông Hồ Chí Minh sinh ngày 19/05/1890 trong gia đình một nhà Nho ở tỉnh Nghệ An ở Bắc Kỳ, gần biên giới Lào, với cái tên là Nguyễn Sinh Cung. Sau đó ông đã dùng một loạt các tên khác trong đó có Nguyễn Ái Quốc (”Nguyen- người yêu nước”) và Nguyễn Tất Thành. Cái tên „Hồ”, ít nhất trong giai đoạn đầu của cuộc đời hoạt động của ông, có nghĩa là  „người mang ánh sáng lại”. Nhiều cuốn tiểu sử của ông, của người Việt, người Mỹ và những người khác viết (ví dụ Trần Dân Tiên, Pierre Brocheux, Sophie Quinn-Judge, Jean Lacouture,William Duiker hay Martin Grossheim) đã cho thấy rất thiếu các thông tin đáng tin cậy, đặc biệt về giai đoạn đầu của đời ông (ví dụ theo một số dữ liệu thì ông Hồ năm 1892 mới sinh ra).

Năm 1911, ông Hồ (với cái tên là Văn Ba) đã vượt biên khi làm phụ bếp trên một tàu buôn Pháp chạy từ Sài Gòn đến cảng Mac-xây và Havre. Trong túi ông chỉ có 10 franc. Trong 2-3 năm tiếp theo, ông chủ yếu làm trên tàu và tìm hiểu hầu như cả thế giới - từ Paris và Luân Đôn, Hoa Kỳ (ông đã sống ở khu phố Harlem của New York), cho đến Thổ Nhĩ Kỳ, Công-gô, Reunion, Mehico và Nam Mỹ. Ông vừa làm việc, vừa học tiếng (ông đã biết tiếng Trung Quốc) và đã phân tích một thực tế đầy rẫy những bất công, bóc lột và phân biệt chủng tộc. Sau đó ông đã viết một cuốn sách nhỏ với tựa đề „La Race Noire” („Chủng người da đen”). Vào cuối Đại chiến thứ nhất ông đã lập ra ở Paris Hội những người Việt Nam yêu nước. Ông hiểu chủ nghĩa yêu nước trước hết là giải phóng đất nước khỏi ách đô hộ của Pháp. Dần dần, ông Hồ Chí Minh trở thành một nhà cách mạng chuyên nghiệp. Ông gia nhập Đảng Xã hội Pháp và vào năm 1920 ông đã tham gia cuộc họp của những người thành lập Đảng cộng sản Pháp ở Tolouse. Khi đó ông đã phát biểu về tình hình ở đất nước mình:”người Việt bị áp đặt luật lệ khác với người châu Âu (…) Chúng tôi không có quyền được học tập. Chính quyền thuộc địa làm mọi thứ có thể làm để đầu độc chúng tôi bằng thuốc phiện và rượu”.

Trong thời gian này ông Hồ rất tích cực viết cho các báo, có cả các bài phản biện về phim. Nhưng trước hết, ông đã tổ chức ở nhiều nơi tại Đông Nam Á và một phần Trung Quốc các tổ chức cánh tả, trong đó có các tổ chức cộng sản. Nó đúng như ông Piotr Ostaszewski đã viết rất chính xác trong một công trình quan trọng của mình về Việt Nam: ”ông trước hết là người chống thực dân và đòi độc lập, còn sau đó mới là người cộng sản, ông coi lý tưởng này là phương tiện nhiều hơn là học thuyết”. Ông đã làm quen với rất nhiều nhà lãnh đạo hàng đầu và ở Mat-xcơ-va, vào những năm 1923-24, ông đã công bố hai bản đề cương về chính sách thực dân ở Đông Dương. Nhìn chung, ông cho là quá trình cách mạng ở châu Âu sẽ phụ thuộc nhiều vào các cuộc cách mạng dân tộc ở các nước thuộc địa của các quốc gia châu Âu. Vào cuối tháng 1/1924, ngay sau khi Lê-nin mất, tờ „Sự thật” ở Mat-xcơ-va  đã đăng bài báo của Hồ Chí Minh với tựa đề „Lê-nin và các nước thuộc địa”. Còn chính mình, với tư cách đại biểu của Quốc tế Cộng sản, ông đã cố gắng liên kết các nhóm cách mạng và rộng hơn là các nhóm cánh tả. Năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam đã được thành lập ở Hồng Công và không lâu sau đó, nó được biến đổi thành Đảng Cộng sản Đông Dương.

Per aspera ad astra („Vượt khó khăn để lên tới các vì sao”)

Giữa những năm 20 và 30 của thế kỷ trước đó đã là những năm cực kỳ khó khăn cho „những người đi tuyên truyền cách mạng ở châu Á” – như Pierre Brocheux đã viết. Thanh gươm Damokles đã treo trên đầu họ. Cái chết của Tôn Trung sơn vào tháng 3/1925 đã gây ra một sự phân lập lớn trong lòng Quốc Dân Đảng, rồi cuộc đảo chính của Tưởng Giới thạch chống lại liên minh đương thời cộng với sự sụp đổ của Công xã Quảng Đông đã là những đòn chí mạng cho những người cộng sản. Còn về biểu tượng thì ông Nguyễn Ái Quốc, mặc dù chuẩn bị rất nhiều nhưng ông không gặp được Lê-nin, người đã bất ngờ qua đời.

Hiện không có các dữ kiện hay tài liệu tin cậy về số phận của ông Hồ Chí Minh trong những năm 30. Ta chỉ biết là ông hoạt động tích cực trong số người Việt ở Xiêm, Hồng Công và ở chính Đông Dương, khi ông ủng hộ các cuộc nổi dậy nhưng không thành công của nông dân Việt ở các tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Ông cũng rất may sau khi bị tòa án Hoàng gia ở Vinh của Quốc vương bù nhìn Bảo Đại kết tội tử hình vào năm 1929, rồi nhà cầm quyền Hồng Công đã bắt giam ông hai năm sau đó. Nhưng việc trục xuất ông Hồ về Việt Nam đã không xảy ra, có lẽ một phần do tác động can thiệp của cả tòa lãnh sự Xô-viết tại Quảng Đông cũng như do một tin đồn không đúng sự thật về cái chết của ông. Sau khi được tha, ông đã đi Mat-xcơ-va rồi vài lần đến thăm các cơ sở cộng sản ở Trung Quốc. Nên nhớ rằng đó là thời kỳ thanh trừng kiểu Stalin ở Liên Xô, do vậy khó mà có các dữ liệu khẳng định và đáng tin cậy. Ta không biết các cuộc thanh trừng đó đã động đến ông Hồ Chí Minh ra sao, nhưng các hoạt động của ông vào cuối những năm 30 đã giảm đi đáng kể.

Trong những năm 1940-41, chính phủ Pháp của ông Vichy đã không có một chính sách rõ ràng với các thuộc địa phụ thuộc mình, đặc biệt là ở Đông Dương - hơn nữa, vị thế của ông ta ở chính mẫu quốc cũng yếu dần. Vào mùa thu năm 1940, ông Vichy đã ký với chính phủ ở Tokio một hiệp ước, theo đó người Nhật đảm bảo tính toàn vẹn và chủ quyền của các thuộc địa Pháp, đổi lại, họ được tự do hành động quân sự. Sau các cuộc thử kích động các cuộc nổi dậy vũ trang không thành công ở Nam Kỳ, Nguyễn Ái Quốc về Việt Nam và tại vùng núi Cao Bằng, ông đã làm công việc tổ chức, tạo ra một liên minh rộng rãi có tên là Việt Nam Độc lập Đồng minh hội, được gọi tắt là Việt Minh. Do tổ chức này muốn đấu tranh vũ trang chống cả người Nhật lẫn người Pháp, nên nó đã được sự ủng hộ của cả Hoa Kỳ lẫn Trung Quốc. Cũng vào thời gian này, ông Hồ Chí Minh đã cộng tác với nhà chỉ huy các đơn vị du kích của Việt Minh là ông Võ Nguyên Giáp – sau này là một vị anh hùng của Việt Nam, người đã thắng trận đánh ở Điện Biên Phủ và là một nhân vật then chốt của Cuộc chiến Đông dương lần thứ nhất và lần thứ hai. Họ đã cùng nhau soạn thảo ra chiến thuật đánh du kích, có tham khảo các kinh nghiệm chiến thuật của Mao Trạch Đông.

Việt Minh – khi ấy là người ủng hộ của các quốc gia Đồng Minh gồm Trung quốc, Liên Xô, Anh và trước hết là Hoa Kỳ, đã có một vai trò chính trị quan trọng ở Đông Dương. Họ có cộng tác chặt chẽ, trong đó với lực lượng tình báo Mỹ OSS.

Các sự kiện sau đó nối tiếp nhanh. Giữa tháng 8/1942 và tháng 9/1943, ông Hồ Chí Minh đã bị chính quyền địa phương tỉnh Quảng Tây bắt giữ, ông đã ở nhiều nhà tù trong vòng một năm (ông làm thơ trong tù) và sau khi được Quốc Dân Đảng thả, ông đã tăng cường các hoạt động. Các hoạt động này đã mang lại các kết quả đáng kể ngoài mong đợi – một phần do có các hoàn cảnh bên ngoài (ví dụ như cái chết của tổng thống Roosevelt, việc Nhật đầu hàng nhanh sau khi bị ném bom nguyên tử ở Hirosima và Nagasaki).

Trong hội nghị Việt Minh ở Tân Trào, họ đã ra quyết định thành lập Chính phủ lâm thời do ông Hồ đứng đầu. Ở quảng trường chính Ba Đình của Hà Nội, ngày 2/9/1945 nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã chính thức tuyên bố ra đời. Trong bài nói của mình, ông Hồ đã chủ tâm và liên hệ nhiều tới Bản Tuyên ngôn Độc lập của Hoa Kỳ do ông Thomas Jefferson đã viết và được thông qua ở Philadelfia ngày 4/7/1776. Đó là bài viết rất khôn khéo và được chuẩn bị tốt. Lúc ấy xung quanh ông có nhiều sỹ quan Hoa Kỳ, đứng đầu là thiếu tá Archimedes Patti – sếp tình báo USA ở Đông Dương. Nếu nhìn xa hơn về cuộc chiến Việt Nam thảm khốc về sau này thì điều nói trên có vẻ như một nghịch lý kỳ lạ, nhưng hồi ấy đó là hai lực lượng đồng minh.

Ở chỗ này, ta nên nhắc đến một nhân vật độc đáo là Bảo Đại (1913-1997) – ông vua cuối cùng của Việt Nam, hơi có phần (nhưng không đến mức bù nhìn như thế) giống với vị hoàng đế cuối cùng Phổ Nghi (1905-1967), người được khắc họa trong cuốn phim nổi tiếng của đạo diễn Bertolucci.

Ông ta lên ngôi năm 1926 nhưng trong nhiều năm cầm quyền ông chịu sự kiểm tra của người Pháp, sau đó của Nhật. Dưới áp lực của cách mạng năm 1945 ông đã thoái vị. Có một điều thú vị là sau cuộc bầu cử Quốc hội tháng 1 năm 1946 (lúc ấy Việt Minh giành được 97% số phiếu) ông ta đã tham gia vào đó rồi còn trở thành cố vấn của ông Hồ Chí Minh. Về danh nghĩa người ta còn để ông ta đứng đầu quốc gia.

Sau hội nghị Giơ-ne-vơ vào tháng 7/1954 đất nước bị chia ra hai phần „tạm thời” dọc vĩ tuyến 17, một lần nữa ông bị buộc phải thoái vị. Nhưng lần này khác với lần trước. Hoàng đế bị Thủ tướng miến Nam Việt Nam là ông Ngô Đình Diệm lật đổ vào năm 1955 – ông này là một người theo đạo Thiên Chúa cuồng tín (ông ta dâng đất nước vào sự bảo hộ của Đức Mẹ), đàn áp các phật tử. Bảo Đại sau sống lưu vong ở Pháp và mất tại đó. Điều này chứng tỏ sự mong manh và nhậy cảm của tình hình khi ấy. Xin lưu ý là vị hoàng đế chơi bài bridge rất giỏi.

Hội nghị ở Giơ-ne-vơ cấp cao (đại diện Hoa Kỳ – ông Dulles, Pháp – ông Bidault, Liên xô – ông Mołotov, Trung Quốc – ông Chu Ân lai, Anh – ông Eden) về thực tế đã chấm dứt thời kỳ thống trị của Pháp ở Đông Dương, nhất là ở Việt Nam. Phần căn bản của nó đã diễn ra sau thất bại của Pháp trong trận đánh ở Điện Biên Phủ, phía Bắc của nước này, nơi các lực lượng du kích của Việt Minh do tướng Giáp lãnh đạo vào tháng 5/1954 đã chiếm được căn cứ phòng thủ mà người Nhật xây trước đó.

Theo một số nguồn tin thì chính phủ ở Paris khi ấy đã xem xét cả việc dùng bom nguyên tử. Một trong các kết quả của hội nghị Giơ-ne-vơ (đã ký tổng cộng 12 văn bản) là việc tổ chức Ủy ban Quốc tế giám sát và kiểm tra với thành phần là các đại diện của Ấn Độ, Canada và Ba Lan. Trong nhiều nguồn tin nước ngoài, trong đó có của Việt Nam, thì giáo sư Mieczysław Maneli – một luật sư nổi tiếng, giáo sư ĐHTH Vác-sa-va và là đại diện của Ba Lan trong Ủy ban ở cấp đại sứ đã đóng góp một vai trò quan trọng tích cực, trong đó có khởi động việc trao đổi thư từ giữa các ông Ngô Đình Diệm và Hồ Chí Minh.

Năm 1971 ở New Jork đã ra mắt một cuốn sách thú vị của ông về hậu trường của nhiều sự kiện và các cuộc nói chuyện về đề tài tranh cãi về lý tưởng trong phong trào công nhân ở Đông Dương. Trụ sở của Ủy ban giám sát quốc tế lúc đầu nằm ở Hà Nội, sau đó ở Sài Gòn, với các trụ sở chi nhánh ở Viên Chăn và Phnom Penh, còn ở hơn chục điểm có các nhóm kiểm tra. Một điều bất ngờ là vào năm 1965, chính quyền Nam Việt nam đã ra lệnh cho các đại diện của Ấn Độ rời lãnh thổ của mình. Gần 2 nghìn người Ba Lan, trong đó phần lớn là quân đội chuyên nghiệp (có một số người làm đến tận năm 1975) đã phục vụ trong khuôn khổ của Ủy ban này.

Con đường đi tới thống nhất đất nước

Không chỉ ông Hồ Chí Minh mơ ước về một nước Việt Nam thống nhất, dù rằng chính ông đã không đợi được đến ngày đó. Trong thời gian Chiến tranh Lạnh, người Mỹ đã dần dần từ đồng minh chuyển sang thành kẻ thù và vào thời tổng thống Nixon, để ngăn chặn sự bành trướng của chủ nghĩa cộng sản ở châu Á, đã thi hành từ năm 1968 chính sách Việt Nam hóa.

Khi ấy có đến 546 nghìn lính Mỹ đóng ở Việt Nam – đó là một con số cao kỷ lục. Về sau con số này giảm dần, nhưng kết quả của chiến lược mới này rất hạn chế. Trong cuộc xung đột kéo dài gần hai thập kỷ này các bên tham gia về một phía là: Bắc Việt Nam với sự hỗ trợ của các nước xã hội chủ nghĩa (chủ yếu là Trung Quốc và Liên Xô), nhưng cũng có các nhóm cộng sản ở miền Nam Việt Nam (vào tháng 12/1950 Mặt trận giải phóng dân tộc - Việt Cộng đã được thành lập), Lào và Căm-pu-chia; còn phía kia là Việt nam Cộng hòa (trong cuộc đảo chính ở Sài Gòn vào tháng 11/1963, Diệm và anh trai đã bị giết) với các đồng minh của Hoa Kỳ ví dụ như Nam Hàn, Úc, Phi-lip-pin và Thái Lan. Cuộc chiến đã làm phân cực dư luận của thế giới, cũng là do các tội ác đã thực hiện (ví dụ như ở Mỹ Lai), việc dùng bom napalm, do đó các cuộc phản đối đã được tổ chức ở toàn thế giới, trong đó cả ở Mỹ.

Về đề tài này có rất nhiều tài liệu hầu như bằng tất cả các thứ tiếng trên thế giới, không chỉ tiếng Pháp và tiếng Anh. Cuối tháng 1/1973, tại Paris, các ông Henry Kissinger và Lê Đức Thọ đã ký kết một hiệp ước hòa bình chấm dứt cuộc chiến tranh kéo dài nhiều năm ở Việt Nam. Họ đã được giải thưởng Nobel do đạt được thỏa thuận lịch sử này. Tuy nhiên ông Lê Đức Thọ đã không nhận nó lấy lý do là cuộc chiến vẫn còn tiếp diễn. Có một ý nghĩa quan trọng và lich sử của cuộc di tản các nhân viên sứ quán Mỹ ở Sài Gòn bằng trực thăng hôm 30/04/1975. Câu tục ngữ La tinh: „Finis coronat opus (Cái kết thúc là phần thưởng của công việc)” đã lại được khẳng định.

Ông Hồ Chí Minh đã có một cuộc sống rất tích cực, trong đó ông đã đi nhiều nơi trên thế giới, không chỉ ở châu Á. Tuy nhiên sức khỏe của ông dần dần yếu đi, nhất là từ năm 1964. Ông đã không tham dự vào tất cả các cuộc họp quan trọng của Đảng và Chính phủ, mặc dù vẫn là Chủ tịch nước. Ông mất hôm 2/9/1969 sau một cơn đau tim đúng 24 năm, ở chính thành phố đó (Hà Nội) và ở chính quảng trường Ba Đình, nơi ông tuyên bố độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Trước đó người ta đã bí mật chuẩn bị cho tang lễ. Có lẽ họ cũng đã quyết định khá sớm (cùng cộng tác với các chuyên gia Nga) về việc xây lăng. Đứng đầu Ủy ban tang lễ là nhà lãnh đạo Đảng Lao động Việt Nam, ông Lê Duẩn và trong thành phần của nó có các thành viên lãnh đạo: Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Phó chủ tịch Lê Đức thọ, Chủ tịch Quốc hội trường Chinh, Bộ trưởng Quốc phòng Võ Nguyên Giáp. Thi hài của chủ tịch được đặt trong tòa nhà Quốc hội.

Cũng như nhiều nhà hoạt động cộng sản khác, ông HỒ Chí Minh cũng đã viết bản di chúc của mình từ hôm 10/5/1969 và nó đã được sửa đi sửa lại vài lần. Trong đó ông khẳng định là sau khi ông mất “không nên tổ chức linh đình để phí thời gian và tiền bạc của nhân dân”. Ông nhấn mạnh sự cần thiết tiếp tục cuộc chiến thống nhất đất nước. Ông đã bày tỏ hy vọng còn được đi một chuyến khắp nước để chúc mừng những người đồng bào anh hùng và sau đó đi đến các nước anh em “khắp năm châu để cảm ơn sự ủng hộ chân thành và sự giúp đỡ trong cuộc chiến trah với bọn xâm lược Mỹ”. Vậy khó mà có thể đồng ý với nhà nghiên cứu người Đức, ông Martin Grossheim, người đã viết rằng trong những năm cuối đời mình „wujaszek Ho- Bác Hồ” chỉ là „biểu tượng bị cô lập”. Ông cũng khiêm tốn và chống lại tệ sùng bái cá nhân đã xuất hiện khi ấy.

 Đảng cầm quyền ở Việt Nam hiện nay đưa ra hình ảnh nhà lãnh đạo lịch sử chủ yếu như một kiểu mẫu về đạo đức, ví dụ như trong cuộc đấu tranh với nạn hối lộ và như một nhà lý luận phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác. Trong tuyên truyền, khái niệm “tư tưởng Hồ Chí Minh” đưa ra rộng và được đưa vào chương trình giáo dục. Cũng có một Viện Chính sách Quốc gia hoạt động, nó đóng vai trò think tank cho Đảng Cộng sản Việt Nam quảng bá tư tưởng này.

Ta không biết nhiều lắm về đời tư của „Bác Hồ - Wujaszek Ho”. Người ta chỉ xác định được là vào năm 1926, với cái tên là Nguyễn Ái Quốc, ông đã kết hôn với bà Tăng Tuyết Minh, sau đó các dấu vết bị đứt. Không biết là ông có con hay không. Do vậy câu chuyện của anh Stefan Kubiak, một người Ba Lan hồi Đại chiến thứ hai đã tham gia vào Binh đoàn Lê dương Pháp, rồi cùng đơn vị này đến Việt Nam lại càng gây tò mò.

Trong trận Điện Biên Phủ, mặc giả như một sỹ quan Pháp, anh lính này đã lọt vào một trong các vị trí phòng thủ rồi mở đường cho quân đội Việt Nam tấn công. Anh đã được coi như một anh hùng, và ông Hồ Chí Minh đã nhận anh ta làm con nuôi, đặt tên là Hồ Chí Toán, anh ta lấy vợ Việt và về sống ở Łodz. Con anh ta (cũng tên là Stefan) có thể đang sống đâu đó ở ngoại ô Vác-sa-va. Thế là câu thành ngữ Pháp „Cherchez la femme” („Hãy kiếm người vợ”) một lần nữa lại đúng. Vậy liệu lần này có thể thành công tìm thấy chàng Stefan Kubiak trẻ kia không?!

Nguyễn Hữu Viêm, nguồn: Nhật báo „Trybuna”, số ra ngày 25-27/09/2020

https://trybuna.info/swiat/wujaszek-ho-ikona-zjednoczonego-wietnamu/ />

 

Sửa lần cuối 2021-05-18 07:04:28

Bình luận

Bình luận qua Facebook