2010-03-19 16:22:37

Làm thêm ở Úc: Những gam màu sáng tối

Mùa nghỉ hè tại Úc được xem là thời điểm lý tưởng để sinh viên Việt Nam tranh thủ làm thêm kiếm chút thu nhập trang trải chi tiêu. Tuy nhiên, vấn đề làm thêm tại Úc có những gam màu sáng tối riêng biệt mà chỉ có người trong cuộc mới hiểu rõ.

 

Một sinh viên Việt Nam làm thêm ở trang trại nho tại Robinvale, bang Victoria, Úc - Ảnh: P.T.Khoa

 

Học từ thực tế công việc

 

Cuốn sushi thoăn thoắt, Quốc Khánh (sinh viên Đại học Latrobe) tiết lộ đã làm công việc này hơn ba tháng nay. Với thu nhập 8 đôla Úc/giờ và có cơ hội tiếp xúc với nhiều người, luyện tập khả năng giao tiếp bằng tiếng Anh, Khánh tạm hài lòng với công việc hiện tại.

 

Đa số công việc làm thêm hiện nay được sinh viên Việt Nam ưu tiên lựa chọn là thu ngân, phụ quán, bán thịt cá, trái cây, phụ shop quần áo, bán bánh mì và hái trái cây ở các nông trại (làm farm). Theo họ, đây là những việc dễ tìm và có ích. Phần lớn sinh viên làm farm với lý do tập cách sống nông trang, tìm hiểu đời sống nông thôn Úc và lương cũng tương đối cao, ổn định.

 

Theo nhận xét chung, việc làm thêm ở Melbourne tuy không nhiều như ở Sydney nhưng cũng không quá hiếm nếu biết năng động tìm kiếm. Hoàng Vi, sinh viên cao học ngành kế toán tại Latrobe, cho biết ban đầu chỉ tính xin vào dọn dẹp ở một cửa hàng xe hơi gần nhà. Trong một lần dọn dẹp giấy tờ, chị đã sắp xếp theo đúng thứ tự các loại giấy thuế và chỉ cho chủ thấy sự bất hợp lý trong cách sắp xếp ban đầu. Nhờ vậy, chị được chủ “thăng chức” làm kế toán viên bán thời gian cho cửa hàng với mức lương khá “nóng”. “Kinh nghiệm làm kế toán trưởng ở Việt Nam đã giúp tôi tìm thấy cơ hội khi du học ở đây, quả là may mắn” - Vi cho biết.

 

Đoạn trường ai có qua cầu mới hay

 

Làm thêm nên nhìn nhận theo đúng bản chất của nó là cơ hội để sinh viên rèn luyện kỹ năng sống, là nơi để sinh viên có điều kiện nhận thấy giá trị đích thực của đồng tiền mình làm ra, làm tiền đề tốt cho sinh viên vào đời sau này. Việc làm thêm nên được gia đình và bản thân sinh viên nhìn nhận thực tế hơn nhằm tránh “tác dụng phụ” không đáng có do áp lực việc làm thêm mang lại.

Tìm được công việc phù hợp, ít thủ công và tăng chất xám (theo cách nói của các bạn sinh viên) thật khó như mò kim đáy bể trong tình hình hiện nay. Tuy nhiên, không phải lúc nào việc làm thêm cũng đầy gam màu hồng như trên... Giơ hai cánh tay đầy vết sẹo ngang dọc do vảy cá đâm cho chúng tôi xem, Thảo (sinh viên Đại học Latrobe) tâm sự về những ngày làm thêm công việc bán cá tại chợ Vic (tên thường gọi của chợ Queen Victoria).

 

Thảo cho biết đến giờ mười khớp ngón tay của mình vẫn còn cứng đờ khi co bóp. Đó là kết quả của những tháng mùa đông thức dậy từ 5g làm đến 14g, tiếp xúc từng thùng cá to và lạnh. Những ngày nghỉ còn đỡ, những ngày đi học phải dậy từ khuya đến chợ dọn hàng rồi 8g nhảy lên tàu điện (tram) về lại trường cách đó 30km để kịp giờ vào lớp.

 

Ngay cả công việc hái trái cây với thu nhập như mơ cũng không dành cho mọi người. Phần lớn sinh viên làm việc này đều có chung nhận xét đây là nghề trời cho, tức dựa vào thời tiết. Có bạn sau một thời gian đi làm về nhẩm lại thấy lỗ hoặc chỉ huề vốn (thu nhập = tiền xe, ăn, ngủ).

 

Đưa tấm hình bão cát mù mịt, Kim Long (sinh viên Đại học Swinburne) chán nản kể về chuyến đi hái nho ở New South Wales vừa rồi. Do nho năm nay mất mùa nên giá nhân công cũng giảm theo. Năm ngoái, một thùng nho hái được chủ thầu trả 9 đôla Úc thì nay chỉ 3-4 đôla, chưa kể những ngày thời tiết xấu phải nghỉ không công. Trong khi đó tiền thuê giường là 10 đôla Úc/ngày, chưa kể tiền ăn.

 

Nhóm của Long đi được 30 người cứ rơi rụng dần chỉ sau ba tuần. “Qua đây mới thấy kiếm tiền khó biết nhường nào. Ngày trước ở Việt Nam làm lặt vặt cũng có tiền nhậu với bạn bè, qua đây hết dám, đã vậy còn gặp bão cát, chuyến này coi như xong” - Long tâm sự sau chuyến đi farm trở về.

 

Rủi ro tiềm ẩn

 

“Làm thêm, tiếp xúc với người bản xứ đôi khi cũng thấy lo sợ. Họ cứ nghĩ mình là sinh viên quốc tế nên có dịp hà hiếp thì họ làm tới” - Trang, sinh viên Đại học Latrobe - đang trông coi cửa hàng quần áo ở chợ Preston, bày tỏ về công việc của mình - Có lần bị khách vào đạp đổ đồ bày bán trong shop, buông lời thóa mạ mà mình chỉ biết khóc tức tưởi, muốn gọi cảnh sát cũng không được, sợ họ kích động làm bậy”.

 

Trong khi đó, N.V. chua chát khi nói về kết quả học tập vừa qua: “Tưởng làm thêm kiếm chút tiền chi tiêu, ai dè bị lỗ”. Số tiền kiếm được 170 đôla Úc/tuần tại cửa hàng không đủ cho bạn đóng khoản phí học lại môn rớt là hơn 2.000 đôla. Theo V., vì ban đầu quá tôn sùng chuyện làm thêm, nhất là áp lực từ gia đình cho rằng đi nước ngoài là phải làm thêm nên V. buộc phải làm thêm bằng mọi cách, dẫn đến lơ là việc học. V. cho biết kết quả đó là của một quãng thời gian dài ngủ gà ngủ gật trên lớp sau mỗi buổi bán hàng.

 

Hiện đang có tâm lý từ phía phụ huynh trong nước cho rằng việc làm thêm ở nước ngoài dễ kiếm nên cứ cố gắng lo cho con cái sang được nước ngoài, còn chuyện tiền nong sinh hoạt thì đi làm tính sau, chắc chắn sẽ có. Chính vì vậy một số sinh viên bị đẩy vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan trước việc làm và học. Quy định sinh viên không được làm quá 20 giờ/tuần khi đang học của Chính phủ Úc nhằm đảm bảo quyền lợi học tập của sinh viên.

 

PHẠM TRẦN KHOA (từ Melbourne, Úc)

Tuổi trẻ

Sửa lần cuối 2012-12-20 01:39:29

Bình luận

Bình luận qua Facebook