2010-03-30 18:50:53

Sinh viên học nghề có phải ‘thợ săn PR’?

Từ trước đến nay, khi nhắc đến sinh viên học nghề (VET) tại Úc, báo chí thường sử dụng cụm từ ‘thợ săn PR’ để ám chỉ những sinh viên chỉ có mục đích duy nhất là nhập cư mà không quan tâm đến chất lượng học tập. Vậy điều này có thực sự đúng hay không?


Sinh viên học nghề có phải ‘thợ săn PR’?

Sinh viên học nghề tại Úc trong một buổi thực hành. (Bay Vút)

 

Bay Vút đã có buổi trò chuyện với Tiến sĩ Trần Thị Lý, giảng viên khoa Giáo dục của Đại học RMIT đồng thời là cán bộ nghiên cứu về giáo dục cao đẳng, dạy nghề của Ủy ban Nghiên cứu Khoa học Úc (Australian Research Council - ARC), về vấn đề này.

 

PV: Chị có thể cho biết số lượng sinh viên VET của Úc trong những năm trở lại đây?

 

T.S Trần Thị Lý: “Theo số liệu của Trung tâm Giáo dục Quốc tế Úc (AEI), tính đến tháng 11/2009, có khoảng 629.618 sinh viên quốc tế đến Úc học tập, trong đó có 231.452 sinh viên cao đẳng và nghề. Con số này tăng lên 34,3% so với năm 2008. Khu vực giáo dục cao đẳng và dạy nghề chiếm hàng đầu về số lượng sinh viên quốc tế, trong đó 85% sinh viên đến từ Châu Á, đặc biệt là Ấn Độ (29%) và Trung Quốc (7%). Tính đến cuối năm 2009, Việt Nam xếp thứ 6 về số lượng sinh viên sang Úc học tập. Xét về giáo dục cao đẳng, dạy nghề, những ngành nghề được lựa chọn nhiều nhất là trung cấp thương mại và quản trị kinh doanh, trung cấp kế toán, sau đó là nấu ăn, quản trị khách sạn và dịch vụ, tiếp theo là các ngành xã hội và văn hóa. Phần lớn các sinh viên VET (84%) chọn các trường dạy nghề tư và chỉ có 16% đăng kí học ở các trường công lập.”

 

PV: Là một người chuyên nghiên cứu về sinh viên VET tại Úc, chị có thể cho biết động cơ học nghề của họ là gì?

 

T.S Trần Thị Lý: “Chúng tôi đã thực hiện một cuộc nghiên cứu về động cơ của sinh viên VET và tiến hành phỏng vấn 130 sinh viên VET, giáo viên và các giám đốc điều hành của 22 trường dạy nghề công lập và tư thục ở bang New South Wales, Queensland và Victoria. Tôi cũng từng tham gia vào một số hoạt động của sinh viên VET cũng như đến thăm nơi làm việc của họ để có một cái nhìn đa chiều hơn về cuộc sống của sinh viên quốc tế tại Úc.”

 

“Theo số liệu nghiên cứu của tôi, các sinh viên sang Úc học nghề có thể được chia làm bốn nhóm chính. Nhóm thứ nhất gồm những sinh viên học nghề để xin thường trú (PR) và PR là mục tiêu duy nhất. Họ có thể học những ngành không yêu thích nhưng miễn đáp ứng được mục tiêu PR. Nhóm thứ hai gồm những sinh viên học nghề với mong muốn lấy được PR nhưng thực sự họ cũng thích ngành học và muốn học hỏi, thu thập kiến thức, phát triển kĩ năng chuyên môn. Nhóm thứ ba gồm những sinh viên khi mới sang Úc thì không hề có ý định nhập cư nhưng sau một thời gian lại thay đổi ý nghĩ. Họ nhận thấy PR giúp họ mở ra những cánh cửa khác để trở thành công dân quốc tế nên có suy nghĩ “tại sao không?”. Nhóm thứ tư gồm những sinh viên học nghề hoàn toàn không vì mục tiêu PR hoặc những sinh viên thay đổi ý định nhập cư. Những người không có mục đích PR thì muốn học cao đẳng, dạy nghề như một bước đệm để chuyển tiếp lên đại học hoặc thậm chí học tiếp thạc sĩ, còn những người thay đổi ý định nhập cư thì ban đầu cũng có mục tiêu PR nhưng sau đó lại muốn trở về nước làm việc hoặc mở một doanh nghiệp riêng. Ngoài ra, còn có một nhóm đối tượng khác chọn học nghề tại Úc vì học phí rẻ hơn đại học, thời gian nhập học lại linh động hơn nên họ muốn đi ra thế giới để có thêm trải nghiệm, khám phá.”

 

PV: Theo chị, gia đình đóng vai trò như thế nào trong việc đưa ra quyết định lựa chọn học nghề của các sinh viên?

 

T.S Trần Thị Lý: “Theo tôi, gia đình cũng là một yếu tố ảnh hưởng đến quyết định lựa chọn học nghề của sinh viên. Mặc dù đây không phải là mục tiêu nghiên cứu của tôi nhưng sau khi phỏng vấn các sinh viên thì tôi lại nhận thấy rõ điều này. Có nhiều sinh viên đã đăng kí học đại học rồi nhưng gia đình lại bảo đổi sang học nghề để có cơ hội nhập cư vào Úc.”

 

PV: Ở Việt Nam, các bậc cha mẹ thường có tâm lí chuộng bằng cấp và đại học luôn là sự lựa chọn đầu tiên. Trong khi đó, như chị vừa nói thì mặc dù một số gia đình hoàn toàn có đủ khả năng lo được cho con học đại học tại Úc nhưng rốt cục họ lại khuyên con học nghề. Vậy theo chị, đâu là nguyên nhân của vấn đề này?

 

T.S Trần Thị Lý: “Điều này cũng được đề cập đến trong nghiên cứu của tôi. Nguyên nhân thứ nhất là do học phí cao đẳng, dạy nghề ở Úc rẻ hơn nhiều so với bậc đại học nên nhiều người khuyên con học nghề. Tuy nhiên, việc học không chỉ dừng lại ở đó mà sau khi tốt nghiệp, con cái họ sẽ đi làm và tiếp tục học lên đại học. Vì vậy, số lượng sinh viên Việt Nam coi học nghề như một bước đệm để học lên đại học là rất phổ biến và cao hơn hẳn so với sinh viên những nước khác. Điều này phần nào đó thể hiện tâm lý trọng bằng cấp vì cha mẹ họ vẫn muốn con mình có bằng đại học.”

 

“Lý do thứ hai là một số gia đình lại được các công ty du học tư vấn học nghề vì con họ không đủ 6.5 điểm tiếng Anh IELTS để học đại học, hơn nữa nhiều trường cũng quảng cáo các khóa học gắn liền với việc dễ dàng xin được PR.”

 

“Lý do thứ ba là một số gia đình có bà con ở Úc nên họ nắm rất rõ những ngành nào nằm trong Danh sách các ngành nghề nhập cư có nhu cầu cao ở Úc, hơn nữa, họ biết rõ khả năng học tập trung bình của con em mình nên học nghề là ưu tiên hàng đầu.”

 

PV: Như chị nói thì việc các sinh viên sang Úc học nghề có một phần nguyên nhân không nhỏ xuất phát từ các trường dạy nghề. Tuy nhiên, theo rất nhiều phản ánh của các sinh viên, mặc dù các trường tích cực quảng cáo khóa học gắn liền với PR nhưng lại không tập trung nâng cao chất lượng giảng dạy. Xin chị cho biết về chất lượng dạy nghề ở Úc?

 

T.S Trần Thị Lý: “Chất lượng giáo dục nghề ở Úc khá khác biệt giữa các trường. Có những trường chất lượng rất tốt và luôn có số sinh viên đăng kí nhập học vượt quá chỉ tiêu nhưng cũng có những trường thậm chí là còn không có thư viện. Những trường chất lượng kém như vậy thực sự là hoạt động kinh doanh chứ không phải cung cấp dịch vụ giáo dục khiến cho sinh viên cực kì thất vọng về chất lượng đào tạo. Ngoài ra, theo các số liệu mà tôi thu thập được thì có một vấn đề liên quan khác là chương trình giảng dạy dành cho sinh viên Úc, phù hợp thực tế của thị trường lao động và quy trình thẩm định tay nghề tại Úc thì trong một chừng mực nào đó lại không phù hợp với sinh viên quốc tế đến từ các nước như Việt Nam, Trung Quốc, Ấn Độ. Vì vậy, nhiều giáo viên đã cố gắng sửa đổi chương trình giảng dạy cũng như phương pháp giảng dạy cho phù hợp hơn với nhu cầu và đặc tính của sinh viên quốc tế.”

 

PV: Bản thân là một giảng viên, chị có nghĩ rằng các giáo viên dạy nghề cần có trách nhiệm hơn vì theo phản ánh của sinh viên, ở rất nhiều trường dạy nghề, sinh viên chỉ cần đóng tiền học là sẽ được cấp bằng mặc dù họ không cần lên lớp?

 

T.S Trần Thị Lý: “Theo nghiên cứu của tôi, đúng là có những trường làm ăn thiếu đúng đắn như vậy. Ở những ‘nhà máy sản xuất PR’ này, thậm chí, có sinh viên ngành Tóc còn nói với tôi rằng dường như các giáo viên không muốn dạy vì như vậy là lãng phí thời gian và công sức của họ. Một lần, sinh viên đó yêu cầu giáo viên chấm điểm bài thực hành của mình và được giáo viên hỏi lại: “Em muốn trở thành nhà tạo mẫu tóc hay chỉ muốn nhập cư vào Úc?”. Sinh viên đó trả lời rằng mình chỉ học vì PR. Ngay lập tức, giáo viên này nói rằng: “Được rồi, cho em qua môn này” mà không hề xem xét bài thực hành của bạn. Tuy nhiên, đó cũng chỉ là mặt trái của vấn đề bởi có nhiều giáo viên thực sự tận tâm với sinh viên. Một sinh viên học nấu ăn ở bang Queensland cho tôi biết ban đầu, bạn không hề yêu thích nấu nướng nhưng rồi chính sự tận tụy, thân thiện của giáo viên hướng dẫn đã khơi dậy niềm đam mê cho bạn và rốt cục là hiện tại, bạn đó cực kì yêu thích ngành học của mình.”

 

PV: Nói như vậy thì việc Bộ Di trú Úc thay đổi chính sách nhập cư vào tháng Hai vừa qua đã giáng một đòn mạnh vào các trường dạy nghề kém chất lượng?

 

T.S Trần Thị Lý: “Đúng vậy. Đó là một điều tất yếu bởi những trường dạy nghề có chất lượng cao, thu hút được nhiều sinh viên quốc tế sẽ không mấy bị ảnh hưởng, còn những trường chất lượng kém chỉ dựa vào PR làm mục tiêu quảng cáo ngành học thì sẽ không thể duy trì được số lượng sinh viên cần có nên sẽ khó có thể đứng vững.”

 

PV: Gần đây, theo báo chí đưa tin, hầu hết những sinh viên quốc tế học nghề tại Úc chủ yếu vì mục tiêu PR. Theo chị, điều này có phải là ‘vơ đũa cả nắm’ hay không?

 

T.S Trần Thị Lý: “Theo nghiên cứu của AEI, vào năm 2007, có 51% sinh viên VET cho biết nhập cư là một mục tiêu quan trọng của họ và 38% sinh viên VET cho biết các trung tâm tư vấn di trú đóng vai trò quan trọng, ảnh hưởng tới quyết định chọn ngành học của họ. Xét trên tổng thể, 81% tổng số sinh viên VET có ý định tìm việc làm tại Úc sau khi tốt nghiệp.”

 

“Tuy nhiên, điều này không chỉ xảy ra với sinh viên VET. Vào năm 2010, theo tổ chức nghiên cứu giáo dục JWT, 28% sinh viên quốc tế đang học đại học ở Úc hy vọng xin được PR sau khi hoàn thành khóa học. Hơn nữa, một số liệu khác cho thấy 78% sinh viên VET và cả sinh viên đại học cũng như cao học sắp tốt nghiệp tại Úc đang hoàn thành hồ sơ xin PR hoặc có ý định xin PR.”

 

“Theo số liệu nghiên cứu của tôi, phần lớn các sinh viên VET đều muốn học hỏi kiến thức để phục vụ cho công việc tương lai. Họ thực sự yêu thích ngành học nhưng cũng muốn có được PR. Còn nhóm đối tượng chỉ có mục tiêu PR thì chiếm tỉ lệ rất ít.”

 

“Việc khái quát hóa một cách thiếu cơ sở rằng sinh viên VET chỉ là những ‘thợ săn PR’ cộng với trong thời gian gần đây, một số trường dạy nghề kém chất lượng phải ngừng hoạt động có thể gây ảnh hưởng lớn đến ngành công nghiệp giáo dục của Úc.”

 

“Nhận định sinh viên VET chỉ là những ‘thợ săn PR’ là không đúng và thực sự là không công bằng với họ vì động cơ học tập của họ cực kì đa dạng. Rất nhiều người thực sự có đam mê, hoài bão với ngành học của mình. Ngoài ra, nhận xét ‘vơ đũa cả nắm’ này cũng khiến cho các sinh viên có động cơ học tập thực sự cảm thấy thất vọng và bị tổn thương vì họ bị đánh đồng với những sinh viên chỉ có duy nhất mục đích nhập cư với chất lượng học tập kém.”

 

Hoa Hạ (Bayvut.com)

Sửa lần cuối 2012-12-20 02:18:04

Bình luận

Bình luận qua Facebook