2010-06-02 05:33:29

Xuất xứ bài thơ tình được coi là tuyệt tác trong thi đàn Việt nam

 

Em đi tìm anh - ảnh minh họa

Năm 1990, NXB Văn hóa ấn hành cuốn Almanach Người mẹ và phái đẹp, trong mục “Những bài thơ tình hay của Việt Nam và thế giới” đã tuyển chọn bài thơ Em đi tìm anh trên Bán đảo Ban- căng”, một bài thơ tình với những lời thơ nồng nàn, da diết: “Em đi tìm anh trên Bán đảo Ban-căng/ Tìm không thấy chỉ thấy trời im lặng/ Một mình em trong màn đêm thanh vắng/ Tim bồi hồi chân bước vội dưới trăng” và ghi rất rõ tác giả là Olga Bergon (nữ thi sĩ Nga nổi tiếng), nhưng không thấy tên dịch giả. Trước đó, trong suốt hơn 30 năm, các thế hệ sinh viên Việt Nam, đặc biệt là sinh viên miền Bắc và nhiều người yêu thơ đã thuộc, đã chép cho nhau, truyền tay nhau những câu thơ tình mà chỉ cần đọc một lần là người đọc giữ mãi trong tâm trí những ấn tượng đẹp về cả bài thơ. Chẳng ai bận tâm đến tên tác giả, vì ai cũng nghĩ đó là câu chuyện tình của những chàng trai cô gái châu Âu. Tên núi Các-pát, tên sông Đa-nuýp củng cố trong họ niềm tin đó.

Vậy mà tác giả của bài thơ đó lại là chàng sinh viên Việt Nam tài hoa đã du học tại Rumani những năm 60 của thế kỷ XX. Còn nhân vật chính trong bài thơ là cô gái bản xứ tóc vàng, mắt xanh xinh đẹp. Họ bất ngờ gặp nhau, quen nhau trong kỳ nghỉ hè bên bờ Biển Đen và yêu nhau. Tình yêu của họ nồng nàn, đắm say, dạt dào như sóng biển. Nhưng do hoàn cảnh đặc biệt khắc nghiệt lúc bấy giờ, chàng trai Việt buộc phải chia tay cô gái Rumani mà không được nói rõ lý do. Rồi chàng biến mất, để lại hậu quả là cô gái phát bệnh tâm thần, lang thang đi tìm người yêu ở tất cả những nơi trước đây hai người đã từng gặp gỡ, từng hẹn non thề biển … Chàng trai đau khổ đến tột cùng khi phải câm lặng chứng kiến nỗi đau của cô gái bị phụ tình, mà người phụ nàng một cách tàn nhẫn không phải ai khác, chính là chàng. Và trong hoàn cảnh éo le ấy, bài thơ đã ra đời và tác giả của nó không thể ngờ rằng chẳng bao lâu sau nhiều câu đã trở thành những áng thơ tình bất hủ, thậm chí được một số độc giả coi là một trong những bài thơ tình hay của thế kỷ XX …  

Tác giả bài thơ Em đi tìm anh trên Bán đảo Ban-căng là kỹ sư hóa học Khổng Văn Đương. Sau khi bài thơ được in trong cuốn Almanach đã nói ở trên và được coi là của nữ thi sĩ Nga Olga Bergon, tác giả đích thực của nó, trong một lần tiếp xúc với bạn bè, đã kể lại toàn bộ câu chuyện liên quan đến xuất xứ bài thơ. Thì ra sau khi bị buộc phải từ bỏ tình yêu của mình, chàng trai Việt nhận được bức thư của cô gái Rumani với những lời oán trách nặng nề của cô gái. Và bức thư đó là khởi nguồn bài thơ. Có một điều hết sức đặc biệt là bài thơ thì được truyền tụng rộng rãi, được ngưỡng mộ tột bậc, còn tác giả của nó thì gần như đã giữ im lặng hoàn toàn, cho dù hàng triệu người yêu thơ cũng như rất nhiều nhà xuất bản nghiễm nhiên coi “đứa con tinh thần” của ông là của người khác. Tác giả Khổng Văn Đương thổ lộ với bạn bè rằng ngay sau khi cuốn Anmanach do NXB Văn hóa cho ra đời, ông đã viết một bức thư định gửi cho NXB yêu cầu đính chính, nhưng đắn đo mãi vẫn chưa gửi.

 

Trở lại câu chuyện tình yêu giữa chàng sinh viên Việt và cô gái bản xứ

 

Năm 1965, Khổng Văn Đương (sinh năm 1945, tuổi Ất Dậu), quê ở Lâm Thao, Phú Thọ, được Bộ Giáo dục chọn đi học đại học ngành hóa tại trường Đại học Bách khoa Georges Dej Bucarest Rumani. Chẳng hiểu số phận run rủi hay duyên kỳ ngộ, mùa hè năm 1966, khi đi nghỉ mát tại Biển Đen, chàng đã gặp Valentina, cô gái Rumani tóc vàng, mắt xanh, 17 tuổi, học sinh lớp 12. Một năm sau, tức năm 1967, vào dịp nghỉ hè, Valentina lên thăm ông chú ở Bucarest, ngay chỗ chàng đang học. Nàng gọi điện mời chàng đến chơi. Chàng run lên vì sung sướng, vội vàng đi gặp nàng. Hai người đã gắn bó với nhau trong suốt kỳ nghỉ hè. Đó là một thời gian tuyệt đẹp. Tình yêu giữa hai người nảy nở và họ yêu nhau bằng cả trái tim chân thành và trong sáng. Thậm chí nhiều lần Đương đã cùng người bạn học thân thiết của mình về thăm gia đình Valentina ở quê vào mùa đông năm 1967.

Nhưng rồi chuyện yêu đương của bất cứ sinh viên Việt Nam nào với người bản xứ đều không được Ban chấp hành Đoàn và tổ chức sinh viên tại Rumani chấp nhận. Chuyện tình của Đương cũng không phải là một ngoại lệ. Anh phải làm kiểm điểm và tổ chức yêu cầu chấm dứt quan hệ yêu đương với Valentina. Thấy rõ nguy cơ bị buộc thôi học nếu tiếp tục yêu, hình dung nỗi nhục mà gia đình và những người thân phải chịu khi phải về nước giữa chừng, trong một lần đi chơi với Valentina, Đương đã đề nghị và quyết định hai người cắt đứt quan hệ mà không nói rõ lý do. Anh hoàn toàn không ngờ việc đó đã gây ra hậu quả rất đau lòng đối với nàng. Khoảng nửa tháng sau, Đương nhận được lá thư của Valentina với lời lẽ hết sức bi ai và oán hận. Xúc động trước tình cảm chân thành, tha thiết này, Khổng Văn Đương đã viết bài thơ "Em đi tìm anh trên bán đảo Ban-căng" chỉ trong một buổi chiều. Bài thơ đã miêu tả gần như toàn bộ nỗi niềm ai oán, giận hờn của Valentina chứa đựng trong bức thư nàng gửi cho anh. Điều hết sức đau khổ nữa là sau cú sốc đó, đang là sinh viên Trường Đại học Tổng hợp Bucarest, Valentina bị ngẩn ngơ đến nỗi phải nghỉ học một năm. Còn Đương bị tịch thu tập thơ (trong đó có khoảng 50 bài thơ viết riêng cho Valentina), cả thư từ, ảnh chụp chung của hai người.

 

Kết thúc có hậu

 

Sau khi về nước nhận công tác, Đương vẫn canh cánh nỗi lo về người yêu cũ. Nhưng thật may mắn, năm 1979, khi có dịp sang công tác ở Tiệp Khắc, anh đã cố gắng tìm kiếm cơ may gặp lại Valentina. Và quả thật anh đã gặp may. Chỉ mấy hôm sau khi liên lạc điện thoại, nàng đã cùng chồng con có mặt tại Tiệp Khắc. Đương đặc biệt vui mừng khi thấy Valentina khoẻ mạnh, xinh đẹp như xưa và rất hạnh phúc trong cuộc sống gia đình …

Quyền sở hữu bài thơ tình của chàng sinh viên năm xưa cũng đã được trả lại cho tác giả đích thực của nó. Chả là sau khi nghe theo lời khuyên của bạn bè, ông Đương đã gửi hồ sơ đến Trung tâm Bản quyền Hội Nhà văn VN. Trung tâm đã xác minh, và Khổng Văn Đương được cấp giấy chứng nhận bản quyền tác giả bài thơ Em đi tìm anh trên Bán đảo Ban-căng”.

 

Em đi tìm anh trên bán đảo Ban-căng

 

Khổng Văn Đương

 

Em đi tìm anh trên bán đảo Ban-căng

Tìm không thấy chỉ thấy trời im lặng

Một mình em trong màn đêm thanh vắng

Tim bồi hồi chân bước vội dưới trăng

 

Em trèo lên đỉnh núi cao Các-pát

Nhìn theo anh mất hút biết về đâu

Chân ai đi xa lắc tím trời Âu

Dòng nước mắt bỗng trào ra chua chát!

 

Em lại đến Biển Đen xưa dào dạt

Sóng xô bờ liên tiếp gọi triền miên

Buồn! Chao ôi, gió làm em phiêu bạt

Thân cô đơn kinh khiếp cả trăng hiền!

 

Ôi dòng xanh rầm rì sông Đa-nuýp

Mây trời in lồng lộng giữa dòng sông

Nên ngàn năm êm đềm trôi một nhịp

Chỉ mình em nhức nhối vết thương lòng!

 

Mênh mông bát ngát làm chi, ơi trái đất

Cho loài người chia biên giới thế gian

Cho sa mạc nổi bùng cơn bão cát

Cho tình anh chưa bén đã lụi tàn?

 

Em xin hỏi Trời cao và Đức Phật

Cõi Niết Bàn có mãi mãi mùa xuân

Đâu trời Tây, đâu xa gần cực lạc

Mà trần gian đầy bể khổ trầm luân?

 

Con lạy Chúa Jêsu ban phép lạ

Cho nước Người hết ly biệt, chia phôi

Hai chúng con quỳ trước Người đa tạ

Xin hòa tan làm một, ngàn đời!

 

Em cầu nguyện. Còn anh anh chẳng biết

Trái tim anh sao giá lạnh thờ ơ?

Và hôm nay dù tình anh đã hết

Em vẫn mong, vẫn hy vọng, vẫn chờ ...

 

Vẫn trèo lên đỉnh cao Các-pat

Vẫn theo dòng Đa-nuýp những đêm trăng

Em lại đến Biển Đen xưa dào dạt

Đi tìm anh trên bán đảo Ban-căng!.

 
Bucarest, 19-3-1969

 

NGUYỄN CHÍ THUẬT sưu tầm và giới thiệu

(có tham khảo bài viết „Chuyện tình không biên giới và bài thơ tình hay nhất thế kỷ XX”

của Trần Thu Hằng đăng trên Phongdiep. net)

 

Sửa lần cuối 2012-12-20 04:56:04

Bình luận

Bình luận qua Facebook